Ba trung tâm Phật giáo đời Hán

NGUỒN GỐC ĐẠO BỤT TẠI VIỆT NAM

Trong khoảng từ thế kỷ đầu trước Chúa Kitô giáng sinh, cho đến thế kỷ thứ Nhất sau Chúa Kitô giáng sinh, đạo Bụt đã đi vào Việt Nam và đi vào trực tiếp chứ không qua ngã Trung Hoa rồi truyền xuống như nhiều người thường tưởng.

Hồi đó ở miền bờ biển phía Đông Ấn Độ có hai trung tâm nổi tiếng của đạo Bụt Đại thừa. Một trung tâm gọi là Amarabati[1], và một gọi là Nagarjuna Konda. Từ những trung tâm này mà đạo Bụt đã được truyền sang Việt Nam. Sự du nhập của đạo Bụt vào Việt Nam trong thời đó là qua đường hàng hải và do những nhà buôn người Ấn đem tới.

Trong những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch, Ấn Độ đã có liên hệ thương mại trực tiếp với Trung Đông và gián tiếp với các nước vùng Địa Trung Hải. Hồi đó đế quốc La Mã rất cần những hàng hóa như lụa, ngà voi, vàng, ngọc, và những hương liệu như trầm, quế, tiêu v.v… Các thương gia Ấn Độ không có đủ những thứ đó để cung cấp cho đế quốc La Mã vì họ tiêu thụ quá mạnh, cho nên các thương gia Ấn Độ cứ đợi đến mùa gió Đông Nam thì thả thuyền đi về hướng Mã Lai, Nam Dương và Việt Nam. Khi đến nơi, họ ở lại buôn bán, mua thêm hương liệu, và đợi cho đến năm sau, khi có gió mùa thì họ mới xuống thuyền để trở về Ấn Độ. Trong thời gian lưu trú tại các nước như Việt Nam, tuy họ không phải là những nhà truyền giáo, nhưng họ phải thực tập tôn giáo của họ. Vì vậy mà người Việt thời đó mới bắt đầu biết đến đạo Bụt. Trong việc thực tập tôn giáo, các thương gia người Ấn thờ Bụt trong những bảo tháp có những tượng trưng cho Xá Lợi của Bụt mà họ thỉnh theo. Họ đốt nhang, đốt trầm, họ đọc kinh, đọc Tam quy, đọc Ngũ giới. Vì vậy mà người Việt bắt đầu có dịp tiếp xúc với giáo pháp của đức Như Lai và bắt đầu theo đạo Bụt.

Cùng với đạo Bụt, các thương hồ còn đem theo những sản phẩm khác, như niên lịch Ấn Độ, thuốc men, các phương pháp trị liệu của Ấn Độ, và các cách quan sát tinh tú của người Ấn v.v… Vì vậy hồi đó người Việt chúng ta học được của Ấn Độ rất nhiều, từ thiên văn, y khoa, niên lịch, cho đến các phương pháp canh tác của họ.

Hồi đó chúng ta chưa có tên là Việt Nam mà có tên là Giao Chỉ. Giao, đúng ra nó có nghĩa là giao tiếp tại vì địa bàn củaViệt Nam là môi giới giữa hai nền văn hóa Ấn Độä và Trung Hoa. Thời đó có những nước nằm dưới ảnh hưởng của Ấn Độä, theo văn hóa Ấn Độ, trong đó có Giao Chỉ của chúng ta. Về sau, khi bị Trung Hoa xâm chiếm, chúng ta mới bắt đầu học và theo những yếu tố văn hóa của Trung Hoa.

Ngày nay người ta vẫn còn gọi ba nước Việt Nam, Lào, và Cao Miên là Indo China. Đó cũng cùng một ý niệm, tức là vùng đất này nằm giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa.

Đã có người cho rằng chữ giao này có nghĩa là “Giao Long”, tại vì họ thấy người Việt vẽ mình (Tattoo) và tự nhận là con cháu của Rồng và Tiên, cho nên họ nói vùng đất này là đất của con cháu Giao Long. Hồi đó người Việt theo nghề chài lưới thường vẽ hình rồng rắn trên người của họ. Khi lặn xuống biển nếu những con quái vật thấy thân hình của họ rằn rện như vậy thì chúng nghĩ đây là anh em của mình, không nên nuốt họ!

Tuy vậy, kỳ thực chữ giao ở đây có nghĩa là giao tiếp, nó có nghĩa là địa chỉ của một vùng đất, và vùng đất đó nằm ở nơi giao tiếp của hai nền văn hóa Hoa, Ấn.

Về sau khi nội thuộc Trung Hoa, tên Giao Chỉ được đổi thành Giao Châu, và trở thành một thuộc địa của Tàu. Nước ta bắt đầu bị Trung Hoa cai trị vào năm 111 B.C., một con số rất dễ nhớ! Người Hoa đô hộ nước ta cả ngàn năm mà dân ta vẫn không bị đồng hóa! Trong thời gian đó có rất nhiều cuộc nổi dậy để dành độc lập, nhưng chỉ thành công trong một thời gian ngắn rồi cũng bị đàn áp. Vào năm 40 A.D., có hai chị em tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị, đứng lên làm cách mạng, chiêu tập binh mã để đánh lại nhà cầm quyền người Hán. Hai bà đánh thắng được quân đô hộ và lập nền độc lập tự chủ cho nước Việt được ba năm, nhưng sau đó thì bị tướng nhà Hán là Mã Viện đem quân sang đánh bại.

Trước nhà Hán, Giao Chỉ có tên là Nam Việt và dòng dõi vua chúa Trung Hoa cai trị nước Nam Việt hồi đó là nhà Triệu. Có nhiều đời vua như Triệu Vũ Vương, Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương, Triệu Ai Vương và Triệu Dương Vương. Đến năm 111 trước Tây lịch thì nước ta bị nhà Hán xâm chiếm, và trở thành một bộ lạc của Tàu, gọi là Giao Chỉ Bộ. Hồi đó đất của Giao Chỉ Bộ rất lớn, bao gồm luôn hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam. Cố nhiên là miền Bắc và miền Trung của nước Việt Nam bây giờ cũng thuộc Giao Chỉ Bộ. Vì vậy lãnh thổ của nước ta hồi đó lớn lắm. Trong lịch sử, đã có nhiều lần chúng ta sang Tàu để đòi lại những vùng đất đó, nhưng không được vì lý của kẻ mạnh!

Trước khi có nước Nam Việt thì đã có nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc gồm hai nước là nước Thục và nước Văn Lang hợp lại. Văn Lang là tên đầu tiên của nước Việt Nam, rất hay. Văn tức là văn vẻ, đẹp đẽ, còn Lang tức là hiền lành, như là ông lang. Vào thời chúng ta còn là nước Văn Lang thì có họ Hồng Bàng trị vì (2879 B.C. – 258 B.C.)[1]. Hồng Bàng nghĩa là con chim rất lớn, rất vĩ đại. Trong thời nước ta mang tên là Âu Lạc thì nhà Thục (257 B.C. – 207 B.C.) cầm quyền. Nhà Thục ở đây không phải là nhà Thục bên Tàu. Có những truyền thuyết rất hay xảy ra trong thời Hồng Bàng như Phù Đổng Thiên Vương; chuyện bánh chưng, bánh giầy; hay chuyện trầu cau v.v… Những chuyện xảy ra trong thời Âu Lạc như là Trọng Thủy Mỵ Châu, đều là những truyền thuyết rất hay, chúng ta nên tìm đọc để biết.

Nước Thục là một nước ở gần Văn Lang. Hồi đó Văn Lang yếu cho nên nhà Thục mới sang xâm chiếm và hợp hai nước Thục và Văn Lang lại thành một gọi là nước Âu Lạc. Tuy vậy nền văn hóa của Văn Lang vẫn còn rất Việt Nam. Âu có thể là từ tên nàng Âu Cơ, người tiên nữ tượng trưng cho giống chim Lạc, vì vậy mà gọi là nước Âu Lạc.

Có một tài liệu trong Hậu Hán thư chứng tỏ rằng trong thời nhà Triệu (207 B.C. – 111 B.C.) quốc hiệu ta vẫn còn là Nam Việt. Hồi đó người Việt có qua mua những dụng cụ canh nông bên nhà Hán và tài liệu về quốc hiệu vẫn còn được lưu giữ. Nam Việt này không phải là Nam Việt, tên của miền Nam Việt Nam thời Pháp thuộc. Trước đó thì nền văn hóa của Văn Lang và Âu Lạc còn rất là Ấn Độä. Bắt đầu sang nhà Triệu thì đã có những yếu tố của nền văn hóa Trung Hoa. Từ khi chúng ta bị nhà Hán đô hộ thì văn hóa Trung Hoa mới bắt đầu đưa qua nhiều. Trong thời gian đó có hai nhà văn hóa Trung Hoa tên là Tích Quang và Nhâm Diên nỗ lực dạy chữ Hán cho người Giao Chỉ. Hai người này là hai người khá dễ thương, Đó là vào thế kỷ thứ Nhất sau Chúa Kitô giáng sinh. Tích Quang và Nhâm Diên đưa phương pháp canh tác ruộng nương của Trung Hoa vào áp dụng ở Việt Nam. Ngoài ra chúng ta còn bắt đầu học của người Trung Hoa những tục lệ về đám cưới, đám hỏi, dạm ngõ, đám ma v.v… Trước đó thì chúng ta sử dụng phương pháp của Ấn Độä nhiều hơn.

Cai trị Trung Hoa hồi đó, khoảng hai trăm năm trước Chúa Kitô giáng sinh là nhà Tây Hán, Western Han hay Former Han(206 B.C. – 9 A.D.) và hai trăm năm sau Chúa Kitô giáng sinh là nhà Đông Hán, Eastern Han (25 A.D. – 220 A.D.), còn gọi là Hậu Hán (Later Han), với khoảng 15 năm bị gián đoạn giữa hai triều đại, tức là thời Vương Mãng cướp ngôi của Tây Hán.

Chính trong thời nhà Hán mà đạo Bụt từ Ấn Độ truyền sang Việt Nam, và như đã nói ở trên, truyền sang trực tiếp chứ không phải đi qua ngã Trung Hoa như nhiều người thường nghĩ.

Ngày nay chúng ta thấy có nhiều tài liệu cho rằng đạo Bụt ở Việt Nam là từ Trung Hoa truyền xuống. Nhưng sự thật là ngược lại, đạo Bụt được truyền từ Ấn Độ sang Việt Nam trước, rồi trong những thế kỷ đầu Tây lịch, đạo Bụt từ Giao Chỉ mới truyền lên miền Bắc, tức là đi sang Trung Hoa, trong triều đại nhà Hán. Có rất nhiều sử liệu minh xác sự kiện này. Trong các tài liệu nghiên cứu đạo Bụt như Từ Điển Phật Học của Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách[1] cũng nói rõ điều này.

BA TRUNG TÂM PHẬT GIÁO ĐỜI HÁN

Trong thế kỷ đầu sau Chúa Kitô giáng sinh, bên Trung Hoa nhà Hán có hai trung tâm Phật giáo, và tại Giao Châu, tức là Việt Nam hồi đó, có một trung tâm. Tuy vậy chỉ có trung tâm Phật giáo ở Giao Châu là có người xuất gia bản xứ, còn hai trung tâm ở Tàu thì người Trung Hoa không được phép xuất gia.

Nhìn vào bản đồ nước Trung Hoa của nhà Hán hồi đó (Hình 5), ta thấy hai có hai con sông Dương Tử (Yangtze) và Hoàng Hà (Huang He, Yellow river). Hồi đó tại đây có một trung tâm Phật giáo gọi là trung tâm Lạc Dương (Luoyang), ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam bên Tàu, và một trung tâm khác là Bành Thành (Pengcheng), thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Tại Việt Namthì có một trung tâm tên là Luy Lâu, tọa lạc tại phía Đông Bắc Hà Nội, ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

NGUỒN GỐC TRUNG TÂM LUY LÂU

Như đã nói ở trên, chỉ tại trung tâm Luy Lâu mới có người bản xứ xuất gia. Trong tác phẩm Hậu Hán Thư, tức là tác phẩm ghi chép những điều xảy ra trong thời nhà Hán, không thấy nói gì về Giao Chỉ. Đó là vì Giao Chỉ nằm rất xa ở dưới miền Nam. Ngôn ngữ và văn hóa dưới đó cũng rất khác. Tuy văn hóa nhà Hán có du nhập vào vùng đất này, nhưng văn hóa Ấn Độä tại đó vẫn còn rất mạnh. Vì vậy mà tuy thời đó Giao Chỉ thống thuộc nhà Hán, nhưng Hậu Hán Thư hầu như không ghi chép gì hết về vùng đất này. Vì vậy cho nên trong khi ở miền Bắc, người trẻ tuổi bị cấm không được trở thành sư cô, sư chú, thì tại trung tâm Phật giáo ở Giao Chỉ, vì ở xa chính quyền trung ương, cho nên người bản xứ vẫn được phép xuất gia.

Vào cuối thế kỷ thứ Nhất và đầu thế kỷ thứ Hai sau Chúa Kitô giáng sinh, tại trung tâm Luy Lâu đã có ít nhất là 500 vị xuất gia người bản xứ. Cố nhiên lúc đó cũng có sự có mặt của nhiều vị xuất gia người ngoại quốc. Đó là những vị xuất gia từ Ấn Độ tới. Trước tiên họ đi theo những thuyền buôn. Khi đi buôn, thương hồ muốn cho chuyến đi bình an, muốn được Bụt gia hộ, cho nên họ thường thỉnh một thầy đi theo. Cũng như những thuyền nhân vượt biển thời nay, trước khi vượt biên, muốn cho chắc chắn, họ mời một thầy hay một sư cô đi vượt biên theo họ. Cũng nhờ đó mà hiện nay chúng ta có một số quý thầy, quý sư cô người Việt ở các nước Tây Phương. Ngày xưa cũng vậy, sở dĩ có một số các thầy ở Ấn Độä sang Việt Nam để hành đạo và dạy đạo, là nhờ các thương hồ mời họ đi theo. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là người tu đạo Bụt Đại thừa có hạnh nguyện phải đem giáo pháp đến tận các phương trời xa. Hai yếu tố đó đã khiến cho các thầy lên thương thuyền để đến những miền rất xa như là Giao Châu.

Tại Giao Châu hồi đó, yếu tố văn hóa Ấn Độ còn rất mạnh. Vì vậy khi các thầy bước lên vùng đất này thì có thể họ có cảm tưởng quen thuộc, không xa lạ lắm. Vì vậy khi đến Luy Lâu, các thầy có thể ở lại một năm, đợi mùa gió năm sau, mới trở về Ấn Độ. Cũng có thể vì thấy dân tình ở đây dễ thương cho nên họ ở lại lâu hơn. Không những các thầy ở lại lâu hơn mà các thương gia cũng vậy, đôi khi họ thấy miền đất mới hiền lành, đất lành chim đậu, cho nên họ ở lại lập nghiệp.

Điển hình là trường hợp của thầy Tăng Hội. Thầy là con của một thương gia người Khương Cư (Sogdiana) thuộc miền Bắc Ấn, đã theo đường hàng hải sang Giao Châu buôn bán. Ông thấy dân tình ở đây hiền lành, dễ mến nên không muốn trở về Ấn Độä nữa, và ở lại kết duyên với một cô gái Giao Châu. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai.

Khi con được 10 tuổi thì cả hai ông bà đều qua đời. Người con được nhận vào trung tâm Luy Lâu làm chú tiểu, và sau này trở nên thiền sư Tăng Hội. Nhờ đó mà chúng ta có một vị cao tăng dạy thiền, và là Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam. Đó là vào đầu thế kỷ thứ Ba.

Chúng ta nên biết rằng thầy Tăng Hội sinh trưởng ở Việt Nam, và cố nhiên là học Phật ở Việt Nam. Thầy dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Hán, nghĩa là thầy là người Việt có cả hai nền văn hóa Hoa, Ấn. Thầy học tiếng Phạn tại Việt Nam, cho nên chúng ta biết rằng hồi đó tại trung tâm Luy Lâu, các vị xuất gia đều được học tiếng Sanskrit và tiếng Hán.

Những thầy theo thương thuyền người Ấn và ở lại đóng đô tại Giao Châu, đã góp công xây dựng một cộng đồng tu học rất là quan trọng tại Luy Lâu. Hồi đó Luy Lâu là thủ phủ của Giao Chỉ mà ngày nay là tỉnh Bắc Ninh, phủ Thuận Thành. Bắc Ninh được xem là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam. Tôi cũng có gốc từ Bắc Ninh. Vào thời Chúa Nguyễn, tổ tiên của tôi từ Bắc Ninh đã đi vào miền Trung lập nghiệp.

THỜI ĐIỂM THÀNH LẬP CỦA BA TRUNG TÂM

Hồi đó Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo rất phồn thịnh, và chúng ta biết chắc rằng nó phồn thịnh hơn hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương. Lý do là ở các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành lúc đó chỉ có vài thầy, và họ toàn là người Ấn Độä. Trong khi đó thì ở Luy Lâu, chúng ta có hàng trăm thầy người Giao Châu.

Các học giả nghiên cứu ba trung tâm Phật giáo đời Hán đều đồng ý với nhau rằng chỉ có trung tâm Luy Lâu là chúng ta biết được nguồn gốc thành lập, còn hai trung tâm kia thì không ai quyết chắc được, không ai đồng ý được với nhau là nhờ đâu mà các trung tâm đó được tạo lập.

Trong công việc nghiên cứu của Làng Mai, chúng ta thấy có rất nhiều dữ kiện chứng tỏ rằng trung tâm Luy Lâu là bàn đạp để thành lập trung tâm Bành Thành, và trung tâm Bành Thành là bàn đạp để lập ra trung tâm Lạc Dương.

Hồi đó, kinh đô của nhà Hậu Hán là Lạc Dương (Luoyang). Từ Lạc Dương mà đi qua Ấn Độä bằng đường bộ thì rất khó, khó gấp trăm gấp ngàn lần đi bằng đường biển, tuy dài hơn nhưng an ninh hơn nhiều. Có những chi tiết trong Hậu Hán thư, và cũng có những chi tiết trong sách Ngô chí chứng tỏ rằng trung tâm Lạc Dương là do trung tâm Bành Thành mà được tạo dựng.

Sử sách có ghi rằng Hán Hoàng Đế thờ Lão Tử ở trong cung cùng với Bụt Thích Ca. Theo truyền thuyết thì vua Hán Minh Đế (58 A.D. – 75 A.D.), một đêm nằm mộng thấy một người vàng bay ở trước cung điện. Vua hoan hỷ ngắm nhìn. Sáng hôm sau thức dậy, nhà vua hỏi các quần thần: Đó là vị thần nào vậy? Một vị quan tên là Truyền Nghị tâu rằng: Muôn tâu, thần nghe ở nước Thiên Trúc có người đắc đạo, gọi là Phật, có thể phi hành trên hư không, thân thể có hào quang, có lẽ là vị thần ấy đấy! Vì lý do đó mà nhà vua liền cử một phái đoàn đi đường bộ sang nước Đại Nhục Chi (Scythia) để thỉnh kinh.

Sau nhiều năm vất vả vì chuyến đi, phái đoàn thỉnh được một bộ kinh, đó là kinh Tứ Thập Nhị Chương, đem về để tại một ngôi chùa gọi là chùa Bạch Mã. Trong thời Hán, Lạc Dương chỉ có hai ngôi chùa: chùa Bạch Mã và chùa Hứa Xương.

Câu chuyện trên đây được ghi chép đầu tiên trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, trong Lão Tử Hóa Hồ Kinh, và trong bài tựa kinh Tứ Thập Nhị Chương.

Trong suốt mười mấy thế kỷ đã được xem là câu chuyện thật về sự du nhập của Phật giáo vào đất Hán. Tuy vậy đã có quá nhiều nghi vấn được đặt ra về câu chuyện trên, làm cho nó mất hết giá trị lịch sử.

Trước hết, nếu Truyền Nghị có thể giải thích được giấc mộng của nhà vua, và biết được “người vàng” là Phật, thì có nghĩa ông ta đã nghe nói đến Phật giáo trước đó, nếu không thì ông biết đâu mà giải thích cho vua nghe? Nói một cách khác, nếu Truyền Nghị đã biết đến đức Phật, thì Phật giáo đã đến Trung Hoa trước khi vua Hán Minh Đế nằm mộng.

Thứ đến, dữ kiện về năm đi, năm về của phái đoàn thỉnh kinh, và tên tuổi các nhân viên của phái đoàn cũng bất nhất. Có bản chép Trương Khiên là một trong những thành viên của phái đoàn, trong khi đó thì Trương Khiên là một nhân vật sống vào thếkỷ thứ Hai trước Tây lịch, nghĩa là trước thời Hán Minh Đế gần một phần tư thế kỷ! Thêm vào đó, các tài liệu xưa nhất không chép có vị tăng người Ấn Độ nào về theo phái đoàn thỉnh kinh. Trong khi đó các văn bản in vào thế kỷ thứ Năm thì nói có một vị, và một tác phẩm xuất hiện vào thế kỷ thứ Sáu lại nói có hai vị tăng người Ấn Độ về theo phái đoàn!

Cuối cùng, người ta nghĩ thật khó mà tin rằng chỉ vì một giấc mộng mà một phái đoàn quan trọng thế kia, đã phải trải qua một chuyến hành trình quá gian khổ như vậy. Một quyết định lớn như vậy thì đâu có thể chỉ dựa trên lời “đoán mộng” của một vị quan?

Vì vậy mà truyền thuyết “Giấc mộng Hán Minh Đế” đã được giới nghiên cứu, và các sử gia trên thế giới coi là một truyền thuyết không đứng đắn, không có căn bản vững chắc. Đặc trưng là năm 1910, ông Henri Maspéro, một học giả người Pháp đã đưa ra rất nhiều sử liệu để chứng minh rằng chuyện Giấc mộng Hán Minh Đế chỉ là một sự “Ăn gian vì đạo” (Fraude pieuse), một chuyện bịa đặt của người Trung Hoa trong hậu bán thế kỷ thứ Hai.

Nhưng tại sao người ta đã bịa đặt câu chuyện giấc mộng của nhà vua? Rất có thể là vì trong đời nhà Hán, ngoài trung tâm Phật giáo Lạc Dương, còn có trung tâm Bành Thành, và trung tâm Luy Lâu. Những người theo Phật giáo ở kinh đô Lạc Dương trong khoảng giữa thế kỷ thứ Hai có thể đã tạo dựng ra câu chuyện trên, để chứng tỏ rằng Phật giáo Lạc Dương là có sớm nhất, với chủ đích tạo uy tín cho trung tâm này. Nếu câu chuyện giấc mộng này được chép trong tác phẩm Lý Hoặc Luận, chắc hẳn đó là một sự thêm thắt về sau này. Lý do là Mâu Tử học Phật ở Luy Lâu, không phải ở Lạc Dương. Ông có thể chưa bao giờ nghe nói đến một nơi nào có Phật giáo ngoại trừ Giao Châu, thì làm sao mà ông viết về chuyện Phật giáo ở Lạc Dương được? Ngoài ra, trong Lý Hoặc Luận, ta có thể tìm thấy một số từ ngữ và cách hành văn có màu sắc của thế kỷ thứ Ba và thế kỷ thứ Năm. Những yếu tố đó cho ta thấy vào thời này đã có một vài thêm thắt và sửa chữa của tác phẩm này. Vì vậy câu chuyện giấc mộng nhà vua có lẽ cũng đã được đưa vào Lý Hoặc Luận, sớm nhất là vào giữa thế kỷ thứ Ba.

Tuy vậy Lạc Dương là một trung tâm Phật giáo quan trọng vào hạ bán thế kỷ thứ Hai. Vua Hoàn-Đế (tức vị năm 165) đã thờ Phật trong cung cùng với Lão Tử[1]. Như vậy ta biết trong thời gian đó ảnh hưởng của Phật giáo tại Trung Hoa đã khá mạnh. Thời đó, tại Lạc Dương có các vị tăng sĩ ngoại quốc cộng tác với người Hán để dịch kinh sách từ tiếng Phạn ra Hán văn. Trong số đó có An Thế Cao, một vị tăng sĩ người An tức (Parthia) cùng với một vị đồng hương khác tên là An Huyền, cùng dịch kinh với một người Hán tên là Nghiêm Phù Điều.

GỐC RỄ CỦA TRUNG TÂM LẠC DƯƠNG

Như đã nói trên đây, hai ngôi chùa nổi tiếng thời đó tại Lạc Dương là chùa Bạch Mã và chùa Hứa Xương. Chính cái tên của chùa Hứa Xương đã cho ta vài dữ kiện về nguồn gốc sự thành lập của trung tâm Lạc Dương.

Hậu Hán Thư có chép câu chuyện sau đây: Năm 65 tức vào thế kỷ đầu của Tây lịch, vua Hán Minh Đế có xuống chiếu (nghĩa là ra một bản thông cáo), nói rằng những người nào thấy mình có tội với đất nước thì có thể dâng vàng bạc hay là gấm lụa để chuộc tội. Lúc đó có một vị vương hầu tên là Sở Vương Anh, tuy ông không có tội gì hết, nhưng cũng có mặc cảm rằng mình không xứng đáng, cho nên Sở Vương Anh cũng dâng lên ba mươi tấm lụa để chuộc tội. Nhà vua bèn nói rằng: Khanh không có tội tình gì, trái lại khanh là một người rất đáng được tin cẩn, rất dễ thương, vì khanh biết thờ phượng một mặt là đức Lão Tử, một mặt thì khanh biết thờ phượng Bụt. Nguyên văn chữ Hán là Thượng Hoàng Lão chi vi ngôn, thượng Phù Đồ chi nhân tử. Tức là sùng thượng Hoàng Lão (tức là Lão Tử). Thượng Phù Đồ nghĩa là đi theo con đường nhân từ của Bụt. Người Hoa gọi Bụt Thích Ca là Phù Đồ.

Lúc Sở Vương Anh được nhà vua ban khen như vậy thì rất vui mừng, cho nên ông tổ chức một lễ sám hối, ăn chay ba tháng. Đồng thời tổ chức cúng dường cho các vị tăng sĩ và cư sĩ. Cố nhiên tăng sĩ ở đây là các tăng sĩ Ấn Độ, tại vì có những tài liệu cho chúng ta biết rằng hồi đó người Hán không được phép xuất gia[1]. Sở Vương Anh cư trú tại Bành Thành, ngày nay là địa bàn của Nam Kinh, và lễ cúng dường do đó đã được tổ chức tại Bành Thành.

Khi về thăm Lạc Dương, Sở Vương Anh cư trú tại nhà một người em họ bên mẹ của mình tên là Hứa Xương. Sau đó người em họ cúng dường ngôi nhà của mình để lập nên một ngôi chùa, mang tên là chùa Hứa Xương.

Đây là một chi tiết chứng tỏ rằng trung tâm đạo Bụt Lạc Dương được thành lập sau trung tâm Bành Thành và do những yếu tố từ trung tâm Bành Thành, nơi Sở Vương Anh xuất phát.

Ta biết rằng Lão giáo và Phật giáo được Sở Vương Anh đồng thời sùng thượng. Những người quyến thuộc của Vương khi đến Lạc Dương, chắc chắn cũng chuộng Phật, mến Lão như Vương. Rất có thể chính những người thân thuộc của Sở Vương Anh đã mang đạo Phật đến Lạc Dương vào năm 71 Tây Lịch, và đã biến một ngôi nhà của Hứa Xương thành Hứa Xương Tự, ngôi chùa đầu tiên tại Lạc Dương, và đã ảnh hưởng sâu xa tới tín ngưỡng của Hán Hoàn Đế, tức vị 94 năm sau đó.

GỐC RỄ CỦA TRUNG TÂM BÀNH THÀNH

Đến đây chúng ta thử hỏi trung tâm Bành Thành do đâu mà thành lập?

Không có một sử liệu nào nói về nguồn gốc của trung tâm Bành Thành. Trên đây chúng ta đã thấy Lạc Dương là do trung tâm Bành thành mà được tạo lập. Vì vậy chúng ta không thể nói rằng Bành Thành là do trung tâm Lạc Dương mà được tạo nên! Chúng ta cũng phải loại bỏ giả thuyết cho rằng đạo Bụt truyền vào miền hạ lưu sông Dương Tử (tức là trung tâm Bành Thành) bằng đường bộ, tại vì nếu trung tâm Lạc Dương, gần Ấn Độä hơn mà không do đường bộ, thì trung tâm Bành Thành cũng vậy.

Chúng ta chỉ còn có thể nghĩ rằng đạo Bụt được truyền vào Bành Thành bằng đường biển. Mà nếu đã bằng thủy đạo thì đạo Bụt chắc chắn đã đi qua Giao Chỉ trước, vì Giao Chỉ thời đó là điểm giao tiếp quan trọng của Trung Hoa và thế giới bên ngoài. Sự có mặt của trung tâm Luy Lâu trong thời Hán đã là một sự thực hiển nhiên, thì trung tâm Luy Lâu là căn cứ và là bàn đạp cho Phật giáo đi vào đất Hán, là một điều dĩ nhiên vậy.

Ta không thể tưởng tượng việc đầu thế kỷ thứ Nhất các vị du tăng Ấn Độ cập bến lên Quảng Châu, rồi đi thẳng lên miền hạ lưu sông Dương Tử trong khi họ chưa biết chữ Hán, và nhất là khi đất Hán chưa có một cơ sở và một dấu tích gì về đạo Bụt để móc nối, để làm quen.  Các vị tăng sĩ theo thương thuyền, dù đặt chân lên đất Phù Nam, Chân Lạp, Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, hay Quảng Châu, thì đều phải quy tụ tại địa điểm giao tiếp chính yếu, đó là Giao Chỉ. Tại vì Giao Chỉ có đủ mọi yếu tố thuận lợi cho họ: Giao Chỉ ở sát các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ như Phù Nam, Chân Lạp, Chiêm Ba (tức Chàm), tức là những nước sử dụng tiếng Phạn. Văn hóa Giao Chỉ tuy có khác với văn hóa Hán tộc, nhưng lại gần gũi với văn hóa này hơn cả, và ở đây Hán tự đã được dùng. Vậy thì Giao Chỉ là nơi duy nhất mà các tăng sĩ Ấn Độ có thể tìm người thông dịch dễ dàng. Giao Chỉ thuận lợi về mặt địa dư và ngôn ngữ, cho nên đặt chân lên vùng đất này trước, là điều hiển nhiên cho du khách thời đó. Sau thời gian nghỉ ngơi, học sinh ngữ, thăm hỏi tình hình chính trị và địa thế, các vị du tăng Ấn Độ mới nghĩ đến chuyện vượt hàng tháng đường núi để lên miền Bắc.

Chính do vai trò địa lý và văn hóa đó của Giao Chỉ mà trung tâm Phật giáo Luy Lâu được thành lập vào tiền bán thế kỷ thứ Nhất, bởi vì đến năm 65 chúng ta đã thấy dấu tích Phật giáo ở Bành Thành như đã nói trên đây.

Theo sự nghiên cứu của các học giả Trung Hoa như Hồ Thích thì con đường từ Luy Lâu đến Bành Thành có thể đi bằng đường thủy mà cũng có thể đi bằng đường bộ. Ông nói rằng có những vị tăng sĩ khởi hành từ Giao Châu đi tới Quảng Tây (tức Vũ Tây), rồi từ Quảng Tây đi tới Quảng Đông. Sau đó họ vượt đường núi để đến miền hạ lưu châu thổ sông Dương Tử, tức là đến Bành Thành.

Hậu Hán thư cũng có đoạn nhắc đến những chuyến đi này: “Quận Nhật Nam đem phẩm vật cống hiến Hán Đế bằng đường biển. Khương Tăng Hội là một vị tu sĩ dòng dõi người Khương Cư, sinh trưởng trên đất Giao Châu vào đầu thế kỷ thứ Ba, đã đi từ Giao Châu đến hạ lưu sông Dương Tử để truyền đạo”. Như vậy thì con đường mà Hồ Thích nói đến trên đây chính là con đường mà thiền sư Khương Tăng Hội đã đi để vào nước Ngô dạy đạo.

Trước thiền sư thì đã có những vị xuất gia người Ấn Độä cũng đã đi trên con đường đó. Sau khi các vị du tăng tới Luy Lâu bằng đường biển, ở lại đó, và họ tạo dựng một trung tâm Phật giáo rất phồn thịnh gọi là trung tâm Luy Lâu. Những người xuất gia địa phương, tức là người Giao Chỉ, cũng được học tiếng Phạn do các thầy trực tiếp dạy. Hồi đó tiếng Hán đã bắt đầu thông dụng ở Giao Châu cho nên người ta đã dịch chữ Phạn ra chữ Hán. Trong thời gian đó Luy Lâu có khoảng 500 vị xuất gia người địa phương, và có ít nhất là 15 bộ kinh đã được dịch ra chữ Hán.

Cuối đời nhà Hán tức là vào thế kỷ thứ Hai, giặc giã đánh phá lung tung, vì vậy có rất nhiều người Hán chạy xuống Giao Chỉ để lánh nạn. Hồi đó quan Thái thú[1] cai trị Giao Châu tên là Sĩ Nhiếp. Ông là một học giả rất có tài. Ông đem Hán học và văn hóa nhà Hán để làm giàu cho văn hóa của người Giao Chỉ. Mấy anh em của Sĩ Nhiếp đã khéo léo giữ cho vùng Giao Châu yên ổn, hòa bình. Trong khi đó thì giặc giã đánh phá lung tung ở bên nhà Hán. Giới trí thức và một số người làm chính trị bên đó muốn được yên ổn, cho nên họ đi về miền Nam tị nạn tại Giao Chỉ.

Trong số những người Hán xuống tị nạn ở Giao Chỉ có một người theo đạo Lão, tên là Mâu Bác, đưa mẹ về tị nạn tại đây. Lúc đó ông chỉ mới hai mươi mấy tuổi, chưa biết gì về đạo Bụt, tại vì bên đất Hán, ông chưa từng được nghe nói đến đạo Bụt. Sống tại Giao Châu, Mâu Bác được tiếp xúc với đạo Bụt, tại vì Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo rất phồn thịnh. Với căn bản Nho học và Lão học của ông, Mâu Bác học Phật rất nhanh. Sau đó ông mới đối thoại với các nhà trí thức người Hán di cư tới, họ vốn là những người theo Khổng, Lão và thường kích bác Phật giáo. Nhờ có kiến thức về đạo Phật, ông đặt những câu hỏi về Tứ thư và Ngũ kinh, cũng như về đạo Khổng và đạo Lão, và những nhà trí thức kia không trả lời được! Tuy vậy họ vẫn nghĩ đạo Lão và đạo Khổng là đạo cao, còn đạo Phật là đạo của những dân tộc kém văn minh như Ấn Độä chẳng hạn! Hồi đó, người Hán nào cũng có cái mặc cảm tự tôn của Trung Quốc! Mình là ở giữa, còn những nước chung quanh là những biên địa, là những nước ở vòng ngoài! Những lúc đối thoại, Mâu Tử thường nói rằng: Xin các ngài đừng nghĩ như vậy, đạo Bụt là một đạo siêu việt, cao vời.

Sau đó, vào thế kỷ thứ Hai, ông đã viết một cuốn sách để trả lời những câu chất vấn của giới trí thức nhà Hán. Đó là cuốn sách đầu tiên về Phật học viết bằng chữ Hán, tựa là Mâu Tử Lý Hoặc Luận. Luận tức là một bộ luận; Hoặc là nghi ngờ; Lýtức là giải đáp. Mâu Tử giải đáp những sự nghi ngờ về đạo Bụt.

Tôi xin nhắc lại rằng đây là cuốn sách đầu tiên về đạo Bụt viết bằng chữ Hán, và đã được viết tại Giao Châu. Cuốn sách đó đã được lưu truyền trong Đại Tạng Kinh cho đến ngày nay. Cuốn này đã được dịch ra tiếng Pháp, tựa là La levée desBoutes, hình như do ông Henri Maspéro dịch.

Như vậy là Mâu Bác tị nạn ở Giao Châu, đã học Phật tại Giao Châu và đã viết cuốn sách đầu tiên về đạo Bụt bằng chữ Hán cũng tại Giao Châu. Trong cuốn Mâu Tử Lý Hoặc Luận đó, có nói rằng người xuất gia bây giờ đông quá, và có những người không giữ giới. Có người ăn thịt, có người uống rượu. Chúng ta biết rằng khi số lượng người xuất gia đông thì mới sanh ra tệ trạng như vậy.

Sự kiện Mâu Tử học Phật ở tại Giao Châu và viết sách Phật đầu tiên bằng chữ Hán tại Giao Châu, chứng tỏ Giao Châu là một trung tâm đạo Bụt rất phồn thịnh và rất quan trọng.

Đến thế kỷ thứ Ba thì thiền sư Tăng Hội lớn lên, xuất gia tại Giao Châu, học Bụt tại Giao Châu, học tiếng Phạn tại Giao Châu và dịch kinh tại Giao Châu, rồi mới đi sang Trung Hoa để giáo hóa. Sự kiện đó cũng cho chúng ta thấy Luy Lâu hồi đó là một trung tâm đạo Bụt rất là phồn thịnh.

Cao tăng truyện tức là một cuốn sách nói về các vị cao tăng xuất hiện ở Trung Hoa có nói rằng khi thiền sư Tăng Hội tới Kiến Nghiệp tức là kinh đô của nước Ngô, thì chưa có một tăng sĩ nào tới đó hết. Đó là lần đầu tiên người Ngô thấy hình dáng của một vị tu sĩ. Sau thời loạn lạc, nước Tàu chia ra làm ba nước gọi là thời Tam Quốc (Three Kingdoms Era in China, 220 A.D. – 265 A.D.). Nước ở miền Bắc gọi là Bắc Ngụy, miền Nam gọi là Đông Ngô, miền Tây là Tây Thục. Trung Hoa biến thành ba nước: Ngụy, Ngô, và Thục. Lúc đó vì Giao Chỉ nằm ở miền Nam, nên thần phục Đông Ngô, và không theo Bắc Ngụy nữa! Ngày xưa kinh đô là Lạc Dương nhưng bây giờ kinh đô là Kiến Nghiệp Bành Thành.

[1] H. Maspéro, Comunautés et Moines Bouddhistes Chinois au 2è et 3è siècles. BEFEO, X – 1910.

[2] Hồ Thích Luận Học Cận Trước, Thượng Hải, 1935

(Còn tiếp)

Thích Nhất Hạnh

Langmai.org