HT. Thích Nhất Hạnh, bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới đã viên tịch vào ngày 22 tháng 1 tại Tổ đình Từ Hiếu ở tuổi 95.

Cáo phó về lễ tang được thông báo trên trang web của Đạo Tràng Mai Thôn, một tu viện do Thầy thành lập ở Pháp. Nguyên nhân không được ghi chi tiết, nhưng mọi người tin rằng do sức khỏe thiền sư bị ảnh hưởng bởi cơn đột quỵ vào năm 2014.

HT.Thích Nhất Hạnh, nhà sư nổi tiếng nhất thế giới chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, thường viết và nói về khái niệm Phật giáo: “Chánh niệm”, hoàn toàn chú ý vào mỗi suy nghĩ, hành động và môi trường xung quanh ở mọi thời điểm.

Hòa thượng đã viết trong gần 100 cuốn sách của mình: “Chánh niệm là nhận thức được mọi việc bạn làm hàng ngày.”

“Chánh niệm là ánh sáng chiếu vào tất cả suy nghĩ, cảm xúc, hành động và lời nói của bạn”.

Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và các ngôn ngữ khác, thiền sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Sau khi học tập và giảng dạy tại Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960, Thầy trở về Việt Nam vào năm 1964, khi cuộc chiến ở quê hương ngày càng khốc liệt hơn.

Thầy thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nơi tuyển dụng 10.000 thanh niên tình nguyện xây dựng trường học, cơ sở y tế và khôi phục những ngôi làng bị tàn phá bởi các vụ đánh bom.

HT.Thích Nhất Hạnh và một số nhà sư khác đã từng chèo thuyền trên một con sông, với tiếng súng ở cả hai bên, để cung cấp thực phẩm và vật tư y tế cho các nạn nhân của chiến tranh. “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện,” Thầy trả lời phỏng vấn với tờ Los Angeles Times vào năm 2010. “Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.”

Năm 1967, thiền sư được mục sư Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa bình và vinh danh như là “một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động”.

Nhiều cuốn sách của Thầy được xuất bản như tiểu thuyết, thơ, tuyển tập truyện, hướng dẫn tâm linh và Kinh điển Phật giáo. Thầy đã áp dụng triết học Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày của mọi người – “Trong khi bạn đánh răng, thì Phật giáo sẽ ở đó” – và giải đáp cho những câu hỏi nghiêm túc về địa lý, chính trị, bao gồm cả khủng bố và biến đổi khí hậu. Các bài phát biểu của Thầy thu hút hàng nghìn người nghe, và quyển sách năm 2012, “Nghệ thuật Chánh niệm”, đã bán được hơn 200.000 bản chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Oprah Winfrey có bài phỏng vấn Thầy vào năm 2010.

Thiền sư dạy chúng ta nên tập trung vào hơi thở như một cách để đạt được chánh niệm và sự tĩnh lặng bên trong. Thầy nói trên NPR “Fresh Air” vào năm 1997: “Hơi thở của chúng ta giống như một nhịp cầu nối liền cơ thể và tâm trí, ngay sau khi bạn quay trở lại với hơi thở của mình, hít vào thở ra một cách tỉnh táo, bạn sẽ mang cả cơ thể và tâm trí lại với nhau, và khi đó bạn hoàn toàn sống với hiện tại.”

HT. Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11 tháng 10 năm 1926 tại một làng quê ở tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Xuân Bảo. Cha làm việc cho chính phủ Việt Nam, mẹ là một người nội trợ.

Khi còn nhỏ, sau này thiền sư nhớ lại: “Tôi đã nhìn thấy bức tranh Đức Phật ngồi trên cỏ, rất bình yên.” Từ đó, thiền sư đã quyết tâm tìm kiếm sự bình an nội tại giống như vậy. Cậu bé 16 tuổi ngày ấy đã xin xuất gia ở Tổ Đình Từ Hiếu tại Huế. Vào đầu những năm 1960, Thầy học đạo tại Đại học Princeton và giảng dạy tại Đại học Columbia.

Trong quyển sách “Phép lạ của sự tỉnh thức” được viết năm 1975, Thầy dạy rằng, “Mỗi ngày chúng ta đang tham gia vào một phép lạ mà chúng ta thậm chí không nhận ra: một bầu trời xanh, mây trắng, lá xanh, màu đen từ đôi mắt tò mò của một đứa trẻ – đôi mắt của chính chúng ta. Tất cả là một phép lạ.”

Tác giả: Matt Schudel

Tường Lam lược dịch

Nguồn: washingtonpost.com/obituaries/2022/01/22/thich-nhat-hanh-monk-dead/