Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

VIII. THỤ TRAI

VIII.1. Lời dẫn

Sở dĩ chính pháp được lưu truyền rộng rãi là nhờ kinh điển. Phúc điền sở dĩ được tăng trưởng là do giữ trai giới. Vì thế, nhịn một bữa ăn để cúng dường thì được phúc giàu sang; giúp người một đồng thì được quả báo thù thắng hơn cõi trời. Do đó, nên quí trọng ruộng phúc, xem nhẹ tiền tài, cùng nhau lập hội Vô-già[81] sẽ được phúc đức vô lượng.

VIII.2. Chứng minh

Kinh Cựu tạp thí dụ[82] ghi: “Ngày xưa, có một người giàu sang thỉnh Phật đến nhà thụ trai. Lúc ấy, một người đàn ông đến nhà ấy bán sữa bò, được chủ nhà mời ở lại ăn cơm và dạy cách thụ trì trai giới. Sau khi thụ trai và nghe pháp xong, ông trở về nhà. Người vợ nói:

– Thiếp chờ chàng từ sáng sớm đến giờ nên chưa ăn cơm.

Nói xong, cô cố ép buộc người chồng ăn, phá tâm giữ trai giới của chồng. Tuy vậy, sau khi chết ông ấy vẫn được bảy lần sinh lên cõi trời, bảy lần sinh xuống nhân gian”.

Đức Phật dạy:

– Một ngày trì trai thì được sáu mươi vạn năm giàu sang, lại có năm điều phúc:

  1. Ít bệnh.
  2. Thân thể được an ổn.
  3. Tâm dâm nhẹ mỏng.
  4. Ít ngủ mê.
  5. Được sinh lên cõi trời và biết được việc làm đời trước của mình.

Lại nữa, một hôm vua Ba-tư-nặc muốn ban thưởng cho phu nhân Mạt-lợi chuỗi bảy báu, nên vua cho triệu bà đến. Gặp ngày trai nên phu nhân mặc y phục giản dị vào cung. Thế nhưng, trong sáu vạn phu nhân, Mạt-lợi lại rực rỡ như mặt trời, mặt trăng, xinh đẹp hơn hẳn ngày thường. Vua trông thấy, vô cùng kinh ngạc và càng yêu quí, liền hỏi:

– Phu nhân tu công đức gì mà dung mạo rạng rỡ khác thường như vậy?

Phu nhân thưa:

– Thiếp tự nghĩ mình kém phúc nên mới thụ thân người nữ, hình thể dơ bẩn, mạng sống ngắn ngủi. Vì sợ đọa vào ba đường ác, nên hằng ngày thiếp lễ Phật, thụ trai, lìa bỏ tình ái, tu theo chính pháp, để đời đời được phúc. Xin bệ hạ cho thiếp đem chuỗi bảy báu này dâng lên cúng dường Đức Phật.

[47c] Kinh Trung a-hàm[83] ghi: “Bấy giờ, Lộc tử mẫu Tì-xá-khư[84], sáng sớm tắm gội, mặc áo trắng sạch, dẫn con, dâu và quyến thuộc đến chỗ Đức Phật đỉnh lễ và bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Nay con muốn thụ trì trai pháp!

Đức Phật hỏi:

– Này nữ cư sĩ! Hôm nay bà muốn trì pháp trai nào? Có ba loại trai :

  1. Trì trai như mục đồng[85]
  2. Trì trai như ni-kiền[86]
  3. Trì trai như tám chi thánh trai[87].

Thế nào là trì trai như mục đồng? Buổi sáng đứa trẻ thả trâu ra đầm, buổi chiều dẫn trâu về thôn. Khi dẫn trâu về thôn, nó lại suy nghĩ: “Ngày nay ta thả trâu ở nơi này, ngày mai thả trâu ở chỗ khác. Hôm nay ta cho trâu uống nước ở nơi này, ngày mai cho trâu uống nước ở chỗ khác. Ngày nay ta cột trâu nghỉ ở nơi này, ngày mai cột trâu nghỉ ở chỗ khác”. Cũng thế, có người lúc trì trai mà lại suy nghĩ: “Hôm nay ta ăn thức ăn này, ngày mai ăn thức ăn khác. Hôm nay ta uống nước này, ngày mai uống nước khác. Hôm nay ta ăn uống thế này, ngày mai ăn uống thế nọ”. Người này ngày đêm luôn tham dục. Đó là trì trai như mục đồng. Nếu người trì trai như thế thì không được nhiều lợi ích, không có quả báo tốt, không được công đức lớn và cùng khắp.

Thế nào là trì trai như ni-kiền-tử? Người xuất gia theo ngoại đạo Ni-kiền, luôn khuyên người khác rằng: “Để bảo vệ chúng sinh ngoài một trăm do-tuần về phía đông, ngươi hãy buông bỏ đao gậy. Đối với phương nam, tây, bắc cũng như thế. Hoặc họ cởi bỏ y phục để lõa thể và nói: “Ta không có cha mẹ, vợ con”. Họ khuyên mọi người bằng lời nói giả dối như thế mà cho là chân đế. Hoặc họ hành các tà pháp như khổ hạnh nhịn đói… Nếu người trì trai giới như vậy, cũng không được nhiều lợi ích, không có hiệu quả lớn, không được nhiều công đức và cùng khắp.

Thế nào là tám chi thánh trai? Đó là thánh đệ tử đa văn khi trì trai, nên suy nghĩ: “Bậc A -la-hán trọn đời xa lìa nghiệp sát sinh, buông bỏ đao gậy, biết tàm quí, có tâm từ bi, làm lợi ích tất cả chúng sinh, cho đến với loài côn trùng, tâm đã trừ sạch nghiệp sát. Suốt đời vị ấy không ăn phi thời, chỉ ăn ngày một bữa, không ăn ban đêm, thích ăn đúng giờ. Ta thực hành chi này cũng giống như bậc a-la-hán, cho nên nói là trai”. Người ấy đã tu tám chi thánh trai rồi, phải luôn suy nghĩ: “Trên đây là pháp thanh tịnh xuất thế của Đức Như Lai Vô Sở Trước v.v.., giúp xa lìa pháp bất thiện cấu uế”.

[48a] Nếu thiện nữ nhân tu tám chi thánh trai, khi mạng chung được sinh vào sáu tầng trời cõi Dục[88], sau đó chứng quả A-la-hán.

Kinh Bồ-tát thụ trai[89] ghi: “Con tự quy y Phật, tự quy y Pháp, tự quy y Tăng. Thân con đã tạo nhiều nghiệp ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Nay con đã từ bỏ, bao nhiêu ngày đêm thụ trì Bồ-tát trai , tự quy y bồ-tát”.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:

– Vào ngày trai của bồ-tát có mười điều cấm:

  1. Không được thoa phấn sáp, ướp nước hoa vào thân
  2. Không được ca múa, đánh trống, đàn hát
  3. Không được nằm giường cao rộng
  4. Không được ăn sau giờ Ngọ
  5. Không được cất giữ vàng bạc, châu báu
  6. Không được ngồi xe bò, xe ngựa
  7. Không được đánh trẻ em, nô tì, súc sinh
  8. Dùng trai này bố thí để được phúc.

Vào ngày trai, khi đi ngủ bồ-tát phải đến trước bàn Phật chắp tay bạch rằng: “Hôm nay tất cả mười phương, nếu có người trì trai, thực hành lục độ[90], con đều giúp người ấy được an ổn, vui vẻ, ban phúc khắp mười phương. Tất cả nhân và phi nhân[91] v.v… ở nơi nguy khốn, khổ sở đều được hưởng phúc, thoát khỏi sầu khổ, đời sau sinh lại làm người sẽ được an ổn, vui vẻ, giàu có vô cùng”.

  1. Không được ăn hết thức ăn trong bát.
  2. Không được gần gũi, cười đùa hoặc ngồi cùng chiếu với người nữ. Người nữ cũng như vậy.

Đây là mười giới, không được vi phạm và dạy người khác phạm, cũng không được xúi người cố phạm.

Khi thực hiện pháp giải bồ-tát trai, phải nói:

– Nam-mô Phật, nam-mô pháp, nam-mô tì-kheo tăng, suốt mấy ngày đêm con trì trai giới của bồ-tát, nhờ tu bố thí, được thành tựu sáu pháp ba-la-mật, cũng như lục độ vạn hạnh của bồ-tát.

Một ngày một đêm trì trai được phân làm ba thời, ngồi thiền, tụng kinh, ngủ nghỉ. Đây là pháp trai của bồ-tát.

[48b] Ngày trì trai bồ-tát: từ ngày 14 tháng giêng trì trai đến ngày 17 thì giải; ngày mùng 8 tháng 4 trì trai đến ngày 15 thì giải; ngày mùng 1 tháng 7 trì trai đến ngày 16 thì giải; ngày 14 tháng 9 trì trai đến ngày 16 thì giải.

Giải thích:

Đã trì trai rồi, nếu muốn giải thì phải đợi minh tướng[92] xuất hiện mới được ăn cháo. Nếu không làm đúng như vậy là phá trai. Thế nào là minh tướng? Như luận Tát-bà-đa[93] ghi: “Minh tướng có ba màu. Khi mặt trời chiếu vào thân cây diêm-phù-đề thì có màu đen; chiếu trên lá thì có màu xanh; chiếu qua ngọn cây thì có màu trắng. Trong ba màu này, màu trắng là chính, nên lúc ánh mặt trời có màu trắng mới được xả giới và ăn cháo”.

Lại nữa, luật Tăng-kỳ[94] ghi: “Lúc Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở phía nam có một ấp tên là Đại Lâm. Bấy giờ, một thương nhân dẫn tám con trâu đi về phía bắc đến nước Câu-đa, thương nhân thả trâu trong một cái đầm. Lúc đó, có một người Li-xa[95] bắt được một con rồng nữ muốn giết ăn thịt. Do rồng này đã thụ giới Bồ-tát, không có tâm giết hại, nên để cho người Li-xa xỏ mũi dẫn đi. Thương nhân thấy vậy, liền khởi lòng từ, hỏi người Li-xa rằng:

– Ông bắt con rồng này để làm gì?

Người Li-xa đáp:

– Tôi muốn giết nó ăn thịt.

Thương nhân nói:

– Xin ông đừng giết. Ta cho ông một con trâu để đổi lấy con rồng kia.

Người Li-xa không chấp nhận, thương nhân liền đem cả tám con trâu để đổi rồng thì người Li-xa nói:

– Thịt rồng ngon hơn, nhưng nay ta vì ông mà thả nó.

Lúc sắp thả rồng đi, thương nhân suy nghĩ: ‘Bọn họ rất hung ác, nếu ta thả rồng đi, e rằng họ đuổi theo bắt lại’. Nghĩ thế rồi, thương nhân thả rồng trong một đầm khác và đi theo xem. Rồng biến thành người và nói với thương nhân rằng:

– Ngài đã cứu tôi, nay tôi muốn báo ơn. Ngài hãy vào cung để tôi đền đáp.

Thương nhân đáp:

– Bản tính của loài rồng vốn hung dữ, sân giận vô chừng, có thể giết hại ta bất cứ lúc nào.

Rồng đáp:

– Tôi không làm thế đâu. Trước đây, người kia bắt tôi; sức của tôi có thể giết họ, nhưng vì tôi đã thụ giới Bồ-tát nên hoàn toàn không còn tâm giết hại. Huống gì ngài cứu sống tôi mà tôi lại giết sao? Nếu ngài muốn đi, hãy ở đây đợi tôi giây lát, để tôi vào trước sắp xếp.

Nói xong, rồng liền vào cung. Lát sau, thương nhân đến cổng thấy hai con rồng bị trói vào cột, liền hỏi:

– Tại sao các ngươi bị trói ở đây?

Hai con rồng đáp:

– Mỗi nửa tháng, long nữ trì trai ba ngày, anh em tôi có trách nhiệm bảo vệ long nữ, nhưng vì không canh giữ cẩn thận để long nữ bị người Li-xa bắt. Do đó, chúng tôi bị phạt trói ở đây. Xin ngài thương xót nói giúp để long nữ thả anh em chúng tôi!

Long nữ sắp xếp xong, liền mời thương nhân vào cung, ngồi trên giường báu. Long nữ thưa:

– Trong cung rồng có nhiều thức ăn, có loại ăn vào suốt đời mới tiêu hết, có loại ăn vào hai mươi năm mới tiêu hết, có loại ăn vào bảy năm mới tiêu hết, cũng có thức ăn của người ở cõi Diêm-phù-đề. Chẳng hay ngài thích dùng loại nào?

Thương nhân đáp:

– Tôi muốn dùng thức ăn của cõi Diêm-phù-đề.

Long nữ liền mang nhiều thức ăn, nước uống ra dâng cho thương nhân.

[48c] Thương nhân hỏi long nữ:

– Tại sao hai con rồng này bị trói?

Long nữ đáp:

– Chúng phạm tội nên tôi muốn giết.

Thương nhân nói:

– Ngươi đừng giết, chúng không đáng giết. Ngươi thả chúng ra ta mới ăn.

Long nữ nói:

– Tôi không thể hoàn toàn tha cho chúng được, phải phạt đuổi xuống nhân gian sáu tháng.

Thương nhân thấy cung điện loài rồng được trang hoàng vô số bảy báu, liền hỏi:

– Ngươi có nhiều châu báu đẹp như thế, thụ giới Bồ-tát làm gì?

Long nữ đáp:

– Loài rồng chúng tôi có năm thứ khổ. Đó là: lúc sinh, khi ngủ, khi dâm dục, khi sân giận, khi chết. Trong một ngày có ba lần da thịt rơi xuống đất, cát nóng bám đầy thân.

Thương nhân hỏi:

– Ngươi muốn cầu điều gì?

Long nữ đáp:

– Tôi thích sinh vào loài người. Vì loài súc sinh rất khổ sở, lại không biết Phật pháp. Vì thế tôi muốn theo Phật xuất gia.

Nói xong, long nữ liền mang cho ông ấy tám chiếc bánh bằng vàng và nói:

– Số vàng này đủ cho cha mẹ, quyến thuộc của ngài dùng suốt đời không hết.

Long nữ lại nói:

– Ngài hãy nhắm mắt lại.

Long nữ liền dùng thần thông đưa ông ta về quê nhà. Thương nhân đem tám chiếc bánh bằng vàng trao cho cha mẹ. Vì đó là vàng của loài rồng, nên cắt dùng rồi lại sinh, tiêu xài suốt đời cũng không hết”.

Tụng rằng:

Không tham đắm vị ngon,

Giữ thân, sống cần kiệm,

Khi ngồi đủ dung nghi,

Năm vạn đời giàu sang,

Hương giới bay ngào ngạt,

Cửa tâm đóng càng chặt,

Chớ bảo gian khổ suông,

Cuối cùng khỏi nguy hiểm.

    Xem thêm:

  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 4 – Bốn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 34 – Kinh Thập Thượng (Dasuttara Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 5 – Năm Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 10 – Mười Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung A-Hàm 4 – Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 23 - Kinh Tạng
  • Kinh Đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Tương Ưng Bộ Tập 3 – Thiên Uẩn - Kinh Tạng
  • Thiền Tông Vĩnh Gia Tập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Vạn Pháp Quy Tâm Lục - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng