Đó là một buổi chiều tháng 9, trong khu vườn nhỏ với đủ sắc hương hoa, chúng tôi ngồi uống trà và ăn Berliner, ôn lại những câu chuyện từ thời xa xưa cũ. Bất chợt Hauke – cậu bạn thân người Đức suốt mười ba năm qua chợt nói với tôi: „Không biết khi nào chúng ta lại mới có dịp ngồi bên nhau hàn huyên bên ly trà chiều như thế này nữa nhỉ? Tớ không biết cuộc sống mới ở Canada sẽ như thế nào, nhưng nhất định tớ sẽ viết thư kể cho cậu nghe“. Tôi cười và bảo cậu: „Nhớ đấy nhé! Tớ cũng sẽ viết thư kể cho cậu nghe về cuộc sống ở Đức“. „Đừng nói là ở Đức, hãy nói là ở một nơi nào đó. Vì có bao giờ cậu chịu ở yên một chỗ đâu“. Anh chàng vừa nói vừa nháy mắt nhìn tôi cười. „Nhưng dù ở đâu thì tớ cũng vẫn sẽ viết cho cậu. Như cái hồi xưa ấy. Còn nhớ không?“. „Tại sao lại không cơ chứ. Những lá thư của cậu đã theo tớ suốt một năm dài ở Mỹ. Lúc nào nhớ nước Đức, tớ đều lấy thư của cậu ra đọc lại. Thậm chí sau này khi qua Canada học ba tháng, tớ cũng mang theo đấy. Cậu tin không?“. Dĩ nhiên tôi tin cậu. Vì cậu chưa bao giờ nói dối tôi điều gì. Và vì tôi biết, sức mạnh từ những lá thư tay có ý nghĩa như thế nào.
Nhớ hồi mới sang Đức, mỗi lần bạn bè của dì sang, mẹ hỏi có cần gì không để mẹ gửi. Tôi hay bảo mẹ: „Mẹ gửi cho con vài cuốn sách và dặn các bạn viết thư cho con nhé“. Thời đó, Internet chưa thịnh hành như bây giờ. Bạn bè tôi thậm chí còn không biết đánh máy, nói gì đến việc viết Email. Bởi thế nên, những lá thư luôn là nhịp cầu nối. Nhớ có lần để tiết kiệm tiền phí gửi, mấy đứa viết chung một lá thư bỏ vào phong bì và dặn dò phía ngoài bì thư: „YA ơi, bóc thư cẩn thận nhé!“. Hóa ra, vì đứa nào cũng muốn viết nhiều nên…hết giấy và M không còn sự lựa chọn nào khác là phải viết lên cả mặ trong của bì thư. Tôi đọc những dòng tâm tình của lũ bạn mà nước mắt cứ rưng rưng. Những lá thư ấy đã chở tất cả tình thương và nỗi nhớ của bạn bè từ xứ Thanh nắng gió, bay qua một chặng đường dài mười mấy nghìn kilomet và đặt vào trái tim tôi. Những lá thư đó đến giờ tôi vẫn giữ, cho dù nét mực năm xưa đã nhạt nhòa. Cuộc sống đã đưa chúng tôi đi những con đường khác nhau, thời đại của Facebook, Yahoo, Whatsapp, Viber đã thế chỗ cho những lá thư tay. Trên Facebook của tôi, bạn cũ nhiều lắm, nhưng hình như chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau như cái cách mà ngày xưa chúng tôi đã viết. Hoặc nếu có viết thì cũng chỉ là những lời hỏi thăm quen thuộc như: „Cuộc sống bên đó thế nào? Bao giờ về Việt Nam?“. Tôi không dám nhắc nhiều về „chuyện ngày xưa“, về cái thời chúng tôi từng cùng nhau viết chung Nhật ký lớp, về những lá thư dài ba bốn trang giấy. Bởi tôi biết, nếu có nói ra bạn tôi cũng chỉ cười: „Ừ, ngày xưa mà!“. Bây giờ công nghệ hiện đại, thời gian đâu mà ngồi viết thư tay cho nhau nữa. Email còn ngại trả lời, huống chi là… Ấy vậy mà tôi vẫn cứ da diết nhớ những lá thư tay, vẫn dành một khoảnh khắc nào đó trong chuỗi thời gian của mình, viết đôi ba dòng cho bạn, cho những người tôi thương quý, cẩn thận bỏ vào phong bì và mang ra bưu điện gửi. Mẹ tôi ở Canada mỗi lần nhận được thư hay thiệp của tôi đều bảo: „Cảm ơn con đã tạo “việc làm” cho bưu điện. Con xa Việt Nam lâu rồi mà vẫn Việt Nam chay“. Tôi không biết mình „chay“ cỡ nào, nhưng lắm lúc tôi thấy mình là người hoài cổ và vẫn vô cùng trân trọng những giá trị cũ xưa, dù trong mắt một số bạn bè, tôi đã sống như một „cô gái tóc vàng“. Nhưng trái tim tôi sống như thế nào, có lẽ chỉ riêng mình tôi hiểu.
Lúc hai mươi tuổi, tôi đã từng đọc đi đọc lại rất nhiều lần những lá thư thấm đẫm yêu thương trong “Mãi mãi tuổi hai mươi” mà Nguyễn Văn Thạc đã viết cho Như Anh của mình. Sau này khi “Thư tình gửi một người” được xuất bản, tôi lại say mê đọc những dòng Trịnh viết cho Dao Ánh để rồi trong phút lặng mình, chợt nghĩ: Năm tháng thời gian cứ trôi, tình cảm con người lúc nhạt lúc phai, nhưng những yêu thương năm nào đã từng trao nhau trên trang giấy thì mãi còn ở lại, để mỗi lần khi lật lại những lá thư xưa, mỗi người đều biết: Tình cảm đó, yêu thương đó, dẫu hôm nay có không còn, nhưng ít ra ở một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ, chúng đã từng tồn tại và có thật. Bởi tôi tin, khó ai có thể dối lòng mình trên trang giấy.
Trong lá thư gửi cho Hauke ngày hôm qua, tôi đã viết: „Wiesmoor đã vào thu rồi cậu ạ. Lá đã đổi màu trên con đường tới trường mà ngày xưa tụi mình hay đạp xe qua. Quán cafe Big Ben bên dòng kênh xưa vẫn chưa tìm được chủ mới. Không ai biết đến bao giờ quán mới mở trở lại. Hồi xưa tụi mình hay ngồi với Nienke, Elko, Lena và Enya trong đó đấy. Nhớ không? Mới đó mà bây giờ đã mỗi người một nơi. Lena sắp ra trường và trở thành cô giáo, Enya thì vẫn mải mê với con đường học vấn dài ngoằng của mình. Nienke thì bây giờ đã qua Copenhagen làm việc. Elko bây giờ lưu lạc ở phương nào tớ cũng không biết nữa. Cậu thì bây giờ qua Canada và tớ thì sẽ lại về Việt Nam một thời gian, cũng chưa biết khi quay trở lại Đức thì sẽ hạ cánh ở nơi nào. Những con đường, những ước mơ đã đưa chúng ta đi rất xa. Nhưng tớ vẫn tin, một ngày nào đó chúng ta sẽ lại về Wiesmoor, ôn lại những câu chuyện xưa cũ rích.
Hãy bảo trọng nhé, bạn thân mến của tớ! Canada đã trở lạnh, nhớ mặc đủ ấm! Xa nhà là không được ốm đâu đấy. Tớ gửi tới cậu một cái ôm từ nước Đức. Sẽ luôn nhớ cậu!”
Hoàng Yến Anh (hoangyenanh.com)
Theo Phật Pháp Ứng Dụng