Thế Giới Cực Lạc - Phân tích ứng dụng kinh A Di Đà (P2)

TÂM LINH Ở TỊNH ĐỘ

Cực lạc dưới góc độ tâm linh được mô tả: “Dân chúng cõi ấy không còn đau khổ, ngay cả từ “khổ” cũng không còn có mặt, huống chi là có thật. Dân chúng luôn sống an vui, thân tâm thơi thới cho nên chỗ ấy được gọi là Cực Lạc”. Ý niệm về sự khổ đau không có mặt trong dòng cảm xúc, trong não trạng và trong cuộc đời là một ý niệm và hiện thực có thật.

Có người lý luận rằng khổ đau và hạnh phúc mang tính tương đối và tương thuộc rất cao, nghĩa là những ai chưa từng nếm mùi khổ đau sẽ chưa biết đến giá trị của hạnh phúc. Lý luận đó phù hợp với học thuyết duyên khởi và nhân quả của đạo Phật, nhưng nếu cho rằng nơi nào có khổ đau thì nơi ấy mới có hạnh phúc sẽ là sự sai lầm, vì nhân khổ không thể tạo ra quả phúc.

Nói cách khác, hạnh phúc có hai loại, một loại hạnh phúc mang tính điều kiện như là sự đối lập với bản chất của khổ đau và một loại hạnh phúc vượt lên trên điều kiện. Chẳng hạn như ta nuôi một con chim trong lồng, nghĩ rằng mình thương nó nhưng thực tế là đem lại cho nó nhiều khổ đau vì sự giam nhốt. Bản chất của loài chim là muốn được bay cao, bay xa trên bầu trời, được sống trong rừng xanh và làm bạn với những cánh đồng. Do học được đạo lý từ bi, ta mở lồng ra để con chim ấy được chắp cánh bay xa, xem như ta đã mang đến cho nó niềm hạnh phúc vô vàng. Dĩ nhiên, con chim sống trong lồng sau nhiều năm bị giam nhốt, nay được tự do với bầu trời xanh cảm nhận hạnh phúc rất lớn; nhưng đó là hạnh phúc tương đối và nó đối lập với cái phi hạnh phúc. Giá trị của sự sống là vô tận, không bị giới hạn. Loài động vật dù là nhỏ nhất vẫn có nhu cầu cần hạnh phúc như con người. Không nên mua chim về nhốt, mua cá về trưng. Thực tập phóng sanh là đang tạo ra hạnh phúc phi điều kiện cho các loài động vật. Những hạnh phúc bị lệ thuộc điều kiện chỉ là hạnh phúc tương đối.

“Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài” là câu nói cửa miệng của những tù nhân, đong đo giá trị của sự thong dong, thoải mái, không bị câu thúc giữa bốn bức tường. Tâm trạng của người bị giam nhốt trong ngục tù là sự bơm phồng cảm xúc. Họ đong đo từng giờ, từng phút, từng sát-na đơn vị ngắn nhất của thời gian trôi qua. Càng mong mỏi thời gian bằng cảm xúc thì sự cường điệu cảm xúc càng dâng trào và cuối cùng họ cảm thấy thời gian như được kéo dài ra; nhưng trên thực tế nó vẫn trôi qua một cách đều đặn, mỗi ngày cũng chỉ hai mươi bốn giờ, không nhanh và cũng không chậm. Những người từng dùng thuốc bắc điều trị bệnh đều phải kiêng cử ăn uống trong suốt thời gian dài và khi được ăn uống trở lại bình thường, khẩu vị của họ sẽ có cảm giác ngon miệng hơn. Cảm giác ngon đó là ngon có điều kiện. Dẫu vậy, tính điều kiện của hạnh phúc vẫn có thể mang lại giá trị hạnh phúc.

Phần lớn con người thường tìm hạnh phúc dựa trên tính điều kiện tương tự như thế. Sau một ngày làm việc mỏi mệt, khi trở về sinh hoạt với gia đình, ta sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn vì không còn những căng thẳng của công sở, việc làm ăn buôn bán, tranh chấp đối tác, hoặc hận thù. Sự thay đổi môi trường làm cho ta có cảm giác dễ chịu, khi ấy không gian tâm linh cũng theo đó mà tăng trưởng. Sinh hoạt gia đình là môi trường cần thiết để giải quyết những bế tắc trong cuộc sống. Những người làm việc nhiều mà quên chăm sóc gia đình, bỏ mất thói quen sinh hoạt gia đình thì hạnh phúc khó được bền vững. Lúc nào cũng đem sự căng thẳng của công việc về mái ấm gia đình, nói theo Phật giáo là mang lửa căng thẳng và mỏi mệt ở, công sở, lửa của quan hệ giao tế về nhà thiêu đốt tình cảm gia đình.

Sự mô tả về bản chất tâm linh ở thế giới Cực Lạc nằm ở cụm từ “khổ không có mặt”, nghĩa là cư dân Tịnh độ sống chặt đứt khổ đau và dây mơ rễ má của nó .Đây là đạo lý ứng xử và hành trì rất tốt. Khi có nguyện vọng sanh về thế giới Cực Lạc thì hành giả phải đạt được một trình độ tâm linh nhất định. Với trình độ tâm linh đó, hành giả không còn truy ức quá khứ. Sự truy ức về quá khứ làm cho con người hâm nóng khổ đau. Chuỗi dài của kiếp sống được đong đo và kết nối bằng nhiều cảm xúc của khổ đau, trong đó lẫn rất ít cảm xúc của hạnh phúc và mỗi khi nhớ về quá khứ thì khổ đau lại có mặt.

Hãy cắt bỏ quá khứ để hận thù không thể tồn tại và phát triển. Sự nuối tiếc có thể phá hủy các năng lượng tích cực ở hiện tại; theo đó, trạng thái thụ động, chán chường, hay thất vọng có cơ hội diễn ra, chinh phục và khống chế đời sống tinh thần của ta.

Các cư dân Tịnh độ nhờ chất liệu “khổ không có mặt” nên chặt đứt được ý niệm khổ đau trong quá khứ. Dòng chảy tâm thức của họ là sự an vui thơi thới, thân tâm nhẹ nhàng. Về bản chất của khổ đau, có khổ đau từ kinh nghiệm của quá khứ và có khổ đau dựa trên viễn tưởng của con người. Ví dụ như ta đang sống trong giai đoạn chiến tranh, chết chóc, hận thù, thì viễn tưởng tương lai của đời sống này là sự chết chóc, đói khát, tàn phá, hủy diệt, thương tật, chia ly và đổ nát; đó là viễn cảnh hoàn toàn của khổ đau.

Kinh A-di-đà mô tả bản chất hạnh phúc ở thế giới Tây phương là ý niệm khổ đau không còn có mặt huống chi là một thực tại. Cái thực tại phải được đặt trên ý niệm, và ý niệm đó phải liên hệ đến một viễn cảnh trong tương lai. Trong khi đó, cư dân Tịnh độ không có nỗi lo lắng, sợ hãi hay bồn chồn về một viễn cảnh tương lai bao gồm môi trường sinh thái, chế độ sinh hoạt, cách thức giao tế sẽ ra sao, đối phó thế nào…

Có người từ lúc mới sinh ra cho đến lúc qua đời chưa từng lâm vào cảnh nghèo đói. Họ sống với tấm lòng bao la, thương người, đóng góp và chia sẻ cho cuộc đời này nhiều thứ nên họ chưa hề có ý niệm về sự thiếu thốn. Chính sự đóng góp, dấn thân phục vụ và chia sẻ khổ đau trong cộng đồng đã mang lại cho tương lai một viễn cảnh an vui, hạnh phúc.

Qua đó, ta thấy rằng người sống trong bối cảnh không gian tương đối mà vẫn có cơ hội sống và tặng hạnh phúc như thế; huống hồ các hành giả tu tập theo công thức “Nhất tâm bất loạn” đạt đến tâm linh cao thì không thể có trạng thái lo lắng và sợ hãi.

Ta thường lo lắng không biết tương lai của mình sẽ ra sao, sợ hãi vấn nạn chưa giải quyết. Những bế tắc đó cứ theo đuổi ta, diễn ra mỗi ngày một tăng với qui mô phức tạp. Lo lắng và sợ hãi là con đẻ của vô minh. Khi tuệ giác chưa có mặt thì con người có nhiều nỗi sợ hãi.

Nhiều người có thái độ lo lắng quá nhiều, có thể gọi đó là căn bệnh trách nhiệm thặng dư. Có những công việc chỉ cần đầu tư trong hai giờ là có thể giải quyết tốt đẹp, thế mà có người vẫn cứ trằn trọc, băn khoăn, lo lắng đủ thứ… lo lắng vì sợ người thân, người thương của mình không đủ sức để làm việc đó. Đây là điều tạo ra sự lo lắng thặng dư, làm cho thần kinh căng thẳng và não trạng mệt mỏi. Những người có bệnh thặng dư về nỗi lo lắng luôn già trước tuổi và giảm tuổi thọ. Do bởi họ không có cái nhìn tuệ giác, không thấy được viễn cảnh tương lai là gì. Sống với chánh niệm và nhất tâm bất loạn, chắc chắn ta sẽ có cách ứng xử dứt khoát, tự tin và sẽ đạt được kết quả tích cực.

HẠ TẦNG CƠ SỞ

Dựa vào nội dung mô tả về bản chất thế giới tâm linh trong kinh A-di-đà ta thấy đó là nhu cầu tinh thần, và hành giả ở cõi Ta bà này có thể làm được. Nét đặc sắc của kinh A-di-đà không nằm ở việc giới thiệu mô hình Tịnh độ lý tưởng nhất ở một thế giới cách khoảng mười tỉ cõi nước mà nằm ở việc cung cấp cho ta một quy hoạch Tịnh độ, giúp ta thiết lập các mô hình tương tự với tỷ lệ tương xứng hoặc nhỏ hơn trong lòng thực tại mà ta đang sống, chẳng hạn trong gia đình mà ta đang tồn tại, trong tâm mà ta đang cảm xúc, nhận thức.

Đức Phật thấy rõ cảnh giới Ta bà có vô số khổ đau, những điều cầu mà chẳng được, cảnh trái ngang oan khiên, ghét nhau mà phải gặp mặt, thương nhau mà phải chia lìa, cùng vô số những điều bất hạnh đang xảy ra từng ngày, từng giờ, từng phút và từng giây, nên đã giới thiệu mô hình lý tưởng của thế giới Cực Lạc và đặt ta trong cách “nhón chân và vói tay” để đạt đến một phần nào giá trị thiết thực đó.

Đức Phật đã giới thiệu mô hình lý tưởng để ta tham khảo, khám phá, và sáng tạo một mô hình mới ở cõi Ta bà, mà cả đời chưa chắc có thể xây dựng hoàn thiện. Mô hình đó được đầu tư bởi tuệ giác của đức Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí và vô số các vị Bồ-tát khác, các vị nhất sanh bổ xứ và các vị đại A-la-hán. Rõ ràng đây là một công trình quy hoạch có tầm vóc, mà sự mô phỏng tham khảo có thể giúp ta ứng dụng trên địa cầu này.

Không có sự sáng tạo tuyệt đối. Ta có thể mô phỏng dữ liệu A, B hoặc C đã có trong quá khứ và thông qua đó, ta thấy được điểm toàn bích, điểm còn giới hạn để phác họa ra những cái mới, tích cực, tiện lợi và có giá trị lớn hơn.

Các hành giả ở cõi Ta bà mang ơn đức Phật Thích Ca rất nhiều. Với giới hạn của nhục nhãn và thân thể vật lý, con người trong hai mươi sáu thế kỷ trước không thể biết được vũ trụ bao la này có sự sống con người cao hơn con người ở cõi Ta bà này về phương diện đạo đức, tâm linh, khoa học kỹ thuật và các giá trị tinh thần.

MÔ HÌNH SINH THÁI

Sinh thái của Tịnh độ khá đặc sắc, mang vóc dáng của một môi trường lý tưởng. Môi trường đó được mô tả bằng nội dung chính: “Núi non, đất đai, thành quách, cung điện, nhà cửa, phố xá, cây cối, hạ tầng cơ sở cho đến các phương tiện đều được nạm bằng bảy báu là vàng, bạc, trân châu, pha lê, mã não, lưu ly, xà cừ; cho nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc”.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên ở cõi Ta bà đã bị con người khai thác cạn kiệt, dẫn đến sự hủy hoại môi trường sống, gây ra những thảm họa cho con người và các loài động vật trên hành tinh này như động đất, sóng thần, hạn hán, bão lụt v.v…diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Sinh thái ở Tịnh độ không bị rơi vào tình trạng như thế, bởi vì cư dân ở đây là những vị thánh giả, đời sống của họ toàn là tài sản Thánh nên không có sự tranh chấp, hủy diệt. Do đó, họ duy trì được sinh thái tốt đẹp và lý tưởng cao quý.

Câu kinh trên mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc với con số bảy. Con số bảy tạo ra mô hình trùng trùng điệp điệp về sinh thái lý tưởng, hài hòa với cuộc sống con người, rừng không bị phá hủy, cây cối xanh tươi, một không gian không bị tác động hay ảnh hưởng bởi nền công nghiệp hiện đại với những ô nhiễm về môi trường, nguồn nước, khí thải, đạo đức và tâm linh. Khi sống và giao thoa trong môi trường hoàn thiện như thế, chắc chắn tâm tư, cảm xúc, nhận thức và sinh hoạt của con người sẽ luôn hướng thiện.

Sự giao lưu giữa môi trường sống và con người thường diễn ra theo khuynh hướng cái mạnh sẽ khống chế cái yếu. Người đó có tiềm năng, tuệ giác và lòng từ bi lớn, sẽ tạo ra thế giới hạnh phúc, giống như anh hùng tạo ra thời đại: Môi trường tích cực sẽ nắn tạo ra những con người tích cực

Mô hình Tây phương Cực Lạc giúp ta có cách nhìn không chấp nhận vận mệnh theo cách có một đấng thần linh an bày sẵn, và như thế ta sẽ không có thái độ hay niềm tin để cải tổ, làm mới vận mệnh theo quy luật nhân quả, với những nỗ lực tự thân trong hiện tại này.

Tây phương Cực Lạc không phải do đức Phật A Di Đà biến hiện ra, mà là công trình do chính Ngài thiết kế. Ngài là kiến trúc sư đã phác họa ra mô hình hoàn thiện, trong đó các cư dân Tịnh độ gồm đại Bồ-tát, đại A-la-hán cho đến các hành giả mới nhập “quốc tịch” hay trong tình trạng chờ nhập “quốc tịch” đều có giá trị đóng góp vào môi trường tâm linh tốt đẹp đó. Trí tuệ tập thể có giá trị hơn. Mười người suy nghĩ vẫn tốt hơn một người, dĩ nhiên đây phải là mười cái đầu vô ngã, không tranh chấp mới có thể mang lại giá trị tốt đẹp. Ngược lại mười cái đầu theo kiểu “mười hai sứ quân” chắc chắn tạo ra phân chia, vì không có sự hợp nhất để trí tuệ tập thể trở thành hoa trái an vui và hạnh phúc cho đời.

Sở dĩ tôi không dùng con số biểu tượng “bảy lớp” này hoặc “bảy lớp” khác là do bản chất của sự mô tả này nói về mô hình lý tưởng về thiên nhiên. Con số 7 có thể được hiểu tùy theo mỗi nền văn hóa khác nhau. Trong văn hóa Ấn Độ, số bảy là con số lý tưởng, mang ý nghĩa trọn vẹn, thịnh vượng và phát triển nhưng trong nền văn hóa Việt Nam con số bảy là một con số bình thường. Sống với thiên nhiên, tâm sẽ trở nên thanh thản, nhẹ nhàng, không vướng bận; khi ấy giá trị của tuổi thọ, đạo đức và tâm linh sẽ được phát triển.

Đoạn kinh mô tả thế giới Tịnh độ nêu trên khá giống với kinh Đại Thiện Kiến Vương thuộc kinh Trung A Hàm số 68, hay kinh Trường Bộ số 17. Sự khác nhau căn bản giữa hai bản kinh này nằm ở chỗ, kinh A-di-đà lấy biểu tượng số bảy với bảy loại báu, trong khi đó kinh Đại Thiện Kiến Vương lấy biểu tượng là con số bốn, tượng trưng cho bốn loại báu gồm vàng, bạc, lưu ly và pha lê. Biểu tượng của số bốn còn gắn liền với bốn chân lý thánh, tức là hai lớp nhân quả phàm phu và thánh nhân. Hai lớp nhân quả này chính là đáp án bất hạnh của con người phàm phu và cũng chính là đáp án hạnh phúc của bậc thánh.

Đức Phật vạch mặt, chỉ tên khổ đau một cách rõ ràng, bên cạnh đó cung cấp cho ta bản đồ và đáp án cho những bài toán khổ đau. Đóng góp của Thế Tôn nằm ở phương diện thứ hai này.

Hãy nhìn vào bản chất của cuộc sống như những thực tại đa dạng, thiên biến vạn hóa, ta có cái nhìn thật bao dung, không độc đoán, chuyên quyền hoặc không lấy mình làm trục xoay để nhận định và đánh giá tất cả các giá trị trong cuộc đời. Con số bốn là biểu tượng cho bốn chân lý Thánh, là con đường tích cực, giúp ta được an vui, và bảy báu là tượng trưng cho bảy tài sản Thánh.

AO THẤT BẢO VÀ NƯỚC TÁM CÔNG ĐỨC

Bên cạnh hạ tầng cơ sở và môi trường sinh thái, đức Phật Thích Ca còn giới thiệu khái quát về phong thủy của Tây phương Cực Lạc, gồm ao hồ, núi non, nhạc, hoa sen bốn mùa, các loài chim và pháp âm đặc sắc, trang nghiêm.

Dựa vào mô tả này, ta thấy cõi Ta bà cũng có cảnh giới tương tự nhưng cấp độ và giá trị của nó chỉ đạt được một phần. Nguyên tắc phong thủy của Trung Hoa dựa trên yếu tố nước và núi, “Tiền thủy hậu sơn” như mô hình lý tưởng. Nước mang lại sự mát mẻ và núi tạo thế dựa vững bền. Ao nước Tây phương là ao thất bảo, chứa nước bát công đức, chứ không phải là ao nước ngọt hay nước mặn ở cõi Ta bà.

Theo đức Phật, loài thủy tộc như tôm, cá, vi khuẩn là loài kém phước hơn các loài động vật khác và loài người được sanh ra từ thai và đi bằng hai chân là loài có phước báu lớn nhất trong số các loài động vật. Những loài nào có số lượng sinh sản nhiều thì phước báu kém, vì từ số lượng nhiều sẽ kéo theo cái nghèo. Một gia đình đông con khó có thể sung túc, vì không đủ tiền để chu cấp và nuôi dưỡng. Các loài thủy tộc mỗi lần sinh sản có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn con nên không thể chu cấp đầy đủ thức ăn cho sự sống, chúng sống bằng cách sát hại lẫn nhau, con lớn ăn những con bé. Nếu loài thủy tộc có môi trường kinh tế giống loài người thì hành tinh này không thể  đủ thực phẩm cung cấp cho chúng. Tây phương Cực Lạc không có sinh vật nước dù ở đấy vẫn có ao nước, nhưng là nước bát công đức và hoa sen báu.

Các mô tả cho thấy đất, suối và cát đều là bảy báu. Ao thất bảo được tượng trưng cho bảy bồ đề, là bảy yếu tố hỗ trợ sự giác ngộ của hành giả. Nó được hiểu như biểu tượng rằng trong mỗi con người, trong mỗi gia đình đều ẩn chứa tiềm năng bảy báu tâm linh, giúp cho con người đó trở nên bậc giải thoát. Bảy tiềm năng hay bảy vật báu đó là sự lựa chọn con đường đạo đức và tâm linh, dấn thân một cách bền bỉ không mệt mỏi, nhờ đó tạo ra hỷ lạc nội tại, giúp quên đi nỗi nhọc nhằn. Từ trạng thái hỷ lạc ban đầu ta đạt trạng thái tâm thức sâu lắng hơn, thể hiện với nụ cười, niềm vui, hân hoan, phấn chấn, tướng đi đỉnh đạc, nhẹ nhàng.

Hành giả không bám víu và đặt nặng các giá trị đạt được, nhờ đó giữ được trạng thái xả trong hỷ lạc, theo đó định tĩnh được diễn ra, thiền quán xuất hiện và tâm tư chuyên nhứt ở mức độ cao nhất, tức chánh niệm tỉnh thức hay nhất tâm bất loạn.

Bảy gia tài quí báu là ao tiềm năng công đức mà tất cả cư dân Tịnh độ có được, giống như vật trang sức trong nhà và trong tâm. Trong ao này, nước không đục mà cũng không trong, đó là nước của tám chất công đức, bao gồm: thứ nhất là sạch, thứ hai là thấm nhuần, thứ ba là mát mẻ, thứ tư là thơm tho, thứ năm là ngọt, thứ sáu là êm dịu, thứ bảy là có khả năng giải khát và thứ tám là giúp cho thân được khỏe. Có thể xem đây là loại nước khoáng thiên nhiên có thể uống hoặc ngâm mình vào nó thì các chứng bệnh trong cơ thể sẽ tan biến. Sanh ra ở cõi Tây phương Cực Lạc với môi trường không độc tố thì con người luôn được khỏe mạnh. Tám đặc điểm trong ao nước thất bảo. Nó hỗ trợ cho con người Tịnh độ hướng đến tâm linh cao hơn.

Yếu tố “trong sạch” liên hệ đến xác thân, bởi chẳng ai muốn thân thể mình nhơ nhớp. Phải tắm nhiều lần trong ngày hay trang sức thân bằng nhiều hương liệu. Hai yếu tố thấm nhuần và mát mẻ, làm cho hành giả cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, không chấp mắc vào các giá trị phàm tình.

Yếu tố “hương vị thơm” của nước chính là phần “hương” của công đức, không cần dùng đến hương thơm của các loại nước hoa đắt tiền mà con người vẫn có hương thơm của đạo đức.

Yếu tố “ngọt ngào” được xem là vị ngọt tự nhiên, lý tưởng, tạo ra tiềm năng sức khỏe và đạo đức.

Yếu tố “êm dịu” liên hệ đến âm thanh, tạo nhạc khúc du dương, trầm bỗng, nhẹ nhàng. Đây chính là nền tảng tu tập về âm thanh theo cách Bồ-tát Quán Thế Âm đã dạy. Đó là sự quán chiếu âm thanh cuộc đời như chính âm thanh chánh pháp.

Yếu tố còn lại là khả năng giải khát và làm khoẻ thân thể. Như vậy, có tối thiểu ba yếu tố hỗ trợ cho sắc thân và các yếu tố khác hỗ trợ cho bốn dục công đức còn lại.

Ao thất bảo ở cõi Tịnh độ không làm cho con người bị đắm nhiễm, giúp ta tắm gội trong tám công đức, với tiềm năng của chánh pháp và bảy bồ đề phần.

HOA SEN BẢY BÁU

Trong ao thất bảo, ngoài nước còn có các loài hoa sen bốn mùa với bốn màu sắc là xanh, vàng, đỏ và trắng. Kinh A-di-đà đã mô tả hoa sen ở đây bằng hình ảnh khá ấn tượng: “Hoa sen năm sắc, lớn như bánh xe, nở bày cánh nhụy, rực rỡ lạ kỳ, sen xanh ánh biếc, sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng, sen trắng ánh tuyết, hương thơm tỏa ngát, tinh khiết nhiệm mầu.” Hoa sen trong bản kinh này không nên hiểu theo ý nghĩa thông thường, mà nên hiểu theo nghĩa biểu tượng.

Ở cõi Ta bà, hoa sen chỉ có ba màu là hồng, đỏ, trắng. Ở cõi Cực Lạc thì sen đỏ tạo ra ánh hồng, sen trắng tạo ra ánh tuyết… Sự tương phản về nhân quả là nhân thế nào thì quả thế đó. Bản chất nhân quả không đồng nhất về khối lượng, nhân có thể là một nhưng quả có thể là một trăm. Sự chênh lệch theo lệ hay cấp số nhân giữa nhân và quả lệ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tâm lượng con người; với tâm vĩ đại thì hạt giống gieo trồng tuy nhỏ nhưng vẫn trổ công đức lớn. Tặng cho người nghèo khó một bát cơm với tất cả tấm lòng giống như ta đang chăm sóc cho người thân hay người mình quý trọng nhất thì phước báu lớn hơn. Tặng cho một người để mong họ đừng quấy rầy, làm phiền mình thì việc làm này chẳng có giá trị công đức lớn. Do đó, tính cách của nhân tỉ lệ thuận với tâm.

Bốn màu sắc của hoa sen ứng với bốn hào quang vô lượng là từ-bi-hỷ-xả. Mỗi đặc tính tâm vô thượng là một vầng hào quang lớn tỏa ra ở hành giả mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hào quang không phải là màu sắc từ đèn quang học vật lý, mà là vầng sáng của tâm. Khi ta tiếp xúc với người có lòng từ bi lớn, vượt lên trên cảm xúc thân thương bình thường, ta sẽ cảm nhận được sự an lành, không có nỗi khủng hoảng hoặc sợ hãi. Do bởi vầng hào quang từ bi ấy đã phủ trùm lên tất cả và sự ảnh hưởng của nó giao thoa với tầng số tâm thức của người được tiếp xúc, tạo cảm giác êm dịu, thư giãn và được trị liệu. Mỗi người đều có vầng hào quang tỏa ra, chỉ có điều người phàm phu không cảm nhận được. Do vầng hào quang tỉ lệ thuận với tâm, nên độ phóng và đường kính phóng của nó cũng giới hạn. Nhìn thấy bốn màu của hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng với ánh rực tương xứng của hoa, nên hiểu rằng tâm lượng từ bi rộng lớn bao nhiêu thì vùng từ trường hào quang ấy sẽ toả ra bấy nhiêu. Ai cũng có thể làm cho vầng hào quang từ-bi-hỷ- xả ấy tỏa ra xung quanh người thân, người thương, cộng đồng và xã hội. Chỉ cần tu tập tốt, đường kính của vầng hào quang sẽ càng lớn rộng và ảnh hưởng của nó ngày một tích cực, tốt đẹp hơn.

Giá trị của hoa sen với “hương thơm tỏa ngát, tinh khiết nhiệm mầu” không làm cho con người bị đê mê, chấp trước. Sen là một trong những loại hoa quý hiếm không bị các loài ong bướm làm hư hại. Biểu tượng của hoa sen là nằm ở nơi bùn nhơ nước đọng nhưng vẫn mang lại giá trị. Hình ảnh này tượng trưng cho người sống ở cõi Ta bà nhưng vẫn trổ hoa hạnh phúc. Đó là lý do kinh đề cập đến mười phương chư Phật tán than Thế Tôn làm được việc khó làm ở cõi Ta bà này như một hoa sen. Nếu ở môi trường khó khăn, điều kiện thiếu thốn, khổ đau nhiều, bất hạnh gia tăng mà vẫn truyền bá được con đường đạo đức, tuệ giác, chánh pháp lan truyền và phổ biến rộng rãi, thì thật là đáng khích lệ. Đạo ra đời là để phục vụ cho cuộc sống và đức Phật ra đời là vì lợi lạc cho số đông, chứ không vì riêng bản thân Ngài. Trong môi trường thuận lợi, làm được việc lợi lạc cho bản thân rất dễ nhưng trong môi trường Ta bà, việc đem lại lợi lạc cho chúng sanh là rất khó làm. Nhìn thấy biểu tượng của hoa sen ở Tây phương Cực Lạc dẫn ta đến ứng dụng nội dung tương thích ở cõi Ta bà này.

Vấn đề còn lại là sau khi thấy được mô hình lý tưởng mà đức Phật Thích Ca đã giới thiệu, ta phải gầy dựng hạt giống đó ở đời sống hiện tại, chứ không phải đợi đến lúc qua đời vãng sanh về nơi ấy. Dĩ nhiên, khi đã làm hết mình, gieo trồng Tịnh độ nhân gian ở đời hiện tại này thì khi qua đời chắc chắn ta sẽ có được cảnh giới tái sanh là Tây phương Cực Lạc, cho dù lúc ấy ta có muốn hay không. Đó là nhân quả tất yếu, gieo gì thì được quả đó. Theo nghiệp thiện thì sẽ về Cực Lạc, giống như khi cưa một cái cây, nó nghiêng về hướng nào sẽ ngã đỗ về hướng đó. Nếu ta tư duy và hành động nghiêng về Tịnh độ thì chắc chắn ta sẽ tái sanh về Tịnh độ mà không có sự lựa chọn nào khác.

Đức Phật dạy nhân là quan trọng, hãy đầu tư và gieo nhân ở hiện tại, quả sẽ diễn ra một cách tất yếu. Quán chiếu hình ảnh “sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng, sen xanh ánh biếc, sen trắng ánh tuyết” thấy được giá trị nhân quả ở cõi Ta bà và Tịnh độ.

NHẠC TRỜI VÀ MƯA HOA

Đức Phật giới thiệu các loại nhạc và hoa ở Tây phương bằng một đoạn văn: “Ở cõi Cực Lạc, nhạc trời réo rắc, vẳng vọng tầng xanh, như rời khỏi cành, hoa Mạn Đà La điểm thêm hương sắc”. Ở đây có hai loại hoa, Mạn-đà-la và Mạn-thù-sa. Bản dịch giữ lại một loại hoa tượng trưng để giữ hương sắc, đồng thời, cũng bỏ động từ “mưa” ở đây, vì người nghe dễ liên tưởng đến các thiên tai, lũ lụt do mưa bão gây ra, làm nguy hại đến cuộc đời.

Ở cõi Tây phương, mỗi khi mưa, hoa rơi xuống rất đẹp. Những ai có năng khiếu thơ ca có thể sáng tác thơ về cảnh trí đẹp mắt của mưa rơi, vì mưa ở đây tạo ra sắc thái đặc biệt. Mạn- đà-la được dịch theo nghĩa đen là Đại Bạch hoa, hoa trắng lớn, và Mạn-thù-sa là Đại Lam hoa, là hoa màu lam. Hình thù loại hoa này thế nào thì kinh không mô tả, chỉ mô tả về màu sắc đẹp và kích thước to của nó mà thôi.

Các loại mưa hoa này nếu có rơi trên người của ta sẽ làm tăng thêm giá trị công đức. Trong đạo Phật, hoa tượng trưng cho công đức, là phẩm hạnh đạo đức của con người. Cần trang điểm đời sống bằng những loại hương thơm đạo đức đó. Đây là khung giá trị tinh thần sâu sắc đối với các hành giả Tây phương.

Nhạc trời réo rắc, tạo ra âm hưởng khác với nhạc tình của nhân gian. Nhạc tình mang dấu ấn của khổ đau, bi quan, yếm thế, chán chường và tuyệt vọng. Hiện nay, đại đa số nhạc tình yêu chỉ là nhạc thất tình, thế mà người ta vẫn thích nghe. Người xuất gia và người tập sự xuất gia một ngày với Bát Quan Trai giới không được nghe những nhạc tình, vì nó làm cho tâm trở nên bi lụy, ủy mị, không thanh thoát. Đức Phật không cấm ta nghe nhạc đạo. Chánh pháp hay lời thuyết pháp là loại nhạc với âm hưởng của lòng từ bi, cung bậc của đạo đức và vần điệu của từ-bi-hỷ-xả.

Các loại nhạc lễ trong chùa Bắc tông với hình thức tán tụng bằng chuông mõ tạo ra những âm hưởng gọi là phạm âm, là những âm thanh vi diệu nhẹ nhàng. Nghe một tiếng chuông cất lên với âm thanh trầm bỗng nhẹ nhàng, tâm của người nghe lắng dịu: “Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ, trí huệ lớn bồ đề sanh.” Đó là bản chất nhạc lễ ở nhà chùa. Điều quan trọng là ta phải nghe bằng tuệ giác, bằng không, giá trị của nó cũng chẳng khác gì so với âm thanh của chuông bình thường.

Đức Phật A-di-đà là nhà tâm lý hướng con người đến các giá trị tâm linh. Ngài hiểu rõ nếu bỏ tất cả nhạc pháp thì cuộc đời sẽ buồn bã, vô vị. Công thức “thay thế” hiện đang được các nhà y học ứng dụng để trị chứng bệnh ghiền. Chẳng hạn, để bỏ thuốc lá, ta cho người nghiện ngậm kẹo để thay thế. Nhờ vậy không bị bần thần, khó chịu. Phải là người tuệ giác mới có thể dứt khoát bỏ cơn nghiện mà không cần sự thay thế. Đức Phật A-di-đà tạo ra nhạc trời réo rắc để nhắc nhở người niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, tức là nhớ đến đức Phật là con người tự lực; nhớ chánh pháp là con đường từ bi, tuệ giác, an vui và hạnh phúc; nhớ Tăng đoàn của Ngài là những người hòa hợp với tâm hạnh hỷ xả, vô ngã, vị tha, và dấn thân không mệt mỏi. Nếu không có loại nhạc như thế thì ảnh hưởng của sự truyền thông chánh pháp sẽ bị giới hạn là điều tất yếu.

Một bài nhạc đạo sâu sắc với những cung bậc tiêu chuẩn, có khả năng tác động và thôi thúc hành giả hành trì. Giá trị của nhạc đạo nằm ở chỗ tạo nên cảm xúc và phản ứng tích cực. Do đó, ta nên vận dụng công thức của kinh A-di-đà để tạo ra mô hình âm nhạc mới. Ở chùa phải có nhạc lễ và nhạc kinh. Thời gian qua, chúng tôi đã yêu cầu nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc thành công kinh A-di-đà, kinh Phổ Môn, kinh Vu Lan v.v…Sử dụng nhạc kinh A-di-đà trong tang lễ không khí của tang tóc, chết chóc được giảm đi mà nội dung vẫn được giữ nguyên.

Nhiều người quan niệm sai rằng kinh A-di-đà và kinh Địa Tạng là kinh dành cho người chết, tụng các loại kinh này sẽ bị xui xẻo. Thực ra, kinh Địa Tạng dạy đạo lý nhân quả, uống nước nhớ nguồn và hiếu thảo đối với cha mẹ. Còn kinh A-di-đà dạy phương pháp tu “Nhất tâm bất loạn” như nghệ thuật Thiền quán và Thiền chỉ sâu sắc, với các giá trị tâm linh. Chúng tôi đã mạnh dạn nhạc hóa kinh để nội dung kinh được tiếp nhận tốt hơn. Phổ nhạc kinh sẽ làm cho người nghe quên đi không khí tang tóc của vô thường mà đạo Phật không muốn nhấn mạnh. Bài kinh tụng cúng cơm ở các chùa Bắc tong có không khí buồn bã. Thầy nào tụng khiến người nghe phải rơi nước mắt nhiều thì Phật tử lại thích. Trên thực tế, đạo Phật dạy ta không nên cường điệu hóa khổ đau, mà hãy nhìn thẳng vào bản chất của khổ đau để vượt qua và tìm kiếm các giá trị an vui, hạnh phúc.

Không có kinh nào là kinh cúng cơm, cúng vong, tẩm liệm, hạ huyệt hay mở cửa mã. Các chùa thường sử dụng kinh Bát Nhã để quán vô ngã, vô thường, giúp các hương linh ý thức không nên bám víu vào thân thể, dòng tâm thức để từ bỏ và ra đi theo nghiệp mà tái sanh. Quần chúng bị ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa Trung Quốc cứ buộc quý thầy phải làm và quý thầy lại chiều theo ý của Phật tử, lâu ngày dần trở thành phong tục tập quán.

Là đệ tử của Như Lai, khi đã hiểu được đạo lý vô thường như là quy luật, đối diện trước cái chết không nên khóc. Vì những giọt nước mắt sẽ trở thành sợi dây xích níu kéo khiến cho các hương linh không thể ra đi. Giữa hai ngưỡng cửa, một là từ bỏ vĩnh viễn sắc thân này và một là bám vào thi thể, rất nhiều hương linh đã chọn sai lầm bởi dòng cảm xúc và nước mắt của người thân, không đành lòng ra đi nên tồn tại dưới dạng thức ngạ quỷ khổ đau vô cùng. Một hành giả khi niệm Phật nhất tâm bất loạn, khi chết sẽ tái sanh về Tây phương. Ta nên chia vui với gia đình đó, vì phải là một hành giả xuất sắc mới được sanh về cõi Tây phương Cực Lạc, cớ sao ta lại buồn khóc và khổ đau.

Các loại hoa ở Tây phương Cực Lạc có ảnh hưởng tâm linh lớn, gợi nhắc ta về các loại hoa đạo đức, từ bi và dấn thân. Chính những giá trị đó làm cho hành giả Tịnh độ chứng đắc đạo quả sớm hơn.

NHẶT HOA CÚNG DƯỜNG

Dân chúng Tịnh độ thường nhặt hoa ấy, vận sức thần thông, bay khắp mười phương, cúng dường chư Phật, trưa về bổn quốc, ăn trong tỉnh thức, xong rồi kinh hành, từng bước thảnh thơi.”

Đây là mô hình sống lý tưởng. Tuy nhiên, phải hiểu đoạn mô tả trên theo nghĩa triết lý biểu tượng. Về nghĩa đen, đây là hoạt động cúng dường, bố thí. Nếu chỉ đơn thuần hiểu nghĩa đen thì hành giả tu tập sanh về Tây phương chỉ để mỗi sáng đi nhặt hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa cúng dường chư Phật mười phương, sau đó về lại Tịnh độ ăn cơm rồi ngủ? Công việc dâng hoa cúng dường ở cõi Ta bà này các hành giả cũng có thể làm được, đâu cần phải sanh về cõi Tây phương Cực Lạc.

Hiểu theo ý nghĩa triết lý biểu tượng, đức Phật dạy hãy cúng dường bằng hành động dấn thân thiết thực. Hoa đó là hoa phục vụ, hoa từ thiện, hoa công đức, hoa từ-bi-hỷ-xả và hoa lục độ vạn hạnh. Cúng dường thành quả tu tập cho chư Phật mười phương cách thiết thực là phục vụ chúng sanh, Đây là điều mà chư Phật mười phương khuyến khích ta nên làm.

Cúng dường chư Phật bằng những việc lành cụ thể có giá trị hơn. Chúng ta phải làm sao để lời nói trở thành thông điệp, bàn tay và hành động trở thành nối dài tình thương của chư Phật mười phương. Phải tạo nhịp nối dài về lòng từ bi, tuệ giác và các hạnh lành của đức Phật đối với cuộc đời thông qua dấn thân phục vụ một cách vô điều kiện, có phương pháp, nghệ thuật, với tất cả tấm lòng. Ta thiết lập bảy báu ở cõi Ta bà, với chất liệu Tịnh độ để tạo ra ánh sáng Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ và Vô Lượng công đức của đức Phật A Di Đà khắp mọi nơi. Dấn thân vào xã hội là cách ta giới thiệu đạo Phật với mọi người. Những nhà kinh tế, văn học, nghệ thuật hay khoa học, nếu hiểu Phật giáo, sẽ đóng góp nhiều cho đạo Phật. Khi ấy, đạo Phật mới thực sự đem lại lợi lạc, được mọi người biết đến, học hỏi, tu tập và hành trì.

Nhặt các loại hoa công đức đem cúng dường khắp mười phương thế giới, nơi có hoặc không có chư Phật để làm công tác từ thiện, là việc đại nghĩa. Thế giới Cực Lạc không cần làm từ thiện, vì nơi đó là “Đản thọ chư lạc”, chỉ thuần túy có an vui và hạnh phúc, không có người nghèo khổ hay đói khát. Công tác từ thiện chỉ có mặt ở những nơi đời sống kinh tế còn thấp kém, khó khăn, dân chúng còn khổ đau, bệnh tật, và nhiều điều bất như ý, liên hệ đến sanh lão, bệnh, tử kéo theo sầu, bi, khổ, ưu, não. Những nơi ấy sẽ là tiền đề và địa điểm cho hoạt động từ thiện.

Phần lớn thời gian, các cư dân Tịnh độ phải bay đi các hành tinh khác làm từ thiện. Sử dụng thần túc thông, vân du khắp mười phương cõi nước. Mặc dù có phép thần thông biến hóa, cư dân Tịnh độ vẫn đích thân tự đi và tự làm, nên ý nghĩa tình người khá cao. Tặng cho ai một phần quà, qua người trung gian thì ý nghĩa bị giảm đi ít nhiều. Ngược lại, tự trao phần quà ấy bằng đôi tay của chính mình, với lòng thành của một con người đối với con người thì ý nghĩa đạo đức, xã hội và nhân văn sẽ cao hơn. Trên cõi Tây phương Cực Lạc, mọi người đều tinh tấn và làm việc gấp nhiều lần so với cõi Ta bà. Do đó, muốn được sanh về cõi ấy thì ngay từ bây giờ ta phải thực tập siêng năng, gieo trồng công đức, làm các việc từ thiện, nơi nào cần thì ta có mặt, dấn thân một cách không mệt mỏi.

Trong hạnh nguyện thứ mười một, đức Phật Dược Sư phát nguyện: “Tôi tình nguyện trước hết mang lại cơm no áo ấm cho những người đang thiếu thốn và đói khát, sau đó, đem chánh pháp nhiệm mầu cho họ được an vui lâu dài”. Ngài dạy con đường từ thiện phải song hành với pháp thí. Chú trọng về tâm linh, trong khi bao tử đang đói thì làm sao có thể thâm nhập chánh pháp. Bằng từ thiện, ta nối cánh tay của đức Phật đến mười phương thế giới. Chính những món quà với giá trị tâm linh có thể cứu giúp người bất hạnh giải phóng khổ đau lâu dài.

ĂN TRONG TỈNH THỨC

Kinh mô tả sinh hoạt thường nhật ở Tây phương Tịnh độ là “Phạn thực kinh hành” nghĩa là kinh hành sau khi ăn xong. Tức là cũng nấu cơm và ăn cơm giống như thế giới cõi Ta bà, nhưng sự khác nhau ở đây là cư dân Tây phương Cực Lạc ăn cơm trong chánh niệm tỉnh thức, sau đó đi kinh hành từng bước thảnh thơi. Mô hình này, các chùa ở Ta bà cũng đang thực hiện như thế. Điều đó cho thấy mô hình của thế giới Tịnh độ không phải là viễn tưởng mà cõi Ta bà không làm được. Có thể mô phỏng mô hình sinh hoạt tâm linh ở Tây phương để áp dụng trong cõi Ta bà này.

Hiện nay, các chùa đều áp dụng ăn cơm trong yên lặng, giúp tiêu hoá dễ dàng. Nói chuyện trong lúc ăn thì khí bị xuất ra ngoài, năng lượng tập trung bị mất và hệ tiêu hoá sẽ làm việc mệt hơn. Ăn cơm trong tỉnh thức sẽ không mắc phải bệnh bao tử và hệ tiêu hoá.

Thông thường, ta ăn giống như bị ma đuổi. Một bữa cơm chỉ vỏn vẹn mười phút thì làm sao có thể khoẻ mạnh, bởi các dịch vị chưa kịp tiết ra hoá chất để tạo thành chất bổ. Mỗi bữa cơm ta chỉ tiêu thụ được từ mười đến hai mươi phần trăm năng lượng chất bổ cung cấp thực tế, còn lại bảy mươi đến tám mươi phần trăm đều bị thải ra ngoài bằng đường thải; cho nên ăn nhiều mà vẫn không bổ, không khoẻ là thế. Đức Phật mỗi ngày chỉ ăn một bữa mà sức khoẻ vẫn tốt và sống thọ đến tám mươi tuổi. Bởi Ngài ăn kỹ, nhai lâu nên không có bệnh. Phải ăn trong tỉnh thức thì ta mới cảm nhận được sâu sắc giá trị của sự ăn.

Phương pháp kinh hành giúp ta chống được những chứng bệnh của thời đại do thiếu vận động. Ngày xưa, thời đức Phật rất ít vị Tỳ kheo bệnh tật, vì mỗi ngày các vị ấy thường đi khất thực đến vài giờ. Thiền hành như thế thì tâm sẽ thư thái, cơ thể nhẹ nhàng, và các cơ bắp được vận động. Ta có thể thực tập đi bách bộ ở công viên hay trên vỉa hè khoảng mười lăm phút sau khi ăn cơm là tốt.

Đức Phật từng nói: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc”. Ba yếu tố được cần thiết để được sanh về cõi Tây phương Cực Lạc, là phước đức, căn lành và nhân duyên thiện nhiều. Việc vãng sanh về Tây phương không đơn giản chỉ là niệm Phật như ta từng nghĩ. Quan trọng là phải tinh tấn trong công phu tu tập, làm vô số công đức, phước lành, tạo nhiều nhân duyên thì mới có thể vãng sanh về cõi ấy.

Muốn được như thế, ta phải thực tập ngay ở cõi Ta bà. Những sinh hoạt hằng ngày như nấu cơm, làm bếp, dọn dẹp, đi, đứng, nằm, ngồi v.v… đều phải thực hiện trong chánh niệm tỉnh thức. Dù là người mới xuống tóc xuất gia hoặc người cư sĩ tại gia cũng phải học những bài thi kệ thiền quán giống như ở Tây phương Tịnh độ thì việc thực tập mang lại giá trị lợi lạc.

Sinh hoạt ở Tịnh độ có vẻ lý tưởng hơn, vì nơi ấy hội tụ những bậc thượng thiện, bậc bất thối chuyển, bậc Bồ-tát; khi làm bạn với các bậc Bồ-tát tròn đầy trí đức thì dĩ nhiên tâm ta tiến nhanh hơn. Làm người lành sanh Tây phương thì trở thành người giác, còn ở cõi Ta bà sẽ là người tốt. Những ai không tự tin, nỗ lực nhiều nhưng vẫn thất bại thì tốt nhất nên phát nguyện sinh về Tây phương Cực Lạc. Bởi vì ở Tây phương có môi trường tốt, có nhiều thánh nhân, và đầy đủ phương tiện hỗ trợ giúp ta tu tập mau thành công. Còn những ai có bản lĩnh, thực hành theo hạnh nguyện Bồ-tát, thì nên mô phỏng xã hội Tịnh độ để thiết lập cực lạc trên cõi Ta bà này. Đó là mô hình thiết thực nhất và ta có thể thực hiện thành công.

Ở Tây phương Cực Lạc, mỗi ngày các vị thánh rải hoa công đức mười phương thì ở Ta bà ta vẫn làm công tác từ thiện được. Ta có thể dấn thân vào vùng sâu, vùng xa gieo trồng phước báu, ấn tống kinh, tạo tượng, đúc chuông, xây chùa, truyền bá các băng giảng, đưa Phật pháp vào cộng đồng và học đường cho tuổi trẻ.

Tất cả những việc làm này góp phần tạo dựng Tịnh độ ở hiện tại. Xây dựng mô hình Tịnh độ ở hiện tại không phải là vấn đề khó, ta không nên mặc cảm khi vào chùa làm công quả như lặt rau, bửa củi, gánh nước, dọn dẹp nhà vệ sinh và những việc được xem là vặt vãnh. Tâm lượng khi việc làm ấy vô lượng thì phước báu sẽ lớn.

Ngày xưa, khi Lục tổ Huệ Năng xuất gia tu học, suốt tám tháng trời, chỉ quanh quẩn làm việc ở bếp, chưa bước chân lên chánh điện. Thế mà ngài vẫn hoan hỷ và dòng chảy chánh niệm tỉnh thức. Ngày nay, một số người phát nguyện làm công quả để phục vụ cho các hành giả khóa tu mang lại phước báu vô cùng. Khi làm công việc ở nhà bếp, có cơ hội được nghe tiếng niệm Phật, giảng pháp, vừa gieo trồng phước báu, vừa có cơ hội tu học mang lại sự an vui và lợi lạc cho bản thân.

PHÁP ÂM NHIỆM MÀU

Trong thế giới Cực Lạc có một số loài động vật tiêu chuẩn, không do nghiệp dẫn tái sanh. Kinh A-di-đà mô tả sáu loại chim là Bạch Hạc (hạc trắng), Khổng Tước (công), Anh Vũ (két), Xá Lợi (cò), Ca Lăng Tần Già (một loại chim đặc biệt ở Ấn Độ) và Cộng Mạng (chim hai đầu). Những loài chim quý này xuất hiện ở miền Trung Ấn Độ. Ngoài ra, thế giới ấy không có loại gia cầm hay động vật nào khác.

Các loại chim ở Tây phương Cực Lạc được mô tả: “Ngày đêm sáu thời, cất tiếng hót vang, phát âm vi diệu, bảy bồ đề phần, tám con đường thánh, giúp người nhiếp tâm, niệm Phật phát tâm, trở về tỉnh thức”. Đây là phương tiện giúp hành giả. Nhờ đó, chuyển hết những nghiệp phàm phu còn đọng lại trong tâm thức. Các loại chim này đều do Phật biến hiện bằng phương tiện chứ không phải là loài chim thật, với mục đích tạo ra pháp âm nhiệm mầu, nhắc nhở mọi người về ngũ căn, ngũ lực, bát chánh đạo, thất bồ đề phần. Nhờ đó, nhiếp tâm tỉnh thức nhớ Phật, Pháp và Tăng.

Nếu có chánh niệm và quán niệm thì những âm thanh của đời trở thành những âm thanh vi diệu. Nếu thiếu yếu tố chánh niệm thì những âm thanh đời sẽ trở nên phiền toái, hoặc chướng ngại. Hãy thực tập cái nhìn quán chiếu của đức Bồ-tát Quán Thế Âm, quán chiếu âm thanh của cuộc đời trở thành âm thanh của chánh pháp, quán chiếu những lời tha oán giúp ta có được hạnh nhẫn nhục. Do đó, chỉ cần có tuệ quán thì những âm thanh đời sẽ trở thành nguồn pháp âm vi diệu. Vấn đề là phải nạp vào trong não con “chíp” tuệ giác, để nó hành hoạt như một lệnh điều khiển linh động. Cái nhìn tuệ giác giúp ta tận dụng cơ sở dữ liệu cõi Ta bà trở thành pháp âm mầu nhiệm. Mặc dù “mây trắng, trăng thanh, gió mát” có thể gợi lên hình ảnh vô thường, với cái nhìn tuệ giác thì đó chính là cái nhìn bất biến. Thế giới hiện tượng không tự nó sinh ra, và cũng không tự nó mất đi vĩnh viễn, có thể thay đổi từ dạng thức này sang dạng thức khác.

Ta có thể thiết lập pháp âm qua từng bước chân, hơi thở, hành động. Có thể sử dụng công nghệ thông tin đại chúng làm cho giáo pháp Phật lan xa và rộng hơn. Trước đây khi chưa có Cassette, CD, VCD, DVD, pháp âm chỉ được diễn ra ở các giảng đường. Bây giờ, không cần tu thiên nhĩ thông mà vẫn có được cơ hội nghe âm thanh của nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau.

CƯ DÂN CÕI TỊNH ĐỘ

Bậc thượng thiện nhân. Bản chất cư dân cõi Tịnh độ có nhiều cấp độ khác nhau. Thuật ngữ được nêu trong kinh A-di- đà là “Thượng thiện nhân”, tức đây không phải là “thiện” bình thường. Người thiện bình thường chỉ giữ năm nguyên tắc đạo đức là không sát sanh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói lời phi chân lý, vô nghĩa, và không sử dụng các chất gây say. Nếu chỉ tu tập năm đạo đức thì chưa đủ điều kiện để sanh về Tây phương Cực Lạc. Đức Phật từng mô tả nơi đó là điểm hội tụ, là xã hội, thế giới của bậc “Thượng thiện nhân”, nghĩa là bậc thiện cao nhất.

Thượng thiện là người có đức nhân từ, hoàn thiện về nhân cách, phẩm hạnh, vô ngã vị tha và dấn thân không mệt mỏi. Muốn được như thế, ta phải học hạnh Bồ-tát, lấy bồ đề tâm, thâm tâm, chí thành tâm để tu tập, dấn thân làm Phật sự và truyền bá chánh pháp.

Hiểu thuật ngữ này và muốn sanh về Tây phương cần phải làm nhiều công đức, phước lành, chứ không chỉ niệm Phật là đủ.

Các Tổ dạy: chúng ta chỉ cần “niệm Phật một câu tiêu diệt tội hằng hà sa”, là để ta thiết lập niềm tin bất thối. Dựa vào kinh A-di-đà chúng ta thấy rõ ràng: nhân quả là yếu tố quan trọng, nhân thiện là bệ phóng của phi thuyền công đức giúp ta có mặt trên mảnh đất của Tây phương.

Bậc bất thối chuyển. Thuật ngữ “A Bệ Bạt Trí” có nghĩa là bậc bất thối chuyển. Bất thối chuyển gồm có bốn nội dung.

Thứ nhất, không thối chuyển quả vị, nghĩa là khi đã đạt được trình độ tâm linh nhất định nào đó thì ta sẽ không trở thành người thấp hơn. Ví dụ khi có trình độ đại học thì không thể nào không biết kiến thức vỡ lòng. Đó là quy luật và không có trường hợp ngoại lệ.

Thứ hai, không thối thất về công hạnh, nghĩa là con đường đạo đức, làm lành lánh dữ và dấn thân Phật sự ngày càng nhiều, có phương pháp, vĩ đại và hiệu quả hơn. Phần lớn sau một thời gian làm Phật sự ta thường sinh tâm chán nản. Chẳng hạn khi thấy quý thầy hay quý sư cô cầm sổ công đức đến thì bảo với con ra thưa lại là ba má không có ở nhà, vài ngày sau mới về. Làm như thế là ta đang thối thất về công hạnh. Thực ra, khi quý thầy hay quý cô đến là tạo cơ hội để ta được làm công đức, đỡ mất công phải đến các trung tâm từ thiện. Nếu hiểu như vậy thì ta không ngán ngẩm, không có tiền nhiều thì làm ít, tuỳ hỷ, và quan trọng là có tấm lòng.

Thứ ba, không thối thất về tâm niệm. Tâm niệm liên hệ đến lý tưởng và lập trường. Nếu là hành giả Tịnh độ thì lý tưởng và lập trường Tịnh độ phải được xác quyết. Hiểu các pháp môn như công cụ, bản chất của công cụ là phương tiện và những gì thuộc về phương tiện là bước đi, chứ không là bản chất của đích đến. Do vậy, cần có niềm tin vững chãi về pháp môn Tịnh độ thì ta mới tu tập có kết quả.

Thứ tư là cứu cánh bất thối. Khi đã hội đủ sự bất thối về quả vị, công hạnh và tu tập thì cuối cùng kết quả đích đến phải diễn ra.

Trong bài kinh này các vị Thánh ở Tây phương sau khi đi rải hoa công đức từ thiện về cũng ăn cơm như chúng ta ở cõi Ta bà đây. Do đó, đức Phật đã giới thiệu mô hình đó để ta mô phỏng ở hiện tại. Việc ăn cơm trong chánh niệm, thiền hành trong chánh niệm, làm việc công đức trong chánh niệm v.v… chỉ cần ý thức là có thể làm được. Mô tả sự huy hoàng, tráng lệ, trang nghiêm, đặc sắc của Tây phương Cực Lạc không phải để chúng ta mơ ước về nó, mà là để thiết lập những mô hình tương tự ở cõi Ta bà này. “Trông người mà ngẫm đến ta” là nghệ thuật tương phản mà Thế Tôn dạy chúng ta cần phải làm. Hiểu được như thế, ta cần nhận thức rằng tất cả những gì thuộc về Ta bà cũng chính là dữ liệu của Tịnh độ.

Theo Phật Pháp Ứng Dụng