Trên đĩa hoa đủ sắc, đủ hương mà người dân làng tôi thành kính dâng cúng Phật bao giờ cũng được điểm vào đó những nhành hoa sói, nhằm tôn thêm vẻ đẹp cho cả đĩa hoa. Khi mới nụ, hoa có màu trắng xanh, lúc gần nở thì trắng ngần như những hạt gạo.

Dân gian gọi là hoa sói, bởi vì lúc sắc hương đầy đủ nhất cũng là lúc các cánh hoa chia rõ làm ba múi giống như hình mõm con sói trắng.

Hoa sói gần như nở quanh năm, bắt đầu từ lễ vào hè, hoa ngát hương vào mỗi buổi sớm, nhưng đến cuối hạ chớm thu thì hoa thơm cả hai buổi sáng chiều. Với bọn trẻ chúng tôi, hoa sói được hình dung như chiếc sao chổi, hơn là việc phải thắc mắc với người lớn và gắng sức nghĩ về cái mõm của con sói ở mãi chốn núi rừng xa kia.

Mỗi lúc nắng ngã nhoài trên mái hiên, bước ra sân, người ta cứ như muốn nghiêng người vào bụi hoa sói bởi mùi hương dịu nhẹ quyến rũ thanh tao của nó. Mẹ tôi bảo, khi mà những bụi hoa trong như ngọc sáng lên giữa những cuộng cành xanh tươi, là lúc các cô gái gần như không thể cưỡng lại được mùi hương của nó. Cũng chỉ tại mùi hương quyến rũ và cái màu trắng tinh khiết ấy mà các cô gái thường thích ngắt một bông hoa sói để giắt vào tai, cài vào tóc cho thơm.

Viết cho người yêu hoa: Hương hoa sói

Các cô gái ngày xưa thường gắn bó quanh năm với mùi hương hoa sói, nên đôi khi cũng ưa tạo thêm một chút điệu đà. Trong khi đó, các cụ thường quan niệm, những thiếu nữ có nhan sắc, lại thêm dáng vẻ điệu đà thì thường hay bị tạo hoá hờn ghen. Vì thế, hễ cứ nhìn thấy cô gái nào giắt hoa vào mái tóc là các cụ ví ngay, chỉ suốt ngày “hoa hoè hoa sói”. Chứ vẻ đẹp của hoa sói đơn giản, đâu có gì cầu kỳ, màu mè, loè loẹt.

Có thể hiểu “hoa hoè hoa sói” là một câu thương trách của các cụ, nhằm giảm bớt cái “mệnh bạc” của những người phụ nữ nhan sắc, tài hoa. Bởi các cụ cho rằng người phụ nữ yêu hoa cũng thường là mẫu người đa sầu đa cảm. Càng về sau, câu ví “hoa hoè, hoa sói” càng được người ta hiểu khác đi, nhằm chỉ cho sự cầu kỳ, phức tạp, bày vẽ thêm của con người.

Tôi nhớ Sư cụ đã kể cho lũ tiểu nhỏ chúng tôi câu chuyện trong kinh về một vị tỳ kheo ngồi thiền bên hồ sen và bị vị nữ thần quở trách là đã quyến luyến mùi hương. Câu chuyện này có điểm gần gũi với câu chuyện mẹ tôi kể về mùi hương hoa sói. Nhưng hạnh phúc nhân gian vốn có nhiều cung bậc khác nhau. Khi tận hương, hoa sói cũng chẳng bao giờ phân biệt tăng tục, trẻ già, quý tiện…

Chắc hẳn hoa sói phải có ý nghĩa gì đặc biệt trong lối sống, tâm hồn người Việt, nên ở Cửu đỉnh, vua Minh Mệnh mới cho khắc hoa sói vào Tuyên đỉnh nhằm chuyển tải thông điệp về sự hài hòa, tinh thông. Cũng vì hoa có màu trắng ngần như bạch ngọc, nên từ dân gian vào đến cung đình, hoa được đặt tên là trân châu một cách đài các.

Làng tôi, từ nhà ra chùa, lối ngõ nơi đâu mà không phảng phất mùi hương hoa sói. Chẳng cần ướp gì vào không gian mà nhà nhà chung tỏa một mùi hương huyền ảo, thanh bình. Cũng chẳng cầu kỳ, kiểu cách như các thú chơi tao nhã của các bậc tao nhân mặc khách, Sư cụ chùa làng tôi có thói quen thưởng trà hoa sói từ những cánh hoa đã rụng và vàng khô đi dưới đáy những đĩa hoa thơm. Sự hoà quyện bởi nhiều mùi hương hấp thụ vào cánh hoa sói khô nâu vàng, cộng với vị ngọt ngon của nước mưa đã cho ra những hương vị tự nhiên, đượm mùi thiền, thanh tao, thoát tục.

Phải chăng nghệ thuật sống của người Việt xưa chính là luôn học cách để tâm hồn thăng hoa ngay từ những điều giản dị, mộc mạc quanh mình.

Thích Thanh Thắng