(PPUD) Núi Tỷ Duệ là một ngọn núi lớn của Huyện Tư Hạ vùng Phản Bổn Bổn Thành Phố Đại Tân Nhật Bản, có độ cao vào khoảng 848m so với mặt nước biển.
Toàn bộ địa vực của núi Tỷ Duệ đều là đất của Chùa Diên Lịch, ngôi Tổ đình của Tông phái Thiên Đài Phật Giáo Nhật Bản do Ngài Tối Trừng (767- 822), Tổ sư của tông phái này khai sơn.
Chùa Diên Lịch từ ngày được khai sơn đến nay luôn là Tổng Bổn Sơn của tông phái Thiên Đài Phật Giáo Nhật Bản, là một trong những trung tâm Phật Giáo nổi tiếng của thời kỳ Bình An, vào thời kỳ này, Tỷ Duệ Sơn Diên Lịch Tự và Cao Dã Sơn Kim Cang Phong Tự là hai ngôi tự viện nổi tiếng và hưng thịnh nhất, đồng thời là trung tâm hoằng truyền Thiên Đài Tông và Chân Ngôn Tông của Phật Giáo Nhật Bản trong thời kỳ Bình An. Năm Bình Thành thứ 6 được thế giới công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới.
Vào những tháng ngày cuối cùng của thời đại Nại Lương cách nay khoảng 1200 năm, Ngài Tối Trừng lên núi Tỷ Duệ khai sơn chùa Diên Lịch. Ngài Tối Trừng, Đại Sư sanh năm 767, quê quán tại quận Tư Hạ, Cận Gian Quốc, Nhật Bản, tổ tông của Ngài là hậu duệ của vua Hiến Đế nhà Đông Hán – Trung Quốc. Thế tánh là Tam Tân Thủ tên là Quảng Dã, Ngài xuất gia năm 14 tuổi, năm 19 tuổi đến Đông Đại Tự thọ giới, và sau đó lên Tỷ Duệ sơn cất am tu hành, khai sơn chùa Diên Lịch.
Năm 37 tuổi Ngài được Hoàn Vũ Thiên Hoàng triệu về kinh, sau đó lệnh cho Ngài đi cùng đoàn Di Đường Sứ nhập Đường cầu Pháp. Tháng 9 năm Diên Lịch thứ 23 (804) Ngài Tối Trừng và đoàn tùy tùng lên đường đi Trung Quốc, khi đến Trung Quốc, Ngài cùng các đệ tử đến cầu pháp tại Thiên Đài sơn, trong thời gian tu hành cầu pháp tại núi Thiên Đài, Ngài được truyền thọ Ngưu Đầu Thiền tại chùa Thiền Lâm, tại chùa Quốc Thanh được truyền thọ Đại Phật Đảnh Đại Khế Mang Đà La hành sự. Ngài đến tham lễ thánh tích của Ngài Trí Giả Sơ Tổ Sư Thiên Đài Tông, và để tưởng nhớ thâm ân của Tổ đình, tại chùa Phật Đà xây dựng Truyền Pháp Viện để làm cơ sở cho Tăng chúng tông môn Thiên Đài Nhật Bản đến học sau này.
Tháng 11 năm ấy Ngài kết thúc chuyến đi cầu Pháp tại núi Thiên Đài quay về chùa Long Hưng Đài Châu để thọ pháp Nhất Tâm Tam Quán Áo Chỉ và thọ Bồ Tát Tam Tụ Tịnh Giới. Tháng 5 niên hiệu Trinh Quán thứ 23 Ngài đến Xích Phong Đạo Tràng tại Việt Châu thọ pháp Quyền Đảnh ấn tín Tam Bộ Tam Muội Da. Đến tháng 5 năm Diên Lịch thứ 24 thì Ngài về đến Nhật Bản kết túc 8 tháng hành trình Nhập Đường cầu Pháp.
Sau khi trở về nước Ngài hết tâm hoằng truyền Phật Pháp, xiển dương Thiên Đài Tông, thành tông lập phái, khai Đại Giới Đàn, truyền giới độ nhơn, xây cất chùa chiền.v.v… Ngài và Đại Sư Không Hải là hai nhân vật danh tiếng nhất của chốn Thiền lâm và cũng là một trong những vị Đại Tăng đưa Phật Giáo Nhật Bản đạt đến thời cực thịnh.
Chùa Diên Lịch lúc đầu được Ngài Tối Trưng đặt tên là Nhất Thừa Chỉ Quán Viện, gồm có các kiến trúc chính như Căn Bản Trung Đường (Dược Sư Đường) là quốc bảo của Nhật Bản, Văn Thù Đường và Tàng Kinh, sau khi ngài Tối Trừng viên tịch, sơn môn căn cứ vào niên hiệu năm Ngài viên tịch nên đổi tên chùa thành chùa Diên Lịch.
Hằng Vũ Thiên Hoàng là đệ tử quy y của ngài Tối Trừng, vị trí chùa Diên Lịch trên núi Tỷ Duệ lại là hướng Quỷ Môn của Kinh Đô, cho nên tư tưởng cho rằng chùa Diên Lịch là chấn ở hướng quỷ môn của Kinh thành, dần dần chùa được tôn xưng là Đạo Tràng Chấn Hộ Quốc Gia, do đó chùa được nhà nước hết sức quan tâm và bảo hộ.
Chùa Diên Lịch là chùa của ngài Tối Trừng, do sự ảnh hưởng của Ngài nên chùa trở thành một trung tâm Phật Giáo lớn của thời đại Bình An, chùa không những hoằng truyền giáo nghĩa Pháp Hoa của Thiên Đài Tông mà còn truyền dạy các pháp môn Mật Giáo, Thiền và Tịnh Độ, Chùa được các tầng lớp quý tộc và Thiên Hoàng thời đại Bình An hết tâm hộ trì cho nên chùa có kiến trúc vô cùng hoành tráng, những địa điểm kiến trúc chính của chùa gồm có Tam Tháp ở sườn phái đông của núi Tỷ Duệ, Thập lục cốc điện đường, Tam thiên phường.v.v… là một trong những đạo tràng rất quy mô to lớn có địa vị rất cao trong Phật Giáo Nhật Bản.
Chùa Diên Lịch còn là nơi đào tạo Tăng tài rất nổi tiếng và có rất nhiều vị Tổ sư của các tông phái Phật Giáo Nhật Bản xuất thân từ ngôi chùa này. Ngài Đan Nhân, Ngài Đan Trâm là những vị đại sư có công trong việc hình thành cơ sở giáo nghĩa Thiên Đài Tông Nhật Bản. Ngài Lương Nhẫn Tổ sư của Tông phái Niệm Phật Dung Thông. Ngài Pháp Nhiên Tổ Sư của tông phái Tịnh Độ. Ngài Thân Loan Tổ sư của Tông phái Tịnh Độ Chân Tông, Ngài Vinh Tây Tổ sư của phái Thiền Lâm Tế. Ngài Đạo Nguyên Tổ Sư của Phái Thiền Tào Động. Ngài Nhật Liên tổ sư của tông phái Nhật Liên và còn rất nhiều vị danh Tăng nữa của Phật Giáo Nhật Bản xuất thân từ ngôi chùa này, vì vậy Phật Giáo Nhật Bản tôn xưng Tỷ Duệ Sơn Diên Lịch Tự là Mẫu sơn của Phật Giáo Nhật Bản.
Lược dịch: Sư Cô Thích Ni Tâm Trí (Chùa Nisshinkutsu, Nhật Bản)
Ảnh: Minh Hoàng
Theo Phật Pháp Ứng Dụng