Tôn Giả Ca Chiên Diên
Katyayana – luận Nghị Ðệ Nhất

Ngày xưa để được gọi là một nhà nho đúng nghĩa, ngoài thông hiểu tứ thư, ngũ kinh, biết làm thơ phú, nhà nho còn phải biết thêm bốc, y, lý và số. Về Phật giáo để được toàn bích ngoài thông hiểu nội điển, một tăng sĩ cần phải biết thêm Thanh minh, Nhân minh, Công xảo minh và Y phương minh gọi chung là Ngũ Minh. Nếu không được như thế, tối đa cũng phải biết 4 hoặc 3, tối thiểu phải biết hai minh. Vì trong khi truyền đạo, dù thuộc kinh điển nhưng trình bày không mạch lạc, khúc chiết, lý luận không biện chứng, logic, thì khó mà thuyết phục được người nghe. Mặt khác, nếu thuộc kinh điển có lý luận, nhưng giữa diễn giả và thính chúng ngôn ngữ không đồng, phải nhờ đến thông dịch, diễn giả cũng không thể truyền đạt hết tư tưởng, quan điểm cho thính chúng. Bởi thế để trở thành một người thuyết pháp nhà nghề, ngoài am tường nội đIển, tối thiểu các tăng sĩ cần rèn luyện, biết thêm ngôn ngữ và có kiến thức phổ thông. Thời Phật còn tại thế, trong số 10 đại đệ tử, Ca Chiên Diên (Katyayana) không những chỉ thông hiểu những tư tưởng triết học đương thời, am tường giáo pháp của ức Phật, mà còn có tài luận nghị khiến ai vấn nạn cũng đều thán phục. Phật và Thánh chúng phong tặng cho Ngài là bậc Luận Nghị Ðệ Nhất.

Tôn giả Ca Chiên Diên - Luận nghị đệ nhất

Dòng Họ và Biện Tài của Ca Chiên Diên

Ở miền Nam Ấn Ðộ nước A Bà¹n Ðồ thôn Di Hầu thuộc dòng Bà La Môn, có một gia đình rất giàu sang và danh giá, được nhiều người kính nể, Ngài Ca Chiên Diên được sinh ra trong gia đình này. Ca Chiên Diên là con thứ, thân phụ là một quốc sư đương thời, Ca Chiên Diên là họ, tên Ngài là Na Da Là, về sau Ngài rất nổi tiếng nên mọi người dùng họ để gọi thay. Ca Chiên Diên cũng có một người anh cũng thông minh tài trí theo cha học đạo Bà La Môn. Ðể uyên bác hơn, Ca Ca đi nhiều nơi tham học đạo lý với các Bà La Môn danh tiếng. Sau khi đã học hết kinh điển của Bà La Môn, Ca Ca trở về cố hương với ý định lập đàn tràng thuyết giảng Kinh Vệ Ðà. Trong khi anh du học ở phương xa, ở nhà Ca Chiên Diên cũng theo cha dồi mài kinh sử, cùng lúc với anh Ca Chiên Diên cũng lập đàn tràng, đối diện với đàn của anh để thuyết giáo, xem đã đủ sức lý luận trước mặt mọi người chưa?

Trước hai đàn tràng, mọi người cho là Ca Chiên Diên hùng biện hơn Ca Ca, do đó hầu hết thính chúng đều hướng về Ca Chiên Diên. Thấy em làm mất mặt trước đám đông Ca Ca đến trước thân phụ thưa kiện và đòi trừng trị tội trịch thượng của Ca Chiên Diên một cách thích đáng. Ca Chiên Diên được triệu đến để tiện bề phân xử. Trước cha và anh Ca Chiên Diên quỳ lạy và bày tỏ:

Thưa cha! Xin cha hãy rộng lượng soi xét, trong lúc anh con đi phương xa học hỏi, ở nhà con cũng theo cha cố công dồi mài kinh sử. Con thiết lập đàn tràng để biết công lao học hỏi trong bao năm qua kết quả như thế nào? Chỉ có thế thôi con cũng không có ý đồ cạnh tranh hơn thua, trước thính chúng con không rắp tâm dụ dỗ ai, hai anh em của con sẽ phân trần với nhau, xin cha chớ bận tâm. Hướng về Ca Ca, Ca Chiên Diên cũng tỏ lời xin anh cảm thông và sẽ cùng nhau hòa giải, vì đây chẳng qua chỉ là sự hiểu lầm mà thôi.

Trước hai người con Quốc sư đều quý mến, không biết nên phân xử thế nào cho phải, chỉ hứa sẽ cho biết ý kiến sau. Sau khi bàn với phu nhân, ông quyết định để làm an lòng cho Ca Ca, vì ông này có nhiều háo thắng vả lại cũng để bảo tồn danh dự cho Ca Ca, Ca Chiên Diên được gởi qua núi Tần Ðà ở phương Nam để học đạo với Tiên A Tư Ðà. Tiên A Tư Ðà là trưởng huynh của thân mẫu Ca Chiên Diên, ông là vị tiên nhân bác học, chứng tứ thiền, ngũ thông được nhân dân Ấn Ðộ trọng nể lúc bấy giờ. Ca Chiên Diên rất được A Tư Ðà thương mến, vì tư chất thông thái chóng lãnh hội những điều được truyền đạt. Một hôm A Tư Ðà cho Ca Chiên Diên hay rằng:

Tuy ta thông hiểu thánh điển Vệ Ðà, nhưng sẽ không bằng Thái Tử Tất Ðạt Ða con Vua Tịnh Phạn, vì Thái tử sẽ xuất gia thành đạo vô thuợng và sẽ chuyển bánh xe chánh pháp tại vườn Lộc Uyển, xứ Ba La Nại. Sau này con hãy đến đó thọ giáo để triển khai tài năng luận nghị của con, riêng ta chẳng bao lâu nữa sẽ từ giã cuộc đời, không có vinh dự gặp Phật.

Rồi để chuẩn bị cho cháu, A Tư Ðà dẫn Ca Chiên Diên xuống núi đến lập tịnh thất tại Ba La Nại; đúng như lời dự đoán, ít lâu sau A Tư Ðà từ giã cõi đời. Nhớ lời khuyên, nên sau khi Ðức Phật đến Lộc Uyển chuyển pháp luân, Ca Chiên Diên đI tìm Phật cầu sư học đạo, chứng Thánh quả và trở thành bậc Luận Nghị Ðệ Nhất.

Ðạo Nghiệp Của Ca Chiên Diên

Biện Luận Pháp Bình Ðẳng

Trong hàng đệ tử của Phật, có hai nhân vật biện luận tài tình đó là Ngài Phú Lâu Na và Ngài Ca Chiên Diên, nhưng khi thuyết pháp Phú Lâu Na thiên về số đông còn Ca Chiên Diên lại thích lý luận với từng người một. Một hôm, Ngài đến phía Tây Ấn Ðộ, nước Ma Thâu (Mathian) truyền đạo, sau khi xem xét dân tình phong tục địa phương, lề lối sinh hoạt xã hội, Ngài đến yết kiến vua nước Ma Thâu. Thấy Ca Chiên Diên bỏ dòng Bà La Môn theo dòng Sát Ðế Lợi là một chuyện lạ, vua Ma Thâu hỏi Ca Chiên Diên:

Ở đời ta chưa thấy ai bỏ dòng họ cao quý sinh từ đầu Phạm Thiên, để đi theo dòng họ thấp hơn như Tôn giả. Tai sao lại như thế? Có ai ép buộc chăng?

Ðại vương! Tôi cảm nhận Ðức Phật là bậc đại Thánh, trước đây cậu tôi là Tiên A Tư Ðà khuyên tôi, tôi rất nghi ngờ, có thể là không xác thực, vì tôi cũng nghĩ như Ðại vương, trong đời ai có thể hơn dòng dõi Bà La Môn được. Nhưng khi gặp Phật, nghe Phật khai thị, tôi tự nghĩ trước đây mình vô cùng lầm lẫn. Với luật Ma nu xã hội được chia thành 4 đẵng cấp: – Bà La Môn, Sát Ðế Lợi, Phệ Xá và Thủ Ðà La. Luật này có ra, chẳng qua là do dòng Bà La Môn muốn củng cố uy thế mà đặt ra. Giữa con người với con người, ai cũng dòng máu đỏ, nước mắt mặn, ai cũng chào đời với tiếng khóc, chưa hề có dấu tinka ở trán, hay các vòng vàng ở cổ tay, cổ chân. Lớn lên nếu được học, ai cũng có thể thuộc Kinh Vệ Ðà, vào thương trường ai cũng có thể có thể biết buôn bán. Sống ở rẫy bái rộng đồng ai cũng có thể biết cày cấy, được chỉ nghề nghiệp ai cũng có thể sản xuất ra vật tiêu dùng, người không chịu học hỏi tất sẽ ngu dốt. Do đó, có dòng này dòng khác là do luật Manu và xã hội gán ép cho con người. Hơn nữa thiện ác hay cao quý, thấp hèn người dòng nào lại không có. Thế nhưng, trong nhà tù, kẻ làm tôi tớ đều là người thuộc dòng thứ dân. Còn trong dòng Bà La Môn, Sát Ðế Lợi không hiếm người phạm pháp, làm điều độc ác nhưng nhờ được che chở bởi dòng họ, người bất lương tội lỗi vẫn ăn trên ngồi trước, thật là bất công! Thái tử Tất Ðạt Ða, người đã thấy rõ thực trạng của tư tưởng tôn giáo, xã hội Ấn Ðộ, nên đã từ bỏ cuộc sống vương giả để đi tìm đạo và thành đạo. ở đời từ xưa đến nay, có mấy ai dám từ chối địa vị cao sang quyền quý và lắm lạc thú như Phật Thích Ca? Hiện nay Phật đang chủ xướng thuyết bình đẳng để xã hội không có cảnh người bóc lột người, người hà hiếp người, người quá dư thừa kẻ làm đầu tắt mặt tối mà vẫn đói khổ. Trong giáo đoàn của người mọi người đều bình đẳng, ai có phẩm hạnh cao tất được tôn trọng, dù đó là người thuộc dòng hạ tiện.

Với tài luận nghị Ngài đã thao thao thuyết phục vua Ma thâu, một cách biện chứng, lôgic, bởi thế nhà vua đã thể hội giáo pháp bình đẳng của Phật, qua lần gặp Ca Chiên Diên nhà vua cũng thừa nhận Ngài là bậc biện luận đại tài, và yêu cầu được giới thiệu để quy y Phật. Khi trở thành một phật tử, vua Ma Thâu áp dụng phép bình đẳng của Phật để điều hành việc nước. Tất cả tù nhân ở các trại giam đều được phóng thích, ai phạm pháp, có tội đều được đưa đi giáo dục, dù đó là người thuộc dòng Bà La Môn hay Sát Ðế Lợi. Nhờ thế cả nước mọi người đều vui mừng, dân tình an cư lạc nghiệp, nhân dân nước Ma Thâu cũng rất cảm kích giáo pháp từ bi, trí tuệ, bình đẳng của Phật Thích Ca.

Ca Chiên Diên đem giáo pháp bình đẳng của Phật truyền bá khắp nơi, khiến mức độ tôn kính Bà La Môn trong nhân dân ngày một giảm sút, bởi thế các Bà La Môn rất oán hận Ca Chiên Diên và luôn luôn tìm cơ hội để đả kích. Một hôm có một Bà La Môn khá giỏi biện luận, từ xứ Câu Thi Na xa xôi, tìm đén Ba La Nại kêu đích danh Ca Chiên Diên để hạch hỏi:

Này Ca chiên Diên! Ta nghe ngươi bỏ Bà La Môn giáo để theo ông Cù Ðàm phải không? người phản bội tín ngưỡng lỗi nhiều hay ít? Ông lại đem giáo pháp của Phật thuyết dụ các Bà La Môn, thật là vô lễ.

Nghe Bà La Môn kết đủ thứ tội một cách ầm ĩ, với đức tính điềm tĩnh nhưng lý luận sắc bén, Ca Chiên Diên chậm rãi trả lời:

Ông xem tấm áo cà sa trên thân tôi là biết tôi đã cải tôn giáo rồi, cần gì phải đặt vấn đề. Với tín ngưỡng có nhiều thần quyền, có luật lệ mất bình đẳng, người theo tín ngưỡng đó có đáng để tuân hành không? Người đã biết con đường chánh đạo có cần hướng dẫn cho gia đình bạn hữu, người theo tà giáo trở về nẻo chính hay không?

Chưa chịu thua vì mục đích đến để hạ bệ Ca Chiên Diên, lão Bà La Môn hỏi:

Này Ca Chiên Diên! Ngươi là Tỳ kheo, sao không biết giữ oai nghi tế hạnh, trước đây đã không cung kính một lão Bà La Môn trưởng thượng?

Ca Chiên Diên điềm tĩnh trả lời:

Giá trị con người không ở tuổi tác mà là ở phẩm hạnh, tôi đã quy y Phật, quy y pháp của Phật, cho nên đương nhiên tôi không thể chấp nhận tà thuyết vái lạy thầy tà bạn ác.

Nghe Ngài đối đáp sắc bén, lão Bà La môn khâm phục và xin được giới thiệu để ra mắt Ðức Phật.

Nguyên nhân tranh cãi

Một buổi sáng sớm trên đường đi khất thực, một Bà La Môn chận Ca Chiên Diên lại và hỏi:

Tôi nghe tiếng Tôn giả đã lâu nay mới gặp, thật là may mắn. Hiện giờ trong tư tưởng tôi có một thắc mắc mà không giải đáp được, xin Tôn giả chỉ giúp.

Âng cứ tự nhiên nói, Ngài đáp.

Thưa Tôn giả trên thế gian này tôi thấy Sát Ðế Lợi tranh cãi với Sát Ðế Lợi, Bà La Môn tranh cãi với Bà La Môn. Nguyên nhân gì mà họ lại tranh cãi như thế?

Ca Chiên Diên đáp: – Vì tham dục mê hoặc.

Thưa Tôn giả! còn Sa Môn với Sa môn tranh cãi vì lý do gì?

Vì ngã kiến và pháp chấp.

Thế trên cõi đời này ai là người không bị tham dục, mê hoặc và ngã kiến pháp chấp để nương theo?

Chẳng do dự Ngài đáp: – Ðức Phật!

Ðạo sĩ Bà La Môn yêu cầu Tôn giả cho được gặp Phật và quy y theo Ngài.

Bán nghèo

Taị nước A Bàn Ðề, trên đường đi du hóa, Ca Chiên Diên gặp một người đàn bà ôm một vò nước ngồi khóc nỉ non bên bờ sông. Thấy cảnh đáng thương Ngài dừng bước hỏi:

Tại sao lại khóc lóc thê thảm như thế? Hãy cho biết lý do thử xem tôi có giúp ích gì được cho bà chăng?

Chắc ông không giúp được gì đâu? Bà lão nói.

Nếu không giúp được vật chất tôi có thể giúp cho bà phương pháp giải quyết, Ngài đáp.

Ðời thật là bất công! Bà lão nói, người giàu thì càng giàu thêm, dư ăn dư xài, kho lẫm tràn đầy, ngược lại người nghèo ngày càng xơ xác, đổ mồ hôi mà vẫn không đủ ăn. Cái khó lại bó cái khôn! không có cách xoay xở. Tôi sinh ra trong một gia đình nô lệ khốn cùng, từ khi chào đời đến nay không lúc nào mà cái khổ không đeo đẳng. Vì thế đến nay tôi không còn sức chịu đựng, chỉ muốn đi tìm cái chết may ra mới hết khổ.

Thôi đừng khóc lóc nữa, trong cuộc đời này đâu phải chỉ có bà nghèo. Thiên hạ phần đông là người nghèo, bà thử xem tại nước này có bao nhiêu là nhà giàu. Với những thứ tiền của tràn đầy kho lẫm, chắc gì những người giàu đã là không khổ? Vì lòng tham ô không đáy có một họ lại muốn mười. Lòng tham dục hành hạ con người ghê gớm lắm! Bởi thế tuy nghèo, nhưng lòng không dơ bợn, biết vừa đủ là thấy thoải mái hơn. Ðức Phật đã nói: “Người giàu tuy ở thiên đường cũng không vừa ý, người nghèo biết vừa đủ tuy nằm dưới đất vẫn thấy an lạc.”

Ðó là lý thuyết thôi Ngài ơi! Thực tế khác hẳn. Người giàu khác với kẻ nghèo, vì muốn ăn là có ăn, muốn mặc là có mặc. Họ bỏ tiền ra là muốn gì cũng được. Còn nghèo như tôi suốt đời làm nô lệ, làm việc quần quật cả ngày mà đôi lúc còn bị roi vọt, chửi rủa, thức từ 4,5 giờ sáng đến quá 12 giờ đêm mà cơm không đủ no, quần áo rách tả tơi, cái nghèo đeo đẳng suốt đời, vì thế tôi muốn chết may ra mới hết thống khổ

Vậy bà hãy bán cái nghèo đi.

Cái nghèo đâu có bán được, ai lại dại dột mà đi mua cái nghèo.

Nếu bà chịu bán tôi sẵn sàng mua.

Thôi đừng đùa, tội quá Ngài ơi!

Tôi tu hành nên không có nói đùa đâu, tôi mua thật. Cái nghèo có thể bán lắm chứ? Có điều là người ta không biết cách bán, phương pháp bán nghèo là bố thí. Mọi sự kiện trên đời đều có nguyên nhân. Giàu là kết quả của sự tu phước bố thí, còn nghèo là vì đã quá keo kiệt. Vì thế thực hành bố thí là phương pháp bán nghèo.

Nhưng tôi nghèo quá biết lấy gì mà bố thí, cái vò trong tay tôi là của chủ Bà La Môn tôi đâu có đem bố thí được. Lỡ tay làm bể là đã bị ăn đòn, huống gì là đem bố thí cho người khác.

Tôi đang khát nước vậy bà hãy đem vò nước xuống sông múc nước bố thí cho tôi.

Nghe xong bà liền đi múc nước bố thí và tỉnh ngộ. Nhờ Ca Chiên Diên chỉ dẫn, bà thường làm việc bố thí, lòng được thoải mái và cuộc đời trở nên an lạc hơn trước. Nhờ tài luận nghị, suốt cuộc đời đi giáo hóa Ngài đã cảm hóa được nhiều người, dẫn dắt người nghèo về với Ðức Phật, khiến ai cũng cảm thấy an lạc ngay trên cõi đời này.

Nhận Thức và Kết Luận

Ðức Phật ra đời với mục đích chính yếu là khai hóa cho nhân loại chúng sinh biết con đường giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Tuy nhiên không phải vì thế mà Phật bỏ quên vấn đề xây dựng con người, xây dựng xã hội, đó là mầm mống cho giải thoát sinh, già, bệnh, chết. Nếu mầm mống không xây thì lâu đài không có chỗ dựa vững chắc. Trong kinh Bách Dụ có câu chuyện:

Người mướn thợ xây nhà mà chỉ đòi xây lầu không cần xây nền móng, người đời gọi đó là xây nhà trên nền cát, việc làm đó chẳng bao giờ thực hiện được.

Trong kinh Phật dạy: Phật pháp bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề do như cầu thế giác. Nghĩa là: Phật pháp không ngoài thế gian mà giác ngộ, xa lìa cuộc đời mà tin bồ đề, giống như tìm lông rùa sừng thỏ.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy Thái Tử Tất Ðạt Ða xuất gia chính là xã hội không bình đẳng, không an lạc của Ấn Ðộ lúc bấy giờ. Noi guơng Ðức Phật trên đường đi bố giáo Ca Chiên Diên đến gặp vua nước Ma Thâu, nhân cơ hội nhà vua kích bác vấn đề bỏ đẳng cấp cao theo đẳng cấp thấp của mình, Ngài đã đem thuyết bình đẳng diễn giảng. Sau cuộc hội kiến với Ca Chiên Diên, vua Ma Thâu áp dụng giáo pháp bình đẳng vào xã hội, nhờ đó nước Ma Thâu được an lạc, không còn cảnh người bóc lột người, kẻ nô lệ luôn luôn chịu cảnh nô lệ, người Bà La Môn cứ tiếp tục ăn trê ngồi trước dù phạm pháp, ác độc. Qua câu chuyện vua nước Ma Thâu, thực hành pháp bình đẳng trong công tác xây dựng xã hội cho thấy đạo Phật không tiêu cực, xa thực tế để đi tìm một thế giới trên chín tầng mây.

Ngoài truyền bá giáo lý bình đẳng Ngài còn đề cao giá trị con người qua phẩm giá đạo đức, để từ đó có tinh thần vị tha, bố thí giúp cho con người hết đói nghèo và đặc biệt là loại trừ tính tham dục, mê hoặc, ngã kiến, ngã chấp, để sống hòa hợp không tranh cãi. Với những tinh thần đạo lý, qua các cuộc hùng biện của Ca Chiên Diên, ngày nay con người cần được phổ biến học hỏi. Bởi vì cuộc sống của con người quá chênh lệch, giữa kẻ giàu và người nghèo, kẻ sang người hèn, cần có một nhịp cầu thông cảm để nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau hầu xây dựng cho nhân loại một cuộc sống thanh bình và an lạc./.