Các buổi thuyết giảng của thiền sư Bankei thu hút không chỉ thiền sinh mà đủ mọi hạng người của mọi giáo phái. Thiền sư chẳng bao giờ nhắc đến kinh kệ hay dùng các lý luận khoa bảng, mà chỉ nói trực tiếp từ quả tim đến thẳng quả tim của người nghe.

Một nhà sư của giáo phái Nichiren bực tức vì đám đông đến nghe thiền sư Bankei và vì một số tín đồ của nhà sư đã bỏ sư mà đi nghe Bankei giảng. Vị sư Nichiren tự ái, đi đến chùa, nhất định phải tranh luận với Bankei.

“Ê, thiền sư!” vị sư Nichiren gọi. “Đợi một tí. Ai kính trọng ông sẽ vâng theo lởi ông, nhưng người như tôi không kính trọng ông. Ông có thể làm tôi vâng lời ông không?”

“Đến bên cạnh tôi và tôi sẽ chỉ cho ông,” Bankei nói.

Nhà sư Nichiren hãnh diện bước qua đám đông đến cạnh thiền sư.

Bankei smiled. “Qua bên trái tôi.”

Vị sư làm theo.

“Không,” Bankei nói, “chúng ta nói chuyện dễ hơn nếu anh đứng bên phải. Bước qua đây.”

Nhà sư hãnh diện bước sang bên phải.

“Anh thấy không” Bankei nhận xét, “anh đang vâng lời tôi và tôi nghĩ rằng anh là một người rất hiền dịu. Bây giờ, anh ngồi xuống đây và nghe.”

Bình:

• Sân hận và kiêu căng làm vị sư Nichiren mù mắt, đầu óc hết nhậy bén và không thấy những gì đang xảy đến cho mình.

• Ở mức độ cao hơn: Khi tâm mình chấp vào một điều gì đó—như vị sư Nichiren quyết tâm chứng minh trước đám đông là thiền sư Bankei không điều khiển được ông– mình dễ bị mù mắt. Chấp trước làm ta thành si mê.

• Một tâm tĩnh và một tâm động. Tĩnh chỉ huy động, chứ động không chỉ huy tĩnh. Tướng ngồi trong trướng, quân chạy bên ngoài. Tướng chỉ huy quân, quân không chỉ huy tướng.

• Thời Đông Châu Liệt Quốc, Quỷ Cốc Tử, thầy binh pháp của Tôn Tẫn và Bàng Quyên, cũng bị Tôn Tẫn thắng bằng trí. Quỷ Cốc Tử ngồi trên ghế và hỏi hai đệ tử làm cách nào cho ông rời ghế mà không đụng vào người ông. Bàng Quyên nói sẽ đốt lửa dưới ghế. Thầy cho là kế hay. Tôn Tẩn nói, “Con không làm cho thầy rời ghế được, nhưng nếu thầy đứng dậy con sẽ có cách làm thầy phải ngồi xuống ghế.” Quỷ Cốc Tử đứng dậy, và trúng kế học trò. (Hai học trò, mỗi người một tâm ý).

(Trần Đình Hoành dịch và bình)