Sáng nay, mở cửa đón một ngày mới, ngày mới có thực đang hiển hiện rõ ràng trước lục căn cùng lúc tiếp nhận, nên xin đừng nói đó là ngày của cõi chiêm bao hư ảo, của cõi vô thường giả tạm, tôi lại nhận được tin thêm một người hàng xóm đã qua đời. Một người mẹ, người bà, đã tám mươi năm sống với thế gian hỗn độn lổn ngổn sướng khổ buồn vui. Hết nợ hết duyên kiếp này rồi, thì bà xuôi tay nhắm mắt vĩnh biệt trần gian mà ra đi thôi.

Bên ngoài đường phố chính, cũng vừa có một đoàn xe tang ngang qua trước hẻm, thùm thụp tiếng trống từng hồi đập như tim đang thop thóp, nghe nao nao tấm tức như ai đó đang kêu lên lời dỗi hờn tiếc nuối, hòa cùng tiếng đờn cò đờn nhị da diết não nùng và dàn kèn đồng inh ỏi ngân vang…

“Một người đã ra đi. Không bao giờ trở lại.”

Không biết từ bao giờ, hễ có đám tang ngang qua ngoài đường chính là lúc nào trong đầu tôi cũng vang lên hai câu đó, miệng lại còn buông tiếng ra nữa, quen rồi, kỳ lạ.

Cũng không biết từ bao giờ, ai bày ra, đoàn xe tang không đi từ nhà thẳng đến nghĩa trang như hồi xưa, mà bây giờ phải chạy một vòng phố trung tâm, ngang qua trụ sở cơ quan của người mới khuất bóng, hoặc một vòng đường ven biển tráng nhựa êm ái chạy dài hàng chục cây số, mới chịu tấp thuyền hạ neo trên vùng đất an nghỉ cuối cùng.

Đường nhựa chính chạy ngang trước hẻm lớn nhà tôi là một đại lộ, chạy thẳng xuống bờ biển có Tháp Trầm Hương, mà trước kia là Tượng Đài Liệt Sĩ, nên hầu như ngày nào cũng có đoàn xe tang ngang qua, có ngày đến hai, ba đoàn sáng chiều, cũng có khi hai đoàn ngang qua cách nhau chỉ chừng mươi phút.

Vậy là, những lúc đó, đang còn ở trong nhà, dù đang bận làm gì, tôi cũng ngừng tay, ngẩng đầu ngóng tai lên để lắng nghe tiếng nhạc tiếng đờn, rồi buông nên lời tiễn biệt:
“Một người đã ra đi. Không bao giờ trở lại.”

Đâu cần biết người vừa ra thiên cổ là quen hay lạ, nam hay nữ, già hay trẻ, ở xa hay gần, sắp địa táng hay hỏa táng… Tôi chỉ cần biết đó là một người đã từng sống với mình trong thế giới đảo điên này, đã từng cộng nghiệp với mình mà hít thở cày cuốc giữa cõi đời ô trọc này, và đã từng cộng sinh với mình trên một thành phố biển của một đất nước nhỏ bé giữa tứ đại dương và ngũ đại châu, chút đó cũng là nhân duyên. Vậy thôi.

Sáng nay, thêm người hàng xóm lại ra đi không bao giờ trở lại, tôi lại phải chuẩn bị máy để ghi hình giờ phút tiễn đưa linh cửu của người đi ngang qua trước cửa nhà mình, rời khỏi con hẻm thân quen…

Trải lòng bát ngát yêu thương
Ghé thăm ám chướng, vấn vương vũng lầy
Duyên sinh lớn bé kiếp này
Tĩnh tâm chuyển nghiệp cho đầy hoan ca!

Tâm Không Vĩnh Hữu