Tôn Giả A Nan Ðà
Anada – Ða Văn Ðệ Nhất
Trong hàng Thánh chúng hay thập đại đệ tử của Ðức Phật, A Na Ðà (Ananda) là vị trẻ nhất. Tôn giả là vị luôn luôn túc trực bên cạnh Phật, Tôn giả là vị có nhiều đặc điểm nhưng điểm đặc biệt nhất của Ngài là trí nhớ. Tôn giả nhớ hết tất cả kinh điển do Phật tuyên giảng. Bởi thế Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có kệ khen tặng A Nan rằng:
Tướng như thu mãn nguyện
Nhãn tợ thanh liên hoa
Phật pháp như đại hải
Lưu nhập A Nan tâm.
Dịch là:
Tướng giống trăng thu đầy
Mắt giống hoa sen xanh
phật Pháp như biển rộng
Rót vào tâm A Nan.
Tôn giả được Ðức Phật và thánh chúng suy tôn là vị Ða Văn Ðệ Nhất.
Dòng Họ và Danh Hiệu A Nan Ðà
A Nan Ðà gọi ngắn gọn là A Nan, em ruột của Ðề Bà Ðạt Ða, con thứ của Bạch Phạn Vương, tức là em con chú của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. A Nan sinh ra trong đêm Ðức Phật thành đạo dưới cội bồ đề, cho nên tên của Ngài còn có nghĩa là Khánh Hỷ (vui mừng). A Nan rất khôi ngô tuấn tú, thông minh, hòa nhã và vui vẻ. Khi trở về thành Ca Tỳ La Vệ, thấy A Nan Ðức Phật biết A Nan sẽ là vị kế thừa mạng mạch Phật pháp sau này. Cho nên khi dọn chỗ ở, Ðức Phật đến ngay cung điện của Bạch Phạn Vương, ngự tại căn phòng kế cận phòng A Nan. Mỗi buổi sáng mở cửa nhìn qua, A Nan thấy Phật và cung kính bái chào. Ngày ngày chú bé A Nan lân la bên Phật và quạt cho Phật khi nóng nực. Thấy con mến Phật, ngại chú bé có thể chịu ảnh hưởng của Phật và nhất là sợ con sẽ xuất gia theo Phật, nên Bạch Phạn Vương gởi A Nan sang nước Tỳ Xá Ly. Vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ và nhớ Phật chú bé A Nan khóc đòi về. Rồi cũng không thể xa chú bé ngây thơ, mủm mỉm duyên dáng, đẹp đẽ lại thông minh, Bạch Phạn Vương lại đưa chú bé A Nan về thành Ca Tỳ La Vệ.Với luật tương duyên việc gì đến sẽ đến, có cản ngăn cũng không được. Khi đã thấm nhuần mưa pháp, một số vương tôn công tử xin Phật xuất gia, dù còn bé, A Nan cũng xin các Vương tôn được đi theo Phật.
Ðạo Nghiệp của A Nan Ðà
Làm Thị giả Phật
Sau khi được theo Ðề Bà Ðạt Ða, A Na Luật, Ưu Ba Ly, La Hầu La… về Trúc Lâm Tinh Xá, dù còn nhỏ tuổi, A Nan rất siêng năng tham dự các buổi thuyết pháp của Phật. Với tính thông minh sẳn có, A Nan nhớ hết những lời Phật nói, ngược hẳn với Châu Lợi Bàn Ðà Già, học một câu kệ 3 tháng mà không thuộc, A Nan nghe một biết mười. Thế nhưng Châu Lợi Bàn Ðà Già chứng thánh quả khi Phật còn tại thế, A Nan phải đến sau Phật Niết Bàn 3 tháng mới chứng quả A La Hán, trước ngày khai mạc đại hội kiết tập kinh điển một hôm.
Dù A Nan thông minh có thể nối thạnh Phật pháp theo sự nhận xét của Ðức Phật, nhưng tuổi còn nhỏ cần có thời gian tập sự, mãi đến hai mươi năm sau, A Nan mới được tăng đoàn đề nghị làm thị giả hầu cận Phật. Từ sau khi Ðức Phật thành đạo cho đến lúc Ngài A Nan được cử làm thị giả, Phật không có một thị giả nào nhất định. Thân cận Phật lúc đầu có Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, tiếp đến có Tỳ kheo Na Ca Ba La, rồi nhiều tỳ kheo khác thay nhau hầu Phật. Năm Ðức Phật 50 tuổi, tăng đoàn thấy Phật cần có một thị giả thường trực bên cạnh, để giúp đỡ Phật mọi sự cần thiết. Vì thế, Tăng đoàn mở một đại hội để chọn thị giả, trong hội có nhiều vị tỳ kheo xung phong nhưng Phật đều không thuận. Tôn giả Mục Kiền Liên thấy trong số đệ tử không ai hơn Ngài A Nan, nên Ngài liền đến khuyên A Nan rằng:
Này A Nan! Ý Ðức Thế Tôn muốn ông làm thị giả, ông hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là dựa vào trí nhớ, về sau ông có thể thay đức Thế Tôn tuyên dương diệu pháp. Ông giống như một tòa lâu đài to lớn, mở cửa sổ ở phía đông là có thể giúp cho ánh sáng rót thẳng vào vách phía tây.
Nghe nói, thấy trách nhiệm lớn lao quá sợ không kham nổi A Nan từ chối, nhưng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyên mãi cuối cùng A Nan nhận. Nhưng e ngại tyï hiềm có thể xảy ra, A Nan yêu cầu Tôn Giả Mục Kiền Liên trình lên Ðức Phật 5 thỉnh nguyện:
1. Không mặc áo Phật cho dù cũ hay mới.
2. Không đi trước khi có Phật tử thỉnh về nhà cúng dường.
3. Ðược ngoài hay đi chỗ khác, khi Phật tiếp tín chúng đến hỏi đạo, nếu sự hiện diện của thị giả không cần thiết.
4. Không ăn thức ăn thừa của Phật
5. Ðược tùy tiện sắp xếp hoặc cho hay không cho mỗi khi có khác muốn đến yết kiến Phật.
Khi 5 thỉnh nguyện trình lên, Phật hoan hỷ chấp thuận ngay vì Phật thấu hiểu tâm tư A Nan và hết lòng khen ngợi A Nan là người thông minh, tế nhị, thuần hậu, vui vẻ.
Giúp cho nữ giới xuất gia
Khi vua Tịnh Phạn băng hà, Phật về thành Ca Tỳ La Vệ lo việc lễ táng và sau khi đã đề cử Ma Ha Nam lên làm vua, Ðức Phật đến tạm trú tại rừng Ni Câu Ðà. Thấy nhà vua đã mãn phần, việc triều chính cũng đã có nguời lo, bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề rất hài lòng qua sự sắp xếp của Phật. Một hôm bà dẫn 500 thể nữ thuộc dòng họ Thích đến rừng Ni Câu Ðà bái yết Phật, xin được xuất gia và dâng lên Phật hai tấm y do bà tự tay cắt may. Ðức Phật không chấp thuận cho nữ giới xuất gia, dù bà nhiều lần khẩn khoản cầu xin. Theo Phật, giới nữ nặng về tình cảm, nhẹ ý chí, có thể gây phiền hà rắc rối cho giáo đoàn. Bởi thế, giáo đoàn có sự tham dự của phụ nữ chánh pháp sẽ giảm mất 500 năm. Di Mẫu vô cùng buồn bã khi Phật nhiều lần từ chối. Ðể làm cho Di Mẫu vui lòng, Ðức Phật nhận một tấm y, tấm còn lại Phật khuyên nên đem cúng dường cho một vị tăng khác. Sau khi thấy nước Ca Tỳ La Vệ ổn định về mọi mặt, Ðức Phật cùng tăng chúng rời Ni Câu Ðà đi du hóa vùng lưu vực sông Hằng. Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Ðề không bỏ ý hướng quyết tâm xin Phật xuất gia. Một hôm bà cùng 500 thể nữ xuống tóc, mặc cà sa, và vượt qua hai ngàn dặm đường để đến Tinh Xá Na Ma Ðề Kiền Ni, nơi Phật đang giáo hóa để bái yết khẩn cầu. Vượt qua bao dặm đường dài hiểm trở lại gặp trời mưa gió nên cả đoàn mệt lả. Khi đến Tinh Xá thì trời cũng vừa tối nên đoàn người đành dừng chân ở cổng, đợi đến sáng mai sẽ vào thỉnh Phật cho xuất gia nếu không được thì cũng chết ở đây chứ không trở về thành Ca Tỳ La Vệ. Lúc sáng sớm vì có việc cần phải ra ngoài Tinh Xá, Tôn giả A Nan bất chợt gặp Di Mẫu và 500 thể nữ dòng họ Thích, mình khoác cà sa và đã thế phát đang đứng trước cổng Tinh Xá trông thật vô cùng thiểu não. Tôn giả vô cùng thương cảm nên hứa với Di Mẫu sẽ khẩn khoản xin Phật cho phái nữ được xuất gia. Ðể đáp lại nhiệt tình và ý chí cao độ của Di Mẫu, Ðức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu của A Nan, nhưng buộc ni giới phải giữ thêm một số giới pháp và triệt để tuân hành Bát kỉnh pháp. Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề vô cùng hân hoan và xin triệt để tuân hành lời Phật dạy. Ni giới rất nhớ ơn Tôn giả nên mỗi khi có dịp gặp Ngài họ rất vui mừng và tiếp rước Ngài một cách niềm nở cung kính.
Ác Mộng
Khi thấy Ðức Thế Tôn ngày càng già yếu, lòng A Nan vô cùng lo lắng, nếu Phật vào Niết Bàn A Nan biết dựa vào đâu để tu học và chứng quả thánh. Trong một đêm nằm mộng thấy 7 diềm quái lạ, A Nan cảm thấy lo sợ hoang mang. Sáng sớm thức dậy A Nan đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn và kể lại 7 điềm mộng xin Ðức Phật giải thích:
1. Khắp nơi các ao ngòi sông hồ biển cả dều bị lửa dữ rực cháy, khô cạn tất cả.
2. Mặt trời rơi rụng, thế giới tối đen, không có một ánh sao, đầu con vượn lao lên chín tầng mây.
3. Các Tỳ kheo không tuân giữ giới luật treo áo cà sa.
4. Trong cảnh chông gai lao lý Tỳ kheo khốn khổ, pháp y tơi bời.
5. Cây chiên đàn xanh tươi bị các đàn heo rừng đến bới gốc, trốc rễ.
6. Không nghe lời voi mẹ, vo con tung tăng chạy khắp nơi, lạc vào chốn đồng khô cỏ cháy, chết đói chết, khát ngổn ngang.
7. Sư tử chết, các loài điểu thú côn trùng không dám đến gần, dòi từ trong ruột sư tử bò ra lúc nhúc, rúc tỉa thịt xuơng sư tử.
Khi nghe A Nan kể, biết đó là điềm chẳng lành Phật giải thích:
Này A Nan! Ðã là mộng nên làm gì có thực, tất cả đều do tâm thức biến hiện, chắc lòng ông có gì khắc khoải lo âu! Tuy nhiên giữa cái có và cái không vốn không tách biệt, bởi thế giấc mộng của ông là điềm báo trước giáo pháp của ta trong tương lai.
Này A Nan! Ðiềm thứ nhất: Lửa cháy thiêu đốt, sông biển khô cạn, biểu hiện tương lai các vị Tỳ kheo được hưởng đầy đủ mọi sự cúng dường nhưng lại không giữ giới pháp thanh tịnh, khởi xướng nhiều việc đấu tranh gây gỗ.
Ðiềm thứ hai: Sau khi ta Niết Bàn giống như trời đất mù tối, để chánh pháp không bị lu mờ, Tăng đoàn sẽ yêu cầu ông tuyên dương giáo Pháp.
Ðiềm thứ ba: Trong tương lai có hạng Tỳ kheo chỉ chuyên nói lý thuyết suông không lo tu hành.
Ðiềm thứ tư: Trong tương lai có hạng Tỳ kheo không lo tu giới, định, tuệ, xuôi theo thế tục có vợ con đùm đề.
Ðiềm thứ năm: Trong tương lai có hạng Tỳ kheo chỉ chuyên buôn Phật, bán thánh, đem chánh pháp làm phương tiện đổi chác, mong cầu lợi dưỡng.
Ðiềm thứ sáu: Trong tương lai có hạng Tỳ kheo trẻ tuổi không chịu học tập theo lời dạy dỗ của sư trưởng, không tin nhân quả tội phước, chết đọa vào địa ngục.
Điều thứ bảy: Trong tương lai chính đệ tử Phật phá hoại giáo pháp của Phật, chứ không phải ngoại đạo đủ sức phá hoại chánh pháp.
Trong 7 điềm mộng, ngay sau khi Phật Niết Bàn 3 tháng, điềm thứ hai đã xảy ra tại núi Kỳ Xà Quật. Tôn giả Ca Diếp mở cuộc Kiết tập kinh điển, Ton giả A Nan được yêu cầu tuyên đọc tạng kinh.
Yêu cầu Ðức Phật Di Giáo
Tại rừng Ta La Song Thọ, thành Câu Thi Na, khi Ðức Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn, người khóc than thê thảm nhất là Ngài A Nan, Ðức Phật khuyên A Nan không nên khóc vì ở đời có sinh tất có diệt. Con người có hợp thì có tan, đó là một định luật không ai có thể cưỡng lại được, Phật tuy đã giác ngộ và giải thoát nhưng dư báo vẫn còn cho nên phải xả để vào vô dư Niết Bàn. Tất cả giáo pháp tự lợi, lợi tha, Ðức Phật đã tuyên giảng đầy đủ, con đường tiến đến chân trời giác ngộ, giải thoát Phật đã chỉ rõ. Do đó Phật còn ở lại thế gian cũng bằng thừa, hơn nữa có Phật mọi người sẽ ỷ lại, không chịu khắc phục thân tâm tiến tu đạo nghiệp. Trước giờ phút Niết Bàn Phật hỏi đại chúng còn gì nghi ngờ hãy nêu rõ.
Tôn Giả A Nan đến trước Ðức Phật đảnh lễ và thưa:
Bạch Ðức Thế Tôn! Con có 4 điều thắc mắc xin Ðức Thế Tôn chỉ giáo:
Thứ nhất: Sau khi Ðức Thế Tôn Niết Bàn chúng con biết nhận ai làm thầy?
Thứ hai: Sau khi Thế Tôn Niết Bàn chúng con biết nương tựa vào đâu?
Thứ ba: Sau khi Thế Tôn Niết Bàn chúng con làm sao hàng phục kẻ dữ?
Thứ tư: Sau khi kiết tập kinh điển, nên để lời gì ở đầu mỗi kinh?
Ðức Phật trả lời:
Này A Nan sau khi ta nhập Niết Bàn thứ nhất các ông hãy lấy Ba La Ðề Mộc Xoa (Giới) làm thầy.
Thứ hai: Hãy an trú vào Tứ niệm xứ (Quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ).
Thứ ba: Hãy dùng phép mặc tẩn (làm lơ, không giao thiệp luận bàn) để hàng phục kẻ dữ.
Thứ tư: Ðầu mỗi kinh nên để câu Như thị ngã văn (Tôi nghe như vầy), mà kiết tập kinh điển.
trả lời xong Phật khuyên A Nan và đại chúng hãy tự mình thắp đuốc mà đi, giáo pháp của Như Lai chỉ là phương tiện chỉ đường. Ðức Phật cũng khuyên các Tỳ kheo nên siêng năng tinh tấn thực hành giáo pháp tự lợi, lợi tha.
Tham dự kiết tập kinh điển
Sau khi Ðức Phật nhập diệt Tôn giả Ðại Ca Diếp tổ chức đại hội kiết tập kinh điển suốt ba tháng, Ngài A Nan đuợc đại hội đề cử tụng lại tất cả các kinh do Phật đã dạy. Tuy nhiên đại hội yêu cầu A Nan phải sám hối sáu sai lầm đã vấp phải khi Phật còn tại thế, và hãy ra ngoài dốc lòng tu tập cho đến khi nào chứng quả A La Hán mới trở vào tham dự đại hội. Sáu tội Ðột Cát La mà A Nan phải sám hối là:
1. Do A Nan thỉnh cầu Phật nhận nữ giới vào giáo hội.
2. Mượn cớ nước không sạch, A Nan không cung cấp nước cho Phật uống, lúc ở gần thành Duy Ra Yết.
3. Ðã biết Ðức Phật có đại thần lực, có thể khiến nước đục trở thành trong, A Nan vẫn không lấy nước dâng Phật.
4. Phật nhắc ba lần về điều người tu học dược tứ thần túc, có thể kéo dài thêm mạng sống, A Nan im lặng chẳng thưa thỉnh Phật mới vào Niết Bàn.
5. Là thị giả cần cẩn thận, A Nan đã dẫm chân lên y Tăng già lê của Phật.
6. Sau khi Phật Niết Bàn, A Nan đã cho nữ giới xem tướng mã âm tàng của Phật.
Với tâm hoan hỷ nhu thuận sẳn có, Tôn giả đã thành tâm sám hối sáu điều mà đại hội yêu cầu. Sau đó Tôn giả ra ngoài động kiếm chỗ vắng vẻ ngồi kiết già nỗ lực tu tập, vào nữa đêm Ngài chứng được A La Hán quả. Khi trời vừa sáng Tôn giả trở vào động cũng vừa đúng lúc đại hội bắt đầu. Trước thánh chúng Tôn giả trùng tuyên 4 bộ kinh A Hàm: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hà. Ngoài ra còn có một số kinh khác như: Kinh Thí dụ, Kinh Bổn Sanh, Kinh Pháp Cú…Trong cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất A Nan đã thực hiện trọn vẹn di chúc của Phật là, đại diện Phật tuyên dương chánh pháp.
A Nan Niết Bàn
Sau Khi Ðức Phật Niết Bàn Tôn giả Ðại Ca Diếp thống lãnh giáo đoàn cho đến lúc hơn 100 tuổi thì vào Niết Bàn. Người thừa kế là Tôn giả A Nan, vị tổ thứ hai theo Bắc Tông Phật giáo. Ðến khoảng 120 tuổi, tự thấy cơ thể già yếu Tôn giả quyết định nhập Niết Bàn. Ngài đem chánh phá và giáo đoàn giao lại cho Thương Na Hòa Tu lãnh đạo. Chánh pháp đã có người tiếp nhận kế thừa, Tôn giả A Nan lại phân vân không biết nên Niết Bàn ở Ma Kiệt Ðà hay Tỳ Xá Ly. Ðức Phật truyền dạy giáo pháp bình dẳng cho nên phải loại trừ tâm thiên vị, gây oán thù, tranh chấp, hơn nữa lúc bấy giờ hai nước đang giao chiến đối đầu nhau. Cuối cùng để hai nước khỏi so bì, Tôn giả chọn sông Hằng làm nơi nhập diệt, vì sông Hằng là biên giới của hai nước.
Nghe tin Tôn giả A Nan sắp Niết Bàn ở sông Hằng, Vua A Xà Thế tức tốc đến mé sông thì A Nan đã lên thuyền ra giữa sông, Vua mời A Nan trở lại. Bên kia bờ dân chúng Tỳ Xá Ly cũng dến bờ sông xướng lời thỉnh cầu Tôn giả qua Tỳ Xá Ly Ra đến giữa sông Tôn giả A Nan nói lớn:
Vì hai nước bất hòa, hai bên còn oán hận nhau ta không biết nên Niết Bàn ở nước nào cho hợp lẽ. Do đó ta xét thấy ra giữa sông nhập diệt là giải pháp công bằng nhất, ta cầu mong hai nước chấm dứt chinh chiến lập lại hòa bình thân hữu.
Sau khi chỉ dạy dân chúng hai bên và vua A Xà Thế, Tôn giả nhập định tam muội vào Niết Bàn. Xá Lợi của Tôn giả được chia cho hai nước xây tháp tôn thờ, một tháp xây ở giảng đường Ðại Long phía Bắc Tỳ Xá Ly, một tháp xây cạnh Tinh Xá Trúc Lâm, thành Vương Xá nước Ma Kiệt Ðà. Nhờ cách nhập diệt và lời kêu gọi của Tôn giả, hai nước hòa giải được hận thù, chấm dứt chinh chiến sống trong hòa bình. Sự nhập diệt của Tôn giả đã giúp cho tài sản hai nước khỏi thiệt hại, sinh mạng của nhân dân được cứu vãn, vì thế nhân dân hai nước vô cùng nhớ ơn Tôn Giả.
Qua cuộc đời và đạo nghiệp của Tôn giả A Nan, có một vài vấn đề cho chúng ta cần đề cập đến. Trước hết là Tôn giả đã giúp cho phái nữ xuất gia, vấn đề mà nhiều lần chính Ðức Phật đã khước từ. Dù Ðức Phật chủ trương bình đẳng, nhưng trong thực tế nam nữ chung đụng hay nảy sinh nhiều chuyện phức tạp, làm tổn hại đến thanh danh của tăng đoàn khiến sự trường tồn của chính pháp cũng bị suy giảm, đó là lý do Phật không nhận phái nữ xuất gia. Không phải A Nan không rõ lý do nhưng với bản tính dịu hiền, hay ưu ái phái nữ, A Nan đã mạnh dạn xin Phật cho bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề và 500 thể nữ xuất gia. Chính cũng vì lý do xin cho phái nữ xuất gia trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất, A Nan đã bị đại hội kết tội và buộc phải sám hối. Dù bị buộc tội làm cho chính pháp suy giảm, nhưng Tôn giả đã góp phần cho giáo đoàn của Phật có được trọn vẹn tinh thần bình đẳng của Phật.
Thứ đến là vấn đề bùa chú, trên đường đi khất thực một mình, A Nan đã bị Ma Ðăng Già bỏ bùa suýt mất giới hạnh, nhờ thần chú Lăng Nghiêm mà thoát nạn. Người ta thường cho bùa là thứ phù phép siêu hình, riêng chúng tôi thấy vấn đề đó chẳng có bùa phép siêu hình gì hết. Chẳng qua người ta rút từ động vật hay thực vật ra một số hóa chất nào đó làm mê mẩn con người mà thôi, khi hóa chất tan hết, con người trở lại bình thường, còn chữ và hình vẽ chỉ là một thứ trang trí làm mà mắt thiên hạ. Cụ thể như tỏi nén là chất làm cho rắn bị mê, sả có mùi làm cho rắn sợ không dám đến gần, dầu mè dầu phụng có tác dụng đẩy tử khí ra ngoài, ngược lại dầu thơm làm xúc tác cho tử khí tăng mùi, thuốc Imenocotan làm cho người ta hôn mê… Còn thần chú, muốn có hiệu quả, người trì chú phải có nhiều dụng công, tỉnh tâm, định lực, thông thường gọi là phải tu luyện, cùng một bài chú có người đọc linh nghiệm, có người đọc không linh nghiệm là do có công phu tu luyện hay không. Thần chú là một phương tiện khi chú tâm trì tụng giúp cho định lực cao cường, cõi lòng vắng lặng chi phối được tâm tư người khác. Thôi miên hoặc thần giao cách cảm cũg thuộc dạng này, nhưng thấp hơn tu luyện bằng thần chú, sự thật chỉ có thế chứ chẳng phải siêu hình gì hết. A Nan vì chưa chứng thánh nên phải bị thần chú của Ma Ðăng Già mê hoặc, Ngài Xá Lợi Phất đã chứng A La Hán, Thánh định lực cao nên khi đọc chú Lăng Nghiêm đã chuyển được tâm tánh Ma Ðăng Già.
Một vấn đề khác là giấc mộng của A Nan trở thành biểu hiện trong thực tại. Mộng có thể thực có thể không thực. Chẳng hạn ban ngày chúng ta tiếp xúc với vấn đề gây khủng hoảng tâm lý, đêm có ác mộng, đó là mộng không thực. Khi nằm ngủ vì một động tác nào đó làm động mạch tắc nghẻn, mộng sinh ra đó là mộng không thực. Còn ngày hoặc đêm chúng ta quan tâm đến một vấn đề nào đó, trong giấc ngủ từ tiềm thức trồi lên các hình ảnh mộng, những điềm đó có thể thành hiện thực. Khi có điều kiện Phật gọi là nhân duyên. Tôn giả A Nan có 7 điều mộng là do Tôn giả đã có sẳn tư duy về vấn đề tuổi già của Phật và sau khi Phật vào Niết Bàn có những gì sẽ xảy ra, từ tư duy đó tiềm thức làm việc và cho hình ảnh kết quả. Ðức Phật đã dựa vào 7 điều mộng để dự đoán. Từ sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn đến nay, những điều Phật dựa vào mộng để dự đoán đều đúng, vì Phật là bậc giác ngộ, có trí tuệ ưu việt siêu đẳng cho nên tìm được hệ luận của mộng. Với ba vấn đề qua tư duy và trình bày của chúng tôi ở trên chỉ là ý kiến gợi ý cá nhân, do đó vấn đề cần có thời gian để tư duy và thực nghiệm thêm, mới có thể xác thực hơn. Sau cùng với thời hiện đại, với giáo pháp của Phật, chúng ta đa phần thiên về nghiên cứu, lý thuyết nhiều hơn là thực nghiệm tu chứng. Bởi thế chúng ta cần noi gương Tôn giả A Nan trong vấn đề tuyên dương chánh pháp để tự lợi và giúp ích cho mọi người nhiều hơn. Lấy chính pháp trang nghiêm bản thân, trang nghiêm Phật giáo cũng chính là để góp phần trang nghiêm xây dựng quốc độ, an bình, phúc lạc./.