Từng bước thiền tập

Đến đây chúng ta đi vào thực tế của sự thực tập thiền. Trước hết hãy nói đến kinh Quán Niệm Hơi Thở. Chúng ta không thể tưởng tượng được một người đi vào đạo Bụt để học thiền tập mà không biết nghệ thuật nắm lấy hơi thở và không biết thở trong chánh niệm. Chúng ta cũng không thể tưởng tượng được rằng một thiền viện mà không dạy kinh An Ban Thủ Ý, và không dạy thiền sinh thực tập pháp An Ban Thủ Ý!

CÁCH THỰC TẬP HƠI THỞ CHÁNH NIỆM

Kinh Quán Niệm Hơi Thở dạy rằng thân là đối tượng đầu của chánh niệm, và hơi thở là một yếu tố thuộc về thân. Chính yếu tố “hơi thở thuộc về thân” là cây cầu đưa thân về đoàn tụ với tâm. Trong đời sống hàng ngày chúng ta thở, nhưng chúng ta không thở trong ý thức. Khi vào chùa, chúng ta phải học về hơi thở có ý thức, nghĩa là phải học kinh Quán Niệm Hơi Thở. Học và đọc đi đọc lại hàng trăm lần mới được.

Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở Bụt dạy bốn hướng dẫn về cách thực tập có liên hệ đến hơi thở. Hai hơi thở đầu là:

Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài; thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài.

Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn; thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.

Trước đây có một thiền sinh rất trung thành với lời kinh, cho nên trong khi thực tập, vị ấy thở dài trước, rồi thở ngắn sau!

Nhiều khi mình quen thở hơi dài, đến khi cố gắng thở hơi ngắn lại, mình cảm thấy khó chịu. Thật ra thì khi bắt đầu thực tập, hơi thở mình thường ngắn. Càng thực tập thì hơi thở của mình càng dài thêm ra, nghĩa là hơi thở càng sâu và càng chậm lại.

Lời Bụt dạy ở đây có nghĩa là khi thở vào mà tôi thấy hơi thở của tôi dài thì tôi biết là nó dài. Hoặc giả khi thở vào và tôi thấy hơi thở tôi ngắn thì tôi biết là nó ngắn, không phải tôi cố ý thở vào một hơi dài, cũng như không phải tôi dụng ý thở vào một hơi ngắn.

Hai câu kinh này chỉ có ý nói rằng khi thở và thấy hơi thở của mình dài thì mình biết là nó dài, nếu ngắn thì mình biết là nó ngắn. Mình để hơi thở là hơi thở, đừng đụng đến nó, đừng ép nó, đừng uốn nắn, đừng can thiệp đến nó. Đây là điều rất quan trọng trong khi thực tập.  Mình cũng không nên đặt cho mình một chủ đích, ví dụ mình nói rằng tôi sẽ thở vào một hơi dài. Nếu nói như vậy thì lúc đó mình chưa thở! Hoặc nếu mình nói: Cảm giác thân hành tôi sẽ thở vào, thì ngay khi đó mình cũng chưa thở!

Nói cho đúng là: Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào. Đó là sự nhận diện hơi thở. Nhận diện rằng đây là hơi thở vào, và đây là điều tôi nhận biết. Đó tức là chánh niệm. Chánh niệm là nhận diện cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào; tôi đang thở ra và tôi biết tôi đang thở ra. Đó là mình nhận diện hơi thở vào là hơi thở vào, hơi thở ra là hơi thở ra, không toan tính, không đắn đo.

Mình có thể nói ngắn hơn:

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào, Thở ra tôi biết tôi đang thở ra.

Chúng ta cũng có thể thu ngắn hơn nữa:

Thở vào, biết thở vào – Thở ra, biết thở ra.

Khi làm thiền hướng dẫn, bắt đầu ta nói một câu dài cho đại chúng hiểu, sau đó ta tóm lược câu đó lại thành một hay hai chữ, càng ngắn càng tốt. Tại vì khi thở, hành giả chỉ nương vào một vài chữ thôi. Cho nên chúng ta có thể thay câu trên bằng hai chữ: Vào, Ra. Hoặc có khi nói:  Vào này, ra này, cho nó linh động hơn.

Mình chỉ cần nhận diện hơi thở vào là hơi thở vào, hơi thở ra là hơi thở ra, là mình đã có chánh niệm, mình đã thành công rồi. Chánh niệm này gọi là chánh niệm về hơi thở, Mindfulness of breathing.

Khi tiếp tục thở như vậy, mình nhận diện được những tính chất khác của hơi thở. Ban đầu mình biết nó là hơi thở vào, nhưng từ từ mình thấy thêm nhiều điều, nhiều tính chất khác của hơi thở. Ví dụ, trước tiên mình thấy hơi thở vào của mình là ngắn: Thở vào tôi biết đây là hơi thở vào, và hơi thở này ngắn. Ngắn thì để cho nó ngắn. Điều quan trọng không phải là kéo hơi thở mình cho nó dài ra. Cái quan trọng là khi nó ngắn thì mình biết là nó ngắn, và mình phải để y nguyên nó như vậy. Mình chỉ cần nhận diện nó thôi. Nhận diện đó gọi là nhận diện đơn thuần, mere recognition. Điều này rất là quan trọng. Nhận diện đơn thuần tức là đừng can thiệp vào nó, chỉ thấy rõ nó thôi. Sau này, lúc tu tập để chuyển hóa những cảm thọ, những khổ đau, mình cũng làm như vậy, không vật lộn với chúng, mình chỉ nhận diện đơn thuần chúng mà thôi.  Chúng ta phải nhớ cho kỹ danh từ nhận diện đơn thuần. Nhận diện như vậy tức là mình đã có chánh niệm.

Tính chất kế của hơi thở là chậm. Lúc bắt đầu thực tập, hơi thở của mình có thể là hổn hển, nhưng sau vài ba phút thì hơi thở trở nên êm dịu, chậm rãi, hòa điệu với thân và tâm. Mình không cần thực tập tám hay mười năm mới đạt được kết quả đó. Mình chỉ cần thực tập chừng hai, ba phút là hơi thở mình nó êm dịu, nó sâu, nó chậm lại. Lúc đó phẩm chất của hơi thở của mình lên cao và có khả năng trị liệu. Trong hơi thở đó có an, có tịnh.

Khi thân mình đi một nẻo, tâm mình đi một nẻo khác, thì hơi thở là cây cầu nối liền thân và tâm. Nắm lấy hơi thở thì tâm của mình sẽ trở về với thân của mình. Tình trạng đó gọi là thân tâm nhất như, pulling yourself together.

Trước đây mình có nói đến định. Gom tất cả về một mối thì gọi là định. Mình chỉ cần thở một hai hơi có chánh niệm thì sự phân tán giữa tâm, thân và hơi thở nó biến mất. Mình đạt được trạng thái thân tâm nhất như. Đây là điều mình chứng thực được. Mình không cần hỏi thầy: Con làm như vậy đã đúng chưa?

Hơi thở đóng vai trò đoàn tụ gia đình, nó đưa tâm về với thân, nó làm cho ngôi chùa có trụ trì. Trước đó thì chùa không có trụ trì, chùa Bà Đanh[1], chùa không có người chăm sóc. Con người của mình mà không có chánh niệm, tâm một nơi thân một chỗ, đi tứ tán, thì chùa của mình cũng là chùa Bà Đanh. Từ giây phút mình nắm lấy hơi thở, mình thở và đưa chất an, chất tịnh vào hơi thở rồi, thì thân và tâm của mình không những gom về một mối, mà chất an, chất tịnh của hơi thở cũng thấm vào trong tâm và trong thân của mình.

Trong thiền tập chúng ta có ba yếu tố: thân, tâm, và hơi thở. Nếu một trong ba yếu tố đó có an, có tịnh thì nó ảnh hưởng đến hai yếu tố kia. Nếu anh không đưa được vào hơi thở của anh chất an và chất tịnh thì hơi thở của anh chưa có phẩm chất. Khi hơi thở của anh không có an, không có tịnh thì thân và tâm của anh cũng không có an, không có tịnh. Hơi thở an tịnh có thể ôm ấp lấy thân và tâm của mình, có thể chuyền cho thân và tâm tính an và tính tịnh của nó.

Những bài tập này, những hơi thở này tuy rất đơn giản, nhưng hiệu lực vô cùng.

Viết ngắn lại hai hơi thở đầu: Thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra.  Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm. Cái sâu, cái chậm đó không phải do mình ép hơi thở của mình cho nó như vậy, mà nhờ thực tập, cho nên hơi thở của mình trở nên sâu hơn, chậm hơn. Khi nó sâu, nó chậm thì nó có chất an, chất tịnh. Chất an chất tịnh đó sẽ nuôi tâm và nuôi thân của mình. Như vậy thì ngay trong bài học đầu tiên, thiền duyệt đã là thức ăn của người tu rồi. Câu chữ Hán là Thiền duyệt vi thực.

Khi nghe thầy nói như vậy, khi thấy thầy làm như vậy, hoặc khi nghe bạn nói như vậy, thấy bạn làm như vậy mà mình thực hành theo được thì mình cảm thấy hân hoan. Làm được rồi, mình có bổn phận chia sẻ lại cho bạn mình, cho những người em của mình, cho những người học trò của mình. Đó gọi là mình đã tiếp nhận ngọn đèn từ thầy, từ bạn. Mình có thể chia sẻ ngay bây giờ, đừng đợi phải có lễ truyền đăng chính thức rồi mới làm giáo thọ.

Trong khi ngồi thiền chúng ta phải thực tập những bài tập căn bản đó. Tại vì như tôi đã nói, tuy đơn giản nhưng kết quả lớn lao vô cùng.Đến hơi thở thứ ba chúng ta dịch lời kinh dạy như sau:

Tôi đang thở vào và có ý thức về toàn thân thể tôi;

Tôi đang thở ra và có ý thức về toàn thân thể tôi.

Trong bản dịch của thầy Minh Châu, thầy viết: Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vào, cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra.

Trong tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận, Visuddhi Magga, thầy Phật Âm, Buddhagho(a giải thích rằng: Toàn thân này là toàn thân của hơi thở chứ không phải là toàn thân thể của mình. Tôi không nghĩ điều đó là đúng. Tại vì trong những hơi thở trước đó, mình đã theo dõi toàn thân của hơi thở rồi: Tôi đang thở vào một hơi dài và tôi biết rằng tôi đang thở vào một hơi dài. Như vậy chánh niệm có mặt từ đầu hơi thở cho đến cuối hơi thở, có nghĩa là chúng ta theo dõi toàn thân của hơi thở rồi. Trong khi thở vào, chánh niệm phải được nuôi dưỡng liên tục từ đầu hơi thở cho đến cuối hơi thở. Sau đó, trong khi thở ra, chánh niệm cũng phải được nuôi dưỡng liên tục từ đầu hơi thở cho đến cuối hơi thở. Như vậy thì chúng ta đã ý thức toàn thân của hơi thở rồi.

Vậy thì tại sao thầy Phật Âm lại nói toàn thân này là toàn thân của hơi thở? Đó là vì thầy cho rằng, nếu trong khi thở mà theo dõi hơi thở trong toàn thân thể thì mình sẽ không đi vào trong sơ thiền được. Muốn đi vào sơ thiền thì phải tập trung tâm ta ở đầu chóp mũi. Đó là một quan niệm về thực tập không phù hợp với kinh điển đạo Bụt. Các thầy đã quá chú trọng đến sự thực hiện sơ thiền, nên bóp méo giáo lý Nguyên thủy của Bụt. Rõ ràng trong hơi thở thứ ba Bụt đã nói rằng: Ý thức về toàn thân thể tôi, tôi thở vào, tức là mình nhận diện thân thể của mình đang có ở đây, thân thể này là toàn thân thể mình chứ không phải là thân của hơi thở. Trong một sách tiếng Anh họ cũng đã căn cứ vào sự giải thích này của thầy Phật Âm mà dịch là “breath body”, không đúng với ý kinh. Chúng ta có bổn phận phải giúp cho sự truyền thừa chính xác của kinh điển đạo Bụt vào xã hội Tây phương ngay từ bây giờ. Đừng để cho sự hiểu lầm mọc rễ thì tội quá cho mọi người.

Khi nhận xét rằng “Tại vì chư tổ đã quá chú trọng đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, cho nên đã nghĩ rằng nếu mình có ý thức về toàn thân thể thì tâm mình không nhất cảnh được, cho nên chư tổ cho rằng toàn thân ở đây là toàn thân của hơi thở”, thì nếu tôi là một thầy Nam tông, chắc tôi sẽ bị mời ra khỏi tăng đoàn! Thanh Tịnh Đạo Luận là một tác phẩm có uy tín rất lớn, không ai dám nói điều như vậy đối với tác phẩm này. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng là con cháu của Bụt, chúng ta có bổn phận phải chia sẻ những học hỏi, những tìm tòi của chúng ta để đóng góp cho sự truyền thừa chính xác giáo lý của ngài.

Trong hơi thở thứ tư Bụt dạy, thay vì lấy tinh lực của chánh niệm để ôm trọn lấy hơi thở, mình lấy tinh lực của chánh niệm để ôm trọn thân thể của mình: Tôi đang thở vào và làm cho toàn thân an tịnh; tôi đang thở ra và làm cho toàn thân an tịnh.

Những lúc Sư cô Diệu Nghiêm hướng dẫn Mười động tác chánh niệm, trước khi làm động tác đầu tiên, Sư cô thường nói: Chúng ta hãy thở và ý thức rằng thân thể chúng ta đang đứng trên sàn gỗ. Thở vào, tôi biết tôi đang đứng đây, toàn thân của tôi đang đứng đây. Mình nhận diện, mình công nhận sự có mặt của thân thể mình, đó là một sự trở về nhà. Ngôi nhà của mình trước đó hoang vắng như chùa Bà Đanh. Bây giờ mình quyết tâm trở về, và phương tiện chuyên chở của mình là hơi thở, nương trên phương tiện chuyên chở đó, mình trở về được ngôi nhà của mình, ngôi chùa của mình.

Sau khi đã thở được vài hơi, tạo ra được sự an tịnh trong tâm và thân rồi, lúc đó mình mới ôm trọn lấy cả ngôi chùa của mình, tức là cả thân thể của mình. Lâu nay mình lưu lạc, mình đã bỏ chùa của mình, bỏ nhà của mình, bỏ bê tâm và thân của mình. Giờ đây mình làm một cuộc trở về, và cố nhiên mình đi bằng phương tiện chuyên chở mầu nhiệm nhất là hơi thở. Khi trở về rồi thì mình phải ôm lấy cả quê hương của mình. Mình phải lo cho cái nhà của mình, không thì ai lo cho? Cho nên tôi đang thở vào và có ý thức về toàn thân thể tôi. Lúc đó thân thể tôi mới nói:  Dữ không! bây giờ mới về, bây giờ mới lo! Lúc đó có thể mình đang ở trong tư thế đứng, có thể đang ở trong tư thế ngồi, hay tư thế nằm. Mình phải dùng năng lực chánh niệm để ôm lấy thân thể của mình, tại vì bốn hơi thở đầu là Bụt dạy về chánh niệm có liên hệ đến thân thể. Thân thể mình ra sao thì mình để yên như vậy, mình chỉ ôm lấy nó mà thôi. Mình không làm quan tòa mà phán xét, mà than phiền sao thân thể bệ rạc quá vậy? Dù thân ta có nhức mỏi, có đau bụng, có rã rời, thì mình cũng đừng than vãn, tại vì mình đã bỏ đi lâu quá, giờ này mới trở về! Vì vậy mình ôm lấy nó với tất cả những vết thương của nó để nâng niu, để chữa trị. Yếu tố để nâng niu, để chiều chuộng là sự có mặt đích thực của mình.

Giảng giải về hơi thở này (Tôi đang thở vào và làm cho toàn thân tôi an tịnh trở lại; tôi đang thở ra và làm cho toàn thân tôi an tịnh trở lại), thầy Phật Âm vẫn nói rằng làm cho toàn thân an tịnh ở đây là làm cho toàn thân của hơi thở an tịnh. Chúng ta không nghĩ như vậy. Tại vì thân mà chỉ là hơi thở thôi sao? Trong kinh Tứ Niệm Xứ, ta thấy rất rõ rằng hơi thở chỉ là một phần của thân. Quý vị nên đọc lại kinh Tứ Niệm Xứ để thấy rõ điều này, thân là một vùng đất đai rất lớn, bao gồm luôn cả hơi thở.

Trong bốn hơi thở đầu tiên này, chúng ta thấy rất rõ tiến trình của việc tu tập. Ban đầu ta trở về nhận diện hơi thở, chấp nhận cái thân, ý thức về thân thể của mình. Đến hơi thở thứ tư thì thở vào và làm cho toàn thân thể an tịnh trở lại, tại vì có thể thân hành của mình lúc đó không được an, không được tịnh. Những lúc chúng ta lo, giận, buồn phiền thì thân ta bất an, thân ta run rẩy. Những lúc đó thân ta cần đến sự chăm lo, cần đến sự thương tưởng, sự ấp ủ của chúng ta. Vì vậy, sau khi tâm đã nương hơi thở mà trở về với thân rồi, đã nhận diện được thân của mình rồi, thì hơi thở giờ này là để làm cho thân an tịnh lại. Ta gọi là an tịnh thân hành: Tôi đang thở vào, an tịnh thân hành; tôi đang thở ra, an tịnh thân hành. Nói theo văn phạm mới là:

Tôi đang thở vào và làm cho hoạt động của thân tôi lắng dịu trở lại; tôi đang thở ra và làm cho hoạt động của thân tôi lắng dịu trở lại.

Thân hành là những hoạt động của thân thể. Làm cho máu chảy đều hơn, tim đập nhịp nhàng hơn, hơi thở đều đặn hơn, tức là mình đã lo cho thân thể của mình vậy.

Nhưng bốn hơi thở này chỉ là bốn phương thức hướng dẫn mà thôi.  Trong ánh sáng của kinh Tứ Niệm Xứ, ta phải thực tập thêm trong lĩnh vực thân. Vì vậy sau khi đọc kinh Quán Niệm Hơi Thở[1], The Sutra on the Full Awareness of Breathing (tựa đề sách tiếng Anh là Breath! You Are Alive[1]), chúng ta nên đọc thêm cuốn Con Đường Chuyển Hóa[1], Transformation and Healing[1], tức là kinh Tứ Niệm Xứ.

Nói như vậy có nghĩa là khi học về hơi thở thứ ba (thân giác) của kinh Quán Niệm Hơi Thở, chúng ta phải biết tìm đọc phần “Quán thân trong thân” trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, tức là kinh Tứ Niệm Xứ, để tìm hiểu phương cách thực tập “hơi thở nhận diện thân thể” này.

Trong kinh Tứ Niệm Xứ những đối tượng thực tập chánh niệm về thân được trình bày một cách rất đầy đủ:

Khi đi, vị khất sĩ ý thức rằng mình đang đi, khi đứng vị khất sĩ ý thức rằng mình đang đứng, khi ngồi vị khất sĩ ý thức rằng mình đang ngồi, khi nằm vị khất sĩ ý thức rằng mình đang nằm.

Đó là chánh niệm về những tư thế của thân thể. Thực tập chánh niệm là trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, ta đều ý thức được các tư thế của thân ta. Thiền hành là một trong những phương pháp thiền tập, bắt nguồn từ kinh này. Đi bước nào biết bước đó, đi như vậy sẽ tạo ra sự an lạc, do đó mà mỗi bước đi là một lần nuôi dưỡng thân và tâm của ta. Vì vậy mà tôi thường nói thiền hành là một pháp môn có công năng làm tan rã những nỗi khổ niềm đau ở trong ta, có khả năng đưa đến những chất liệu lành mạnh cho thân và cho tâm ta.

Chúng ta có một cuốn sách nói về thiền hành, cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ[1], bản dịch tiếng Anh là The Long Road Turns ToJoy – A guide to Walking Meditation[1]. Vị nào chưa đọc, nên tìm đọc, vị nào đã đọc, nên đọc lại để giúp cho sự thực tập của mình được nhuần nhuyễn hơn lên.

Sau tư thế, ta quán niệm về những động tác của cơ thể. Cúi xuống, ngẩng lên, nâng ly trà, uống ngụm nước v.v…, tất cả những động tác của thân thể đều được đặt dưới ánh sáng của chánh niệm. Nếu động tác của mình hấp tấp, mình phải biết động tác đó hấp tấp. Cái giây phút mình có ý thức rằng động tác của mình hấp tấp thì tự nhiên sự hấp tấp đó tan biến. Nếu chưa tan biến thì ta chỉ cần mỉm cười và tiếp tục quán chiếu rằng: Ta đang làm việc này một cách hấp tấp. Thở vào, ta biết ta đang hấp tấp; thở ra, ta biết ta đang hấp tấp. Thực tập như vậy, chỉ cần vài hơi thở là ta sẽ chuyển hóa được sự hấp tấp của thân ta.

Tiếp theo, kinh Tứ Niệm Xứ dạy chúng ta thực tập quán niệm về những bộ phận của cơ thể. Trước đó chúng ta có ý thức về toàn thân. Giờ đây chúng ta phải đi đến từng bộ phận của cơ thể:

Tôi đang thở vào và tôi có ý thức về hai con mắt của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với hai con mắt của tôi.

Tôi đang thở vào và có ý thức về trái tim của tôi, tôi đang thở ra và mỉm cười với trái tim của tôi.

Đó là phương cách tiếp xúc với từng bộ phận của cơ thể. Kinh diễn bày sự thực tập đối với 30 bộ phận của thân thể (1).

Tại các bệnh viện ngày nay, người ta có một máy rọi gọi là Computed Axial Tomography, gọi tắt là CAT Scan, hay CT Scan, do một kỹ sư người Anh và một nhà Vật lý học người Mỹ sáng chế vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70. Với vận tốc của computer ngày nay, máy rà đến đâu thì chừng một giây đồng hồ sau là ta có thể thấy rõ cơ phận đến đó[1]. Nhờ vậy mà bác sĩ mới biết bộ phận nào bị bệnh để chữa trị.

Chánh niệm cũng vậy. Chánh niệm là một loại ánh sáng, tuy không dựa trên nguyên tắc của CT Scan, nhưng chánh niệm cũng giúp ta nhận diện những bộ phận cơ thể của chính ta một cách rất rõ ràng. Tôi đang thở vào và có ý thức về hai mắt của tôi; tôi đang thở ra và mỉm cười với hai mắt của tôi.  Đưa chánh niệm đến để thấy rõ và an ủi, thương yêu đôi mắt đang bị bỏ bê, bệnh hoạn, đó là phương pháp chữa trị của thiền tập.

Thực tập chừng hơn một tiếng đồng hồ là ta có thể đi qua được cả 30 bộ phận của cơ thể. Các nhà trị liệu ngày nay cũng nói rằng, chú ý tới từng bộ phận của cơ thể và mỉm cười với chúng, tỏ lòng ưu ái với chúng là rất quan trọng, nhất là lúc các bộ phận đó đang bị bệnh hoạn, thương tích.

Thiền hướng dẫn cũng có mục đích đó. Trong một thời thiền, người hướng dẫn có thể nói: Thở vào tôi có ý thức về hai con mắt của tôi; thở ra tôi mỉm cười với hai mắt của tôi. Tùy theo định lực của mình lớn hay nhỏ mà mình tiếp xúc được với hai con mắt của mình một cách sâu sắc hay cạn cợt.  Ví dụ nếu định của mình lớn thì mình có thể thấy rằng hai con mắt mình đang tốt, mở ra là thấy trời xanh mây trắng, thấy rõ ràng nét mặt của thầy của bạn, thật là hạnh phúc, tại vì có người không có được hai con mắt như vậy. Khi hạnh phúc phát sinh, lòng từ bi đối với đôi mắt, sự quý trọng đôi mắt của mình sẽ tăng trưởng, giúp cho mình biết giữ gìn hai con mắt của mình hơn. Nó cũng giúp mình biết rằng hai con mắt của mình là kho tàng của hạnh phúc, mình bớt khổ rất nhiều khi mình biết rằng mình đang có điều kiện của hạnh phúc. Mình chỉ cần ngồi trên bãi cỏ, mở mắt ra để nhìn ngắm là mình có thể đem lại cho tâm và thân rất nhiều hạnh phúc rồi. Mình không cần phải tìm kiếm đâu xa, mình không cần đi Paris mới tìm được hạnh phúc. Lên Paris có khi còn làm hại đôi mắt của mình nhiều hơn vì những cảnh tượng trần ai thế tục của Paris.

Những cái thấy đó, những tuệ giác đó có thể phát sinh từ những tiếp xúc của mình với những bộ phận của cơ thể. Vì vậy sau thời thiền, sau khi đã tiếp xúc với tất cả các bộ phận trong cơ thể của chúng ta rồi, đứng dậy là ta trở thành một con người mới! Chúng ta đã trở về, chúng ta không những đã ôm ấp cơ thể như một khối, mà còn chăm lo từng bộ phận của cơ thể nữa. Năng lượng của chánh niệm có tính cách an ủi, trị liệu toàn thân ta. Đó là những thực tập thuộc phạm vi chánh niệm về thân.

Quý vị nên đọc lại nhiều lần kinh Tứ Niệm Xứ và kinh Quán Niệm Hơi Thở, và nhất là phải đem ra để thực tập. Nên nhớ rằng phải có nhiều phước duyên lắm mới tiếp xúc được với pháp môn này, cho nên chúng ta phải đem những điều đã học ra để thực tập, đừng bỏ qua mà uổng phí, mà phụ ơn Bụt, phụ ơn thầy tổ. Mình phải biết tiếp nhận, đừng làm như Xuân Diệu đã nói: “Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”, và nhất là đừng đóng vai người “Biết rất nhiều nhưng thực tập chẳng bao nhiêu!”.

Trước đây chúng ta có nói đến thân thể như là một ngôi chùa. Khi không trở về với thân thể của chúng ta để kết hợp thân với tâm làm một, thì chùa của chúng ta là một ngôi chùa hoang.

Chúng ta có thể ví thân thể như một đền thờ của tâm linh, và chúng ta không nên để cho thân thể trống lạnh, hoang tàn. Thực tập chánh niệm, trước hết là đem tâm về với thân. Nhìn vào một ngôi chùa hoang, ta biết ngay đó là một ngôi chùa hoang, không cần phải suy nghĩ, tại vì ngôi chùa đó không có người chăm sóc. Một người không có chánh niệm, nhìn vào là mình biết liền. Khi người đó ngồi, khi người đó đi, khi người đó ăn cơm, khi người đó nói chuyện mình thấy rõ người đó không có chánh niệm, ngôi chùa của người đó không có trụ trì.

Khi thực tập thiền tọa, việc đầu tiên là mình phải đem tâm về với thân. Ngồi như thế nào để cho mình thật sự có mặt, để cho ngôi chùa có vị trụ trì. Điều này rất là đơn giản tại vì khi mình thực tập chánh niệm, tức là mình thực tập sự có mặt. Lúc thân và tâm không hợp nhất thì lúc đó mình gọi là tán loạn. Khi tâm và thân hợp nhất rồi, thì mình có định. Định tức là ngược lại với tán loạn. Khi có định là mình có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể nói rằng Ngồi thiền giỏi là ngồi chơi, ngồi chơi giỏi là ngồi thiền.

Nó đơn giản như vậy, và đó là sự thực tập hàng ngày của chúng ta. Khi ngồi, chúng ta ngồi như vậy, ngồi thân và tâm hợp nhất. Khi đi chúng ta cũng đi với thân và tâm hợp nhất, khi ăn cơm chúng ta cũng ăn với thân và tâm hợp nhất. Điều may mắn và quí giá là chúng ta được phép làm như vậy. Ngoài đời có khi chúng ta không được làm như vậy, nhưng tại đây, trong khung cảnh của sự tu học thì chúng ta được quyền làm như vậy.

Đến với một tăng thân là để làm điều đó. Tất cả những người trong tăng thân đều chờ đợi để làm chuyện đó, và đều khuyến khích ta làm chuyện đó. Vì vậy ở trong tăng thân, chúng ta có điều kiện làm chuyện đó và làm thành công hơn ở những nơi khác. Trong khi ngồi thiền, mình được phép ngồi, không ai sai biểu mình được, không ai quấy rầy mình, và giờ ngồi thiền là giờ mình hoàn toàn có tự do để làm điều mình muốn làm, tức là chỉ ngồi thôi. Cái phẩm chất của việc ngồi yên nó hoàn toàn tùy thuộc vào mình. Nếu mình ngồi giỏi thì mình ngồi vững như một trái núi, mình có mặt trong sự sống, trong giờ phút hiện tại, mình nở ra như một bông hoa. Nếu mình ngồi dở thì mình ngồi như ngồi trong một hầm tối, ngồi nhưng thật sự mình đang bị trôi lăn trong sinh tử. Thành ra phẩm chất của việc ngồi tùy thuộc hoàn toàn ở mình.

Ngồi thiền, trước hết là thật sự có mặt. Thật sự có mặt ở trên gối thiền của mình, thật sự có mặt ở trong thiền đường của mình, thật sự có mặt ở trong tăng thân của mình. Trong kinh điển ta thường nghe Bụt nói: Này các vị khất sĩ, đây là một gốc cây, đây là một căn nhà trống, quý vị còn chờ đợi gì mà không ngồi xuống?  Không thực tập?

Mình không cần nhiều điều kiện, mình chỉ cần một gốc cây, mình chỉ cần một căn nhà vắng. Nhưng ở đây mình có thiền đường, mình có tọa cụ, mình có tăng thân chung quanh, mình có thời khắc, nghĩa là mình có rất nhiều điều kiện để thực hiện việc ngồi yên của mình. Ngồi thiền là như vậy, ngồi thiền là có mặt thật sự trong giờ phút hiện tại. Sự có mặt đó là sự có mặt của thân tâm hợp nhất. Nhờ thân tâm hợp nhất cho nên mình có thể tiếp xúc được với sự sống, tại vì sự sống chỉ có mặt bây giờ và ở đây.  Tiếp xúc như vậy là tiếp xúc một cách sâu sắc.

Trở về với kinh Quán Niệm Hơi Thở. Chúng ta biết rằng đối tượng đầu tiên mà ta cần chăm sóc trong khi thực tập phép quán niệm hơi thở là thân của chúng ta. Cho nên chúng ta đã nói rằng thân ta là đền thờ, là ngôi chùa của chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng đền thờ đó, phải tôn trọng ngôi chùa đó, và chúng ta phải luôn luôn trở về với ngôi chùa của chúng ta. Ngôi chùa đó là nơi chúng ta nương tựa, nếu nó hoang tàn, đổ nát thì chúng ta mất chỗ nương tựa.

Không những ngôi chùa đó, đền thờ đó là chỗ nương tựa của riêng ta, mà nó còn là nơi nương tựa của những người chung quanh ta, của tăng thân ta. Cho nên trở về để chăm sóc cho thân thể ta, để có mặt trong ngôi chùa đó, là một công tác có hiệu quả chung cho tăng thân.

Muốn trở về với ngôi chùa đó, với thân thể đó, ta dùng hơi thở có chánh niệm. Hơi thở chánh niệm là phương tiện duy nhất có thể chuyên chở ta trở về với ta. Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở chúng ta học rằng: Thở vào mình biết mình thở vào; thở ra mình biết mình thở ra. Thở vào hơi thở dài mình biết đây là hơi thở vào dài; thở ra hơi thở dài mình biết đây là hơi thở ra dài.  Khi hơi thở đó sâu, mình biết nó sâu. Khi hơi thở đó chậm, mình biết nó chậm, và mình có mặt trong suốt thời gian mình thở vào, mình có mặt trong suốt thời gian mình thở ra. Thời gian của hơi thở vào là thời gian thiền tập, thời gian của hơi thở ra, cũng là thời gian thiền tập. Hơi thở ra tiếp tục hơi thở vào, hơi thở vào tiếp tục hơi thở ra, vì vậy chúng ta có rất nhiều thời gian để thực tập.

Cũng như chơi vĩ cầm. Cầm dây cung ta kéo tới, kéo lui. Lui là sự tiếp nối của tới, tới là sự tiếp tục của lui, và cứ như vậy chúng ta duy trì sự có mặt của âm thanh phát ra từ chiếc vĩ cầm. Ở đây cũng vậy, hơi thở vào, hơi thở ra, tiếp nối không ngừng. Nhà nhạc sĩ duy trì âm thanh của chiếc vĩ cầm, nhà đạo sĩ duy trì chánh niệm của hơi thở, và chánh niệm giữa hơi thở vào và hơi thở ra không có khoảng cách.

Bảy tám năm trước có một nhạc sĩ ở Thụy sĩ, thường sang Làng Mai để thực tập. Ông chơi vĩ cầm rất giỏi và rất nổi tiếng. Khi nghe giảng về phép quán niệm hơi thở, ông nói:  Thầy nói rất đúng, khi con đàn vĩ cầm, âm thanh khi kéo tới nó tiếp nối âm thanh khi đẩy lui.

Trên một vòng tròn ta có thể biểu diễn tiến trình của hơi thở vào, ra. Ví dụ, tại một điểm trên đó, hơi thở vào phát sinh. Đi theo chiều kim đồng hồ cho đến khi hơi thở vào chấm dứt, thì tại đây hơi thở ra bắt đầu. Cứ liên tục như vậy chứ không có sự đứt đoạn. Nếu vẽ theo hình số 8, và đi trên mỗi phần của số 8 là tượng trưng cho việc theo dõi một hơi thở, thì ta cũng sẽ không có cảm giác gián đoạn của hơi thở vào và ra (hình 1).

Khi ta thở giỏi thì sẽ không có sự đứt đoạn giữa hai hơi thở vào ra, và trong thời gian chuyển tiếp đó, chánh niệm cũng sẽ được liên tục duy trì.

Cũng vậy, tôi thở vào và có ý thức về hơi thở vào, tức là tôi ý thức về toàn thể hơi thở vào, không phải tôi chỉ ý thức một lát rồi mất ý thức. Tôi phải ý thức liên tục trong suốt hơi thở vào. Tôi thở ra và tôi có ý thức liên tục suốt hơi thở ra. Như vậy chánh niệm được nuôi dưỡng liên tục, không bị gián đoạn trong suốt hơi thở vào và trong suốt hơi thở ra.  Cho nên trong khi thở vào, thở ra, tôi là hơi thở, tôi chỉ là hơi thở thôi, tôi không là gì khác nữa. Tôi không có sự suy nghĩ, tôi không có tầm (Vitarka), không có từ (Vicªra). Tầm, từ là hai tâm sở, hai danh từ nói về sự suy tư của chúng ta. Ta có thể nói tầm và từ là ngôn ngữ của ý.

Vậy thì ngay trong khi quán niệm hơi thở, chúng ta đã bắt đầu chấm dứt sự suy tư rồi, và khi tôi nói đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra, đó không phải là suy tư, đó cũng không phải là một tư tưởng. Đó là sự nhận diện đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra. Hơi thở vào đã sâu, hơi thở ra đã chậm, đó cũng không phải là những tư tưởng, đó là những thiền ngữ, đó là những sự nhận diện phẩm chất của hơi thở.

Trong thiền tập, chúng ta sử dụng hình ảnh mà không sử dụng ý niệm, không sử dụng tư tưởng. Ví dụ thở vào tôi thấy tôi là núi, thở ra tôi cảm thấy vững vàng như núi. Thở vào tôi thấy tôi là hoa, thở ra tôi thấy tươi mát như hoa. Thở vào tôi là nước tĩnh, thở ra tôi thấy tôi phản chiếu được sự thật. Đó không phải là những tư tưởng, đó là những hình ảnh được sử dụng trong thiền quán. Thành ra nhà đạo sĩ rất gần gũi với nhà thi sĩ. Nhà thi sĩ làm thơ thì không dùng những tư tưởng, làm thơ thì chỉ dùng nhạc điệu và hình ảnh thôi. Thơ là một cái gì có nhạc tính và hình ảnh. Hình ảnh và nhạc điệu tạo nên bài thơ. Nếu chất chứa những suy tư trong bài viết thì ta không thể làm được bài thơ hay.

Trong khi thực tập hơi thở, mình biết mình với hơi thở là một, mình là hơi thở, mình không có sự suy tư, mình duy trì chánh niệm, duy trì định của mình qua hơi thở, và hơi thở đây là hơi thở thuần túy. Trong bốn hơi thở đầu tiên mà Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, trước hết là:

Thở vào dài, tôi biết là tôi thở vào dài; thở ra dài, tôi biết là tôi thở ra dài.

Thở vào ngắn, tôi biết là tôi thở vào ngắn; thở ra ngắn, tôi biết là tôi thở ra ngắn.

Đó là hơi thở thuần túy. Đối tượng của chánh niệm của mình là hơi thở thuần túy.

Khi đi sang hơi thở thứ ba thì lại khác:

Tôi đang thở vào, và tôi có ý thức về toàn thân thể tôi; Tôi đang thở ra, và tôi có ý thức về toàn thân thể tôi.

Trong khi thực tập như vậy, mình dùng chánh niệm để ôm lấy thân thể, và ôm lấy hơi thở. Đây là quán niệm hơi thở, vì vậy chánh niệm của mình là hơi thở, nhưng bây giờ nó có thêm một yếu tố khác, đó là thân thể. Ví dụ chúng ta có một chiếc xe lửa gồm có hai toa và một đầu máy. Chiếc xe lửa có thể không chuyên chở gì cả, nó chỉ là chiếc xe lửa thôi. Chiếc xe lửa đó tượng trưng cho hơi thở thuần túy. Đến hơi thở thứ ba thì chiếc xe lửa đó chuyên chở thân thể, và chính bản thân của xe lửa chỉ là hơi thở thôi.

Tôi đang thở vào, và tôi biết rằng tôi đang thở vào. Đó là hơi thở thuần túy. Khi nói tôi đang thở vào, và tôi có ý thức về toàn thân thể tôi, thì lúc đó hơi thở chuyên chở trọn vẹn thân thể. Cũng như khi nói rằng:  Thở vào tôi thấy tôi là hoa. Nghĩa là trong khi thở vào, mình là hơi thở vào, đồng thời mình cũng là hoa, và hơi thở vào chuyên chở bông hoa. Thở ra tôi thấy tôi tươi mát. Như vậy khi thở ra, mình là hơi thở ra, đồng thời hơi thở ra đó chuyên chở sự tươi mát của bông hoa. Thành ra trong trường hợp này hơi thở không còn là hơi thở thuần túy nữa, mà hơi thở có bổn phận chuyên chở một vật gì. Vật đó, trong thiền tập chúng ta gọi là đối tượng của sự quán chiếu.

Ví dụ mình nói rằng: Thở vào tôi biết đây là bông hoa, thở ra tôi mỉm cười với bông hoa, thì khi thở vào, đối tượng của chánh niệm của mình vừa là hơi thở vào, vừa là bông hoa. Khi thở ra, đối tượng của chánh niệm của mình vừa là hơi thở ra, vừa là nụ cười của mình đưa tới với bông hoa. Cũng vậy, khi nói rằng tôi đang thở vào và có ý thức về trái tim của tôi, thì trong suốt hơi thở vào đó, mình biết đó là hơi thở vào, và đồng thời mình biết thêm một chuyện nữa là trái tim của mình đang có mặt, và mình phải duy trì ý thức về sự có mặt của trái tim trong suốt hơi thở vào. Khi thở vào xong, mình thở ra và nói: Thở ra tôi đang mỉm cười với trái tim của tôi. Thì trong hơi thở ra, đối tượng của chánh niệm là hơi thở ra, đồng thời đối tượng của chánh niệm cũng là nụ cười của mình đang hiến tặng cho trái tim. Đó là căn bản của phép quán niệm hơi thở. Hơi thở có thể là hơi thở thuần túy, hay hơi thở có chuyên chở một đối tượng, và đối tượng đó được duy trì trong suốt thời gian của hơi thở.

Thời gian của một hơi thở vào bắt đầu từ điểm A và chấm dứt ở điểm B, thì đối tượng của chánh niệm là hơi thở. Trong trường hợp đối tượng đó có chuyên chở thêm một đối tượng thứ hai nữa, thì đối tượng thứ hai đó cũng là cái mà mình tiếp xúc trong suốt thời gian mình thở.

Vì vậy chúng ta phải học thuộc lòng những bài thi kệ dùng trong các buổi thiền tập. Phải thuộc lòng để trong lúc ngồi thiền hay đi thiền hành, chúng ta không cần một cố gắng nào cả mà những bài hướng dẫn đó tự nhiên đến với mình, hướng dẫn mình trong khi mình thực tập.

Ví dụ như ăn cơm. Trước khi ăn cơm, mình chắp tay lại thở thì ngũ quán tự nhiên tới:

Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác. Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này…

Câu kệ đến tự nhiên. Nếu mình không học thuộc lòng thì mình phải moi móc ký ức. Khi các câu thi kệ đến một cách tự nhiên như vậy thì chúng đóng vai trò người hướng dẫn cho mình. Rất là dễ dàng.

Tôi còn nhớ thời gian tôi chuyển sự thực tập từ những câu kệ chữ Hán sang chữ Việt. Tôi nghĩ nên thực tập bằng tiếng Việt để mình có thể hướng dẫn học trò của mình. Nhưng vì tôi đã thực tập từ hồi còn để chỏm, cho nên cứ chắp tay lại là câu chữ Hán hiện ra. Tôi phải thực tập cả năm trường thì câu chữ Hán mới nhường chỗ cho câu tiếng Việt!

Các sư cô, sư chú nên biết rằng phải học thuộc lòng những câu thi kệ nhật dụng, để khi cần đến, những bài thi kệ sẽ đến với mình một cách dễ dàng, chứ không phải học để hiểu mà thôi. Các vị tại gia nếu muốn thực tập chánh niệm bằng thi kệ, thì cũng phải học thuộc lòng thi kệ. Bắt đầu thì học thuộc lòng một số bài mình thích thực tập trong ngày. Rồi từ từ mình có thể học thêm. Ví dụ như lúc lái xe. Đưa chìa khóa vào mở máy, là mình đọc:

Trước khi rồ máy nổ, Tôi biết tôi đi đâu, Tôi với xe là một, Xe mau tôi cũng mau.

Các câu kệ đó phải tự nhiên đến, khỏi cần phải cố gắng. Nếu muốn nó đến tự nhiên, mình phải thuộc nằm lòng, và thực tập thường xuyên. Cũng như khi mở máy vi tính lên thì tự nhiên khuôn mặt mỉm cười của anh chàng trong máy sẽ hiện ra, mình không cần phải mời gọi.

Khi đến thiền đường, theo nguyên tắc thực tập thì từ chỗ mình ở đến thiền đường, mình phải đi thiền hành. Như vậy thì chỗ mình bắt đầu đi đã là thiền đường rồi, mình đâu cần đi đâu nữa? Phòng của mình như vậy chính là thiền đường. Nó hay như vậy đó. Thiền đường và chỗ không phải thiền đường, giữa hai cái đó không còn ranh giới. Hơn nữa, trước khi đi đến thiền đường, thế nào mình cũng phải rửa mặt, rửa tay. Khi đó nếu mình làm trong chánh niệm và mình đọc:

Nước từ nguồn suối cao, Nước từ lòng đất sâu, Nước mầu nhiệm tuôn chảy, Ơn nước luôn tràn đầy,

Thì ngay trong lúc rửa tay rửa mặt, với bài thi kệ đó là mình đang ở trong thiền đường rồi, mình đâu có cần đi đến thiền đường nữa? Đến khi khoác áo tràng vào, mình cũng khoác với bài thi kệ, thì ngay trong phòng mình cũng đã là thiền đường! Lúc mở cửa phòng với bài thi kệ, thì mình cũng đang mở cửa thiền đường. Bước đi thiền hành, thì mình cũng đang đi trong thiền đường, do đó chánh niệm giúp cho mình lúc nào cũng ở trong thiền đường hết. Đến khi bước vào thiền đường, mình biết có tăng thân đang ngồi trong đó, cho nên bước chân của mình có chánh niệm:

Vào thiền đường, Thấy chân tâm, Một ngồi xuống, Dứt trầm luân.

Đây là một bài thi kệ rất mạnh. Một khi tôi ngồi xuống là tất cả những sự chìm đắm, trôi lăn ở trong thế giới vọng tưởng, những sự tán loạn, trầm luân đều chấm dứt!

Sau khi xá xong, mình ngồi xuống. Trước tiên mình phải điều thân, tức là làm cho thân ta trở thành một trái núi, một ngôi chùa rất vững vàng, ngồi như thế nào để sống lưng thật thẳng, đầu không cứng ngắc. Tư thế ngồi thiền của mình phải đẹp, phải vững chãi. Mình có thể tập ngồi trước một tấm gương, xem thế ngồi của mình có đẹp hay không. Mình cũng có thể hỏi sư anh của mình, và sư anh trở thành tấm gương của mình. Khi ngồi, mình phải ngồi cho thật đẹp, ngồi như một vị Phật ngồi trên tòa sen. Đó gọi là điều thân.

Sau khi điều thân rồi, mình điều tức, nghĩa là điều phục hơi thở. Mình bắt đầu để ý đến hơi thở vào và hơi thở ra. Chỉ cần thở vào thở ra ba bốn lần là hơi thở của mình khỏe và nhẹ, có sự an, sự tịnh. Cái khỏe, cái nhẹ đó, cái an đó, cái tịnh đó nó bắt đầu thấm vào trong thân, rồi thấm vào trong tâm của ta.

Trong thời gian ngồi thiền, mình tạo ra sự có mặt đích thực của mình. Chúng ta có những bài thực tập rất hay, làm cho mình khỏe, làm cho mình nhẹ. Chúng nuôi dưỡng cái tâm và cái thân của mình.

Thiền duyệt vi thực có nghĩa là niềm vui và sự an lạc của thiền tập làm thành món ăn hàng ngày của chúng ta. Cho nên lúc ngồi thiền là chúng ta ăn, lúc đi thiền hành là chúng ta nuôi dưỡng thân, tâm. Đó là thức ăn hàng ngày của người tu. Vì vậy có nhiều người nếu mỗi ngày không được ngồi thiền, không được đi thiền hành thì họ thấy thiếu, họ đói. Chúng ta phải tập thói quen đó.

Khi tư thế của thân đã vững vàng, tâm đã an tĩnh, chúng ta bắt đầu công việc kế tiếp của thiền tập là tiếp xúc và an tịnh thân thể của ta. Đây là lúc chúng ta tạm rời kinh Quán Niệm Hơi Thở để đi sang học về kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm.

(1)Trong lĩnh vực thân thể, kinh Bốn lĩnh vực Quán niệm liệt kê 30 bộ phận để quán chiếu: “Này đây là tóc, là lông, móng,răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mạc, lá lách, phổi, ruột, màn ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồi hôi, mỡ, nước mật, mỡda, nước bọt, nước mủ, nước ở các khớp xương, và nước tiểu”.

Trong lãnh vực Tâm thức, tổng cộng có 36 điều quán chiếu. Đó là: 3 điều khi quán chiếu “Tâm thức nơi tâm thức” (Tham dục, sân hận, và si mê) và 33 điều khi quán chiếu “Đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức”, tức là gồm5 sự ngăn che (Ái dục, sân hận, mê muội, bất an, và nghi ngờ) + 5 nhóm tụ hợp còn nằm dưới ảnh hưởng của sự bám víu (Hình thể vật chất, thọ, tri giác, tâm tư, và nhận thức) + 6 giác quan + 6 loại đối tượng (Mắt (hình sắc), tai (âm thanh), mũi (mùi hương), lưỡi (vị nếm), thân (xúc chạm), và ý (pháp trần)) + 7 Yếu tố của sự ngộ đạo (Chánh niệm, quán chiếu, tinh chuyên, an vui, nhẹ nhỏm, định, và buông thả) + 4 sự thật cao quý (Khổ đau (khổ), nguyên nhân tạo ra khổ tạo ra khổ đau (tập), khổ đau có thể chấm đứt (diệt), và có con đường dẫn  đến sự chấm dứt khổ đau (đạo)

CÁCH QUÁN THÂN TRONG THÂN

Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, Bụt dạy rằng một khi chánh niệm đã được tạo tác và ôm lấy toàn thân, thì chúng ta bắt đầu thấy được những tư thế của thân thể. Có nghĩa là khi ngồi, chúng ta biết là chúng ta đang ngồi, khi đi biết đang đi, khi đứng biết đang đứng, khi nằm biết đang nằm, chúng ta ý thức được mọi tư thế của thân thể ta. Người có chánh niệm là người có uy nghi trong bốn tư thế đó.

Khi mình đi hấp tấp như bị ma đuổi, khi mình cuống lên làm việc như nhà cháy đến nơi, thì những lúc đó đền thờ tâm linh của mình không có trụ trì. Đi những bước thong dong rất chánh niệm, ngồi xuống trong tư thế rất an lạc, nằm xuống với sự có mặt của chánh niệm, tức là mình làm chủ được tình thế, làm chủ hoàn cảnh mình đang sống.

Kế đến là mình thấy được những động tác của thân thể. Trong những khóa tu ba ngày hay năm ngày, nhờ sự có mặt của tăng thân, cho nên chúng ta có thể thực tập được dễ dàng chánh niệm về những động tác của cơ thể. Ví dụ khi nâng ly trà lên, ta biết ta nâng ly trà lên; đưa ly trà đến gần miệng, ta biết ta đang đưa ly trà đến gần miệng; bắt đầu uống, ta biết ta bắt đầu uống. Cứ thực tập như vậy, tự nhiên động tác của mình trở nên chậm lại, càng chậm chừng nào thì chúng ta càng dễ có chánh niệm chừng đó.

Tuy vậy chúng ta đừng làm quá chậm mà nó mất đi vẻ tự nhiên của sự sống. Ví dụ khi đi, chúng ta có chánh niệm và ý thức được đây là bước chân trái, đây là bước phải, rồi đây là bước chân trái, đây là bước chân phải. Nếu muốn chậm hơn nữa, chúng ta nói: Dở chân lên, đặt chân xuống, lifting, placing… Làm như vậy, chúng ta còn có thể thực tập theo được, tại vì sự tự nhiên của những cử động vẫn còn được duy trì. Nếu kỹ hơn, chúng ta có thể nói: Dở lên, đưa tới, đặt xuống; dở lên, đưa tới, đặt xuống…, Lifting, moving, placing; lifting, moving, placing… Tuy vậy nếu phân chia một hành động ra quá nhiều giai đoạn, thì hành động đó mất tự nhiên, sự sống không còn nữa, và mình biến thành một con người máy trong cuốn film quay chậm.

Đạo Bụt có pháp môn A-Tỳ-Đạt-Ma, tiếng Phạn là Abhidharma. Trong khuynh hướng này người ta chia chẻ và phân tích rất là chi li. Vì vậy khi học về khoa Abhidharma quý vị có thể thấy chán vì khuynh hướng phân tích. Một sợi tóc họ không chỉ chẻ ra làm tư mà chẻ ra làm ba mươi sáu! Trong truyền phái của thầy Ledi Sayadaw có người đã đi đến một giai đoạn quá chi li. Trước khi dở chân lên, họ nói: Nhón gót lên, sau đó mới dở chân lên, đưa tới, chấm đất, đặt xuống. Raising, lifting, moving, touching, placing. Có người còn đi xa hơn: Sắp nhón gót lên, nhón lên; sắp dở lên, dở lên; sắp đưa tới, đưa tới; sắp chấm xuống, chấm xuống; sắp đặt xuống, đặt xuống. Intend to raise, raising; intend to lift, lifting; intend to move, moving; intend to touch, touching; intend to place, placing. Đi như vậy thì nó trở nên những động tác khó nhìn.

Ở Làng Mai, chúng ta không đi quá đà như vậy để cho mình duy trì được sự sống tự nhiên, để cho sự sống không mất đi. Trong khi nâng tách trà lên, chúng ta phải làm trong chánh niệm. Ta có thể nói rằng: Ta sắp uống trà, đưa tay nâng tách trà, ta đang uống trà. Trong quá trình nâng tách trà lên để uống, có những giây phút ý thức. Để chứng nghiệm những giây phút đó, khi ở trong phòng một mình, ta thử thực tập để có thể nắm vững tình thế từ khi đưa tay ra, cho đến khi mình uống tách trà và đặt tách xuống.

Đó là phương cách thực tập quán niệm về những động tác của thân thể. Nhưng sự thực tập của chúng ta là sự thực tập mọi động tác trong đời sống hàng ngày, vì vậy ta nên duy trì chánh niệm như thế nào để cho sự sống tự nhiên vẫn còn có mặt, chứ không đánh mất sự sống. Cứ tưởng tượng đi trong công viên mà mình thực tập thiền hành theo cách chia chẻ đó thì đúng là mình làm trò cho người khác cười.

Trong khi rửa chén bát, chúng ta phải rửa trong chánh niệm. Chùi nồi, quét nhà, lau bàn, chúng ta đều làm trong chánh niệm. Quét nhà như thế nào để cho sự quét nhà của mình trở thành một thực tập; rửa chén như thế nào để cho việc rửa chén của mình trở thành một thực tập, nếu không thì uổng phí thì giờ của người tu. Vì ở ngoài đời người ta cũng quét nhà, cũng rửa bát, cũng giặt áo quần.

Kinh điển có ghi lại rằng: Hồi Bụt còn tại thế, có một nhà triết học đến hỏi Bụt: Quý vị tu như thế nào? mỗi ngày quý vị làm gì?

Bụt nói: Chúng tôi cũng đi, cũng đứng, cũng nằm, cũng ngồi, cũng rửa bát, cũng giặt áo quần.

Vị triết gia tỏ vẻ ngạc nhiên: Như vậy thì có gì đặc biệt đâu mà gọi là đời sống tu hành? Ở ngoài đời chúng tôi cũng làm những việc đó!

Bụt nói: Cái khác là trong khi người ngoài đời làm, họ không có ý thức, còn ở đây, khi chúng tôi làm bất cứ việc gì, chúng tôi đều có ý thức về những việc đó.

Đơn giản như vậy nhưng đó lại chính là cái bí quyết của sự thực tập để chứng quả trong thời Bụt còn tại thế, cũng nhưtrong thời hiện tại của chúng ta. Như vậy, muốn thành công trong việc tu học, vị trụ trì luôn luôn phải có mặt ở trong chùa. Đừng bao giờ để ngôi chùa của mình trở thành chùa Bà Đanh.

Những phương pháp thực tập về thân, Bụt không nói trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, nhưng Bụt nói rõ trong kinh anh em của nó, tức là kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, mà ta còn gọi là kinh Tứ Niệm Xứ. Hai kinh này đi đôi với nhau như bóng với hình. Đây là những cuốn kinh gối đầu giường của những người thực tập trong thời Bụt còn tại thế. Tuy vậy, hồi đó họ không có kinh bản như mình hiện giờ. Trong thời đại của Bụt, các thầy phải học thuộc lòng kinh điển để hành trì.

Sau khi đã quán niệm về những động tác của thân thể, chúng ta thực tập quán chiếu về những bộ phận của cơ thể như đã lược qua trên đây. Khi thực tập, chúng ta có thể nằm xuống và bắt đầu quán chiếu từ tóc trên đầu xuống cho đến những ngón chân. Đi qua đến đâu, chúng ta nhận diện những bộ phận của cơ thể đến đó. Chúng ta dùng năng lượng của chánh niệm để ôm ấp, nhận diện từng bộ phận của cơ thể, mỉm cười với bộ phận đó.

Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Bụt có dùng ví dụ của một bác nông dân đi lên gác, vác xuống một bao hạt giống. Bác mở bao và để cho các hạt giống chảy túa ra trên sàn gỗ, rồi bác nhận diện: Đây là hạt bắp, đây là hạt đậu xanh, đây là hạt đậu đỏ v.v… Tức là Bác nhận diện một cách rất tường tận, rất rõ ràng. Vị khất sĩ khi quán chiếu về những bộ phận trong cơ thể của mình cũng làm như vậy. Đây là mắt, tôi biết đây là con mắt trái. Đây là lưỡi, tôi biết đây là đầu lưỡi. Đây là tai, đây là trái tim, đây là lá phổi, đây là lá gan v.v… Phải nhận diện từng bộ phận một cách rõ ràng, tường tận.

Trong phương pháp thực tập tại Làng Mai, chúng ta còn mỉm cười với bộ phận khi ta nhận diện được chúng, vì khi mỉm cười ta biểu lộ sự quan tâm, lòng ưu ái của chúng ta đối với bộ phận đó của cơ thể. Đây là lúc ta thực tập từ bi quán với chính thân thể ta.

Làng Mai còn có pháp môn thiền nằm, gọi là Thiền buông thư, Total relaxation. Trong giờ thiền nằm, chúng ta ý thức vềnhững bắp thịt trên mặt, sau cổ, trên vai, trong chân tay. Chúng ta mỉm cười với những bắp thịt đó để làm cho chúng thư giãn. Đó chỉ là một phần nhỏ trong phép thực tập quán chiếu về các bộ phận của cơ thể, và mục đích của nó là làm thư giãn để đối trị với một căn bệnh của thời đại, gọi là sự căng thẳng, stress.

Thiền buông thư chỉ có mục đích để đối trị với sự căng thẳng của tâm lý và sinh lý mà thôi. Chúng ta nên thực tập Thiền nằm như là một pháp môn để nhận diện, để ôm ấp những bộ phận của cơ thể, như kinh Tứ Niệm Xứ dạy.

Ví dụ, khi dùng hơi thở chánh niệm để tiếp xúc với lá phổi thì chúng ta thực tập như sau: Tôi đang thở vào và tôi có có ý thức về buồng phổi của tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với buồng phổi của tôi. Mình phải cho mình một thời gian khá lâuđể tiếp xúc và mỉm cười với buồng phổi. Mình biết rằng nếu phổi của mình yếu thì mình hay bị cảm, mình dễ bị lao. Nếu phổi mình yếu thì thận của mình cũng sẽ yếu theo, cho nên khi tiếp xúc với buồng phổi, và mình mỉm cười với buồng phổi thì tự nhiên mình có tuệ giác. Nhờ đó mà mình biết mình phải đi thiền hành đều hơn, mình phải lợi dụng không khí trong lành ở Làng Mai v.v… Mình chỉ cần thở cho nhẹ, cho sâu là mình đưa vào buồng phổi những thức ăn rất bổ dưỡng, tức là mình ưu ái, thương yêu lá phổi của mình. Tuệ giác đó, tình thương đó chỉ phát khởi khi ta tiếp xúc sâu sắc với lá phổi của ta. Nếu tiếp tục quán chiếu, tuệ giác của ta về lá phổi sẽ lớn hơn lên, và ta sẽ biết thương yêu lá phổi của ta nhiều hơn. Những người tiếp xúc với lá gan, mỉm cười với lá gan của họ, thì họ sẽ thấy lá gan cần sự che chở, đùm bọc và ưu ái của họ, do đó họ có thể quyết định không uống rượu, và không ăn những thức có quá nhiều dầu mỡ. Những tuệ giác đó đưa đến các lợi ích rất thiết thực cho lá gan của chính họ. Nếu cả 30 bộ phận của cơ thể đều được ôm ấp, ưu ái, thì toàn thân ta sẽ được nhờ rất nhiều.

Thêm vào đó, nếu tiếp tục quán chiếu, chúng ta sẽ thấy được tính cách vô thường của các bộ phận đó, một tuệ giác giúp ta thoát vòng sinh tử mà sau này mình sẽ có dịp nói đến nhiều hơn[1].

Kế đến, kinh Tứ Niệm Xứ dạy ta tiếp xúc với bốn yếu tố tạo nên cơ thể, gọi là Tứ đại chúng, Mah(bhuta: Đất, nước, lửa, và gió.

Đất là yếu tố rắn chắc, nước là yếu tố lưu nhuận, lửa là nhiệt lượng, gió là không khí. Trong khi ngồi, nằm, hoặc đi, đứng, chúng ta dùng hơi thở có chánh niệm để nhận diện bốn yếu tố đó ở trong thân thể. Dầu nó là thận, là tim, là phổi, là gan, thì các bộ phận đó đều được làm bằng bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Tôi đang thở vào và tôi nhận diện yếu tố nước trong tôi. Yếu tố nước mình thấy trong da thịt của mình, trong máu huyết của mình, trong mồ hôi, nước dãi của mình. Trong cơ thể, bộ phận nào cũng thấm nhuần yếu tố nước. Tính theo trọng lượng, cơ thể của chúng ta chứa khoảng 70% nước[1].

Tôi đang thở vào và tôi nhận diện yếu tố lửa trong tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với yếu tố lửa trong tôi. Lửa ở đây là nhiệt lượng. Không có nhiệt lượng thì không có sự sống. Nhiệt lượng ở trong ta cũng như ở ngoài ta, đều rất cần cho sự sống của ta.

Tôi đang thở vào và tôi nhận diện yếu tố đất trong tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với yếu tố đất trong tôi v.v…

Sau khi nhận diện được các yếu tố đất, nước, gió, lửa ở trong mình, thì mình cũng nhận diện được những yếu tố đó chung quanh mình. Mình biết rằng yếu tố nước ở trong mình và yếu tố nước ở ngoài mình, chẳng qua chỉ là một. Nội thân và ngoại thân chỉ là một. Những nhà bảo vệ sinh môi họ đã thấy rằng nếu yếu tố nước ở ngoài cơ thể con người bị ô nhiễm, thì yếu tố nước ở bên trong con người cũng sẽ bị ô nhiễm. Yếu tố không khí ở ngoài ô nhiễm, thì yếu tố không khí ở bên trong cũng sẽ ô nhiễm. Điều đó không ai là không thấy. Vậy mà con người trong thời đại chúng ta vẫn làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm trái đất!

Vì vậy bảo vệ cái gọi là phi ngã, tức là bảo vệ cái ngã; bảo vệ những yếu tố phi thân, tức là bảo vệ thân. Cứ tiếp tục như vậy thì ranh giới giữa thân và phi thân sẽ được tháo tung ra, và chúng ta thoát được khái niệm về ngã. Một thực tập rất đơn giản nhưng vô cùng mầu nhiệm.

Ngoàii ra, khi noùi veà thaân theå nhö laø moät ngoâi chuøa vaø chúng ta có thể trở về đó để nương tựa, thì chúng ta cũng nên biết rằng tăng thân cũng là một ngôi chùa, và tăng thân của chúng ta cũng là cơ thể của chúng ta, nơi chúng ta có thể nương tựa.

Ở Làng Mai chúng ta có bài tập:

Quay về nương tựa, Hải đảo tự thân, Chánh niệm là Bụt, Soi sáng xa gần.

Tự thân mình vốn là một ngôi chùa, vì vậy mà khi trở về với thân, trở về ngôi chùa thì thế nào mình cũng gặp Bụt. Trong khi đó thì:

Hơi thở là Pháp, Bảo hộ thân tâm.

Có Bụt thì có Pháp. Hơi thở là pháp sinh động chứ không phải là pháp thoại hay pháp đàm. Tại vì trong khi chúng ta thở ra, thở vào có chánh niệm, thì đó là pháp sinh động chứ không phải là pháp nói hay là pháp in trong sách, pháp in trên lá bối như ngày xưa. Bụt cũng là Bụt sống, mà pháp cũng là pháp sống. Thêm vào đó ta còn có:

Năm uẩn là tăng, Phối hợp tinh cần.

Khi trở về với thân thể tức là ta trở về với uẩn thứ nhất, sắc uẩn. Khi đã nhận diện được sắc uẩn, ta sẽ từ từ nhận diện bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành và thức. Đó là quá trình của sự thực tập. Năm uẩn đóng vai trò những yếu tố của tăng thân, và khi năm uẩn phối hợp lại và có hòa điệu với nhau thì thân thể có an lạc.

Làng Mai thường dùng danh từ tăng thân, tức là tăng như một cơ thể. Vì vậy sống trong tăng thân, chúng ta là một tế bào của tăng thân, và tăng thân là cơ thể thứ hai của chúng ta. Cơ thể đó cũng là một ngôi chùa, và chúng ta phải luôn luôn có mặt với ngôi chùa tăng thân để cho ngôi chùa đó được ấm cúng. Mỗi chúng ta đều có bổn phận xây dựng tăng thân của chúng ta, tại vì chính tăng thân đó là nơi nương náu của ta. Cách xây dựng tăng thân hay nhất là biến mình thành một yếu tố xứng đáng của tăng thân, tức là mình đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm. Khi thấy mình vững chãi như vậy, thì những yếu tố khác của tăng thân cũng sẽ vững chãi theo. Không phải do những trách cứ của mình, những than phiền của mình mà tăng thân được vững chãi. Mình xây dựng tăng thân bằng sự thực tập hơi thở chánh niệm của mình.

Thành ra không những sắc thân của ta là một hải đảo, nơi ta có thể trở về để nương tựa, mà tăng thân của ta cũng là một hải đảo để ta trở về nương tựa. Có rất nhiều người trong chúng ta biết rằng tăng thân của chúng ta tuy còn non yếu, còn những khuyết điểm, nhưng nó là nơi nương tựa vững chãi nhất của ta bây giờ. Rời tăng thân, chúng ta sẽ tự đánh mất ta rất dễ dàng.

Nếu muốn tăng thân này còn là chỗ nương náu thì chúng ta phải xây dựng cho nó. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tuy có những khuyết điểm, những yếu kém, nhưng nó là một trong ba bảo vật của chúng ta, nó là tăng bảo. Vì vậy chúng ta phải xây dựng cho nó, bằng cách giữ gìn chánh niệm của tự thân chúng ta trong từng giây từng phút. Vì vậy mà khi một người nói: Tôi không còn tin vào tăng thân này nữa, tức là người đó nói: Tôi không còn tin vào chính tôi nữa. Tại vì mình chính là tăng thân của mình. Bám sát lấy tăng thân là sự thực tập của chúng ta.

Chúng ta biết rằng cuộc đời như là một cơn bão tố, như là những đợt sóng đánh bạt chúng ta ra, vì vậy mà chúng ta đã kết hợp với nhau thành một tăng thân, và ta không thể không bám vào tăng thân, không thể không gây dựng cho tăng thân. Chúng ta phải làm sao để mỗi ngày tăng thân trở nên chỗ nương náu vững chãi hơn cho bản thân của chúng ta. Xây dựng tăng thân bằng bước đi an lạc của chúng ta, bằng cách nâng ly trà, bằng cách nói lời ái ngữ.

Ai trong chúng ta cũng có những phương tiện rất rộng rãi, rất mầu nhiệm để xây dựng tăng thân của mình, đừng bỏ phí mà quá uổng.

(Còn tiếp)

Thích Nhất Hạnh

Langmai.org