Thiền tập trong Đạo Bụt

TU LÀ TRỞ VỀ SĂN SÓC CHÍNH BẢN THÂN TA

Trong đời sống hàng ngày của người tu thiền, trước hết chúng ta phải học cách săn sóc thân thể của chúng ta, trở về với thân thể, làm quen lại với thân thể và tạo ra niềm vui, niềm an lạc, sự thoải mái, sự điều hòa cho thân thể. Chúng ta phải làm như vậy. Nếu chưa làm được hoặc không làm được thì chúng ta phải hỏi thầy, hỏi bạn tại sao tôi loay hoay mãi, mà tôi không làm hòa được với thân thể của tôi? Tôi không có cảm giác thoải mái với thân thể của tôi? Mình phải cương quyết tìm cho được những phương pháp để trở về với thân thể, để thống nhất với thân thể, để đoàn tụ với thân thể, để chăm sóc thân thể, để có hạnh phúc với thân thể. Nếu không làm việc đó tức là mình không tu.

Tu không có nghĩa là đày đọa thân thể, ruồng bỏ thân thể. Bụt Thích Ca đã thấy được điều đó và đã dạy cho chúng ta điều đó.

Kế đến là đối với cảm thọ. Chúng ta phải trở về với cảm thọ, phải nhận diện các cảm thọ, phải làm cho các cảm thọ được lành mạnh, và phải biết cách chuyển hóa các cảm thọ tiêu cực. Chúng ta phải săn sóc cảm thọ vì cảm thọ của chúng ta là chính chúng ta. Chúng ta có những nỗi khổ niềm đau hằng ngày, nếu không biết chăm sóc những nỗi khổ niềm đau đó thì thử hỏi ai có thể chăm sóc được cho mình? Bạn mình, thầy mình có thể giúp đỡ một phần nào, nhưng chúng ta là nhân vật chính để chăm sóc những nỗi khổ niềm đau đó. Tại vì thân thể của chúng ta cũng như cảm thọ của chúng ta là thuộc về lãnh thổ của chúng ta.

Nếu chúng ta là một ông vua, một ông tổng thống, hay là chủ tịch nhà nước thì chúng ta có bổn phận phải chăm sóc lãnh thổ, phải làm cho có an lạc, hòa bình, no ấm trong lãnh thổ đó. Nếu không làm công việc đó tức là chúng ta không làm tròn bổn phận của một ông vua, hay là một ông tổng thống. Vì vậy trở về với thân, trở về với thọ, là trở về lãnh thổ của chính mình, và mình phải biết cách chăm sóc, biết phương thức xây dựng.

Cũng như một người làm vườn. Trong vườn có những cây lớn, cây quý, có những cây mười năm, có những cây vừa mới trồng. Trong vườn cũng có những cỏ rác, những cây gai góc, những cây dại. Là người làm vườn, mình có chủ quyền và có bổn phận đối với khu vườn của mình. Nếu khu vườn của mình tan hoang, không được chăm sóc, cỏ gai mọc đầy, làm chết đi những cây hoa quý, những cây ăn trái ngon ngọt, thì đó là lỗi của mình. Vì vậy cho nên trở về chăm sóc lấy thân, chăm sóc lấy thọ là rất quan trọng.

Có nhiều người không muốn trở về, tại khi trở về họ thấy có những niềm đau, cho nên họ thường trốn tránh. Trong xã hội chúng ta có rất nhiều người áp dụng phương pháp đó. Họ chạy trốn bản thân của họ, chạy trốn lãnh thổ của họ, và đi tìm sự quên lãng ở những nơi khác, không phải là bản thân của họ. Trên thị trường chúng ta thấy có bán rất nhiều những vật phóng độc để giúp chúng ta trốn chạy cái bản thân của chúng ta. Trong đó có những chương trình truyền thanh, truyền hình, sách báo, quán rượu, vũ trường v.v… Đó là vì con người của thời đại chúng ta không có khả năng trở về để chăm sóc lấy khu vườn của mình, chăm sóc lãnh thổ của mình. Con người của thời đại chúng ta muốn chạy trốn bản thân, vì vậy cho nên người ta mới bán hàng được, và người ta mới làm giàu được! Chúng ta muốn tìm sự ẩn núp, sự quên lãng trong sách báo, trong tiểu thuyết, vì vậy mà người ta cung cấp sách báo, tiểu thuyết để chúng ta tự quên mình, và chúng ta biết rõ trong số những sách báo, tiểu thuyết đó có rất nhiều độc tố.

Khi tiêu thụ những sách báo và tiểu thuyết đó, chúng ta đem thêm vào trong chúng ta những niềm đau. Những chương trình truyền hình cũng vậy, chúng cũng có những độc tố và khi chúng ta nương náu, ẩn núp trong những chương trình đó, thì chúng ta có thể tạm thời quên những đau khổ của chúng ta. Nhưng trong thời gian đó những chương trình kia có thể truyền vào trong ta không biết bao nhiêu yếu tố độc hại. Chúng ta để cho con cháu chúng ta tự đầu độc mỗi ngày như vậy, và chúng ta cũng để cho chính chúng ta tự đầu độc như vậy!

Cho nên tu có nghĩa là cương quyết làm một cuộc trở về, dù biết rằng tại quê hương, tại lãnh thổ của mình, tại khu vườn của mình có những sự đổ vỡ, nhưng mình vẫn cương quyết trở về để xây dựng lại quê hương, xây dựng lại lãnh thổ, xây dựng lại mảnh vườn đã tan nát vì gió bão. Gió bão đó là do sự không tu học, không tự bảo vệ lấy mình trong quá khứ và ngay cả trong hiện tại.

Cố nhiên lãnh thổ của chúng ta cũng là 51 tâm hành, và khi trở về thì chúng ta đối diện, chúng ta tiếp xúc với những tâm hành đó. Chúng ta biết có những tâm hành thiện, những tâm hành rất dễ chịu. Chúng ta có những tâm hành đó nhưng chưa bao giờ chúng được tiếp xúc, chưa bao giờ được nâng niu, chưa bao giờ được tưới tẩm, chưa bao giờ được phát triển, cho nên những tâm hành đó nằm rất sâu trong vùng đất tâm của chúng ta. Chúng ta có tình thương, chúng ta có hiểu biết, chúng ta có từ bi, chúng ta có niềm vui.

Nói rõ ra, chúng ta có những tâm hành tích cực như là tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại v.v… Nhưng vì không được tiếp xúc, những tâm hành đó bị chôn lấp rất sâu trong tâm địa của chúng ta. Thành ra bây giờ chúng ta hãy trở về để cương quyết khai quật những tâm hành đó, cương quyết nhận diện những tâm hành đó, cương quyết tưới tẩm, chăm sóc những tâm hành đó, để cho chúng mọc lên thành những cây hoa, những khóm lá, làm đẹp khu vườn của chúng ta. Chúng ta có thể làm chuyện đó với sự giúp đỡ, soi sáng của thầy, của bạn. Đó là yếu tố tích cực của một tăng thân.

Khi trở về, chúng ta cũng biết rằng có những sự đổ nát, những giận hờn, những tuyệt vọng, những nghi ngờ, những kiêu mạn, những nội kết, nằm đầy dẫy trong ta, gây khổ đau trong ta. Chính vì những cái đó mà chúng ta không muốn trở về nhà!

Giờ đây chúng ta cương quyết lãnh trách nhiệm trở về để sắp đặt, để xây dựng lại, vì nếu chúng ta không về thì ai về? Chúng ta biết rằng nếu có một khu vườn thì chúng ta có bổn phận phải bảo vệ cho khu vườn đó, vì những tai biến có thể xảy ra! Có những trận bão, những trận mưa, những trận lụt có thể làm cho khu vườn ta hư hại. Vì sự không chăm sóc của chúng ta, khu vườn có thể tan nát. Sự tan nát này có thể một phần nào vì những yếu tố ở bên ngoài, nhưng rất có thể vì những yếu tố từ bên trong ta. Trong cả hai trường hợp, chúng ta là người chịu trách nhiệm.

Chúng ta phải tổ chức để bảo vệ khu vườn tâm của chúng ta. Những cây mới trồng thì chúng ta phải dựng cọc vững trong đất để giữ, nhờ vậy mà những ngọn gió mạnh thổi qua không làm cho những cây đó ngả nghiêng, trốc gốc. Gió bão là chuyện có thể xảy ra, là chuyện tự nhiên. Mưa cũng vậy, nếu chúng ta vừa trồng một luống hoa thì chúng ta có thể nghĩ rằng luống hoa đó có thể bị mưa nặng hạt làm cho tan nát, vì vậy, với luống hoa mới trồng, chúng ta phải tìm cách che chở. Nếu chúng ta ở những nơi thời tiết rất nóng, thì những cây hoa, cây cải mà chúng ta mới trồng đó, để cho chịu nắng một ngày thì chúng có thể chết khô! Vì vậy mà sau khi trồng rau, trồng cải, trồng hoa, chúng ta phải che cho những cây đó trong vòng ba hay bốn ngày, mỗi ngày phải tưới cho chúng hai lần, sáng và chiều. Sau thời gian cần thiết để cho luống cây bắt rễ và có thể tự sống được, lúc đó chúng ta mới có thể lấy những mái che đi để cây có nắng. Đó là những chuyện mà người làm vườn có thể làm được, và phải làm.

Người làm vườn còn phải nhổ cỏ, phải xới đất, nhiều khi lại còn phải mặc áo cho cây. Đi vào những công viên Tây phương hay Nhật Bản, quý vị sẽ thấy người ta mặc áo cho cây và chăm sóc cây một cách rất kỹ lưỡng. Chúng ta cũng phải làm như vậy. Chúng ta biết rằng có thể có những tai biến xảy ra trong thiên nhiên và khu vườn của chúng ta sẽ bị hư hại, cho nên chúng ta phải biết cách để bảo vệ khu vườn của chúng ta. Một người làm vườn giỏi không bao giờ trách móc những điều kiện thiên nhiên. Người làm vườn giỏi luôn luôn dùng trí tuệ, dùng kinh nghiệm của mình để bảo vệ cho khu vườn của mình đừng để cho những yếu tố tiêu cực ở bên ngoài làm cho cây hư hại.

Tương tự như vậy, lãnh thổ của chúng ta gồm có thân, có tâm, chúng ta phải chăm sóc và bảo vệ cho những yếu tố đó. Chúng ta phải làm sao để cho những yếu tố tiêu cực tức là những tâm hành bất thiện, không được tưới tẩm mỗi ngày, để chúng không lớn lên. Đó cũng như đừng tưới tẩm những cỏ gai trong vườn, trái lại còn phải làm cỏ, nhặt gai cho sạch. Ví dụ chúng ta thấy trong tâm ta có một khối nội kết, một hạt giống của sự giận hờn, thì ta phải biết hơn ai hết, là ta có một nội kết giận hờn ở trong ta. Nếu trong tâm ta có một nội kết về nghi ngờ, chúng ta biết rằng sự nghi ngờ có thể phá hoại cả cuộc đời của chúng ta. Trong trường hợp đó chúng ta phải biết chính nội kết nghi ngờ là yếu tố nguy hiểm nhất ở trong ta, chúng ta có bổn phận phải đề phòng, phải bảo vệ cho thân và tâm của ta. Cũng như trong một nước Tây phương có nhà máy sản xuất điện năng bằng nguyên tử, họ phải biết thật rõ rằng sử dụng nguyên tử là rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận, chẳng những họ có thể làm tan nát đất nước của họ, mà họ còn làm hại luôn cả thế giới.

TU LÀ TẬP ĐIỀU PHỤC THÂN TÂM

Chúng ta cũng vậy, chúng ta thấy trong ta có những yếu tố tiêu cực như là nội kết tham dục, giận hờn, tuyệt vọng, nghi ngờ, ganh ghét. Những thứ đó có thể làm hư cuộc đời của chúng ta, cho nên chúng ta phải rất thận trọng trong việc chuyển hóa chúng. Khi người kia nói một điều, hay làm một điều gì có tính cách tưới tẩm hạt giống giận hờn hay nghi ngờ của mình, thì mình phải biết những phương pháp để đối trị, cũng như người làm vườn phải biết phương pháp để bảo vệ những hạt giống, những luống hoa trong vườn của mình. Nếu anh, nếu chị chưa biết những phương pháp đó thì anh phải học, chị phải học. Anh và chị không thể để trôi qua như vậy. Nếu mình chưa nắm được phương pháp, và chưa có trí tuệ để chăm sóc và đối trị với cái giận, cái nghi ngờ, hoặc sự tuyệt vọng của mình, thì mình phải học và học ngay từ ngày hôm nay, rồi phải đem ra thực tập liền lập tức, không để cho nó kéo dài từ ngày này sang ngày khác được. Đó là điều mình phải tự nhắc mình mỗi ngày.

Người không tu hoặc chưa biết cách tu thì thường đổ lỗi cho những yếu tố xảy ra quanh mình: Sở dĩ tôi không được an lạc, sở dĩ tôi không được giải thoát, sở dĩ tôi không được hạnh phúc là tại anh, tại chị, tại cái này, tại cái kia! Người đó không bao giờ nói rằng tại vì tôi. Bụt nói rằng người làm khổ mình nhiều nhất là bản thân của mình. Chúa Kitô cũng dạy con chiên nhận rằng Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng! Vậy mà mình không bao giờ trách móc bản thân mình, mình chỉ trách những người khác, trách những yếu tố khác.

Nếu người làm vườn giỏi không than trời trách đất, chưởi mắng mưa gió, thì một người tu hành giỏi cũng không than trách những yếu tố chung quanh mình, mà phải thấy rằng mình có bổn phận, có nhiệm vụ chăm sóc lãnh thổ của mình. Những người kia có quyền nói, có quyền hành động trong khu lãnh thổ của họ. Những điều họ nói hay làm đó cũng giống như những trận mưa hay cơn gió, tất nhiên có ảnh hưởng đến lãnh thổ của họ, nhưng cũng có thể có ảnh hưởng đến lãnh thổ của mình.

Mình có bổn phận bảo vệ lãnh thổ của mình, mình phải làm thế nào để những trận gió, những cơn mưa đó không tác hại trên lãnh thổ của mình. Đó là tất cả vấn đề. Cũng như có nhiều quốc gia họ thiết lập hệ thống Quarantine. Khi có một du khách vào nước họ và mang theo cây cối hay hoa trái, hoặc thực phẩm, thì họ xét rất kỹ. Tại vì đem vào những loại thực vật hay thức ăn, người ta có thể mang theo những vi khuẩn, những con sâu, mà nếu chúng phát triển ra thì chúng phá hoại mùa màng trong đất nước đó. Khi xét thấy trong hành lý của du khách có những phẩm vật đó thì họ buộc lòng phải tịch thu, đem vào trong phòng hoặc để hủy diệt, hoặc cất giữ. Tại phi trường, người ta có những văn phòng để làm việc này. Khi người du khách kia đem những phẩm vật không được phép mang theo thì người ta giữ các thức đó lại ở phi trường, và khi du khách đó rời khỏi nước thì họ có quyền nhận lại và mang lên máy bay theo mình.

Giữ gìn như vậy là để cho những con sâu, con vi khuẩn từ bên ngoài không thể xâm nhập được vào trong lãnh thổ của họ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải sử dụng những phương pháp để bảo vệ thân và tâm của chúng ta. Mỗi khi có một lời nói hay một động tác nào có thể gây tai hại trong lãnh thổ, thì chúng ta phải làm thế nào để cho chúng đừng đi vào lãnh thổ, hoặc khi đã vào rồi thì chúng phải được chuyển hóa.

HỘ TRÌ SÁU CĂN LÀ MẤU CHỐT CỦA TU HỌC

Chúng ta đừng mở rộng hai tay để tiếp nhận độc tố từ bên ngoài đi vào trong ta. Bụt thường nói chuyện này. Bụt nói rằng thân tâm mình như là một thành trì, và thành trì đó phải có người giữ, cái gì bước vào mình phải biết, cái gì bước ra mình cũng phải biết. Đó gọi là hộ trì sáu căn. Những cái gì đi vào từ cửa mắt, cửa mũi, cửa tai, cửa thân, cửa ý là mình phải nhận diện và quyền của mình là có cho những cái đó đi vào, hay không cho chúng vào. Mình có thể từ chối, mỉm cười và nói: Xin lỗi, tôi không muốn anh vào! Và cái đó không tác hại mình được. Tại vì mình cho nó vào, tại vì mình không có khả năng hộ trì, cho nên mình mới để cho cơn gió đó đánh thốc vào trong lãnh thổ của mình. Nếu anh, nếu chị chưa có sức mạnh, chưa có nghệ thuật, chưa có phương pháp để bảo vệ lãnh thổ của anh, của chị thì anh và chị phải học và phải học liền ngày hôm nay.

Chúng ta không thể để cho lãnh thổ của mình trở nên một bãi chiến trường của người khác. Họ nói những điều, họ làm những điều có thể tạo ra những nghi ngờ, tạo ra những sân hận, tạo ra sự tuyệt vọng ở trong mình, và nếu mình cứ để cho những thứ đó đi vào và tác hại, tức là mình không biết bảo vệ lãnh thổ của thân tâm mình. Sự bảo vệ thân tâm đó là mấu chốt của sự tu học, Bụt dạy đó là hộ trì sáu căn.

Khi nắm vững được tình trạng đó thì mình có thể duy trì được những hạnh phúc trong con người của mình, và cái hạnh phúc đó, cái an bình đó, người ngoài nhìn vào họ sẽ trông thấy và họ cũng sẽ được hưởng. Cũng như một buổi sáng có nắng ấm, có trời trong, có chim hót, thì mình biết rằng nắng mai, trời xanh, chim hót, là những yếu tố rất lành mạnh, mình sẵn sàng mở cửa để cho những yếu tố đó đi vào trong mình.

TU LÀ HỌC TẠO DỰNG HẠNH PHÚC

Chúng ta hãy tự hỏi rằng mình có khả năng tự bảo vệ lãnh thổ của mình không? Khả năng đó đã đạt tới mức độ nào? Nếu mức độ đó còn thấp thì chúng ta phải lo tu tập, phải học hỏi thêm, tại vì hạnh phúc sẽ không bao giờ có nếu chúng ta không học nghệ thuật bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ thân tâm của chúng ta.

Chúng ta nên hỏi câu hỏi thứ hai là chúng ta có khả năng có hạnh phúc hay không? Đây là điều rất quan trọng, tại vì những yếu tố của hạnh phúc luôn luôn có đó. Những điều kiện của hạnh phúc có thể có trong nội tâm và ngoài hoàn cảnh, nhưng chúng ta không có khả năng sử dụng chúng, vì vậy mà hạnh phúc không phải là của ta, không phải là cái mà ta đang có. Dù trời có xanh, dù nắng có đẹp, dù tiếng chim hót có hay, nhưng vì tâm của chúng ta bị vướng bận, bị làm nô lệ cho những suy tư vớ vẩn, cho những cơn giận, cho những sự lo lắng, ước mơ, thì những hạt nắng đẹp đó, tiếng chim hót đó không đủ làm cho chúng ta có hạnh phúc. Vì vậy chúng ta phải đặt câu hỏi: Chúng ta có khả năng có hạnh phúc hay không?

Nếu chưa có khả năng đó hay có ít, thì chúng ta phải tu tập, phải bồi dưỡng bằng những pháp môn như thiền hành. Chúng ta có hai chân như bất cứ một ai trong đại chúng, có hai mắt như bất cứ một ai trong đại chúng, có hai lỗ tai, có hai lá phổi, chúng ta thở được như đại chúng. Tức là chúng ta có đủ điều kiện để có thể vui hưởng những giờ phút thiền hành. Nhưng nếu trong khi đi thiền hành mà chúng ta không có được niềm vui, không có được hạnh phúc, không có được an lạc, tức là chúng ta không có khả năng có hạnh phúc.

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là bước đi một bước và thấy được cái an lạc, thảnh thơi, nhẹ nhàng ở trong bước chân đó. Nếu anh không làm được chuyện đó thì làm gì anh cũng không có hạnh phúc hết.

Ví dụ bây giờ chúng ta nghe tin Bụt hiện đang ở trên núi Linh Thứu, và ngài cho phép những ai muốn, thì tới núi Linh Thứu để được đi thiền hành cùng với ngài, để được leo lên núi Thứu một lần với ngài. Nếu vậy thì có vô số Phật tử, nhất là những người giàu có, sẽ mua vé, bay sang Ấn Độ để đến núi Linh Thứu cho đúng giờ để đi cùng với Bụt. Tại vì bao nhiêu ngàn năm mới có một cơ hội để đi thiền hành với Bụt! Với cái quyết tâm rất lớn, bỏ hết công việc, bỏ ra một số tiền lớn, dành thì giờ, sắp đặt, nhờ người thay thế cho mình trong những ngày đó để mình có thể bay sang Ấn Độ, tìm đến chân núi Thứu.

Tuy vậy, khi mình đứng ở chân núi Thứu, thấy Bụt, nhưng mình đã có điều kiện để đi thiền hành với Bụt chưa? Hôm đó mình thấy có hai, ba ngàn người, và có người được đứng gần Bụt, còn mình thì phải đứng cách ngài khá xa, cho nên trong lòng mình sanh ra sự bực tức, ganh tị! Nếu ta đến sớm chừng vài tiếng thì giờ này chắc ta được đứng cạnh Bụt!

Cái tâm so đo, phân bì đó nó làm cho chúng ta không được an lạc. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu cái tâm tư như vậy nó làm cho mình không có sự an bình để leo lên núi. Đó là chưa nói đến chuyện giận con, giận vợ, giận chồng, giận ông chủ hãng, và những điều đó chúng vẫn lẽo đẽo theo mình đi về núi Thứu! Thử hỏi như vậy thì mình có khả năng bước những bước thảnh thơi bên Bụt hay không?

Trong khi đó thì tại Làng Mai, mỗi ngày mình đều được đi thiền hành với đại chúng, và nếu biết làm cho tâm của mình an lạc, lắng đọng lại những vọng tưởng, thì mỗi bước chân mình đặt lên trên mảnh đất của Làng Mai có thể là một bước chân đặt lên núi Thứu, và có thể có giá trị hơn bước chân của người đã bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ và tiền bạc để bay sang Ấn Độ, hy vọng tìm được an lạc trong bước thiền hành với Bụt. Bước chân của chúng ta ở đây có giá trị gấp trăm, gấp ngàn lần bước chân của người không có sự an tịnh, không có hạnh phúc. Mảnh đất này, nếu chúng ta bước được những bước thảnh thơi, an lạc thì nó còn có tính cách linh thiêng hơn cả núi Thứu!

Núi Thứu mà linh thiêng là nhờ bước chân của Bụt, còn nếu chúng ta không bước được bước chân của Bụt thì núi Thứu là cũng như bất cứ núi nào khác mà thôi.

(Còn tiếp)

Thích Nhất Hạnh

Langmai.org