Một người bán dầu tên Bùi Độ (đời vua Hán Cảnh Đế) nghèo khổ lang thang, được thầy tướng số cho biết sẽ chết đói vì có hai đường gân chạy xéo từ cằm lên mép miệng. Ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết.

Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to. Thiếu nữ đang tuyệt vọng muốn tự vẫn.

Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.

Một lần gặp lại, thầy tướng số kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ.

Quả đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, dạy học cho Bùi Độ, rồi kết bái phu thê, saumới thưa với phụ thân. Cha nàng cậy nhờ bạn bè tiến cử Bùi Độ.

Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác. Trên bước đường tiến quan, anh ghé vào thăm ngời xem tướng cũ để tạ ơn, nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Anh tức giận bỏ đi.

Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, lôi kéo cưỡng bức các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá.

Cái phước của Bùi Độ xuất hiện do tâm niệm liều mạng tìm vàng cứu cô gái. Phước đó lớn đến nỗi chuyển hẳn tướng mạo và số mệnh, giúp anh có được công danh vinh hiển. Nhưng rồi, tư cách tầm thường tham dục đã phá vỡ phúc đức gây dựng được, cái nghiệp vốn có lại trở về.

Như vậy, tướng mạo tùy thuộc vào đức và nghiệp chứ không cố định. Giúp người hành thiện, ấy chính là đạo lý quan trọng của việc cải biến vận mệnh.

 

St