Tổ sư Minh Đăng Quang
I – Thân thế : Từ niên thiếu đến trưởng thành
Thời niên thiếu:
Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang – vị Tổ Sư khai sáng Giáo Hội Tăng Già – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quí Hợi (nhằm 04 tháng 11 năm 1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ngài xuất thân từ gia đình có truyền thống trọng Nho kính Phật. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu. Thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Tỵ (tự Nhàn). Khi Thành Đạt tròn mười tháng tuổi, cụ bà lâm trọng bệnh và lìa đời, được người cô và bà nội, sau đến kế mẫu Hà Thị Song giáo dưỡng cho ăn học đến lúc trưởng thành. Như đã sẵn có căn lành gieo trồng từ trước, cậu bé Nguyễn Thành Đạt thỉnh thoảng theo cụ ông đến Chùa dâng hương lễ Phật nghe Kinh, tập lần chay lạt. Nhờ đó tâm thương người mến vật được nẩy nở và phát triển. Lại thêm ảnh hưởng phần nào việc nghe xem kinh sử và phong trào “Cứu nhân độ thế” đương thời, nên có lần Thành Đạt xin theo cụ ông đi Cao Miên để tìm hiểu về tài phép hay lạ của Lục Tà Keo. Khi trở về Việt Nam, ấn tượng tài phép của Lục Tà Keo vẫn luôn ám ảnh tâm trí người trai trẻ có lòng thương đời mến vật. Đến năm 15 tuổi, bấy giờ tư tưởng “Cứu nhân độ thế” luôn thôi thúc tâm Người. Người quyết định xin phép gia đình sang Cao Miên cầu học pháp mầu.
Thời trưởng thành :
1) Cầu phép “Cứu nhân độ thế” :
Suốt khoảng 3 năm theo thầy học nghiệm phép mầu. Ngài phải đón nhận với bao thử thách cực kỳ gian khổ, nhưng vẫn không sờn lòng, chỉ mong sao sớm được phép mầu. Nhưng Người đã thất vọng, vì những điều nghe biết chưa đủ đáp ứng tâm nguyện mong cầu. Người quyết định xin thầy trở về Việt Nam. Bấy giờ tuổi đã trưởng thành.
2) Nợ duyên trần thế :
Trong khi chờ duyên tiếp tục tầm cầu Chơn Lý độ đời, Thành Đạt xin phép gia đình tìm việc tạm sống. Người đến thăm ông Hội Đồng Nhiều vì đã có lần biết ông tại nhà Lục Tà Keo. Ông là chủ một nhà buôn làm ăn khá lớn ở Sài Gòn. Gặp lại Thành Đạt, ông rất mừng rỡ mời người cộng tác quản lý việc sổ sách. Ông Hội Đồng Nhiều có người con gái nuôi tên Nguyễn Kim Huê, hương sắc mặn mà, khiến Lục Tà Keo đem lòng say đắm. Lục Tà Keo trước đây có tu học làm Lục ở Chùa, có sở trường về khoa bùa chú, phù phép, trị bệnh, trừ ma ếm quỷ, và rất được đông đảo bà con hâm mộ, trong đó có Hội Đồng Nhiều. Ông nổi danh là bậc “Cứu nhân độ thế”, về sau hoàn tục có gia đình, lập nghiệp làm ăn theo đời, nên gọi là Lục Tà. Vì ông có tên Keo nên thường gọi là Lục Tà Keo. Cơ hội ngàn vàng gặp người tâm đắc, ông Hội đồng Nhiều gấp rút bàn tính gia đình sớm gả người con gái nuôi mình cho cậu trai khôi ngô tuấn tú Nguyễn Thành Đạt, để cứu Kim Huê khỏi vòng tay háo sắc của Lục Tà Keo. Thế là đã trở thành duyên nợ!
Lại thêm một dây trói buộc, ngày 23 tháng giêng năm 1943 hạ sanh Kim Liên. Vài tháng sau Kim Huê lìa đời. Càng thấm thía cuộc đời đầy vô thường ảo vọng, Người quyết chí tầm cầu Chơn Lý cứu khổ độ sanh.
II – Xuất gia tầm cầu và chứng đạt chân lý
Thành Đạt bấy giờ không còn là một cậu thanh niên tầm thường, chỉ biết tìm vui, sống chạy theo và tận hưởng những khoái lạc trần gian hạ liệt, mà đã trở thành người thanh niên có nguyện vọng tầm cầu chơn lý cứu khổ muôn loài. “Chúng tôi sanh trong thời loạn, Thấy cảnh thương tâm, mong tìm phương cứu chữa …” (Trích Đoàn Du Tăng Chơn Lý Hòa Bình 61).
* Chứng ngộ chơn lý đầu tiên (Lý chứng)
Đầu năm 1944, Người từ biệt gia đình, hướng về khu vực Hà Tiên, tìm tàu thuyền ra vùng hoang đảo vì nghe nơi ấy có nhiều ẩn sĩ đạo đức nổi tiếng. Nhưng trể tàu đành ở lại khu vực dọc theo bãi biển Mũi Nai- Hà Tiên. Qua bảy ngày đêm thiền tọa nơi cảnh núi rừng hoang vắng hướng ra vùng trời biển mênh mông. Vào một buổi sáng tinh sương, khi vầng thái dương vừa ló dạng, tỏa chiếu ánh hồng tràn ngập không gian, Người hướng mắt nhìn xa vùng trời biển bao la, sóng nước chập chùng. Xa xa ẩn hiện vài chiếc thuyền buồm căng gió trồi hụp lướt phăng, rồi mất hút giữa biển trời hiu quạnh. Người suy niệm về bao nỗi thăng trầm của kiếp sống con người và bừng sáng con đường thoát ly khổ hải. Người chứng ngộ Lý Pháp nhiệm mầu: “Thuyền Bát Nhã ngược dòng rẽ sóng cứu vớt chúng sanh”.
* Kết duyên Hiền Sĩ và chứng ngộ chơn lý toàn hảo (Sự chứng)
Như để chuẩn bị một sứ mạng thiêng liêng vô bờ bến, Người trở về viếng thăm gia đình với chiếc áo nâu sòng, đã phủi sạch tóc râu. Người bày tỏ sự chứng ngộ ban đầu và chí nguyện tầm cầu Chơn Lý toàn hảo để hoằng hóa độ sanh của mình, rồi cáo từ gia đình ra đi, đến vùng núi Trà Lơn Thất Sơn bên kia biên giới Cao Miên để ẩn tu, tầm Chơn Sư tham vấn đạo lý. Năm 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở. Thành Đạt rời khỏi xứ Cao Miên, trở về Nam Việt thực hành Giới Luật Tăng Đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948” (trích nguồn Khất Sĩ – Chơn Lý đạo Phật Khất Sĩ 63). Từ vùng Thất Sơn Người về tạm nương ở nơi Linh Bửu Tự theo lời thỉnh cầu của một hiền sĩ, để mở đạo tại làng Phú Mỹ, quận Tân Hiệp, tỉnh Mỹ Tho. Thỉnh thoảng Người có đến viếng thăm tham vấn các bậc danh Tăng, cư sĩ nỗi tiếng đương thời ở vùng Bà Rịa Vũng Tàu và Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn. Từ những trải nghiệm qua quá trình nghiên tầm kinh sử và tham vấn đạo lý đó đây, tu sĩ Thành Đạt quyết định đi sâu vào vườn rừng quanh vùng Linh Bửu Tự ẩn cư an định thiền tư, quán niệm ôn xét nhơn duyên và sau cùng đạt thành Chân Lý toàn hảo, LÝ SỰ viên dung. Người đã tỏ sáng dấu chân Chánh Pháp của ba đời, mười phương chư Phật là “Thánh Giới – Thánh Định – Thánh Huệ và Thánh Giải Thoát” . Ngay sáng hôm ấy, tu sĩ Thành Đạt trang nghiêm Tam Bảo điện, tôn trí GIỚI PHÁP CỤ TÚC, TỨ PHẦN LUẬT TẠNG cùng các tư cụ Y BÁT … nơi chỗ tôn quý. Thành tâm phát đại nguyện Quy Y Tam Bảo thọ trì GIỚI PHÁP. Nguyện trọn đời Tam Y Nhất BÁT không lìa thân như chim có hai cánh. Nguyện y cứ Trung ĐẠO TỨ Y CHÁNH PHÁP truyền thống của ba đời chư Phật hướng đến lợi mình lợi người không bỏ sót một ai. Ngài đã xác chứng Chánh Pháp Phật Đà và phát nguyện “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”. Từ đó trở thành Tổ Sư khai sáng “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” với pháp hiệu Minh Đăng Quang.
III – Công bố giáo pháp
Sau khi phát Đại Nguyện Quy Y Tam Bảo và thọ trì Giới Pháp. Ngài đắp y mang bát vào xóm khất thực hóa duyên, chiều Ngài nói pháp khuyến tu. Với hạnh tu ít thấy này, đã gây chấn động dân làng Phú Mỹ và lan dần rộng khắp. Có khá nhiều bà con sanh lòng quy ngưỡng. Trong những tháng đầu năm 1947, Ngài đã nhiếp độ đầy đủ cả hai chúng Nam Nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng Ni Khất Sĩ. Cũng tại đấy Ngài soạn thảo nghi thức tụng niệm lễ cúng, chương trình tu học, hành đạo cơ bản cho cư sĩ và Tăng Ni. Ngài quan tâm giáo dưỡng, xây dựng cơ bản hai Tăng Ni Đoàn, tốt về Đạo Hạnh, vững về kiến thức Chánh Pháp Phật Đà. Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ Đức Tổ Sư rời Phú Mỹ, khởi phát chuyến du hành đầu tiên do Ngài hướng dẫn có hơn 20 Tăng Ni trực chỉ vùng Sài Gòn, Gia Định – Chợ Lớn. Cũng với phương tiện khất thực hóa duyên và thuyết giảng Kinh Pháp khuyến tu nêu trên, Đoàn Du Tăng Khất sĩ do Ngài hướng dẫn đã ảnh hưởng sâu rộng quần chúng trong vùng. Hội Đình Phú Lâm – Cây Gõ đã phát tâm hiến cơ sở cho Ngài thành lập Tịnh Xá Ngọc Lâm. Thứ đến Hội Chùa Kỳ Viên Bàn Cờ cũng thỉnh cầu như vậy, để cho Đoàn có nơi nương ở tu học và mở đạo. Đây là điểm đầu tiên Đức Tổ Sư và Đoàn tác pháp An Cư Kiết Hạ 3 tháng.
Sau đó Đoàn xoay hướng hành đạo về vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ánh Đạo Vàng do Đức Tổ Sư nối truyền đã nhanh chóng lan toả khắp các tỉnh sông Tiền, sông Hậu và các tỉnh giáp biên giới Cao Miên. Chỉ trong vòng những tháng cuối năm 1948 các Đạo Tràng Tịnh Xá như Pháp Vân, Trúc Viên (Ngọc Thuận) và Ngọc Viên tại trung tâm thị xã Vĩnh Long được thành lập. Cũng với hạnh môn này, nền Đạo Khất Sĩ lan rộng đến các tỉnh miền Đông, nhất là vùng Sài Gòn, Gia Định – Chợ Lớn. Những thành tựu đáng kể nêu trên, đều nhờ ân đức cao trọng và tôn chỉ mục đích theo đúng Chơn Lý Chánh Pháp của Tổ. Ngoài ra Ngài còn khéo léo ứng dụng phương tiện truyền thông và cơ giới hiện đại đương thời vào công việc hoằng pháp. Ngài đã sử dụng máy vi âm khuyếch đại âm thanh, những đĩa hát được ghi âm các bài kệ pháp mang theo xe để phát ra cho nhiều người nghe biết. Ngài chứng minh cho Cư Sĩ Hộ Pháp thành lập nhà máy in Pháp Ấn để in ấn phổ biến những bài giảng Chơn Lý. Mạnh dạn hơn nữa, Ngài cho sử dụng xe con, xe 20 chỗ ngồi, để đưa Đoàn đi hành đạo khắp xứ.
IV- Những lời dạy của Đức Tổ Sư
Xuyên suốt thời gian kể từ ngày Đức Tổ Sư xuất gia tầm Chơn Lý đầu năm1944 đến ngày Đức Tổ vắng bóng 01/02 Giáp Ngọ 1954, tính ra vừa tròn 10 năm. Trong đó 3 năm đầu dấn thân nơi núi rừng, vườn vùng Thất Sơn Việt Miên và cuối cùng làng Phú Mỹ – Mỹ Tho để tầm cầu Chơn Lý Chánh Pháp Phật Đà, ẩn tu chiêm nghiệm và sau cùng chứng ngộ Chơn Lý toàn hảo. Bảy năm còn lại Ngài thực hiện tâm nguyện hành trì Bồ Tát hạnh Y Bát khất thực hoá duyên theo Trung Đạo Tứ Y Chánh Pháp như Phật Tăng xưa. Suốt 7 năm ròng rã đầy tích cực bằng mọi phương tiện, Đức Tổ đã gầy dựng và phát huy một Tăng Thân tốt đẹp lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, nhất là về mặt giới hạnh kiến thức đều kiêm ưu, có hơn 100 vị. Ngài đã mở mang và thành lập Đạo Tràng Tịnh Xá khắp các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và miền Đông Nam Việt có trên 30 ngôi. Đức Tổ Sư đã lưu lại nhiều lời dạy quý giá qua nhiều hình thức tư liệu lẻ tẻ đó đây. Đặc biệt và nỗi bật nhất là 69 đề tài Pháp Chơn Lý mà Đức Tổ đã tuyên thuyết khắp nơi và cô đọng lại thành văn bản được in ấn phổ biến cùng khắp. 69 đề tài Pháp Chơn Lý do Đức Tổ tuyên thuyết đã phản ánh đầy đủ các quan điểm từ tư tưởng nhận thức, đến thực tế cuộc sống lợi mình lợi người một cách rõ ràng khế hợp giáo lý chơn truyền của Đức Bổn Sư. 10 quyển đầu, từ Chơn Lý số 1 Võ Trụ Quan đến Chơn Lý Số 10 Chánh Đẳng Chánh Giác, là phần nhận thức cơ bản về các pháp hiện hữu có thắng liệt, khổ vui … của thế giới và chúng sanh, trong đó chính yếu là con người. Rồi từ đó Đức Tổ nêu rõ những quan điểm, tư tưởng, nhận thức thực tiễn đi vào cuộc sống. Ngài phản ảnh những quan điểm, tư tưởng, nhận thức sai lệch đưa muôn loài vào cảnh khổ sanh tử và xác định những quan điểm, tư tưởng, nhận thức chơn chánh theo chánh pháp Phật Đà đưa chúng sanh đến giải thoát chấm dứt khổ đau. Từ bài Chơn Lý số 11 đến 20, Đức Tổ trình bày về lối sống cơ bản cho người tu cư sĩ áo trắng và hàng đệ tử xuất gia Khất Sĩ. Từ bài Chơn Lý số 65 đến bài cuối Chơn Lý số 69 là những bài học cơ bản cần thiết cho những ai đã trở thành Phật tử cư sĩ và Sa Di tập sự xuất gia Khất Sĩ nam, nữ. Phần Chơn Lý còn lại nhằm phân tích xác định sự thật hiện hữu: chánh tà, chơn vọng, đời đạo, khổ vui, thiện ác, phải trái, tốt xấu, hay dở v.v.. tương đối và nêu rõ con đường Trung Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác giải thoát rốt ráo của bậc Hiền Thánh nhằm xây dựng một thế giới Thánh Đức hiền lương và khỏi khổ. Xác định pháp môn tu học lợi mình lợi người là: “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu vắn tắt là Giới Định Huệ” để hướng đến giải thoát chấm dứt toàn bộ khổ đau.
V – Thời Tổ Sư vắng bóng
Như đã biết trước thời vắng bóng của Ngài không xa và việc hoằng khai mối đạo cơ bản như vậy cũng tạm đủ, Đức Tổ Sư đã chuẩn bị chu đáo mọi tâm nguyện, để thời vắng bóng của Ngài, chúng đệ tử sẽ không cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Dựa trên dấu ấn Chánh Pháp của ba đời chư Phật là Giới, Định, Huệ và Giải Thoát mà Ngài đã chứng ngộ, Ngài hoàn bị hệ thống trọn bộ bài giảng Chơn Lý Chánh Pháp gồm 69 đề tài để làm “kim chỉ nam” cho đệ tử khỏi sợ chệch hướng trên lộ trình tu học và hoằng pháp lợi sinh. Ngài đã xây dựng giáo dưỡng các Tăng Ni Đoàn xứng đáng có kiến thức giáo pháp cơ bản, đạo hạnh trang nghiêm và đạo lực vững chãi để sẵn sàng thay Ngài lèo lái con thuyền Giáo Hội cứu độ chúng sanh. Hàng bạch y cư sĩ cận sự Nam Nữ nòng cốt, đã có niềm tin kiên cố với nền đạo của Ngài sẽ là những cột trụ hộ pháp trợ duyên đắc lực để bảo tồn và phát huy Chánh Pháp. Ngài đã chọn lựa, sắp đặt các đệ tử Tăng Ni xứng đáng lãnh đạo các Giáo Đoàn kể cả hành xứ và trụ xứ. Như vậy tâm nguyện hoằng truyền Chơn Lý Chánh Pháp của Ngài bấy giờ được xem là viên mãn. Ngài vẫn bình thường tới lui thăm viếng các Đạo Tràng Tịnh Xá để nói pháp trợ duyên cho cư sĩ và nhắc nhở sách tấn hàng Tăng Ni Khất Sĩ đệ tử. Một hôm sau khi viếng thăm các tỉnh vùng tiếp giáp biên giới Cao Miên tại Châu Đốc, Long Xuyên, Ngài quay về Tịnh Xá Ngọc Quang – Sa Đéc. Nhân ngày cúng hội 30 tháng Giêng, Ngài tập hợp Tỳ Kheo hành lễ bố tát tụng giới bổn và chứng minh cúng hội, thuyết pháp khuyến tu như thường lệ. Xế chiều Ngài tập hợp các đệ tử quây quần dưới tàng cây bã đậu để nhắc nhở dặn dò những điều tâm quyết về chuyến đi tu tịnh của Ngài tại “Núi Lửa”. Các đệ tử ngạc nhiên trước câu nói của Ngài nhưng vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa như thế nào. Sáng sớm ngày 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ 1954, Ngài cùng 3 đệ tử Giác Thuỷ và chú huệ Giác Pháp cùng tài xế Giác Nghĩa lên chiếc xe con 4 chỗ thẳng tiến về Tịnh Xá Ngọc Viên – Vĩnh Long, đến nơi vào lúc 7 giờ 30 phút. Ngài đến chứng minh một cốc lá bằng cây ván do Phật tử làm xong dâng cúng. Ngài dạy đệ tử Giác Hội mang mấy ngàn quyển Chơn Lý ra xe, thăm hỏi sách tấn vài Phật Tử cư sĩ thâm tín, rồi lên đường hướng về các tỉnh Hậu Giang. Xe đến bến phà Cái Vồn – Bình Minh thì có lệnh tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) cho thuộc hạ mời Ngài và đoàn xe về Tổng Hành Dinh và từ đó biệt tích đến nay. Năm ấy Ngài vừa tròn 32 tuổi. Bấy giờ mới hay lời nói của Ngài đi tu tịnh ở “Núi Lửa” đó là lời cảm nhận mầu nhiệm.
Theo Phật Pháp Ứng Dụng