Khenchen Thrangu Rinpoche
Đỗ Đình Đồng dịch
TÁNH KHÔNG
TRONG TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
hay
SHENTONG & RANGTONG
Hai Cái Thấy về Tánh Không

 11. Cái Thấy về Sự Hợp Nhất Bất Sinh

VII. Cái Thấy Về Sự Hợp Nhất Bất Sinh

Phân đoạn phụ thứ bảy và là cuối cùng của bản văn này nói về cái thấy về sự hợp nhất bất sinh, sự hợp nhất của hiện tướng và tánh không, sự hợp nhất của tính trong sáng và tánh không, và sự hợp nhất của cực lạc và tánh không. Nếu có được cái thấy này, thì chúng ta sẽ đạt được chứng ngộ qua tu tập bởi vì đây là bản tánh của các pháp (hiện tượng). Nếu tánh không không phải là chân tánh của các pháp, chúng ta không thể chứng ngộ được nó. Nhưng bởi vì chân tánh của các pháp là sự hợp nhất của hiện tướng và tánh không, chúng ta có thể sẽ chứng ngộ sự hợp nhất này qua tu tập. Thí dụ, than thì đen và đó là bản tánh của than. Quí vị không thể làm gì khác hơn cho nó. Dù cố gắng thế nào, quí vị cũng không thể rửa than thành trắng. Quí vị có thể rửa than 100 lần và nó vẫn giữ nguyên màu đen. Tương tự, nếu bản tánh của các pháp không phải là tánh không, dù chúng ta có tu tập nhiều bao nhiêu, cũng không thể chứng ngộ tánh không.

Ba Trí 

>Đức Phật và các bậc đại sư đã dạy về bản tánh của các pháp trên căn bản chứng ngộ trực tiếp, không phân tích luận lý và suy đoán. Nếu tánh không không phải là chân tánh của các pháp, thì những lời nói của đức Phật sẽ không đúng và người ta không thể đạt sự chứng ngộ theo con đường Phật giáo. Nếu tánh không không phải là chân tánh của các pháp, thì lý luận hợp lý sẽ không đúng và chúng ta không bao giờ có thể chứng minh bản tánh không của các pháp qua luận lý. Nhưng, có thể chứng minh và chứng ngộ sự kiện này bởi vì tánh không là bản tánh của các pháp, chúng ta có thể tiến bộ và chứng ngộ tánh không qua tu tập. Nếu tánh không không phải là bản tánh chân thật của các pháp, thì nó là một ảo ảnh và sự tu tập tâm linh sẽ không mang lại kết qủa nào cả. Vì tánh không là bản tánh của các pháp, chúng ta có thể đạt được kết qủa qua nghiên cứu và tu tập, nhưng chúng ta có thể hỏi, “Chúng ta làm việc này bằng cách nào?”

Chúng ta tạo sự tiến bộ trên đường đạo qua sự phát triển của ba loại trí tuệ (Phạn: prajñā). Thứ nhất, chúng ta cần học những gì đã được dạy bằng cách đọc các kinh do đức Phật đã dạy và đọc các luận do các bậc đại sư ở Ấn độ và Tây tạng đã dạy. Bằng cách nghiên cứu các giáo lý, chúng ta sẽ trở nên quen với các giáo lý về tánh không. Trí tuệ về các giáo lý phát sinh từ sự nghiên cứu này.

Nghiên cứu các giáo lý về tánh không như thế có đủ không? Không. Chúng ta cũng cần khảo sát các giáo lý ấy để thấy chúng thực sự muốn nói gì. Qua trí thông minh và sự hiểu biết của chúng ta, chúng ta khảo sát và chiêm nghiệm các giáo lý ấy cho đến khi có được sự hiểu biết cho chính mình về ý nghĩa của các giáo lý ấy. Một khi có được sự hiểu biết về các giáo lý ấy, chúng ta sẽ có trí tuệ đến qua chiêm nghiệm. Rồi chúng ta sẽ biết, “Đây là những gì tánh không muốn nói. Nó giống như bản tánh của các pháp.”

Chiêm nghiệm những chân lý này như thế có đủ không? Không, bởi vì chúng ta cần trí tuệ chỉ đến qua thiền định. Thí dụ, nếu chúng ta bị đau ở bàn tay và đọc các bản văn dạy về mọi sự vật là không, bàn tay của chúng ta sẽ tiếp tục đau. Chỉ lặp lại với chính mình rằng mọi vật đều là không trong khi chúng ta chích mũi kim vào bàn tay mình thì vẫn gây ra đau đớn bởi vì chúng ta đã trở thành quen qua suốt tất cả các kiếp sống của mình tin vào thực tại của sự vật. Qua tu tập thiền định đặt căn bản trên tri thức về những gì chúng ta đã học qua phân tích rằng chúng ta có thể có được kinh nghiệm và chứng ngộ trực tiếp, tức là tánh không là chân tánh của các pháp.

Tánh Không trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng (Phần cuối)

Khi chúng ta phát triển sự chứng ngộ trực tiếp chân tánh của các pháp qua thiền định, chúng ta cũng sẽ hiểu các pháp ở bình diện qui ước. Bản văn viết: “Một khi chúng ta chứng ngộ chân tánh của các pháp, thì tự động sẽ có trí tuệ thoát khỏi vô minh quan hệ với nhân quả.” Khi chúng ta chứng ngộ rằng bản tánh của tất cả các hiện tướng là tánh không, đó không có nghĩa là các hiện tướng phát sinh không có nguyên nhân hay lý do (nhân duyên). Nhưng một khi chúng ta chứng ngộ trực tiếp chân tánh của các pháp là tánh không, những ám chướng của niềm tin vào cái ngã kiên cố và vào thực tại của các pháp bị loại bỏ. Một khi các ám chướng này bị phá tan, thì trí tuệ của chúng ta có thể thấy các pháp tự nhiên và tự động phát sinh như thế nào. Khi biết điều này, chúng ta thực sự hiểu rằng một hành động tiêu cực sẽ khởi lên một ảnh hưởng tiêu cực và một hành động tích cực sẽ có một ảnh hưởng tích cực. Ở điểm này, chúng ta thoát khỏi sự vô minh về những hành tác của nhân và quả và có trí tuệ thoát khỏi vô minh ở bình diện qui ước của thực tại.

Chứng ngộ chân lý tối hậu không ngăn chận chúng ta thấy chân lý qui ước. Đúng hơn, nhờ hiểu các hiện tướng phát sinh không ngừng như thế nào ở bình diện qui ước, chúng ta chứng ngộ bản tánh không của các hiện tướng và chúng ta hiểu chân lý tối hậu mà nó là bản tánh bất sinh của chúng. Khi chứng ngộ chân lý này, chúng ta không bị các hiện tướng làm phân tán và như thế chúng ta thấy sự hợp nhất của phương tiện và trí tuệ. Sự hợp nhất này là Bát-nhã Ba-la-mật-đa, sự toàn hảo của trí tuệ, thường được miêu tả bằng người mẹ. Dù một người là một hoàng tử, một bộ trưởng hay một người ăn mày, y cũng do một người mẹ sinh ra. Cũng vậy, thanh văn, bích-chi-phật, bồ-tát và chư Phật đều do trí tuệ này sinh ra. Chúng ta có thể gọi sự chứng ngộ trí toàn hảo này là “Bát-nhã Ba-la-mật-đa” (Trí tuệ đến bờ bên kia) hay chúng ta có thể gọi nó là “Mahāmudrā” (Đại Ấn hay Đại Thủ Ấn). Dù chúng ta gọi nó là gì, nó cũng là sự chứng ngộ tối hậu của tất cả các giáo lý của kinh và mật điển.

Điều này kết thúc luận giải về phần phụ phân thứ ba trong chương bảy của Tập Yếu Tri Kiến (The Compendium of Knowledge) của Jamgon Kongtrul Lodro Thaye Vĩ đại.

12. Áp dụng các Giáo Lý này vào sự Tu Tập của Chúng Ta

Cái thấy chính của các giáo lý về tánh không là từ cái thấy của các kinh. Cái thấy của các kinh có thể tìm thấy bên trong những lời dạy của chính đức Phật (sūtrās) và các luận (shāstras) do các bậc đại sư Phật giáo tạo ra. Chúng ta có thể học cái thấy triết lý từ cả hai loại bản văn này. Truyền thống của các giáo lý trình bày trong bản văn của Jamgon Kongtrul là truyền thống của các luận (shāstras) của các bậc đại sư.

Một vài người không đồng ý và nói, “Nhấn mạnh vào các luận là sai. Thay vì, người ta có nên tập trung vào các kinh của chính đức Phật.” Nhưng sự thực, điều này không phải như vậy. Chúng ta nên tập trung vào các luận bởi vì đối với những người bình thường thì khó nắm vững được kinh. Ở một vài chỗ thì kinh đi vào chi tiết chi ly còn ở một vài chỗ khác thì lại rất cô đọng. Các bậc đại sư có thể giải thích những lời dạy cô đọng hay cô đọng những lời dạy dài của đức Phật. Cũng như một vài giáo lý của đức Phật rải rác trong các kinh khác nhau và không theo bất cứ thứ tự nào. Tuy nhiên các sư có thể tổ chức những giáo lý như vậy để ý nghĩa chứa trong các kinh có thể tiếp cận những người bình thường và có thể học được dễ dàng. Thí dụ, một trong năm tác phẩm của đức Di Lặc là Luận Hiện Chứng Trang Nghiêm. Luận này là một bản văn rất ngắn khoảng 20 trang và bao gồm toàn bộ ý nghĩa của 100.000 bài tụng (bộ kinh 12 tập) của Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Chúng ta có thể nghiên cứu các luận chẳng hạn như bản văn chính của đại sư Long Thọ,Bát-nhã Trung đạo (Phạn: Mūla-madhyamika-prajñā), nhưng điều đó có nghĩa là sau đó chúng ta có thể thiền định về các giáo lý của bản văn này không? Không, bởi vì không dễ gì áp dụng các giáo lý này vào thiền định. Khi đến với thiền định, những bài đạo ca (Phạn: dohā) là những bài ca của các bậc đại sư Ấn độ, như Sahara chẳng hạn. Chúng ta có thể nghiên cứu Đạo ca của Vua, Đạo ca của Hoàng hậu, vàĐạo ca của Thường dân của Sahara hay Đạo ca của Naropa và Đạo ca của Tilopa, tất cả những ca khúc đó là những đạo ca của Ấn độ trình bày vắn tắt cái thấy làm thế nào để thiền định. Những đạo ca này không đưa ra sự miêu tả quảng bác hay những biện luận hợp lý để giải thích cái thấy. Đúng hơn, chúng là những chỉ dẫn ngắn gọn và trực tiếp đặt căn bản trên kinh nghiệm thiền định và chứng ngộ của các bậc sư ấy. Cũng có những đạo ca của Marpa, Milarepa, và Gampopa từ Tây tạng đến với chúng ta. Những đạo ca này cũng miêu tả trong hình thức trực tiếp, cô đọng, và rõ ràng cái thấy và cách chúng ta nên thiền định.

Cũng có những chỉ dạy bằng miệng mà một người thọ nhận qua dòng khẩu truyền. Một vị thầy của một người nói, “Đây là những lời chỉ dạy mà thầy đã thọ nhận từ thầy của thầy. Đây là cách thầy đã tu tập những chỉ dạy ấy và đây là cách con nên tu tập chúng. Nếu con tu tập những chỉ dạy ấy theo cách này, con sẽ được lợi ích từ sự tu tập như vậy.” Sự thực, những lời chỉ dạy bằng miệng mà một người thọ nhận từ vị thầy của mình là những giáo lý lợi ích nhất mà y có thể thọ nhận để tu tập thiền định. Chúng còn quan trọng hơn là những giáo lý của các kinh, luận, hay đạo ca.

Những biện luận hợp lý dạy trong truyền thống kinh quan trọng đối với sự chứng ngộ tánh không. Chúng ta nghĩ, “Các pháp đều là không, vì lý do này hay lý do khác. Các pháp ngoại giới đều là không và các thức bên trong cũng là không.” Bằng cách áp dụng những biện luận hợp lý này cũng như trí tuệ đến từ chiêm nghiệm, chúng ta có được sự chắc chắn về tánh không của các pháp. Chúng ta phát triển sự chắc chắn ấy đến độ nếu có một đại học giả nào đó đến và bảo chúng ta, “Cái ấy chẳng phải vậy. Bản tánh của các pháp không phải là tánh không.” Chúng ta sẽ nghĩ, “Ông ấy sai bởi vì dù ông ấy biết nhiều đến đâu, bản tánh của các pháp là tánh không. Ông ấy nhất định sai.” Chúng ta phát triển sự chắc chắn mãnh mẽ đã được phát triển qua lý luận dạy trong truyền thống kinh.

Sự chắc chắn về tính vô ngã của ngã và của các pháp này rất quan trọng, nhưng vậy có đủ không? Không, bởi vì phải mất một thời gian dài để đạt mục đích chứng ngộ bằng cách theo con đường của các kinh. Người ta nói rằng phải mất hằng vô số kiếp mới đạt được kết quả dựa trên sự chắc chắn ấy bởi vì nó là một phương thức tiếp cận rất dịu dàng và chậm rãi. Qua lý luận chúng ta có được sự chắc chắn về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, và những ba-la-mật khác và rồi tích lũy công đức. Phương thức tiếp cận cẩn thận và chậm chạp này sẽ mất nhiều kiếp trước khi chúng ta đạt được mục đích thành Phật.

Đây có phải là cách tu tập duy nhất không? Không, cũng có cách tu tập của Kim Cương thừa, có những chỉ dạy qua đó chúng ta có thể đạt được mục đích của mình trong một kiếp trong một thân. Milarepa cho một tấm gương. Một đêm Rechungpa nằm mộng thấy mình ở một nơi người ta nghe kể những câu chuyện về cuộc đời của các bậc đại sư. Đó là những câu chuyện tuyệt vời. Một vài không hành nữ đa-ki-ni nói, “Những câu chuyện này thật kỳ diệu, nhưng chỉ có câu chuyện về cuộc đời của Milarepa nghe tuyệt diệu hơn nhiều. Nó quan trọng hơn nhiều.” Họ hỏi, “Ai sẽ kể chuyện cuộc đời của Milarepa?” Rechungpa để ý thấy rằng một vài không hành nữ đa-ki-ni đang chỉ vào ông ta. Khi Rechungpa thức dậy, ông ta đến gặp Milarepa và nói, “Con đã hỏi xin thầy và được thọ nhận tất cả những chỉ dạy về thiền định này của thầy, nhưng con chưa bao giờ yêu cầu thầy kể cho con về cuộc đời của thầy. Dựa vào những gì thầy đã thành tựu được, thầy không thể là một người thường. Thầy phải là hóa thân của một bậc nào đó như đức Kim Cương Thủ (Vajrapāṇi) hay một trong những vị Phật thuộc năm gia đình.” Rồi ông ta cầu xin Milarepa, “Xin hãy kể chuyện về cuộc đời của thầy, thầy đã phát triển tinh tấn như thế nào, phát triển chứng ngộ như thế nào, và thầy đã đạt kết quả như thế nào?”

Milarepa bảo Rechungpa, “Con nghĩ rằng ta là hóa thân của một bậc nào đó. Đây là cách nói của niềm tin nơi con và thị kiến thuần khiết của con về ta, nhưng theo ngôn ngữ của pháp thì đó là cái thấy sai bởi vì ta không phải là hóa thân của đức Phật. Ta không phải là hóa thân của Bồ-tát. Ta không là hóa thân của một cái gì cả. Ta chỉ là một thường nhân. Không những ta chỉ là một thường nhân mà còn có nghiệp rất xấu bởi vì ta đã luyện tập huyền thuật và đã đem bão đá đổ xuống dân làng và giết chết họ. Con tin rằng ta không phải là một người thường là không đúng bởi vì cái thấy này thực tế phủ nhận năng lực của pháp. Ta là một người thường với nghiệp cực xấu, nhưng nhờ năng lực của pháp ta đã gặp được thầy ta, đức Marpa, người đã ban cho ta những chỉ dẫn, và ta đã tinh tấn tu tập những chỉ dẫn ấy. Qua nỗ lực đó ta đã có thể tẩy sạch nghiệp xấu của ta và đạt được kết quả.” Như thế, quí vị không nên nghĩ rằng pháp không có năng lực đó. Trái lại, ngay cả với người có nghiệp rất xấu cũng có thể tẩy sạch nó và thành Phật trong đời này nếu y tinh tấn tu tập.

Điều đặc biệt của truyền thống Kim Cương thừa là nó khiến cho một người có thể thành Phật chỉ trong một đời và con đường này là con đường trực tiếp với cái thấy trực tiếp bản tánh của các pháp. Nó là truyền thống không thiết lập qua suy đoán và lý luận. Qua lý luận, chúng ta có thể kết luận rằng các hiện tướng trong bản tánh là không. Trên con đường Kim Cương thừa, chúng ta đặt lý luận sang một bên, như vậy không lợi ích cũng không nguy hại. Chúng ta để nó sang một bên bởi vì thực sự nó không thành vấn đề dù các hiện tướng chỉ là tâm hay không. Chúng ta cứ để hiện tướng là hiện tướng trong thiền định của chúng ta. Trong bài đạo ca cho Naropa, Tilopa nói trong câu nói nổi tiếng của sư, “Con ơi, các hiện tướng không thể làm hại được con. Chính sự chấp trước hiện tướng là cái con phải tiêu trừ.” Như thế, chúng ta không lo về các hiện tướng bởi vì chúng không gây nguy hại gì cho chúng ta. Tất cả sự nguy hại phát sinh trong tâm chúng ta; tất cả sự nguy hại đến từ sự chấp trước trong tâm chúng ta. Tất cả hạnh phúc và đau buồn xảy ra trong tâm của chúng ta. Chính tâm của chúng ta là cái chúng ta cần phải lo, không phải các hiện tướng. Tất cả những vấn đề và những khó khăn của chúng ta đều phát sinh trong tâm, vì thế chúng ta cần đối xử với nó. Tâm là căn nguyên hay cái nguồn của đạo.

Truyền thống kinh chia tâm thành các thức khác nhau có những tài sản đặc thù. Như vậy, có nhãn thức, nhĩ thức, ý thức, và v.v… Mặc dù những thức này được dạy như là những thức riêng biệt, sự thực, tất cả chúng là tâm. Nhãn thức chỉ là tâm, nhĩ thức chỉ là tâm, thức nền tảng thứ tám (thức a-lại-da) chỉ là tâm, và v.v… Nên xem nó theo cách đó, “Tâm chỉ đơn giản là tâm.” Trong con đường của các kinh chúng ta tập trung vào tâm và chúng ta làm điều đó qua lý luận. Chúng ta có thể áp dụng mọi thứ lý luận để quyết định bản tánh của tâm. Nhưng dù chúng ta có áp dụng lý luận hay không, tâm là tâm; tâm chỉ tiếp tục cùng cách ấy.

Trong Kim Cương thừa có con đường trực tiếp để khảo sát tâm. Trong đời sống hằng ngày chúng ta quen nghĩ, “Tôi có tâm và tôi nhận thức những vật này.” Thông thường, chúng ta không nhìn tâm một cách trực tiếp và do đó chúng ta không thấy tâm. Điều này rất kỳ lạ bởi vì chúng ta thấy sự vật và chúng ta biết rằng chúng ta đang thấy những hiện tượng có thể thấy được. Nhưng ai đang thấy? Chúng ta có thể nhìn thẳng vào tâm và thấy rằng không có ai đang thấy; không có người thấy; song chúng ta đang thấy các hiện tượng. Cũng đúng như vậy đối với ý thức. Chúng ta nghĩ những ý nghĩ khác nhau, nhưng sự suy nghĩ đó xảy ra ở đâu? Ai hay cái gì đang suy nghĩ? Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn trực tiếp vào tâm, chúng ta khám phá ra rằng không có ai ở đó; không có người suy nghĩ song suy nghĩ vẫn tiếp tục. Phương thức tiếp cận bằng cách nhìn trực tiếp này trong trạng thái thiền định thì không phải là một phương thức lý luận, mà nhìn trực tiếp vào tâm để thấy cái gì đang xảy ra.

Thí dụ, Changkya Rolpai Dojre đã phát biểu kinh nghiệm của sư trong một đạo ca. Sư viết về một đứa bé đang ngồi trong lòng mẹ nó, nhìn chung quanh và nghĩ, “Tôi mất mẹ tôi rồi.” Lúc ấy người anh của đứa bé bảo, “Quay quanh xem. Em đang ngồi trong lòng mẹ mà.” Đứa bé quay quanh và thấy mẹ nó. Trong thí dụ này, Changkya Rolpai Dorje muốn chỉ ra rằng, giống như đứa bé ấy, ở trong chân tánh của các pháp, nhưng lại tìm nó ở chỗ khác là một nhận thức không đúng hay bị nhầm lẫn. Đứa bé nghĩ, “Ta không thể hiểu dharmadhātu (chân tánh của các pháp). Nó ở đâu vậy?” Người anh, tượng trưng cho sự tương tùy của các pháp tương đối, nói, “Nhìn đi, nó ngay đó.” Vì vậy đứa bé quay quanh và thấy, “Ồ, phải.” Đứa bé đã tìm chân tánh của các pháp bên ngoài nhưng lúc nào nó cũng ở đó. Đối với tánh không của tâm cũng như vậy. Một người nhìn vào nó và khám phá, “Không có tâm. Nó chỉ là tánh không. Đó là nó, tánh không của tâm. Tôi đã tìm nó mãi tận nơi xa xôi, trải qua quá trình lý luận hợp lý để hiểu nó. Lúc nào nó cũng ở ngay đây. Bằng cách nhìn vào bên trong, tôi thấy rằng không có tâm. Chỉ có tánh không.”

Một vài người có thể thắc mắc, “Tâm là cái gì?” Cái gì đang nhìn vào tâm? Ai đang nhìn?” Họ suy nghĩ về điều này, nhưng nếu chúng ta chỉ đơn giản nhìn, chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp điều này. Chúng ta có thể tìm tâm ở đầu, ở tay, ở chân, và khắp cả thân. Nếu chúng ta nhìn, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩ phát sinh, vì tức giận và v.v… Chúng từ đâu đến? Chúng không từ đâu đến cả. Chúng ta sẽ thấy rằng đây là tánh không. Chúng ta không thể tìm thấy cái gì phát sinh ra các ý nghĩ khi tìm tâm. Chúng ta có thể kết luận, “Đây là tánh không mà đức Phật đã nói đến.” Chúng ta có thể thấy nó một cách trực tiếp cho chính mình. Đó là lý do tại sao nó là con đường trực tiếp. Chúng ta nhìn vào trong và thấy rằng các ý nghĩ phát sinh không từ đâu cả.

Điều này không có nghĩa là người ta không có tâm như hòn đá, không có tánh giác và tánh biết, bởi vì lúc nào chúng ta cũng có tri thức; chúng ta nhận thức và biết. Đồng thời, không có tâm nào để tìm. Chúng ta có hình thái của tánh không và hình thái của tính trong sáng quang minh.

Chúng ta không dùng luận lý học hay lý luận để thấy tâm một cách trực tiếp. Chính tâm ấy là dharmadhātu (pháp giới). Dù chúng ta có khảo sát nó hay không, nó vẫn là nó. Chúng ta có thể nhìn và thấy pháp giới. Chúng ta có thể thấy tánh không. Chúng ta có thể thấy tính trong sáng quang minh bởi vì đó chính là tâm. Chỉ vì chúng ta không nhìn. Jamgon Kongtrul nói rằng lý do không nhận ra bản tánh của tâm là vì nó quá dễ thấy. Không phải là bản tánh của tâm ở tận nơi xa xôi; thay vì, nó rất gần. Sự thực, nó quá gần, quá dễ. Chứng ngộ bản tánh của tâm không phải là một sự thử thách hay khó khăn gì để hoàn thành. Tất cả những gì một người phải làm là nhìn vào bản tánh của tâm, nhưng vì nó quá gần và quá dễ, chúng ta nghĩ, “Đó không thể nào là nó.”

Một vài người nói rằng những gì các lạt-ma này nói là ngốc nghếch bởi vì, “Làm sao tâm có thể nhìn tâm được? Điều đó không thể được.” Nhưng một cách đơn giản, nếu chúng ta nhìn vào tâm, thì chúng ta sẽ có được kinh nghiệm về tâm và chúng ta sẽ thấy rằng có tính trong sáng và tánh không. Chúng ta sẽ có kinh nghiệm trực tiếp về pháp giới nếu chúng ta thực sự tu tập thiền định và nhìn trực tiếp vào tâm của mình. Đây là điều rất quan trọng để làm.

Người ta có thể hỏi, “Tại sao phải phiền như vây? Tâm không thể nhìn tâm như vậy thì nhìn hay không chẳng có gì khác nhau. Chẳng có gì để thấy khi tâm nhìn tâm.” Nhưng sự thực, có thể làm được như vậy là điều rất quan trọng. Bằng cách nhìn vào bản tánh của tâm, chúng ta có thể thấy bản tánh của tính trong sáng và bản tánh của tánh không; chúng ta có thể thấy được bản tánh của tâm là gì và như thế nào. Chúng ta không nên nghĩ rằng không có gì để đạt bằng cách cố gắng nhìn vào tâm và do đó lờ bỏ nó. Chúng ta không nên như thế bởi vì khám phá chân lý thì rất lợi ích.

Vài Nét Tiểu Sử của Thrangu Rinpoche & Thuật Ngữ

Thrangu Rinpoche sinh năm 1933 ở Kham, Tây tạng. Lúc năm tuổi sư đã được đức Karmapa thứ Mười Sáu và Situ Rinpoche tiền nhiệm chính thức thừa nhận là nhục thân của đại Thrangu tulku. Khi nhập vào tự viện Thrangu, từ năm bảy tuổi đến năm mười sáu tuổi, sư đã học đọc, viết, ngữ pháp, thi ca, và chiêm tinh học, đã nhớ thuộc lòng những bản văn nghi thức, và hoàn thành hai khóa ẩn tu dự bị. Vào năm mười sáu tuổi, dưới sự hướng dẫn của Khenpo Lodro Rabsel, sư bắt đầu nghiên cứu ba thừa của Phật giáo trong khi ở lại nơi ẩn tu. Vào năm hai mươi ba tuổi, sư thọ cụ túc giới từ đức Karmapa thứ Mười Sáu.

Vào lúc quân đội Trung quốc nắm lấy chính quyền của Tây tạng, khi sư hai mươi bảy tuổi, Rinpoche đã rời bỏ Tây tạng sang Ấn độ. Sư được gọi đến Rumtek, Sikkim, nơi đức Karmapa có chỗ trú trong cuộc lưu vong. Vào năm ba mươi lăm tuổi, sư dự thi lấy bằng geshe trước 1.500 tăng chúng và nhận được bằng Geshe Lharampa [học vị cao nhất của mật giáo]. Trên đường trở về Rumtek, sư được bổ nhiệm làm Viện trưởng của tu viện Rumtek và Học viện Nalandā cho những Nghiên cứu Cao đẳng Phật học. Sư là thầy riêng của bốn tulku (hóa thân) chính của phái Karma Kagyu: Shamar Rinpoche, Situ Rinpoche, Jamgon Kongtrul Rinpoche, và Gyaltsab Rinpoche và gần đây hơn, Karmapa thứ 17.

Thrangu Rinpoche đã du hành rộng rãi khắp châu Âu, Bắc Mỹ, và Viễn Đông. Vào năm 1994, sư đã sống nhiều tháng ở Tây tạng, tại tự viện của sư nơi sư đã làm lễ thọ giới cho hơn 100 tăng ni và cũng đã viếng nhiều tự viện. Ở Nepal, Rinpoche đã sáng lập Thrangu Tashi Choling ở Bhodanath cho trẻ em và những tăng nhân trẻ. Sư cũng đã xây dựng Tara Abbey cống hiến sự giáo dục đầy đủ về pháp cho ni giới và hoàn thành một tự viện đẹp ở Sarnath, Ấn độ. Ở Bắc Mỹ, Rinpoche có những trung tâm ở Vancouver, Toronto, Colorado, Maine, và California.

Muốn có thêm tin tức về những hoạt động và các trung tâm của Thrangu Rinpoche, mời viếng website của sư: www.rinpoche.com.

Thuật Ngữ

A-tì-đạt-ma (Phạn: Abhidharma): Giáo lý Phật giáo thường được chia làm ba tạng: Kinh (Sutra: những lời dạy của đức Phật), Luật (Vinaya: những lời dạy về cách hành xử), và A-tì-đạt-ma, hay thường gọi là Luận, là những giáo lý phân loại các pháp (hiện tượng) thành thể loại và phạm trù.

Ba phương diện (Anh: three spheres): Đây là sự tương tác giữa các đối tượng ở bình diện qui ước với một phương diện là người cho, một phương diện là người nhận, và một phương diện là vật thọ nhận.

Ba tự tánh: Các tánh này là các tánh tưởng tượng chấp giữ (Phạn: parikalpita: biến kế sở chấp tánh), tánh tùy thuộc phát khởi (Phạn:paratantra: y tha khởi tánh), và tánh hoàn hảo tròn đầy (Phạn: parinishpana: viên thành thật tánh).

Ba Thân (Phạn: Trikāya): Có ba thân Phật: hóa thân (nirmānakāya), báo thân (sambhogakāya), và pháp thân (dharmakāya). Pháp thân cũng gọi là “chân thân,” là sự giác ngộ viên mãn hay trí tuệ viên mãn của đức Phật là trí bất sinh ở bên kia sắc tướng biểu hiện nơi báo thân và hóa thân. Báo thân, hay “thọ dụng thân,” chỉ biểu hiện nơi các vị bồ-tát. Hóa thân, hay “sinh thân,” biểu hiện nơi thế gian với người bình thường và trong văn mạch này được hiểu như là đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni.

Ba thừa: Ba thừa này là ba mức độ tu tập như được miêu tả trong Phật giáo Tây tạng. Tiểu thừa nhấn mạnh Bốn Diệu đế và sự giải thoát cá nhân khỏi đau khổ. Đại thừa nhấn mạnh cái thấy tánh không của thế giới hiện tượng. Mức thứ ba là Kim Cương thừa nhấn mạnh sự đạt giác ngộ dùng các phương pháp tu tập như quán tưởng bổn tôn (yidam).

Báo thân (Phạn: Sambhogakāya): Thân thứ nhì trong ba thân của Phật, “thọ dụng thân” hay báo thân, một cảnh giới chỉ hiển hiện với bồ-tát. Xem Ba thân.

Bích-chi-phật hay Độc-giác-phật (Phạn: pratyekabuddha): Nghĩa đen “tự thành phật.” Một hành giả của thừa Nền tảng giác ngộ không dựa vào một giáo lý nào trong lần hiện hữu cuối cùng của mình.

Bồ-đề (tâm) (Phạn: bodhichitta): nghĩa đen là “tâm giác ngộ.” Có hai loại bồ-đề tâm: bồ-đề tâm tuyệt đối là tâm giác ngộ viên mãn thấy tánh không của các pháp, và bồ-đề tâm tương đối, là nguyện vọng tu tập sáu ba-la-mật (lục độ) va giải thoát tất cả chúng sinh khỏi sự đau khổ của luân hồi.

Bồ-tát (Phạn: bodhisattva): Nghĩa đen là “một người hiển hiện tâm giác ngộ.” Một cá nhân cam kết với con đường Đại thừa tu tập bi tâm và sáu ba-la-mật để đạt Phật quả và giải thoát tất cả chúng sinh khỏi luân hồi. Cụ thể hơn, những người với động cơ muốn đạt được sự giải thoát khỏi luân hồi, đang ở một trong mười địa của bồ-tát kết thúc ở tuyệt đỉnh Phật quả.

Bồ-tát địa (Phạn: bhūmi, nghĩa đen, “nền đất”): Các địa hay giai đoạn mà một bồ-tát đi qua để đạt giác ngộ. Đây gồm có mười địa theo truyền thống kinh và mười ba địa theo truyền thống mật điển.

Bon (Từ Tây tạng, phát âm là “pon”): Đây là tôn giáo của Tây tạng trước khi Phật giáo du nhập Tây tạng. Tôn giáo này vẫn còn được tu tập ở Tây tạng. Tín đồ của tôn giáo này gọi là Bonpo.

Chakrasamvara: Một trong năm phép tu chính của dòng Kagyu. Thần Yi-đam (Bổn tôn) này là một heruka của gia đình hoa sen (hay Phật A-di-đà) và đóng vai trò quan trọng trong sáu Yoga của Naropa. Bốn vị Yi-đam khác là Maha-yama, Vajabhairava, Guhyasamaja, và Hevajra.

Changkya Rolpai Dorje: Karmapa thứ Tư và là thầy của Hoàng đế Trung hoa vào năm 1786.

Chân lý qui ước hay tục đế (Tạng.: kunsop): Có hai chân lý hay bình diện thực tại: chân lý tương đối hay qui ước (tục đế) và chân lý tuyệt đối hay tối hậu (chân đế). Chân lý tương đối là sự nhận thức của một người thường (không giác ngộ) thấy thế giới với tất cả những phóng tưởng dựa trên niềm tin sai nơi ngã của y.

Chân tánh của các pháp (Phạn: dharmadhātu, Hán dịch: pháp giới): Không gian bao hàm tất cả, vô thủy vô chung, từ đó phát sinh tất cả các pháp. Từ tiếng Phạn có nghĩa là “tự tánh của các pháp” nhưng thường ám chỉ tánh không, là tự tánh của các pháp.

Di Lặc (Phạn: Maitreya): Trong sách này, Bồ-tát Di Lặc sống vào thời đức Phật. Di Lặc hiện đang ở cõi trời Đâu-suất thanh tịnh cho đến khi ngài trở thành vị Phật kế tiếp trong đại kiếp này.

Đại ấn hay Đại thủ ấn (Phạn: Mahāmudrā): Nghĩa đen là “cái ấn lớn” tức là tất cả mọi hiện tượng (pháp) đều có dấu ấn của chân tánh toàn hảo bản nguyên. Phương thức thiền định này truy dấu trở về đến Sahara (thế kỷ thứ 10) và đã được truyền xuống trong trường phái Kagyu qua Marpa. Sự truyền thừa thiền định này nhấn mạnh nhận thức tâm một cách trực tiếp hơn là qua phân tích.

Đại thừa (Phạn: Mahāyāna): Nghĩa đen là “cái xe lớn.” Đây là những giáo lý của cuộc chuyển pháp luân thứ nhì, nhấn mạnh tánh không, bi tâm, và Phật tánh.

Đạo ca (Phạn: dohā): Một bài ca tôn giáo hình thành một cách tự phát của một hành giả Kim Cương thừa diễn tả kinh nghiệm chứng ngộ (Chứng đạo ca).

Đâu-suất (Phạn: Tushita): Một tịnh địa nơi đức Phật lịch sử cư ngụ trước khi xuống trần để dạy và là nơi Phật Di Lặc đang cư ngụ. Nó cũng là một cõi trời trong các cõi dục.

Đoạn diệt (chủ thuyết): Một quan điểm cực đoan (chủ trương rằng mọi sự vật đều chẳng có nghĩa gì cả) và chết chấm dứt mọi sự việc. Do đó, không có lý do gì để dấn thân vào những hành động tích cực trong đời này hay cố gắng để giác ngộ.

Giai đoạn phát sinh: Cũng gọi là giai đoạn phát triển. Trong Kim Cương thừa có hai giai đoạn thiền định: giai đoạn phát sinh và giai đoạn thành tựu. Giai đoạn phát sinh liên hệ với quán tưởng và chiêm nghiệm các vị thần vì mục đích chứng ngộ tính thanh tịnh của tất cả các pháp. Ở giai đoạn này sự quán tưởng hình tượng thần được thiết lập và duy trì.

Giáo lý quyết định: những lời dạy của đức Phật ban cho nghĩa trực tiếp của pháp và không bị thay đổi hay đơn giản hóa vì khả năng của người nghe. Nghĩa này trái ngược với nghĩa tạm thời.

Giáo lý tạm thời (quyền giáo): Những lời dạy của đức Phật được đơn giản hóa hay biến đổi cho hợp với khả năng của người nghe, trái với những giáo lý có nghĩa quyết định.

Hóa thân (Phạn: nirmānakāya, Tạng: tulku): Có ba thân Phật: hóa thân biểu hiện trong thế giới vật lý và trong văn mạch này nó biểu hiện như là Phật Thích-ca Mâu-ni.

Jamgon Kongtrul (1813-1899): Còn có tên là Lodro Thaye. Sư được bết đến nhiều nhất vì tạo nên phong trào rimay hay không bộ phái, một phong trào chiết trung bảo trì ngay cả những dòng truyền tu tập khác nhau đang ở bờ mép diệt vong. Sư cũng là một tác giả phong phú và đã viết chín mươi tập sách.

Kadampa (Tạng): Một trong những trường phái xuất hiện sớm ở Tây tạng, do Atisha (993-1054) sáng lập.

Kagyu (Tạng): Một trong bốn trường phái chính của Phật giáo Tây tạng, do Marpa sáng lập. Ba trường phái kia là Nyingma, Sakya, và Gelupa.

Kangyur (Tạng): Kết tập Tạng ngữ khoảng 104 tập chứa những lời dạy của đức Phật (Kinh tạng). Đại kết tập kia là Tengyur, một kết tập các luận về những lời dạy của đức Phật (Luận tạng).

Kim cương (Phạn: vajra): “Vajra” thường được dịch là “như kim cương” hay “bất hoại.” Đây có thể là một khí cụ cầm tay (chày kim cương) trong các nghi lễ Kim Cương thừa, hay nó có thể ám chỉ phẩm chất rất thanh tịnh và rất bền chắc như kim cương.

Kim Cương Thủ (Phạn: Vajrapani): Một vị bồ-tát lớn được cho là chủ tể của của chơn ngôn và là một hộ pháp chính của Phật giáo Tây tạng.

Kim Cương thừa (Phạn: Vajrayāna): Có ba truyền thống lớn của Phật giáo (Tiểu thừa, Đại thừa, và Kim Cương thừa). Kim Cương thừa đặt nền tảng trên mật điển và nhấn mạnh hình thái trong sáng của các pháp.

Kinh (Phạn: sūtra): Đây là những bản văn Tiểu thừa và Đại thừa, là những lời của đức Phật. Thường đối lại với mật điển (tantra).

Liên Hoa Sanh (Phạn: Padmasambhava, Tạng: Guru Rinpoche): Một bậc đại thành tựu Ấn độ được vua Trisong Detsen mời đến Tây tạng vào thế kỷ thứ tám. Sư được biết đến vì đã đưa Phật giáo vào Tây tạng và bình định những thế lực phi Phật giáo ở đó. Sư cũng là người sáng lập dòng truyền Nyingma (Cổ mật).

Long Thọ (Phạn: Nāgārjuna): Một học giả Ấn độ vào thế kỷ thứ hai đã sáng lập trường phái triết học Trung quán.

Luân hồi hay sanh tử (Phạn: saṃsāra): sự hiện hữu của đời sống bình thường theo nhân duyên trong đó đau khổ xảy ra bởi vì người ta vẫn có những cảm xúc phiền não. Đối lại với niết-bàn (nirvāna).

Luận (Phạn: shāstra): Giáo lý Phật giáo được chia thành kinh (sutra) gồm những lời dạy của đức Phật và những luận giải của các bậc sư về những lời Phật dạy.

Luật tạng (Phạn: Vinaya): Có ba phân bộ chính của các giáo lý Phật giáo ở mức Nền tảng: Kinh (sūtra: những lời dạy của đức Phật), Luật (Vinaya: các giới luật và thệ nguyện), và Luận (Abhidharma: sự xếp loại các yếu tố vật lý và tâm lý).

Marpa (1012-1097): Một người Tây tạng đã ba lần sang Ấn độ và mang về nhiều bản văn mật điển, gồm có Sáu Yoga của Naropa, Guhyasamaya, và các phép tu Chakrasamvara. Vị thầy chính của ông là Naropa và ông đã sáng lập dòng truyền Kagyu ở Tây tạng.

Mật điển (Phạn: tantra): Phật giáo Tây tạng chia thành truyền thống kinh và truyền thống mật điển. Truyền thống kinh chủ yếu tham dự vào sự nghiên cứu các bản văn Tiểu thừa và Đại thừa. Con đường mật điển chủ yếu tham dự vào vào những phép tu Kim Cương thừa. Các mật điển chủ yếu là những bản văn của những phép tu này.

Mikyo Dorje (1507-1554): Karmapa thứ Tám.

Milarepa (1040-1123): Milarepa là đệ tử của Marpa, đã đạt giác ngộ trong chỉ một đời. Đệ tử của ngài là Gampopa sáng lập dòng truyền Kagyu.

Na-lan-đà (Phạn: Nalandā): Đại học Phật giáo lớn nhất ở Ấn độ từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ mười, nằm gần Rajgir hiện nay, là trung tâm giáo lý Đại thừa; nhiều học giả vĩ đại của Phật giáo đã học ở đó.

Naropa (956-1040): Một bậc sư Ấn độ được biết đến nhiều nhất vì đã truyền nhiều giáo lý Kim Cương thừa cho Marpa.

Năm gia đình Phật (Ngũ Trí Như Lai): Năm vị Phật hóa thân tiêu biểu của năm trí giác ngộ. Năm gia đình đó là gia đình Phật Đại Nhật (Vairochana) tiêu biểu cho trí pháp giới (dharmadhātu) (pháp giới thể tính trí), Phật Bất Động (Akshobhya) của gia đình kim cương tiêu biểu cho trí như gương (đại viên cảnh trí), Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava) của gia đình trân châu tiêu biểu cho trí bình đẳng (bình đẳng tánh trí), Phật A-di-đà (Amitābha) của gia đình hoa sen tượng trưng cho trí phân biệt (diệu quán sát trí), và Phật Bất Không Thành Tựu (Amoghasiddhi) của gia đình hành động (karma) tiêu biểu cho trí thành tựu tất cả (thành sở tác trí).

Niết-bàn (Phạn: nirvāna): Nghĩa đen là “tịch diệt.” Với sự tu tập tâm linh, cá nhân có thể đạt cảnh giới giác ngộ trong đó tất cả những ý niệm sai lầm và cảm xúc mâu thuẫn đều bị diệt. Đây gọi là niết-bàn.

Ngã (Phạn: ātman): Từ chỉ cái “ngã” thường hằng tiếp tục hiện hữu ngay cả sau khi chết. Điều này được đa số các trường phái Ấn độ giáo chủ trương, nhưng bị các trường phái Phật giáo bác bỏ.

Nguyệt Xứng (Phạn: Chandrakīrti): Một học giả Phật giáo Ấn độ thuộc kỷ thứ 7 của trường phái Trung đạo, người được biết đến nhiều nhất vì sự ủng hộ của sư đối với truyền thống Prāsangika minh xác tánh không bằng cách dùng phương pháp luận lý học reductio ad absurdum (qui kết phi lý). Sư viết hai luận chính – Prasannapadā (Căn bản Trung Quán Chú Minh Ngữ) và Mādhyamaka-vatara (Nhập Trung Đạo hay Nhập Trung Luận).

Nhất thiết hữu bộ (Phạn: Sarvāstivāda): Một trường phái Tiểu thừa tách khỏi Thượng tọa bộ (Phạn: Theravāda) vào thế kỷ thứ ba trước K.N.. Cái tên có nghĩa đen là trường phái “tin mọi sự vật đều hiện hữu” và tin rằng mọi sự vật có thể giảm thiểu thành vi trần (atoms), (thực tế là 75 pháp hay dharmas) và những vi trần này tạo thành những vật thể thực sự hiện hữu. Những pháp (dharmas) này về sau được trường phái Tì-bà-sa (Vaibhāsika) thâu hóa.

Như Lai tạng (Phạn: tathāgata-garbha): Nghĩa đen, “bản tánh của như lai,” dịch sang tiếng Anh là “Buddha-nature” hay “Buddha-essence” tức Phật tánh hay Tự tánh Phật.

Những chỉ dạy bằng miệng (Tạng: man ngak): Đôi khi được gọi là những chỉ dạy tinh yếu hay cốt lõi [khẩu quyết]. Những chỉ dạy này được truyền từ đạo sư sang đệ tử liên quan đến sự thiền định về bản tánh của tâm. Trong khi một số các chỉ dạy này cũng được viết xuống, thì đa số được truyền miệng.

Patrul Rinpoche (1808-1887): Một bậc sư danh tiếng của phái Nyingma, người đã viết The Worlds of My Perfect Teacher [Việt dịch: Thanh Liên “Lời Vàng của Thầy Tôi”- ND].

Pháp (Phạn: dharma): Từ này có hai nghĩa. Nó có thể có nghĩa là bất cứ một hiện tượng nào hay có thể có nghĩa là những lời dạy của đức Phật cũng được gọi là Phật pháp.

Pháp giới (Phạn: dharmadhātu): Không gian bao hàm tất cả, bất sinh và không có sự khởi đầu và tất cả sự vật sinh ra từ đó. Từ tiếng Phạn có nghĩa là “tự tánh của các pháp” và trong Tạng ngữ có nghĩa là “thế giới của hiện tượng.”

Pháp luân (Phạn: dharma-chakra: bánh xe pháp): những giáo lý của đức Phật tương ứng với ba mức độ: Tiểu thừa (hay thừa Nền tảng), Đại thừa, và Kim Cương thừa, với mỗi thừa là một cuộc chuyển bánh xe pháp. Theo cái thấy của Shentong, có ba lần chuyển pháp luân, thứ nhất nhấn mạnh sự giải thoát cá nhân, thứ nhì là các giáo lý Đại thừa nhấn mạnh tánh không, và thứ ba nhấn mạnh Phật tánh.

Pháp thân hay Chân thân (Phạn: dharmakāya): Một trong ba thân của Phật. Nó chính là sự giác ngộ, nghĩa là, trí tuệ ở bên kia điểm qui chiếu. Xem “ba thân.”

Phật tánh (Anh: Buddha-nature, Phạn: tathāgata-garbha: nghĩa đen, “bản tánh của như lai.” Hán dịch: “Như lai tạng”): Tánh bản lai hiện diện nơi tất cả mọi chúng sinh, khi nhận ra sẽ đưa đến giác ngộ. Cũng gọi là Tự tánh Phật hay Thể tánh Phật.

Phiền não (Phạn: klesha): Những ám chướng do cảm xúc (trái với những ám chướng do kiến thức hay sở tri), cũng được dịch là “khổ não” hay “độc.” Ba cảm xúc phiền não là đam mê hay chấp trước, kích xúc hay tức giận, và vô minh hay mê hoặc. Năm phiền não là ba cái vừa nêu cộng với kiêu căng và ganh tị.

Pramāna (Phạn): Sự nghiên cứu về tính giá trị hay hiệu lực, tức là, làm cách nào chúng ta biết điều chúng ta nghĩ là đúng. [Hán dịch: lượng– ND].

Prāsangika (Phạn): Một trong những trường phái chính của Phật giáo Trung đạo, có những đại biểu chính là Phật Hộ và Nguyệt Xứng. Xem Trường phái Prāsangika.

Rechungpa: Một đệ tử lớn của Milarepa.

Sahara: Một trong tám mươi bốn bậc thành tựu của Ấn độ, người ta nói là sư đã sống vào thế kỷ thứ chín, được biết đến vì đã sáng tác những đạo ca đầu tiên về Đại Thủ ấn.

Sáu Yoga của Naropa: Đây là sáu phép tu yoga đặc biệt được truyền từ Naropa sang Marpa là những phép tu thượng thừa gồm có yoga nội nhiệt, yoga thân huyễn, yoga mộng, yoga tịnh quang, yoga chuyển thức, và yoga bardo (trung ấm). [Xem “Du già Tây tạng, Giáo lý và Tu tập” – ND].

Shamatha (Phạn, Tạng: shinay, Hán dịch: Chỉ): Sự tĩnh lặng hay thiền định ở lại trong bình tĩnh trong đó người ta thường theo dõi hơi thở và quan sát những hành tác của tâm. Mục đích chính của thiền định Shamatha là an định hay thuần hóa tâm như vậy nó sẽ ở lại nơi người ta đặt để nó.

Shantarakshita (thế kỷ thứ 8): Viện trưởng của Đại học Na-lan-đà được vua Trisong Detsen mời đến Tây tạng để giúp giới thiệu Phật giáo. Ông đã giám thị việc xây cất tự viện đầu tiên của Phật giáo ở Tây tạng.

Sojong (những lời nguyện): Một phép tu trong đó người ta hành trì tám lời nguyện trong một thời kỳ 24 giờ.

Taranatha (1575-1634): Bậc thầy dẫn đầu của phái Jonangpa và được biết đến nhiều nhất là vì tác phẩm của ông History of Buddhism in India (Lịch sử Phật giáo ở Ấn độ).

Tám thức: Đây là năm giác thức: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Thức thứ sáu là ý thức làm công việc suy nghĩ hằng ngày. Thức thứ bảy là thức khổ não (Phạn: klesha) là cảm giác về “ta” (ngã thức) lúc nào cũng hiện diện. Cuối cùng, thức thứ tám là thức nền tảng hay thức a-lại-da hay hàm tàng thức.

Tăng-già (Phạn: sangha): Những người cùng đi trên đường đạo. Họ có thể là tất cả những người trên đường đạo hay “Thánh chúng,” chỉ những người đã chứng ngộ.

Tì-bà-sa (Phạn: Vaibhāsika, Anh: Great Exposition: Quảng diễn): Một trường phái Tiểu thừa quan hệ mật thiết với trường phái Nhất thiết hữu bộ. Trường phái này hưng thịnh ở Gandhara và Kashmir, và tên của nó đến từ bản văn chính Đại Tì-bà-sa (Phạn: Mahā-vibhāshā).

Tịch Thiên (Phạn: Shāntideva, 675-725): Một nhà Đại thừa sống vào thế kỷ thứ 7 và thứ 8 ở Ấn độ nổi danh vì tác phẩm vĩ đại của sưBodhicaryāvatāra. Anh dịch: The Bodhisatva’s Way of Life. Việt dịch: Bồ-tát Hạnh.

Tilopa (928-1009): Một trong tám mươi bốn bậc thành tựu. Sư là đạo sư của Naropa, người truyền các giáo lý của Tilopa cho Marpa, và đương nhiên là đến dòng truyền Kagyu ở Tây tạng.

Tính trong sáng (quang minh) (Tạng: salwa): Cũng dịch là tính quang minh. Bản tánh của tâm là không thực hữu, nhưng nó không phải là trống rỗng, bởi vì nó có tính trong sáng tỉnh giác hay phẩm tính biết của tâm.

Tính vô ngã cá nhân (nhân vô ngã): Giáo pháp này khẳng định rằng khi người ta tìm con người, người ta không tìm thấy cái gì là con người. Người ấy không sở hữu một cái ngã (Phạn: ātman, Tạng: dag nyid) như là một thực thể độc lập hay có bản thể. Các trường phái Phật giáo giữ vị trí này (vô ngã).

Tính vô ngã của các pháp (pháp vô ngã): Giáo pháp này khẳng định không chỉ con người không có ngã mà khi khảo sát các hiện tượng ngoại giới (các pháp), người ta cũng thấy rằng các hiện tượng bên ngoài đều là không; tức là, chúng không có một bản tánh độc lập hay có bản thể nào cả. Các trường phái Tiểu thừa (Phạn: Hīnayāna, Anh: Foundation vehicle) không giữ vị trí này, nhưng các trường phái Đại thừa đề xướng nó, nhất là trường phái Duy thức (Anh: Mind-only).

Tirthika (Phạn): Một tín đồ tin vào cái ngã cá nhân. [Cũng gọi là ngoại đạo]. ND.

Thanh Biện (Phạn: Bhāvaviveka, 490-570 sau K.N.): Một học giả Trung đạo của Ấn độ đã phê bình sự giải thích về tánh không của Phật Hộ (Phạn: Buddhapālita), dẫn đến sự phân chia trong Phật giáo Đại thừa. Thanh Biện đã sáng lập trường phái Svātantrika dùng svātantra (Anh: syllogisms: tam đoạn luận) để xác minh tánh không thay vì dùng hệ thống phủ định luận của trường phái Prāsangika. Tác phẩm của ông gồm có Prajñā pradipa, Mādhyamaka-hridaya, và Tarka-jvala.

Thanh văn (Phạn: shravāka): Nghĩa đen là “những người nghe” nghĩa là những đệ tử tu tập Tiểu thừa để trở thành A-la-hán.

Thánh (bậc) (Phạn: āryas): một người đã đạt được sự chứng ngộ trực tiếp về bản tánh của thực tại như thế là chứng ngộ tánh không của ngã và pháp.

Thánh Thiên (Phạn: Āryadeva): Đệ tử thân cận nhất và là người thừa kế của Long Thọ. Sư sinh ở Sri Lanka (Tích lan) và viếtCatuhshakate (Luận Bốn Trăm Tụng).

Thần thông (Phạn: siddhi): Những năng lực tâm linh của những hành giả thành tựu.

Thừa Nền tảng hay Tiểu thừa (Anh: Foundation vehicle, Phạn: Hīnayāna): Những giáo lý đầu tiên của đức Phật nhấn mạnh sự khảo sát kỹ lưỡng về tâm và sự vô minh của nó.

Thường hằng (chủ thuyết) (Tạng.: tak): Niềm tin cho rằng ngã của một người có sự hiện hữu cụ thể và thường hằng. Chủ thuyết này trái ngược với chủ thuyết đoạn diệt.

Trung đạo (Phạn: mādhyamaka, Anh: Middle-way): Trường phái có ảnh hưởng nhiều nhất trong bốn trường phái Phật giáo Ấn độ, do Long Thọ sáng lập vào thế kỷ thứ nhì của K.N. đặt căn bản trên các giáo lý Bát-nhã Ba-la-mật-đa. “Trung đạo” có nghĩa là con đường giữa chủ thuyết thường hằng và chủ thuyết đoạn diệt. Định đề chính của trường phái này là tất cả các pháp (hiện tượng) – cả những sự kiện tinh thần bên trong và những vật thể vật chất bên ngoài – đều không có bất cứ một bản tánh chân thật nào. Trường phái này dùng lý luận rộng rãi để minh xác tánh không của ngã và pháp (hiện tượng).

Trường phái Du-già (Phạn: Yogāchāra): Danh hiệu của trường phái truyền xuống từ Di Lặc và Vô Trước.

Trường phái Duy thức (Phạn: chittamatra, Anh: Mind-only): Một trong những trường phái chính trong truyền thống Đại thừa do Vô Trước sáng lập vào thế kỷ thứ tư, nhấn mạnh rằng tất cả các pháp đều do tâm sinh.

Trường phái Kinh Lượng bộ (Phạn: sautrāntika): Một trong bốn trường phái lớn của Phật giáo Ấn độ. Đây là một trường phái thuộc Tiểu thừa, tin rằng các hiện tượng ngoại giới là có thật và ý thức nội giới của chúng ta cũng có thật, nhưng hiểu ngã là hư huyễn.

Trường phái Quảng diễn (Anh: Great Expositon, Phạn: Vaibhāsika): tức là trường phái Tì-ba-sa, một trong bốn trường phái chính thuộc thừa Nền tảng, ba trường phái kia là Kinh Lượng bộ, Duy thức, và Trung đạo. Trường phái này chủ trương rằng vật chất là có thật hay hiện hữu độc lập và được cấu tạo bằng những phân tử và thời gian là có thật và cấu tạo bằng những thoáng chốc [sát-na?] rồi tạo thành ý thức.

Trường phái Rangtong (Tạng): Trường phái Madhyamaka hay Trung đạo chia thành hai trường phái chính: Rangtong và Shentong. Sự khác biệt là Rangtong chủ yếu nhấn mạnh tánh không, và Shentong chủ yếu nhấn mạnh trí tuệ trong sáng (minh tuệ).

Trường phái Shentong (Tạng.): Trường phái Madhymaka hay Trung đạo chia thành hai trường phái chính: Rangtong và Shentong. Sự khác biệt là Rangtong chủ yếu nhấn mạnh tánh không, và Shentong chủ yếu nhấn mạnh minh tuệ.

Trường phái Svātrantika (Phạn): Một trong hai trường phái chính của Phật giáo Đại thừa với những đại biểu chính là Bhāvaviveka (Thanh Biện) và Santarakshita. Trường phái chính kia là Prāsangika.

Tsongkhapa (1357-1419): Người sáng lập trường phái Gelupa của Phật giáo tây tạng.

Uẩn (năm) (Phạn: skandha): Có năm biến thể của tâm mà các nhận thức phải đi qua: Thứ nhất, là sắc gồm có hình ảnh, âm thanh, các vị, v.v… mà các giác quan nhận thức. Thứ nhì, là thọ (cảm nhận), trong đó người ta đối xử sắc là tích cực, tiêu cực, hay trung tính. Thứ ba, là tưởng (ý niệm) nhận biết cảm xúc. Thứ tư, là hành hay khái niệm, trong đó người ta kết hợp nhận thức với kinh nghiệm quá khứ. Cuối cùng là thức, tức ý thức thông thường với tất cả những ý nghĩ phân biệt của nó.

Vajravarahi (Phạn): Một không hành nữ đa-ki-ni, là vị phối ngẫu của thần Chakrasamvara. Bà là một trong những Yi-đam chính của dòng Kagyu và là hiện thân của trí tuệ.

Vô ngã (Tạng: dag me): Không có ngã hay không có “linh hồn.” Hiểu rằng không có bản ngã (identity) hay bản thể tách rời hay thường hằng nào cả để tìm. Có hai loại vô ngã – vô ngã của các pháp hay tánh không của các hiện tượng ngoại giới (pháp vô ngã), và tánh không của chính cá nhân (nhân vô ngã).

Vô Trước (Phạn: Asanga): Một luận sư Ấn độ ở thế kỷ thứ tư sáng lập trường phái Duy thức và khám phá năm bộ luận của Di Lặc là những tác phẩm quan trọng của Đại thừa. Em trai của sư là Thế Thân (Vasubandhu).

Xa luân (Phạn: chakra: nghĩa đen là “cái bánh xe”): Trong văn mạch này, các trung khu năng lực (prāṇa: khí) dọc theo kênh giữa ở trán, cổ họng, trái tim, thần kinh thái dương, và “chỗ bí mật” [khí hải?] nằm dưới rốn cách khoảng bằng bề ngang bốn ngón tay, nơi tỏa rộng của các kênh.

Thư Mục

Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Phạn:Mahāprajñāpāramitā Sūtra). Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập, Việt dịch: Thích Trí Tịnh. Anh dịch: Edward Conze “The Large Sutra on Perfect Wisdom” (University of California Press, 1984) và “The Perfection of Wisdom in Eight Thousand Lines & Its Verse Summary” (Four Seasons Foundation, 1995) – ND.

Bát-nhã Tâm kinh (Phạn: Mahāprajñāpāramitā-hridaya-sutra). Hán dịch: Pháp sư HuyềnTrang. Anh dịch: The Heart Sūtra.

Brunnholzl: Center of the Moonlit Sky.

Di Lặc & Vô Trước (Maitreya & Asanga):

– Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh (Phạn: Mahā-yānasūtrā-lamkāra). Anh dịch: The Ornament of Mahā-yāna Discourse.

– Luận Hiện Chứng Trang Nghiêm (Phạn: Abhisamayā-laṃkāra). Anh dịch: “The Ornament of Clear Realization.”

– Luận Biện Trung Biên (Phạn: Madhyānta-vibhanga). Anh dịch: Distinguishing the Middle from the Extremes.

– Luận Pháp Tánh (Phạn: Dharma-dharmtā-vibhanga). Anh dịch: Disinguishing Dharma from Dharmata.

– Luận Phật Tánh (Tạng: Uttaratantra shastra) hay Luận Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tánh (Phạn: Ratnagotravibhanga Mahāyanottara tantra shāstra). Anh dịch: E. Obermiller: “The Uttara-tantra of Maitreya”; Ken and Katie Holmes: “The Uttara Tantra: A Treatise on Buddha-nature”(Sri Satguru Public-ations, 1989); Rosemarie Fuchs: “Buddha Nature”; Việt dịch: Đỗ Đình Đồng: Luận Phật Tánh – ND.

Dolpopa: Anh dịch: Jeffrey Hopkins: “Mountain Doctrine.” (Snow Lion, 2004)

Hookham, S. K.: The Buddha Within (Sri Satguru Public-ations, 1991).

Jamgon Kongtrul Lodro Thaye: Shes-bya kun-khyab-mdzod. Anh dịch: “The Compendium of Knowledge” (Snow Lion): Tập Yếu Tri Kiến.

Long Thọ (Nāgāarjuna):

– Luận Bát-nhã Trung đạo (Ph.: Prajñā-mūlamadhyamaka-kārikā). Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập “Trung Luận.” Anh dịch: F. J. Strong “Emptiness.” Việt dịch: Đỗ Đình Đồng: “Trung Luận và Hồi Tranh Luận” – ND.

-Thư Gửi Bạn (Ph.:Suhriellekha). Anh dịch: Jamspal, Chophel, Santina “Nagarjuna’s Letter to King Gautami-putra” (Motial Banarsidass).

– Pháp Giới Tụng (Ph.: Dharmadhātustava). Anh dịch: Karl Brunnholzl “In Praise of the Dharmadhatu” (Snow Lion, 2008).

– Xâu Chuỗi Vàng (Ph.: Rājaparikathā-ratnamālā). Anh dịch: Jeffrey Hopkins “The Golden Rosary: The Precious Garland” (Snow Lion, 2009).

Nguyệt Xứng (Chandrakīrti):

– Nhập Trung Đạo (Ph.: Mādhyamakā-vatāra). Anh dịch Padmakara Translation Group: “Introduction to the Middle Way”

– Căn Bản Trung Quán Chú Minh Ngữ (Ph.: Mūla-madhya-maka-vritti-prasana-padā: Anh dịch Mervyn Sprung: “Lucid Exposition of the Middle Way” (chỉ dịch một phần).

Patrul Rinpoche: Anh dịch: Padmakara Group Translation “The Words of My Perfect Teacher” (Shambhala Public-ations). Việt dịch: Thanh Liên “Lời Vàng của Thầy Tôi” –

ND.

Sahara: Anh dịch: Michell Martin & Peter O’Hearn: “A Song for the King” (Snow Lion, 2006).

Stearns, Cytrus: The Buddha from Dolpo (Motilal Banarsidass, 1999).

Taranatha: Lịch sử Phật giáo ở Ấn độ. Anh dịch: Lama Chimpa: “Taranatha’s History of Buddhism in India.”

Tịch Thiên (Shantideva): Bồ-tát Hạnh (Ph.: Bodhicaryā-vatāra). Anh dịch: Padmakara Translation Group: “The Way of Bodhisattva” (Shambhala Pubications, 1977). Việt dịch: Thích Trí Siêu: “Bồ-tát Hạnh” – ND.

Thanh Biện (Bhavaviveka):

– Hán dịch của Jñānagarbha: “Căn Bản Trung Quán Thích Trí Tuệ Đăng” (Ph.: Prajñā-Pradipa-Mūla-madhyamaka-vritti.)

-Mādhyamaka-hridaya kārikā-vritti tarka-jvala. (Chưa dịch).

Thánh Thiên (Aryadeva): Bốn Trăm Tụng (Ph.: Catuh-shakā). Anh dịch từ Tạng ngữ: Ruth Sonam: “Yogic Deeds of Boddhisattvas.” Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập: “Bách Luận” (chỉ dịch một phần của Catuhshakā).

Thrangu Rinpoche: On Buddha Essence (Shambhala, 2006) và Transcending Ego: Distinguishing Consciouness (Namo Buddha Publications, October 2001).

(Hết)