CHƯƠNG MỘT
NẮNG TRÊN LÁ XANH

LY NƯỚC TÁO CỦA BÉ THỦY 

Hôm nay có ba em bé, hai gái và một trai, từ dưới làng lên chơi với Thanh Thủy. Bốn đứa chạy chơi trên khu đồi phía sau nhà khoảng một giờ đồng hồ thì tìm vào để kiếm nước uống. Tôi  đi tìm chai nước táo cuối  cùng còn lại và đem rót vào cho mỗi đứa một ly đầy. Ly chót là của Thanh Thủy. Ly này lợn cợn xác táo, không trong như ba ly trước. Thanh Thủy phụng phịu chê, không uống. Bốn đứa lại chạy lên đồi chơi.

Chừng nửa giờ sau, đang ngồi tĩnh tọa ở phòng bên, tôi nghe tiếng Thủy gọi. Cô bé muốn vặn nước lạnh trong vòi nước để uống, nhưng nhón gót mà cũng không với tới. Tôi chỉ lên bàn, bảo: cháu uống ly nước táo này đi. Thủy ngoảnh lại nhìn. Ly nước táo bấy giờ trong vắt không còn một tí lợn cợn nào nữa, trông thật ngon lành. Nó tới gần và đưa hai tay nâng ly nước táo lên uống. Uống được chừng một phần ba ly, Thủy đặc ly xuống và ngước mắt nhìn tôi:”Có phải đây là một ly nước táo mới không thưa ông?” Tôi trả lời:”Không, ly nước táo hồi nãy đó. Nó ngồi yên một lúc lâu cho nên trở thành trong vắt và ngon lành như vậy đó cháu.” Thủy nhìn lại ly nước táo:”Ngon quá ông ơi. Có phải ly nước táo bắt chước ông đang ngồi thiền không hả ông?”

Tôi bật cười vỗ nhẹ lên đầu nó. Có lẽ nói rằng tôi đã bắt chước ly táo mà ngồi thiền thì đúng hơn.

Tối nào đến giờ bé Thủy đi ngủ thì tôi cũng ngồi thiền. Tôi cho nó ngủ ngay trong thiền phòng, gần chỗ tôi ngồi. Hai ông cháu giao hẹn với nhau là trong khi tôi ngồi thì Thủy nằm mà không lên tiếng hỏi chuyện. Thường thường thì chỉ chừng năm mười phút sau là Thủy đã ngủ. Trong khung cảnh thanh tịnh đó, giấc ngủ đến với Thủy một cách dễ dàng. Mãn giờ thiền tọa, tôi chỉ cần đi lấy một cái mền đắp lên cho nó.

Thanh Thủy là một em bé thuộc giới “thuyền nhân” (boat people) chưa đầy bốn tuổi rưỡi. Nó cùng với bố nó vượt biển sang tới Mã Lai hồi tháng tư năm ngoái. Mẹ nó bị kẹt lại bên nhà. Qua tới Pháp, bố nó đem gởi lại Phương Vân Am vài tháng để rảnh rang lên Paris lo giấy tờ và kiếm việc làm. Tôi dạy cho Thủy vần quốc ngữ và những bài ca dao xưa. Con bé rất thông minh. Chỉ trong vòng mười lăm ngày, nó đã đánh vần và đọc từ từ cuốn “Vương Quốc Của Những Người Khùng”, truyện ngụ ngôn của Leon Tolstoi, do tôi dịch.

Tối nào Thanh Thủy cũng thấy tôi ngồi. Tôi bảo nó là tới “ngồi thiền” và tôi không hề nói cho nó biết ngồi thiền là gì và ngồi như thế để làm gì. Mỗi tối, khi thấy tôi rửa mặt, mặt áo tràng và đi thắp một cây nhang cho thơm thiền phòng là nó biết tôi sắp đi “ngồi thiền”. Nó cũng biết là đã đến giờ nó phải đi đánh răng, thay aó và leo lên chỗ nằm mà không nói chuyện. Không lần nào nó đợi tôi nhắc.

Chắc rằng trong cái đầu tý hon của nó, bé Thanh Thủy nghĩ rằng ly nước táo ngồi yên một hồi lâu là để cho nó lắng trở lại, và ông của nó ngồi yên một hồi lâu chắc cũng là để cho lắng trong, cho khỏe khoắn như ly nước táo. “Có phải ly nước táo bắt chước ông ngồi thiền không, hả ông?” Tôi nghĩ bé Thủy chưa đầy bốn tuổi rưỡi mà đã hiểu thế nào là ngồi thiền mà không cần ai giải thích gì cho nó.

Ly nước táo ngồi lâu thì lắng trong. Theo cũng một định luật, ngồi lâu thì ta cũng lắng trong. Lắng trong thì ta sẽ an hòa, khỏe khoắn và tươi mát hơn. Ta tự cảm thấy tươi mát và người chung quanh ta cũng thấy ta tươi mát. Một em bé ưa tới ngồi gần ta không hẳn là vì ta hay cho nó kẹo hoặc hay kể chuyện đời xưa cho nó nghe. Có khi nó ưa tới ngồi gần ta chỉ vì ta tươi mát, có thế thôi.

Tối nay, Phương Vân có một ông khách. Tôi rót nước táo còn lại ở trong chai cho đầy một ly và đặt ly nước táo ở trên chiếc bàn giữa thiền phòng. Bé Thanh Thủy ngủ rồi. Tôi mời ông bạn cùng ngồi yên, thật yên, như ly nước táo.
GIÒNG SÔNG TÂM TƯỞNG 

Chúng tôi mới ngồi được chừng bốn mươi phút. Tôi thấy ông bạn đang mỉm cười nhìn ly nước táo. Ly nước táo đã lắng trong rồi. Bạn đã lắng trong chưa? Dù chưa được như ly nước táo, nhưng bạn cũng đã thấy thân tâm bạn lắng trong được một phần nào rồi chứ? Nụ cuời chưa tắt trên môi bạn. Hình như bạn ngờ rằng bạn sẽ không thể nào đạt đến sự lắng trong của ly nước táo dù bạn cố gắng ngôì thêm một vài giờ đồng hồ nữa.

Ly nước táo có một chân lý rất bằng, rất vững. Còn bạn, bạn chưa có một thế ngồi thật vững chãi. Trong khi những cái xác táo nhỏ tuyệt đối vâng theo luật tự nhiên mà từ từ để mình rơi nhẹ xuống đáy ly thì tư tưởng của bạn lại như một đàn ong bay loạn xạ lên, không vâng theo một mệnh lệnh nào cả để lắng xuống. Đó, chính hai điều đó đã gây cho bạn cảm tưởng là bạn sẽ không làm được như ly nước táo.

Bạn nói rằng con người là một sinh vật, có tư tưởng và cảm giác, không giống như một ly nước táo. Tôi đồng ý với bạn. Nhưng tôi biết rằng mình cũng có thể làm như ly nước táo, và hơn thế nữa, có thể làm hay hơn ly nước táo: bạn có thể đạt tới tình trạng lắng trong không những trong tư thế ngồi mà còn trong những tư thế đi, đứng và làm việc nữa.

Bạn có thể không tin. Bởi vì trong bốn mươi lăm phút vừa qua bạn thấy bạn đã cố gắng khá nhiều mà không đạt tới sự an tĩnh mong đợi. Bé Thanh Thủy đang ngủ an lành, hơi thở của bé rất nhẹ. Chúng ta thắp thêm một ngọn bạch lạp nữa cho sáng đi, rồi hãy tiếp tục câu chuyện.

Bé Thanh Thủy ngủ an lành như thế mà không hề cố gắng. Bạn có nhớ là mỗi khi không ngủ được mà ta “cố-gắng” ngủ, thì ta lại càng không ngủ được, có phải không? Bạn đã cố gắng để được yên tĩnh, và vì vậy, bạn cảm thấy có một sự chống cự bên trong. Nhiều người ban đầu tập ngồi thiền cũng cảm thấy sự “chống cự” đó, càng muốn yên thì càng nhiều tạp niệm. Họ cho đó là bị “ma” phá, hoặc bị cái “nghiệp nặng” tích lũy từ ngàn kiếp của họ phá. Không phải vậy đâu. Cái sức chống cự ấy sở dỉ có là do sự cố gắng của ta, và sự cố gắng ấy đã trở nên một sức đàn áp. Tư tưởng và cảm giác ta xuôi đi như một dòng sông. Ta chận dòng sông là ta tạo nên sức chống cự của nước. Tốt hơn hết là ta nên đi theo dòng sông. Ta lại có thể hướng dòng sông đi theo những ngõ ngách mà ta mong muốn, nhưng nhất định là ta không nên chận đường của nó.
Dòng sông thì phải chảy. Được rồi nhé, chúng ta đi theo dòng sông. Bất cứ một con nước nào sát nhập và dòng sông là ta phải biết. Tất cả những tư tưởng và cảm giác nào có mặt trong ta là ta biết. Ta ý thức được sự phát sinh, tồn tại và hoại diệt của từng tư tưởng, từng cảm giác và từng cảm xúc. Bạn thấy không, sức “chống cự” đã biến mất. Dòng sông tâm tư bây giờ vẫn trôi chảy như trước, nhưng không phải trong bóng tối mà dưới ánh sáng mặt trời ý thức. Giữ cho mặt trời ý thức ấy sáng tỏ để soi rõ từng con nước, từng bờ cỏ, từng khúc quanh của dòng sông, ấy là thực hiện thiền quán, tức là “ngồi” thiền. Thiền trước hết là theo dõi và quán sát.

Bây giờ đây ta có cảm tưởng là ta đã làm chủ được tình hình, dù dòng sông còn đó và tiếp tục trôi chảy. Ta cảm thấy an tĩnh. Nhưng đây không phải là cái an tĩnh của ly nước táo. Sự an tĩnh của tâm tư không phải là sự chết cứng hay hóa đá của mọi tư tưởng và cảm giác. Cũng không phải là sự hoại diệt của tư tưởng và cảm giác; nói một cách khác hơn, sự an tĩnh của tâm tư không phải là sự vắng mặt của tâm tư.

Cố nhiên tâm không phải chỉ gồm có tư tưởng và cảm giác. Những hiện tượng như giận ghét, hổ thẹn, tin tưởng, nghi ngờ, ao ước, chán bỏ, buồn rầu, thắc mắc, nôn nao v..v… đều là tâm. Những cái mà ta gọi là hoài vọng, ẩn ức, linh tính, bản năng, vô thức và tiềm thức cũng đều là tâm. Duy Thức Học trong Phật học nói đến tám vua tâm (tâm vương) và năm mươi mốt tùy tùng của tâm (tâm sở), nếu có chút thì giờ bạn nên xem qua cho biết. Mọi hiện tượng tâm lý đều được bao hàm trong các tâm vương sở ấy.

NẮNG VÀ LÁ CÂY XANH 

Người tập thiền thường nghĩ rằng phải làm bặt tăm (im lặng) hết mọi tư tưởng và cảm giác (mà người ta gọi là vọng tâm) để làm điều kiện thuận lợi cho định tuệ xuất hiện (tức là chân tâm) xuất hiện. Nghĩ như vậy cho nên mới tìm áp dụng những thủ thuật như các phép chỉ quán và sổ tức quán để ngăn chận tạp niệm và vọng tưởng. Chỉ quán và số tức quán là những phép tu rất hay nhưng không nên đem dùng với mục đích là đàn áp tạp niệm và vọng tưởng. Như ta đã biết, hễ có đàn áp là có sự phản kháng.

Vọng tâm và chân tâm là một, bỏ vọng tâm thì mất chân tâm. Đàn áp vọng tâm cũng là đàn áp chân tâm. Tâm của ta không thể đàn áp. Tâm của ta chính là ta. Ta phải đối xử với ta một cách kính trọng, hòa nhã và tuyệt đối bất bạo động. Ta nào đã biết mặt mũi của tâm ta ra sao mà bảo nó là chân hay vọng mà đàn áp với không đàn áp. Điều duy nhứt mà ta có thể làm là ta đốt lên một mặt trời ý thức. Để soi rõ tâm. Để nhìn mặt tâm.

Tâm không phải chỉ là những hiện tượng tâm lý như nhận thức, cảm xúc, tư tưởng mà ta thấy xuất hiện trong ta. Những nhận thức, cảm xúc và tư tưởng ấy chỉ là một phần của tâm, như hoa lá làmột phần của cây, như sóng nước là một phần của dòng sông. Hoa lá chỉ là biểu hiện tất nhiên của cây cũng như sóng nước chỉ là biểu hiện tất nhiên của những con nước cuồn cuộn trong lòng sông. Đàn áp chúng không có lợi ích gì cả, mà đàn áp cũng không được. Hãy chỉ quán sát chúng. Chính nhờ có chúng mà ta sẽ thấy được và tìm về được gốc của chúng, nghĩa là của ta.

Mặt trời quán niệm cũng được ta lấy từ trong lòng của Tâm ra để chiếu sáng lại Tâm. Nó soi tỏ không những mọi tư tưởng và cảm giác có mặt mà còn tự soi tỏ lấy mình nữa.

Tôi trở lại câu chuyện về sự an tĩnh của ly nước táo. Dòng sông tâm tưởng của ta còn trôi chảy đó, nhưng vì mặt trời ý thức đã lên và đang chiếu dọi xuống cho nên nó trôi hiền hòa và do đó ta có sự an tĩnh. Sự liên hệ giữa dòng sông tâm lý và mặt trời vật lý không giống sự liên hệ giữa dòng sông vật lý với mặt trời vật lý. Dù đang nửa đêm hay giữa trưa đứng bóng, sông Đồng Nai vẫn là sông Đồng Nai, trôi chảy như nhau.

Như khi mặt trời ý thức lên, dòng sông tâm tưởng thay đổi một cách lạ kỳ bởi vì nó cùng một bản chất tâm như là mặt trời ý thức. Bạn thử nghĩ đến liên hệ giữa màu lá cây với ánh sáng mặt trời, hai thứ cùng một bản chất. Bây giờ là nửa đêm, ánh sáng sao trăng chỉ cho phép ta thấy được hình dạng của những bụi cây và khóm lá ngoài sân. Nhưng nếu mặt trời mọc lên, chiếu rạng, thì tự khắc ta thấy màu sắc trên lá cây biến đổi hẳn. Cái màu lá xanh mơn mởn của tháng tư ấy sở dĩ có ra cũng là nhờ vừng mặt trời kia. Có một hôm ngồi trong rừng tôi viết nhại theo Tâm Kinh Bát Nhã:

   Nắng là lá cây xanh
   Lá cây xanh là Nắng
   Nắng chẳng khác lá xanh
   Lá xanh chẳng khác nắng
   Bao nhiêu mầu sắc kia
   Cũng đều như vậy cả. (1)

Có mặt trời ý thức thắp lên thì đã có sự thay đổi lớn rồi. Ngồi thiền là để thắp mặt trời cho dễ, để nhìn cho rõ. Ta thấy như khi ta quán niệm ta có đến hai tâm: một dòng sông tư tưởng và cảm giác trôi chảy và một mặt trời quán niệm soi sáng. Tâm nào là của ta, tâm nào chân, tâm nào vọng, tâm nào chính, tâm nào tà? Hãy thong thả thưa bạn. Hãy buông lưỡi kiếm khái niệm xuống, đừng vội chém tâm bạn làm hai. Cả hai  đều là tâm. Không bên nào chân, không bên nào vọng. Nếu vọng là vọng hết, nếu chân là chân hết.

Ta đã biết rằng ánh sáng với màu sắc không phải là hai thì dòng sông tâm và mặt trời tâm cũng vậy, không phải là hai. Bạn ngồi lại với tôi đi, miệng giữ nụ cười hàm tiếu, thắp mặt trời của bạn lên và nếu cần thì nhắm mắt lại để nhìn tâm cho rõ. Mặt trời quán chiếu của bạn cũng chỉ làmột con nước trong các con nước khác của dòng sông tâm, có phải không? Nó cũng chịu luật sinh diệt như mọi hiện tượng tâm lý khác. Muốn quan sát những đối tượng dưới kính hiển vi, nhà bác học phải chiếu ánh sáng vào các đối tượng quán sát. Muốn quán niệm tâm cũng vậy, bạn phải thắp mặt trời ý thức lên. Mặt trời ý thức ấy nhà Phật gọi là chánh niệm. Vừa rồi tôi có khuyên bạn buông thanh kiếm khái niệm xuống, đừng chém tâm ra làm hai. Thật ra dù bạn có muốn chém tâm bạn ra làm hai, bạn cũng không chém được. Bạn nghĩ bạn có thể tách rời ánh sáng mặt trời và mầu xanh của lá cây không? Nếu không thì bạn cũng không thể tách rời tâm năng quán và tâm sở quán  (l’ esprit observateur et l’esprit observé) được. Khi mặt trời quán chiếu có mặt, tự thân của các tư tưởng và cảm giác biến đổi hẳn. Cũng như mầu xanh trên lá cây, chúng mang màu sắc quán chiếu của mặt trời chánh niệm, chúng trở thành một với tâm năng quán. Một mà vẫn là khác, bạn đừng từ cái lưới hai mà nhảy vào cái lưới một một cách vội vã. Chính cái mặt trời quán niệm kia, có mặt trong thời gian, cũng là đối tượng của chính nó, cũng như cây đèn tự soi sáng mình. “Tôi biết là tôi biết”. “Tôi có ý thức là tôi đang có ý thức…” Khi mà bạn khởi niệm: “Mặt trời quán niệm đã tắt mất trong tôi” thì đồng thời mặt trời ấy được thắp lại với một tốc độ mau hơn cả tốc độ ánh sáng.
BÓNG TỐI THÀNH ÁNH SÁNG 

Bạn hãy quán sát những biến chuyển của tâm dưới ánh sáng quán niệm. Ngay hơi thở của bạn cũng đã biến đổi rồi và cũng trở thành không hai (‘bất nhị’ – tôi không muốn dùng từ ngữ một)  đối với tâm năng quán. Các tư tưởng và cảm giác cũng vậy. Tự thân chúng và tác dụng của chúng dưới ánh sáng quán niệm tự nhiên biến đổi hẳn đi, liên đới với tâm năng quán, dù bạn không có chủ ý phê phán hay đàn áp chúng. Có khi nào bạn bực bội và nỗi bực bội có thể kéo dài đến năm bảy phút không? Bạn hãy thử ngôì yên, theo dõi hơi thở bạn, mỉm một nụ cười hàm tiếu và “thắp” ý thức lên trên nỗi bực bội của bạn. Đừng có phê phán và đàn áp nỗi bực bội đó, vì nó là chính bạn. Nỗi bực bội đó có nguyên nhân, nó phát sinh, trưởng thành rồi tiềm phục hoặc tiêu diệt. Bạn hãy khoan đi tìm nguyên nhân nó và đừng chủ ý làm tiêu tán nó: hãy thắp đèn lên trên đó mà thôi. Bạn sẽ nhận thấy nó biến từ từ, liên hệ với tâm năng quán, và hoà hợp với tâm năng quán. Bất cứ một hiện tượng tâm lý nào đặt dưới tâm năng quán đều biến chuyển và mang mầu sắc của tâm năng quán. Cũng như nhà vật lý học nói bất cứ vật thể cực vi nào khi bị quán sát cũng bị chi phối và mang mầu sắc của người quán sát.

Trong suốt thời gian ngồi thiền, bạn nuôi cho mặt trơì chánh niệm có mặt thường trực. Như mặt trời vật lý soi sáng mỗi lá cây ngọn cỏ, chánh niệm cũng soi tỏ mọi dòng suy tư và cảm giác. Soi tỏ để nhận diện, để biết sự phát sinh, tồn tại và hủy diệt của chúng, chứ không phải để phán xét, đánh giá, mời mọc hay xua đuổi.  Điều cần nói ở đây là bạn đừng cho mặt trời chánh niệm là “phe chánh” đem tới dàn áp “phe tà” là các tạp niệm.  Đừng biến tâm bạn là một bãi chiến trường; đừng tạo cảnh “cốt nhục tương tàn”, bởi vì tất cả những vui buồn giận ghét kia đều là bạn. Chánh niệm xuất hiện như một người anh, một người chị từ hoà để nâng đỡ và soi sáng. Chánh niệm là một sự có mặt từ hoà, sáng suốt, không kỳ thị, tuyệt đối bất bạo động. Nhận diện và phân biết thì có, nhưng xếp loại chánh và tà để làm thế trận thì không. Người ta thường nói sự xung đột giữa chánh và tà như là sự xung đột giữa ánh sáng và bóng tối. Hãy nhìn một cách khác: bóng tối không chạy đi đâu cả, bóng tối không tan biến đi đâu cả, bóng tối chỉ hòa hợp với ánh sáng, bóng tối trở thành ánh sáng.

Vừa rồi tôi có nhớ là mời ông khách nở một nụ cười hàm tiếu trên môi. Ngồi thiền không phải là đánh một trận giặc. Ngồi thiền chỉ là quán sát. Nụ cười của bạn là để chứng tỏ điều ấy. Nó cũng chứng tỏ thái độ từ hòa của bạn đối với chính bạn. Nó cũng chứng tỏ sự có mặt của mặt trời quán niệm trong bạn. Có nó tức là bạn có chủ quyền đối với tình hình. Nói một cách khác hơn nữa, có nó thì bạn là bạn và bạn đạt tới một mức độ an lạc nào đó. Chính sự an lạc đó làm cho bạn tươi mát, và làm cho một đứa bé muốn tới ngồi gần bạn.
MỘT BÀI THƠ CHO BẠN CÀI NÚT ÁO 

Nhưng không phải là khi ngồi xuống ta mới có an lạc. Như tôi đã nói: ta có thể làm hơn ly nước táo ở chổ ta có thể làm cho ta tự lắng trong, không những trong tư thế ngồi mà còng trong các tư thế đi, đứng, nằm, và làm việc nữa. Ai cấm không cho bạn thắp mặt trời quán niệm lên khi bạn đang đi bách bộ, hoặc khi bạn đang pha một bình trà, giặt một cái áo? Ngày tôi mới vào làm thiền sinh ở chùa Từ Hiếu, tôi được dạy thực tập quán niệm trong khi làm cỏ ngoài vườn sân, quét lá quanh bờ hồ và rửa chén bát ở nhà bếp. Tôi quán niệm theo phương pháp của thiền sư Độc Thể trong cuốn sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Sách này dạy ta phải ý thức về mọi động tác của cơ thể ta: thức dậy thì biết thức dậy, cài nút áo thì biết cài nút áo, rửa tay thì biết rửa tay. Thiền sinh lại còn làm những bài thơ nhỏ để ta thầm đọc khi ta rửa tay hoặc cài nút áo nữa, với mục đích giúp ta sống vững trãi trong chánh niệm.  Đây là bài thơ để cho bạn cài áo:

  Chỉnh y thức đới
  Đương nguyện chúng sanh
  Phục thắng thiện căn
  Bất linh tán thất!
  (giải này buộc, nút này gài
  thiện tâm gìn giữ đêm ngày chẳng rơi)

Như vậy mặt trời quán niệm không những soi tâm mà còn soi thân nữa. Mọi tư thế và động tác của cơ thể cũng cần được đặt dưới sự soi sáng của ý thức. Hồi bé tôi thường nghe mẹ tôi dạy chị tôi: con gái làm cái gì cũng phải có ý có tứ. Hồi đó tôi mừng, tự nhủ rằng con trai thì không cần phải có ý tứ nhiều như con gái. Ai ngờ khi vào học thiền, tôi bị các thầy bắt “có ý tứ” nhiều hơn chị tôi hồi đó gấp bội. Không phải có ý tứ trong mọi động tác mà còn phải có ý tứ trong mọi “ý” và mọi “tứ” nữa.

Mẹ tôi cũng như các bà mẹ khác, biết rằng ý tứ làm cho một cô gái đẹp thêm lên. Nhờ có ý tứ mà cô không còn hấp tấp, vụt chạc và vụng về. Cô trở nên khoan thai, dịu dàng và duyên dáng. Mẹ tôi, như thế, cũng đã dạy thiền mà bà không biết.

Ngươì tu thiền, theo nguyên tắt trên, là phải đẹp.  Nhìn vào một thiền sinh, quán sát thiền sinh ấy khi chú thỉnh chuông, quét sân, đặt bàn v..v… một thiền sư có thể đoán định thời gian hành đạo của thiền sinh.  Oâng thấy được chất thiền nhiều hay ít trong tác phong và nhân cách của chú.  Cái chất thiền ấy là kết qủa của sự thực tập quán niệm.  Oâng gọi đó là thiền vị.

BA GIỜ ĐỒNG HỒ CHO MỘT ẤM TRÀ

Cái bí quyết của thiền là sống ý thức trong từng giây phút của sự sống, giữ cho mặt trời ý thức sáng tỏ, chiếu dọi trên tất cả những gì xảy đến về phương diện tâm lý cũng như về phương diện cơ thể và hoàn cảnh.  Trong khi ta uống một bình trà, tâm ta phải có mặt với ta trong sự uống trà.  Uống trà là một trong những niềm vui mà ta có hàng ngày; ta phải sống trọn niềm vui ấy.  Bạn để ra được bao nhiêu phút để uống trà?  Tôi nghĩ tới những tiệm cà phê ở Đông Kinh hoặc Nữu Ước, nơi đó người ta ngồi, gọi một tách trà, uống vội vã rồi trả tiền để còn đi làm “công chuyện”.  Vài ba phút là cùng.  Trong phòng trà, thường là có âm nhạc.  Tai nghe âm nhạc ấy, mắt nhìn những người uống trà khác cũng vội vã giống như mình, trí óc nghĩ tới những chuyện phải làm sau tách trà.  Một tách trà như vậy, không xứng đáng là một tách trà.  Bạn đã được pha trà hầu hai vị thiền sư đối ẩm chưa?  Hoặc bạn đã được dự một trà lễ chưa?  Người ta ngồi với nhau từ hai tới ba giờ đồng hồ để uống một ấm trà.  Mà không phải là người ta dùng thì giờ đó để trò chuyện đâu.  Chỉ để uống trà và ngồi bên nhau mà thôi đấy.  Chúng ta có thể đồng ý hay không đồng ý rằng những người này chỉ biết ham chơi, không biết lo đến nền độc lập chính trị và kinh tế quốc gia.  Nhưng chúng ta phải công nhận rằng họ là những người biết uống trà bên một người bạn thân.

Mỗi ngày mà để ra ba giờ đồng hồ để uống trà, tôi thú thật là, cũng như bạn, tôi thấy hơi nhiều.  Còn nhiều chuyện khác nữa để làm.  Như là trồng rau, giặc áo, rửa bát, đóng sách, viết văn.  Những chuyện đó có thể không dễ chịu bằng chuyện uống trà, ngồi thiền hoặc đi bách bộ trên đồi.  Nhưng nếu ta biết làm trong quán niệm thì  chúng không còn là khó chịu nữa.  Hãy lấy ví dụ về việc rửa bát, mà nhiều người cho là một việc không dễ chịu, nhất là sau khi mới ăn xong và ăn hơi no.

THÌ GIỜ ĐỂ TẮM MỘT ĐỨC PHẬT SƠ SINH

Tôi thấy cái việc rửa bát chỉ có thể là khó chịu khi ta không rửa bát hoặc chưa rửa bát thôi, chứ khi đã đứng lên và xăn hai ống tay áo rồi thì việc rửa bát trở nên dễ chịu.  Tôi ưa rửa thong thả từng cái bát, lấy ý thức quán chiếu từng cái bát và từng cử động của tay.  Tôi biết rằng nếu tôi hối hả rửa cho xong chồng chén bát để mà đi uống trà thì như vậy thời gian rửa bát là thời gian khó chịu, không đáng cho ta sống.  Và như thế thật đáng tiếc.  Đời sống mầu nhiệm trong từng giây phút, biết vậy nên tôi thắp mặt trời ý thức của tôi lên chạn chén bát.  Sự kiện tôi đang đứng đây và rửa những chén bát này là một sự kiện mầu nhiệm.  Câu này tôi đã viết một lần trong cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức.  Mỗi cái bát tôi rửa cũng như mỗi câu thơ tôi làm, cũng như mỗi tiếng chuông tôi thỉnh.  Một hôm trong khi rửa bát, tôi có cảm tưởng rằng cử chỉ của tôi khi rửa cái bát cũng trịnh trọng và thiêng liêng như thể cử chỉ tôi tắm cho một đức Phật sơ sinh.  Đức Phật sơ sinh nghe tôi nói như thế chắc là mừng cho tôi và không trách tôi đã dám so sánh ngài với một cái bát.  Mỗi tư tưởng mỗi động tác đặc dưới ánh sáng quán niệm đều trở thành một nghi lễ.  Mặt trời thiền quán thắp lên thì không còn ranh giới giữa sự thiêng liêng và trần tục nữa.  Tôi rửa bát có chậm hơn người khác thật đấy, nhưng tôi được sống trọn vẹn trong thời gian rửa bát, và tôi rất bằng lòng về điểm đó.  Rửa bát vừa là phương tiện vừa là cứu cánh, nghĩa là rửa bát để vừa có bát sạch vừa sống trọn vẹn trong thời gian rửa bát.

Nếu không có khả năng sống an lạc trong khi rửa bát mà cứ mong rửa bát cho mau xong để ngồi uống trà thì đến khi uống trà ta cũng sẽ không có khả năng uống trà.  Nâng tách trà lên, ta sẽ nghĩ đến những chuyện khác và vì vậy, hương vị trà và thời gian thoải mái của tách trà cũng sẽ biến mất.  Ta sẽ luôn bị hút vào trong vị lai mà chẳng còn khả năng sống trong hiện tại.
NUÔI DƯỠNG CHÁNH NIỆM TRONG NHỮNG LÚC LÀM VIỆC 
Công việc hàng ngày gọi là để “sinh sống’ của ta, ta cũng có thể làm như  ta rửa bát.  Tại Phương Vân Am tôi có nghề đóng sách.  Tôi dùng một bàn chải  đánh răng, một cái đũa, một cái bánh xe lăn và một viên gạch réfractaire khá nặng chừng hai ký, và tôi có thể đóng và vào bìa mõi ngày hàng trăm cuốn sách.  Nhưng trước khi đóng sách, tôi còn phải “lượm sách” nghĩa là phải thâu những tờ sách rồi gom lại theo thứ tự các trang để làm thành một tập.  Những trang này tôi sắp trên một cái bàn thật dài,  và hễ đi một vòng quanh bàn thì tôi lượm đủ số trang cho một cuốn sách.  Tôi biết là tôi đang đi quanh, và không có gì  đợi tôi phía trước, cho nên tôi đi chậm thôi, và lượm từng tờ sách thong thả trong quán niệm.  Tôi vừa làm vừa thở những hơi thở nhẹ nhàng, hơi dài và có ý thức.  Tôi có an lạc trong khi lượm sách, đóng sách và vào bìa sách.  Nếu thi đóng sách với những người thợ khác hoặc với máy đóng sách thì tôi thua, bởi vì tôi đóng được ít sách hơn.  Nhưng có một điều tôi biết chắc là tôi không chán ghét chuyện đóng sách.  Mình tiêu xài nhiều thì mình phải  làm việc cho nhiều và cho nhanh.  Nếu mình sống đơn giản thì mình có thể làm ít và làm chậm trong quán niệm.  Tôi biết có rất nhiều người trẻ tuổi ưa làm việc ít thôi, mỗi ngày chừng bốn giờ, với số lương nhỏ có thể sống đơn giản nhưng hạnh phúc.  Biết đâu đây chẳng là con đường khai thông cho tình trạnh bế tắc của xã hội ngày nay?  Bỏ bớt sự sản xuất những hóa phẩm không thiết yếu, san sẻ việc làm cho những người chưa có việc làm, sống đơn giản nhưng có hạnh phúc.  Đã có những cá nhân và những cộng đồng chứng minh được khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc rồi, điều đó há không phải là một dấu hiệu đáng mừng hay sao?
Bạn hỏi tôi: trong khi rửa bát, làm vườn, đóng sách hoặc làm việc trong các xưởng các hãng, làm thế nào để nuôi dưỡng chánh niệm?  Tôi nghĩ là bạn phải tìm ra câu trả  lời cho chính bạn.  Bạn làm thế nào mà mặt trời chánh niệm sáng mãi trong bạn thì làm.  Bạn có thể sáng tạo ra những phương thức thích hợp với bạn.  Hoặc gỉa bạn áp dụng thử một vài phương thức mà người khác đã làm.  Ví dụ bạn làm những bài thơ “cài nút áo” theo lối thiền sư Độc Thể.  Bạn cười ư?  Hoặc bạn theo dõi hơi thở của bạn.  Bạn nuôi chánh niệm bằng hơi thở ra và hơi thở vào, thở đến đâu thì bạn biết đến đấy.  Tư tưởng nào hoặc cảm thọ nào phát khơỉ bạn cũng cho xuôi dòng theo hơi thở.  Bạn nên thở thật nhẹ và hơi thở dài hơn lúc bình thường một tý.  Một tý thôi, đủ để chứng minh là bạn thực sự đang theo dõi hơi thở.

NỤ CƯỜI ĐÁNG GIÁ NGÀN VÀNG 

Theo hơi thở, bạn nuôi dưỡng chánh niệm được lâu lắm.  Bạn thành công rồi phải không? Vậy thì bạn hãy mỉm một nụ cười.  Nụ cười hàm tiếu.  Để chứng tỏ bạn thành công.  Và giữ mãi nụ cười ấy trên môi đi, như một đức Phật vậy.  Nhìn thậy nụ cười, tôi biết ngay là bạn đang an trú trong chánh niệm.

Cái nụ cười hàm tiếu ấy, nhiều nghệ sĩ đã từng ngày đêm hết công phu để thể hiện trên các tượng Phật.  Bạn đã từng thấy nụ cười ấy trên nghệ thuật Gandhara hoặc trên nghệ thuật Đế Thiên Đế chưa?  Tôi chắc rằng trong khi thực hiện nụ cười đó trên mặt một tượng Phật, các điêu khắc gia cũng đang duy trì nụ cười đó trên mặt mình.  Bạn có thể tưởng tượng được một điêu khắc gia nét mặt cau có đang thực hiện nụ cười hàm tiếu trên môi Phật không?  Chắc là không!  Tôi có quen biết điêu khắc gia đã thực hiện pho tượng Nhập Niết Bàn trên núi Trà Cú ở Phan Thiết.  Trong suốt sáu tháng trời thực hiện pho tượng này, ông ăn chay, ngồi thiền và đọc kinh Đại Niết Bàn.

Trên khuôn mặt nàng Mona Lisa, Leonard Da Vinci có đề một nụ cười thật nhẹ, nhẹ đến nỗi không hẳn là một nụ cười mà là một sự dợm cười (khuynh hướng muốn cười!)  Tuy nhiên một nụ cười như thế cũng đủ làm khoan thư hết cả những bắp thịt trên mặt và làm tiêu tán hết những lo lắng cau có và mệt nhọc trong người.  Nụ cười hàm tiếu của người hành thiền ngoài tác dụng nuôi dưỡng chánh niệm cũng có tác dụng khoan thư mầu nhiệm đó.  Nó trả lại cho ta sự an lạc mà ta đã đánh mất.

Trong lúc đi bách bộ trên đồi, nơi công viên hay dọc bờ sông, bạn có thể vừa theo dõi hơi thở vừa duy trì nụ cười hàm tiếu.  Vào những lúc cảm thấy mệt mỏi hoặc cau có, bạn có thể nằm duỗi dài hai chân hai tay, buông thả và khoan thư hết tất cả thân tâm, tất cả các bắp thịt, chỉ duy trì hơi thở và nụ cười.  Buông thả trong tư thế nằm này là một phương cách phục hồi sinh lực rất thần hiệu và nhanh chóng.  Nếu bạn không thực hành mỗi ngày ít ra là vài ba lần thì thật là uổng cho bạn.  Nuôi chánh niệm, theo dõi hơi thở và duy trì nụ cười, đó là những hạnh phúc bạn tự ban cho mình và phân phát cho người xung quanh bạn.  Bạn có thể xuất nhiều tiền để mua nhiều món qùa cho từng người trong gia đình bạn.  Nhưng không món qùa nào đem lại nhiều hạnh phúc cho họ bằng chánh niệm, hơi thở và nụ cười của bạn.  Qúy giá lắm, mà lại không mất tiền mua!
THỞ CÙNG MỘT NHỊP 

Có người tâm trí loạn động hơi nhiều muốn duy trì chánh niệm đã dùng phép đếm hơi thở thay vì phép theo dõi hơi thở.  Trong thời gian thở ra rồi thở vào, người ấy đếm “một”.  Duy trì ý niệm “một” đừng để rơi mất.  Tiếp đến, đếm “hai” trong hơi thở ra và hơi thở vào thứ hai.  Đếm đến mười thì trở lại đếm một.  Nếu từ một đến mười mà mất chánh niệm thì bắt đầu đếm “một” trở lại.  Khi tâm an định rồi thì bỏ đếm để mà theo dõi hơi thở.

Bạn đã từng phát cỏ bằng cái phảng (faux) chưa?  Cách đây năm sáu năm tôi có mua về một cái phảng và loay hoay tự tìm cách phát cỏ.  Mãi đến một tuần lễ sau tôi mới tìm ra được cách xử dụng dung mức.  Thế đứng, cách cầm phảng và đị bàn của lưỡi phảng cố nhiên là quan trọng rồi.  Nhưng để cho lâu mệt, tôi phối hợp cử động của hai tay với hơi thở.  Nếu tôi phát thong thả theo nhịp thở, vừa làm vừa quán niệm thì tôi làm được khá lâu.  Nếu không, chỉ trong vòng mười phút là tôi đã mệt.  Sau đó, tôi có tiếp một ông cụ hàng xóm người gốc Ý và mời ông ta phát một vài đường để tôi quán sát.  Oâng phát khéo hơn tôi, nhưng đại khái cũng áp dụng thế đứng đó và cử động đó.  Điều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là ông cũng phối hợp hơi thở và cử động.  Từ đó, thấy người nông dân nào trong vùng phát cỏ là tôi có cảm tưởng người ấy đang thực tập quán niệm.

Trước khi mua cái phảng, tôi cũng đã xử dụng những dụng cụ như cuốc, xẻng, cào v..v… theo kiểu phối hợp cử động với hơi thở.  Tôi thấy chỉ những khi phải làm những việc nặng như khuân vác hoặc đẩy xe, thì mới khó duy trì chánh niệm mà thôi.  Ngoài ra, xới đất, vun luống, làm cỏ, gieo hạt, bỏ phân, tưới nước v..v… những việc đó tôi có thể làm thong thả trong quán niệm.  Những năm gần đây tôi không bao giờ để cho thân thể tôi mệt đến nỗi tôi phải thở hào hển.  Tôi nghĩ là tôi không có quyền “đày ải” thân thể tôi: tôi phải đối xử với nó một cách trân trọng như người nhạc sĩ giữ gìn cây đàn của ông ta.  Tôi áp dụng một chính sách” bất bạo động” với thân thể tôi.  Nó không phải chỉ là “dụng cụ hành đạo”, nó chính là “đạo”.  Nó không phải chỉ là “đền thờ thánh”, nó còn là “thánh”.
Những dụng cụ làm vườn và đóng sách của tôi, tôi cũng yêu qúy và kính trọng chúng lắm.  Khi tôi xử dụng chúng theo nhịp thở của tôi, tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi đang thở cùng một nhịp.

BÀI THƠ VÀ CÂY TÍA TÔ 

Công việc ban ngày của bạn là công việc gì, tôi chưa biết, nhưng tôi biết rằng có những công việc có thể đi đôi với quán niệm dễ dàng hơn những việc khác.
Viết văn là một trong những việc khó đi đôi với quán niệm, dù tôi đã đạt đến chỗ viết xong câu nào là tôi “biết” tôi đã viết xong câu đó.  Còn trong khi viết câu đó thì tôi vẫn còn hay quên.  Cũng bởi vậy cho nên năm sáu năm nay tôi ít viết trở lại và ưa làm việc tay chân hơn.  Có bạn bảo tôi: “Trồng cà chua và xà lách thì ai trồng chả được, nhưng viết sách, viết truyện và làm thơ thì không ai cũng làm được như thầy.  Đừng phí thì giờ vô ích.”  Tôi có phí thì giờ đâu. Tôi đã nói là tôi sống trong khi rửa bát, xới đất và phát cỏ rồi mà…  Trồng một cây tía tô, tôi thấy cũng đẹp như làm một bài thơ và cũng vĩnh cữu như làm một bài thơ.  Tôi nói thật đấy.  Tôi không thấy bài thơ hơn cây tía tô ở chổ nào.  Cây tía tô cũng cho tôi nhiều sung sướng như một bài thơ.  Đối với tôi, cây tía tô hoặc cây xà lách cũng có tác dụng vĩnh cữu trong không gian và trong thời gian ngang với một bài thơ.  Tôi thấy năm 1964 khi lập nên Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn tôi đã làm một lầm lỗi lớn. Các sinh viên (trong đó có cả tăng ni trẻ tuổi) đến đó chỉ học bằng sách vở, chữ nghĩa và khái niệm.  Rốt cuộc họ chỉ có một mớ kiến thức và một mớ chứng chỉ hoặc bằng cấp.  Ngày xưa khi được chấp nhận vào thiền viện, người trẻ tuổi lập tức được đưa ra vườn tập phát cỏ, gánh nước, trồng rau theo chánh niệm.  Cuốn sách đầu tiên người ta giao cho là tập thơ “cài nút áo” của thiền sư Độc Thể.   Để mà tập quán niệm khi rửa tay, khi đi ngang qua dòng suối, khi lọc nước uống.  Sau này, thiền sinh có học kinh luận và có tham dự những buổi đại tham và tiểu tham, nhưng mà những thứ ấy luôn luôn được đặt trong khuôn khổ của sự thực hành.  Bây giờ nếu cần lập lại một viện Cao Đẳng Phật Học, tôi sẽ mô phỏng theo cách tổ chức của thiền viện ngày xưa.  Nó phải là một thứ ashram, như là Shanti Niketan.  Hoặc như Phương Bối Am hay Communauté de l’ Arche.  Tất cả sinh viên đều phải nội trú, đều phải vận thủy bang sài (gánh nước, chở củi), đều sống đời sống hàng ngày dưới mặt trời quán niệm.  Tôi chắc những truyền thống tôn giáo lớn đều áp dụng phép  tổ chức tương tợ những trung tâm tu học.
TẠO LẬP MỘT QUÊ HƯƠNG

Mỗi người trong chúng ta nên “thuộc về” một trung tâm như thế.  Một khu tĩnh cư, một ngôi chùa, một nhà thờ, hoặc một tu viện.  Khu tĩnh cư đó, ta xem như là “chỗ xuất phát” của ta.  Một ‘Alma Master’ của đời sống tâm linh.  Ở đó, mỗi nét kiến trúc và mỗi cây cảnh hay mỗi tiếng chuông đều có hiệu lực thức tỉnh và nuôi dưỡng chính niệm nơi ta.  Ở đây ta có quyền lâu lâu trở về, sống dăm ba bữa nửa tháng trong khung cảnh thanh tịnh để làm mới lại ta, để tái tạo sinh khí, để faire le plein.  Và những lúc không trở về được, ta chỉ cần mỉm cười nghĩ tới nó là ta thấy mát mẻ an lạc.  Một nơi như thế cần được chủ trì bởi những người có nhân cách mát mẻ và an lạc.  Nghĩa là những người sống thường trực trong chánh niệm.  Những người này lúc nào cũng có mặt đó để săn sóc ta, an ủi ta, chữa lành những thương tích của ta.  Cũng như con cháu mỗi năm vào ngày kỵ giỗ của tổ tiên tìm về nhà người tộc trưởng, mỗi người trong chúng ta cũng nên có một quê hương của đời sống tinh thần mà tìm về.

Ngày xưa vào khoảng năm 1957-1958, năm bảy chúng tôi đã dựng nên Phương Bối Am ở rừng Đại Lão trên một khoảng đất rừng hai mươi lăm mẫu.  Chúng tôi đã tạo ra một quê hương như thế.  Sau này những đứa con của Phương Bối Am dù ra làm nhà xuất bản Lá Bối, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Phật Học Viện Huệ Nghiêm, Viện Cao Đẳng Phật Học Saigon hay tu viện Thường Chiếu… cũng đều nhớ tới Phương Bối như quê hương tâm linh của mình, để rồi mỗi cơ sở mới lại trở thành một quê hương mới cho những người trẻ tuổi.  Những người trẻ đi ra đời làm việc xã hội rất cần một nơi nương tựa như thế, cho nên khi chiến tranh ngăn họ không cho trở về Phương Bối thì họ đã hướng về Thường Chiếu và chuẩn bị Làng Hồng.
HÁT CA TRONG CHÁNH NIỆM 

Phần nhiều trong chúng ta có một đời sống quá bận rộn.  Đứng về phương diện công việc làm ăn, có thể là công việc ngày nay ít nặng nhọc bằng ngày xưa, nhưng tại sao chúng ta lại có ít thì giờ cho chúng ta như thế?  Có người nói rằng họ không có thì  giờ “dù là để ăn và để thở”.  Thật đấy.  Làm thế nào bây giờ?  Còn cách nào hơn là trực tiếp giật lại thì  giờ của chính chúng ta?  Thắp sáng ngọn đuốc chánh niệm lên và bắt đầu học lại cách uống trà, cách ngồi ăn cơm, cách rửa bát, cách đi bộ, cách ngồi, cách lái xe hơi và cách làm việc hàng ngày.  Đừng để hoàn cảnh kéo ta đi theo như một dòng nước lũ kéo theo tất cả những gì nằm trên lối đi qua của nó.

Được soi sáng bởi chánh niệm, những động tác trong công việc hàng ngày của ta trở nên có ý nghiã.  Trong chánh niệm, ta thấy có ta hiện hưũ mầu nhiệm trong đời sống mầu nhiệm và ta không còn là một cái máy chỉ biết lặp đi lặp lại những cử động của công việc hằng ngày.  Những lúc làm việc mà tâm trí vẩn vơ đầy tạp niệm, ta hãy hỏi ta: “Ta đang làm gì đây?  Và ta đang tiêu phí cuộc đời ta vào những cái này để làm gì?”  Hỏi như thế tức là chánh niệm được thắp lên, hơi thở được theo dõi, nụ cười nở trên môi và mỗi giây phút của công việc hằng ngày trở nên linh động.  Nếu muốn ca hát, bạn hãy ca hát trong chánh niệm.
TỪ MÊ SANG TỈNH 

Một ông giáo sư chính trị học hỏi tôi trong khi ngồi thiền thì tôi “suy nghĩ gì”.  Tôi trả lời là trong khi ngồi thiền tôi không “suy nghĩ” mà chỉ chú tâm nhìn cho rõ mọi sự việc đang xảy ra.  Oâng có vẻ không tin, nhưng sự là thế.  Trong khi ngồi thiền, tôi ít vận dụng trí não để lý luận và tìm cách tháo gỡ những câu hỏi hắc búa như khi người ta tìm giải một phương trình toán học hay là một câu đố mẹo.  Cả khi tôi tham thán một thoại đầu cũng vậy, tôi cũng chỉ để thoại đầu nằm đó để quan sát nó mà thôi, chứ tôi không tìm cách giải thích nó, cắt nghĩa nó, bởi vì tôi biết thoại đầu không phải là một câu đó mẹo.  Quan sát theo nghĩa chính niệm không có nghĩa là phân tích.  Nó chỉ có nghĩa là nhận diện thường trực mà thôi.  Suy nghĩ nhiều thì mới lao tâm, chứ chánh niệm hoặc nhận diện thì không.  Nghe nói tới ngồi thiền, người ta tưởng là phải vận dụng “ chất xám” dữ lắm; thực ra thì không phải.  Thiền gia không phải là tư tưởng gia.  Thiền gia không “làm việc tinh thần”.  Trái lại, thiền có tác dụng dưỡng thần.

Từ đầu câu chuyện đến giờ, tôi chưa mời ông bạn của tôi vận dụng chất xám của ông ta để tìm tòi gì hết, tôi chỉ mời ông đi xem, đi “nhận diện” sự việc với tôi mà thôi.  Sự chú ý trong công việc nhận diện không có tác dụng tìm tòi và suy diễn mà chỉ là một sự chú ý đơn thuần.  Chánh niệm là một động cơ biến trạng thái ngủ thành trạng thái thức.  Nghĩ mà không biết là mình nghĩ, cảm mà không biết mình cảm, giận mà không biết là mình giận, đi mà không biết là mình đi, ngồi mà không biết là mình ngồi… trạng thái đó là trạng thái mê ngủ.  Albert Camus, trong cuốn tiểu thuyết l’Etranger, gọi đó là sống như một người chết (il vit comme un mort).  Đó là một căn phòng tối ám.  Bật ngọn đèn chánh niệm lên, đó là chuyển từ trạng thái mê sang trạng thái tỉnh.  Động từ budh trong phạn ngữ có nghĩa là tỉnh thức.  Danh từ Buđha có nghĩa là kẻ tỉnh thức.  Vậy Phật cũng chỉ là một người, nhưng là một người thường trực có chánh niệm.  Ta thỉnh thoảng cũng có chánh niệm, cho nên “thỉnh thoảng” ta mới là Phật thôi.
NIỆM, ĐỊNH VÀ HUỆ 
Nguyên chữ niệm(sati là tiếng Pali, smrti là tiếng Phạn) có nghĩa là có ý thức.  Ta có thể dịch là nhớ hay biết, nhưng những từ này phải được dùng trong nghĩa đang nhớ rằng, đang biết rằng.  Ta đã từng nói tới niệm như là một sự nhận diện, một sự chú ý đơn thuần (bare attention).  Nhưng niệm không phải chỉ có thế.  Trong niệm còn có yếu tố định (sự tập trung của tâm ý) và tuệ ( sự thấy rõ của tâm ý) nữa.  Định và tuệ làm nên cường độ của niệm, và cũng là kết quả tất yếu của niệm.  Mỗi khi ta thắp lên ngọn đèn chánh niệm, tự nhiên ta thấy có các hiện tượng tập trung và thấy rõ.  Các danh từ định và tuệ là những danh từ được dùng về phương diện quả.  Về phương diện nhân, người ta hay dùng những danh từ chỉ và quán.  Chỉ là sự làm cho dừng lại, là cho tập trung lại, và quán là nhìn để thấy rõ.  Dừng lại thì tự nhiên thấy rõ.  Dừng cái gì lại?  Dừng sự quên lãng, sự tán loạn và tình trạng mê muội của tâm ý.  Tình trạng này, danh từ duy thức học là thất niệm tức là “mất chánh niệm”, tức là sự vắng mặt của ý thức.  Ta thấy rõ: dừng lại ở đây không phải là một sự đàn áp mà là một sự chuyển quên thành nhớ, chuyển thất niệm thành niệm.
BUNG MỘT NỒI NGÔ 

Thiền tập không phải là những nổ lực phân tích và suy diễn.  Phương pháp Niệm Định Tuệ hoặc phương pháp Chỉ Quán không phải là những phương pháp phân tich và suy diễn.  Lưỡi gươm phân tích và suy diễn ở đây không có chỗ sử dụng.  Khi ta bung một nồi ngô, ta tập trung lửa dưới đáy nồi, một vài giờ đồng hồ sau thì các hạt ngô bung ra.  Khi mặt trời chiếu dọi xuống tuyết liên tiếp trong nhiều giờ đồng hồ thì tuyết từ từ tan rã.  Khi một con gà mái ấp ủ lâu ngày những cái trứng của nó, thì những con gà con thành hình và mổ vỡ vỏ trứng chui ra.  Đó là những hình ảnh có thể đem ra ví dụ cho tác dụng của thiền quán.

Mục đích của thiền quán là để thấy được mặt mũi của thực tại, thực tại này là tâm và đối tượng nhận thức của tâm.  Khi ta nói tâm và cảnh thì ta có ngay một quan niệm nhị nguyên về vũ trụ, nhưng khi ta nói tâm và đối tượng nhận thức của tâm thì ta đứng ở một bình diện khác và tránh được phần nào sự tác hại của lưỡi guơm phân biệt khái niệm.  Tác dụng của thiền quán là tác dụng chiếu rọi (mặt trời) nung nấu (lửa nấu bắp) và ấp ủ (hơi nóng của gà mẹ).  Trong cả ba trường hợp (nấu bắp, soi tuyết và ấp trứng) không có nỗ lực phân tích suy diễn mà chỉ có công phu tập trung bền bỉ.  Ta chỉ có thể làm cho thực tại hiển lộ mà không thể vẽ nên một bức hình của thực tại bằng những đường nét do tâm trí ta sáng tạo dù đó là toán học, hình học hay triết học.

KHÁN MỘT THOẠI ĐẦU 

Ai nói rằng thực tại không thể miêu tả bằng khái niệm?  Chính là cái thấy (tuệ) của ta khi ta ngưng tụ tâm thần để quan sát.  Lưỡi gươm khái niệm nhiều khi chỉ có thể băm thực tại thành những mảnh nhỏ rời rạc không sinh khí.  Các nhà khoa học nhiều khi đã đồng ý về diểm này.  Nhiều pháp minh khoa học lớn đã được thực hiện như một trực giác: những lập luận để chứng minh các phát minh kia không phải là những dụng cụ để khám phá mà chỉ là những phương tiện để bênh vực.  Những phát minh này đến với khoa học gia vào những lúc bất ngờ nhất, nghĩa là vào những lúc mà họ không suy nghĩ, lý luận và phân tích.  Những cái thấy này là do sức tập trung (định) của tâm ý khoa học gia trong nhiều tháng năm liên tiếp.  Nếu không có sự thiết tha và chú tâm thầm lặng và thường xuyên tới nghi án, kể cả những lúc đi đứng, nằm, ngồi, ăn, ngủ, v..v… thì cái thấy kia không bao giờ tới được.  Các thiền giả ôm ấp một thoại đầu cũng làm việc theo phương pháp ấy.  Danh từ thiền học là khán thoại đầu.  Khán có nghĩa là nhìn.

Tất cả những vấn đề của sự sống, từ những trạng thái tình cảm như đam mê, thù hận, buồn khổ cho đến những nghi vấn về tri thức như sinh, diệt, có, không v..v… đều có thể đưa ra làm đối tượng của chánh niệm, của chỉ quán.
CHÁNH NIỆM VỪA LÀ NHÂN VỪA LÀ QỦA

Như ta đã thấy, chánh niệm vừa là nhân vừa là qủa, vừa là định vừa là tuệ, vừa là chỉ vừa là quán.  Chánh niệm vừa thắp lên, tâm đã được định và ta thấy được tâm ta rõ hơn.  Nhân và quả đồng thời, nhân và quả không lìa nhau.  Cũng như máy phát điện quay thì dòng điện hiện hữu và bóng đèn bật sáng.  Tuy vậy duy trì liên tục chính niệm còn có công dụng tích lũy định tuệ, cũng như khi máy điện chạy ta có thể tích lũy điện lực vào một bình ắc quy.  Đó là công phu.  Trong giấc ngủ, chánh niệm vẫn còn tác dụng, và công án tiếp tục được “khán” một cách âm thầm.  Có thiền giả thấy được mình đang duy trì chánh niệm ngay cả trong giấc mơ.  Vào những thời gian thiền tập miên mật nhất thỉnh thoảng tôi cũng thấy mình có chánh niệm trong giấc mơ.

SUY TƯ VỀ CÁI KHÔNG THỂ SUY TƯ

Phương pháp của khoa học từ trước đến nay là giới hạn đối tượng khảo cứu và một phạm vi nhỏ để tiện khảo cứu.  Đối tượng càng nhỏ thì sự chú ý càng lớn.  Nhưng đến khi đi vào địa hạt những cực vi siêu nguyên tử (subatomic particles) thì nhà khoa học khám phá ra rằng mỗi chất điểm (particle) được tạo thành bởi tất cả các chất điểm khác và tâm ý của nhà khoa học trong khi quán sát không còn là một thực tại biệt lập với các vật quan sát.  Trong giới khoa học vật lý cực vi ngày nay có ý niệm bootstrap.  Ý niệm này nhận rằng vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi và hiện hữu, những “vật” cực vi mà từ lâu ta lầm tưởng là thực tế cơ bản của vật chất thực ra cũng nương nhau mà có và chúng cũng không có thực thể riêng biệt.  “Mỗi chất điểm là do tất cả những chất điểm khác tạo thành” (Chaque particule est faite de toutes les autres).  Ý niệm này không khác mấy với ý niệm “một là tất cả: của kinh Hoa Nghiêm.”

Thực tại đã là “tương sinh tương lập” như thế thì suy tư thế nào được thực tướng của nó.  Phái thiền Tà Động căn dặn người tu thiền rằng chỉ nên quán chiếu mà không nên suy tư.  Phương châm của Phái Tào Động: “Suy tư về cái không thể suy tư thì làm sao suy tư được?  Không suy tư, ấy là chỗ thiết yếu của thiền”.

Tôi ưa danh từ quán chiếu, bởi nó hàm ý rọi ánh sáng vào mà quán sát mà không cần suy diễn.  Mặt trời chiếu dọ hồi lâu trên một bông sen thì cánh sen xoè nở và làm cho gương sen hiển lộ.  Cũng như thế, dưới tác dụng của quán chiếu, thực tại dần dần hiển lộ bản thân.

Tuy vậy, trong thiền quán, chủ thể quán chiếu và đối tượng quán chiếu không thể tách rời nhau.  Đây là điểm khác biệt căn bản xưa nay của thiền học và khoa học.

HẠT MUỐI ĐI VÀO LÒNG BIỂN MẶN 

Từ lâu, khoa học thường quen vạch một đường ranh giới giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu: nhà khoa học và con vi trùng dưới kính hiển vi là hai thực tại riêng biệt, độc lập.  Thiền học kỵ nhất điều đó.  Ta hãy nhớ lại sự liên hệ giữa ánh sáng mặt trời và mầu xanh trên lá cây.  Khi ta rọi chánh niệm và các đối tượng tâm ý khác, các đối tượng này biến thể và đồng nhất với chánh niệm.  Tôi đưa ra một hình ảnh để bạn thấy điều này.  Khi bạn ý thức rằng bạn đang vui, bạn thầm nghĩ: “Tôi có ý thức rằng tôi đang vui”.  Nếu bạn vượt lên cao hơn một từng nữa và nói: “Tôi đang ý thức rằng tôi có ý thức về niềm vui của tôi” thì bạn thấy gì?  Bạn thấy có ba từng: niềm vui – ý thức về niềm vui – ý thức về sự có ý thức – Đó là ta vung thanh kiếm khái niệm để biểu diễn vài đường phân tích.  Sự thực trong bạn, cả ba đều nằm trong một.

Kinh Niệm Xứ một kinh dạy về chánh niệm, thường dùng những mệnh đề “quán niệm thân thể nơi thân thể”, “quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ”, “quán niệm tâm thức nơi tâm thức” và “quán niệm đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức”.  Tại sao có sự lặp lại những danh từ thân thể, cảm thọ, tâm thức và đối tượng tâm thức?  Một vài luận gia nói rằng đó là để nhấn mạnh về những danh từ nào đó.  Tôi nghĩ không phải thế.  Ý kinh là trong khi quán niệm, không cho đối tượng quán niệm là một cái gì biệt lập ngoài chủ thể năng quán.  Phải sống cái đối tượng đó, phải hoà hợp với đối tượng đó, như một hạt muối đi vào lòng đại dương để đo chất mặn của đại dương.  Một công án thiền cũng vậy.  Công án không phải là một bài toán mà ta có thể giải đáp bằng cách xử dụng trí lực (intellect) của mình.  Công án không phải là công án của kẻ khác.  Công án phải là công án của mình, là vấn đề sinh tử của đời mình.  Nó không thể tách rời khỏi đời sống hằng ngày của mình.  Công án phải được “cấy” vào trong thịt, trong xương, trong tủy của mình, và mình trở thành miếng đất nuôi dưỡng nó.  Có thế thì hoa trái của nó mang tới mới là hoa trái của tự tâm mình được.

Trong từ ngữ comprendre của tiếng Pháp, ta thấy có tiền từ com và động từ prendre, ý nói: hiểu một vật gì tức là cầm lấy vật ấy lên và đồng nhất với nó.  Nếu ta chỉ phân tích một người như một đối tượng khảo cứu mà không sống với người ấy thì ta không thật sự hiểu được người ấy.  Nhà thần học Martin Buber cũng nói rằng liên hệ giữa con người với Thượng Đế không phải là một liên hệ chủ thể và đối tượng, bởi Thượng Đế không phải là đối tượng của tri thức.  Gần đây trong lãnh vực khoa học vật lý cực vi, các khoa học gia cũng đã công nhận rằng không thể có một hiện tượng nào tuyệt đối khách quan, nghĩa là độc lập với tâm ý người quan sát, và do đó mọi hiện tượng chủ quan cũng đều có mặt khách quan của chúng.

(Còn tiếp)

Thư Viện Hoa Sen