Chương 9

BỐN HỈ LẠC

   Tất cả chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, nhưng rất ít người bắt được.  Hai điều trong Tứ diệu đế của Đức Phật đã nói rằng hạnh phúc thế gian là ảo tưởng, vậy mà ta chẳng bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy nó.  Tuy nhiên điều đó cũng không hoàn toàn xấu, vì nếu không có lòng mưu cầu hạnh phúc, ta sẽ trở nên thối chí, nản lòng khi không thể tìm được hạnh phúc hoàn toàn.

1.   Hỷ Lạc Do Các Cảm Thọ Mang Đến

   Đức Phật nói về bốn loại, bốn cấp bực của hạnh phúc.  Thứ nhất là dục giới, hỉ lạc do sự cảm thọ của các giác quan mang đến.  Đức Phật ví đó giống như một con bò chỉ có da, trong khi bọn ruồi đậu thì cố tìm thịt sống, nên luôn tạo ra sự đau khổ.  Đó là một cái nhìn sâu sắc về  ngũ dục.  Đức Phật cũng nói về ngũ dục là phương tiện đầu tiên đem lại cho ta hạnh phúc.  Và phần đông chúng sanh trụ ở cấp bực nầy.  Nhưng không phải lúc nào ta cũng nắm bắt được dục lạc ta tìm kiếm, ngay như ta có tìm được, thì nó cũng đến rồi đi, do đó không thể có hạnh phúc trường cửu qua sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần.  Khi sự xúc chạm đem lại cảm giác dễ chịu ta thấy hạnh phúc.  Nhưng cũng có những sự xúc chạm, đem lại khó chịu, khi cơ thể ta không được thoải mái hay khi ta không được nghe những lời mát lòng mà ta muốn được nghe, khôngï được nếm những mùi vị ta ưa thích, hay ngửi phải mùi hôi thối, hay nhìn thấy những cảnh ta không thích.  Không ai thoát khỏi những cảnh nầy.  Không ai có thể sống mà không kinh qua những xúc chạm gây khó chịu.

   Nhưng cũng không có ai đi qua cuộc đời mà không kinh qua những cảm xúc dễ chịu.  Nếu có nghiệp thiện, ta có 50-50 cơ hội.  Phân nửa thời gian ta được những xúc chạm dễ chịu, phân nửa không.  Phần đông chúng ta tìm cách để tăng thời gian của xúc chạm dễ chịu lên, và muốn chúng xảy ra 100 phần trăm lần, là điều không thể có.  Không thể nào có chuyện đó, nhưng người ta vẫn theo đuổi chúng.  Và lại trách cho hoàn cảnh bên ngoài khi cảm xúc khó chịu hay cảm giác đau đớn dấy khởi làm cho ta đau khổ.  Lý do thật sự, dĩ nhiên, nằm bên trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại với các cảm xúc.

   Người càng trong sạch, càng có nhiều lạc thọ.  Một tâm hồn trong sáng sẽ tìm thấy niềm vui ở những điều nhỏ nhặt nhất.  Một ngày đẹp trời, thảm cỏ xanh, một cuộc đàm thoại thú vị.

   Người không trong sạch có lẻ chẳng để ý đến những thứ nầy.  Có thể họ chẳng bao giờ biết ngắm bầu trời đẹp hay một thảm cỏ xanh.  Có lẻ họ đi tìm cảm xúc ở những thứ tầm thường hơn.  Rượu, thuốc phiện, đồ ăn ngon, gái đẹp, có lẻ là những thứ mang đến cho họ lạc thú hơn.

   Nếu các cảm xúc thanh tao, vô hại thì đâu có gì là xấu.  Tuy nhiên Đức Phật cho rằng chúng nguy hiểm vì ta dễ biến chúng thành mục đích của đời sống, con đường ta phải đeo đuổi, ta cố gắng tìm thêm, tìm thêm và giữ chúng lại bên ta mãi mãi.  Đó chính là sai lầm của ta, vì điều đó không thể thực hiện được.  Không có cảm thọ nào vĩnh viễn cả.  Thật ra nếu chúng vĩnh viễn thì chưa chắc chúng còn cho ta những cảm giác thích thú.  Hơn nửa cũng không thể chắc là ta có thể tìm được các khoái cảm.  Việc tìm kiếm làm chúng ta mất thì giờ, sức lực, ta sẽ không còn thì giờ để làm những việc có ý nghĩa hơn.

   Thân có các giác quan.  Điều đó hiển nhiên.  Tuy nhiên nếu chánh niệm, ta có thể thấy rằng các cảm giác dễ chịu do sáu căn mang lại đều là của báu của người ngu.  Chúng lấp lánh, nhưng chẳng có giá.  Ta có thể nhìn ngắm vẻ hào nhoáng đó, nhưng chớ bám víu vào chúng.  Vậy mà chúng sinh vẫn cứ luôn đau khổ vì không thể có được những gì do sáu căn đem lại.

       2.   Hỷ Lạc Của Chư Thiên

   Hạnh phúc thứ hai là hạnh phúc như ở cõi Trời.  Nói thế không có nghĩa ta phải thành thánh, hay phải chết trước đã, mới được vào cõi Trời Dục Giới.  Điều đó xa vời, không liên quan gì đền đời sống hiện tại của ta.  Nhưng thật ra, người đã vun trồng được bốn đặc tính cao quý (tứ vô lượng tâm): từ, bi, hỷ và xả sẽ được hưởng niềm vui của cõi Trời Dục Giới.   Thứ hạnh phúc đó được so sánh với sống trong thiên đàng ở cõi giới.  Thứ hạnh phúc đó không tùy thuộc vào ngũ dục mà chỉ tùy thuộc vào tâm ta.  Điều kiện duy nhất là phải thanh tịnh hoá tâm ta để có thể chứa đựng được từ, bi.  Cả từ và bi là hai đặc tính của trái tim, cũng như thông minh là đặc tính của trí tuệ, chúng có thể được vun trồng, nuôi dưỡng.  Khi ta đạt được những điều đó, thì hạnh phúc, an lạc sẽ ở tại tâm.  Tha nhân cũng sẽ được nhờ, nhưng ta là người được hưởng quả an lạc trước tiên, vì lúc đó tâm ta hoàn toàn không phụ thuộc vào những gì xảy ra quanh ta.  Người khác nói gì, làm gì, chuyện gì xảy ra hay không xảy ra trên thế giới nầy, đều không ảnh hưởng đến ta.  Khi tim ta đã được ươm trồng thanh tịnh với từ, bi, thì không có gì có thể đụng chạm đến nó.  Có một sự an lạc, hài hòa, dễ chịu, một cảm giác an toàn luôn ngự trị trong tâm trí ta.

   Niềm vui nầy thanh cao hơn so với niềm vui do ngũ dục mang đến.  Tự nó không dẫn đến sự gỉai thóat, nhưng chắc chắn nó là hành trang cần thiết trên đường đến giải thoát.

  Từ và bi, tự chúng không sinh ra cái thấy bên trong.  Chúng chỉ làm lắng dịu những ngọn sóng tình cảm.  Khi những làn sóng của đau khổ, buồn phiền, lo âu, sợ hãi, ganh ghét, tị hiềm, hối hận, cuối cùng lắng xuống thì mặt nước sẽ trong xanh, không gợn sóng, giống như một tấm gương, tấm gương của tâm.  Tấm gương đó giúp ta thấy mọi việc rõ ràng.  Không có sự vun trồng những tình cảm tốt đẹp đó, ta không thể phát triển hơn.  Ta có thể hiểu Pháp, nói Pháp nhưng ta không thể đoạn trừ đau khổ.  Những ngọn sóng tình cảm là vực chắn. Chúng không chỉ ngăn trở cái nhìn của ta được rõ ràng, mà còn che khuất chính con đường ta phải đi.  Khi còn u mê, mờ mịt, ta sẻ không biết mình đang đi đâu.  Thậm chí có thể quên rằng mình đang dự vào một cuộc hành trình nào đó.

   An lạc ở cõi Trời Dục Giới không  tùy thuộc vào luân hồi, sinh tử.  Nó có thể xảy ra ngay ở đời sống hiện tại.  Đó là sự tu tâm, và ai cũng có thể tu được.  Không cần phải theo khóa thiền nào, hay phải là người đặc biệt gì, ai cũng có thể làm được.  Đây là một niềm vui có thể tìm thấy do chính sự tu tập không cần phải tìm kiếm đâu xa.

      3.    Hỷ Lạc Qua Nhiếp Tâm  

   Niềm vui thứ ba đến từ sự nhiếp tâm trong thiền định.  Niềm vui nầy cũng chỉ có được khi ta đã thanh tịnh hóa hành động của mình, đã có được sự độ lượng, lòng từ ái trong tâm hồn.  Nó cũng không đòi hỏi ta phải là người hòan toàn, vì chỉ có bậc A la hán  mới được như thế.  Nó chỉ đòi hỏi chút khoáng đạt trong tâm.

   Người tu thiền thường tìm được niềm vui như thế.  Nhưng ta cần phải huân tập sự chú tâm, thường xuyên thực hành tọa thiền để đạt được sự lắng sâu trong thiền định.  Có rất nhiều mức độ của niềm vui, thanh thoát, dễ chịu khi thiền định.  Chúng giúp cho tâm được an lạc ngay cả sau khi đã xả thiền.

   Người mà có thể lắng tâm trong thiền định và tìm được hỉ lạc trong đó là người có thể tìm thấy niềm vui ngay cả trong những hòan cảnh bất như ý.  Người đó biết rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể được sự an lạc của trong thiền định.  Biết được như thế, tạo cho họ cảm giác dễ chịu trong tâm vì không có gì còn là quan trọng với họ nữa.  Khi một người có thể nhập định lúc nào họ muốn, trong bao lâu tùy họ, thì đó là thực tại của họ, không phải những tranh giành, cãi cọ, chiến tranh, tương lai, quá khứ làm họ bận tâm như bao nhiêu người khác.  Những thứ đó không còn quan trọng đối với họ.  Thực tại trụ ở trong niềm vui của thiền định.

   Nhiếp tâm hay chánh niệm cũng sửa soạn cho tâm.  Nó mang đến cho tâm không những chỉ khả năng hạnh phúc, mà cả khả năng duy trì niềm vui đó.  Tâm có thể ổn định theo ý mình, là tâm kiên cố.  Tâm chúng sinh khó ổn định.  Nó luôn dao động mà không cần một động lực nào tác khởi, vì đó là bản thể của nó. Nó không đủ sức mạnh để xuyên qua bức tường ảo tưỡng.  Trước bất cứ trở ngại nhỏ bé, hoặc một lời chê bai nhẹ nhàng, hay hơi khó chịu của cơ thể, tâm yếu đuối như bún lập tức tan thành mãnh vụng.  Nó còn làm được gì khác hơn chứ?

   Tâm kiên cố cứng như đá tảng, không thể lay chuyển.  Một tảng đá kiên cố chắc chắn là một dụng cụ tốt hơn cọng bún để đập bể bức tường.  Tâm kiên cố sẽ không lay chuyển trước những khó khăn nào.  Nó có đủ sức mạnh để xuyên qua thực tại của cuộc sống, tiến đến một thực tại tuyệt đối hơn.

   Có tám mức độ của sự nhiếp tâm trong thiền định, giống như tám căn phòng trong một ngôi nhà.  Nếu cuối cùng ta đã có thể tìm được đúng chiếc chìa khóa để mở căn phòng thứ nhất ở cửa ngoài, thì không có lý do gì ta không thể đi vào những căn phòng khác.  Không có gì khó để tìm ra chìa khóa vào căn phòng đầu tiên.  Chìa khóa là sự chủ tâm vào hơi thở, và cánh cửa phòng ngoài được mở khi ta tiếp tục hành thiền với lòng kiên trì và quyết tâm.  Ta sẽ không bỏ nửa chừng ‘À, đủ rồi, chân ta đã đau rồi’, hay ‘Có ích gì?’ hay ‘Cho kiếp sau à?’ hay ‘Khó quá cho tôi’, hay bất cứ lý do nào khác.

   Đức Phật dạy “Kẻ ngu nói: ‘Sớm quá. Trể quá. Nóng quá. Lạnh quá. No quá. Đói qua’ù”.  Cánh cửa đằng trước mặt chỉ chờ ta mở ra.  Ta lại có chìa khóa.  Và ta chỉ cần tra chìa khóa vào ổ khóa.  Khi cửa mở, ta sẽ thấy các phòng đều hoành tráng.  Sự hoành tráng ở ngay trong tâm trí ta nhưng hiện giờ nó còn bị khóa.  Ta sẽ không thể mở khoá nếu như ta không biết tu thiền.  Nhiều người không bao giờ có thể mở được khóa vì họ không biết chìa khóa là gì hoặc không biết có một cửa vào như thế.  Chúng ta rất may mắn được biết lối vào, và có thể cửa đã hé mở cho ánh sáng tràn vào.

   Khi sự nhiếp tâm đã được kiên định một thời gian, tâm sẽ trở nên trong sáng, và thân thanh tịnh.  Mỗi giây phút nhiếp tâm là mỗi giây phút thanh tịnh.  Những ô trược mà ta thường đắm chìm, mang lại cho ta bao đau khổ, phiền não được gạt sang một bên trong thiền định.  Càng có cơ hội để gạt chúng sang một bên, chúng càng khó thể trở thành thói quen của ta.  Ta càng thường có thể nhiếp tâm, ta càng dễ lãng quên chúng.  Lúc đó việc đạt được một tâm trong sạch, sáng lạng chỉ là việc dễ dàng thôi.

   Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng những cảm giác dễ chịu.  Những cảm giác nầy dấy khởi vì tâm ở trong trạng thái đó không bị quấy nhiễu.  Điều nầy chứng tỏ cho chúng ta thấy là nếu ta không phiền não, và giữ được tâm luôn trong sáng, thanh tịnh thì ta luôn có những cảm giác thoải mái, dễ chịu.

   Ở đây ta đã biết về những thành quả ta có thể đạt được, điều đó làm ta muốn được ở trong trạng thái đó lâu dài.  Niềm mong ước lành mạnh, lợi ích dần dần đưa ta đến trạng thái không còn mong cầu, do đó không còn đau khổ, thất vọng.

   Sự nhiếp tâm bắt đầu bằng cảm giác dễ chịu, rồi dần dần đưa ta đến trạng thái an lạc, hạnh phúc.  Điều nầy chứng tỏ một lần nữa là tâm thanh tịnh chỉ biết có an lạc.  Khi có phiền não, thì có ô trược.  Hai thứ nầy đi với nhau như hình với bóng.  Người an lạc không mong đạt được hạnh phúc qua các căn trần vì họ biết chúng rất ngắn ngủi.  Người hạnh phúc thật sự là người luôn an lạc mà không phụ thuộc vào ngoại cảnh.  Người như thế sẽ dễ dàng nhiếp tâm thiền định, để tìm cho tâm mình một chỗ an trú thanh tịnh, không còn phiền não dấy khởi.  Còn phiền não là do tâm ta còn chưa thanh tịnh.  Khi có phiền não dấy khởi,  nếu ta nghiệm xét sẽ thấy rằng do có sự ô trược ngầm ẩn chứa trong tâm.  Nếu không tìm ra được điều đó, thì do ta chưa thật sự soi xét lại mình.

   Khi ở trong thiền định, tâm không còn bị năm chướng ngại quấy nhiễu. Khi các cảm giác dễ chịu, an lạc dấy khởi thì tâm hỉ, xả cũng theo sau.  Xả bỏ đưa đến cảm giác không còn ham muốn điều gì.  Có người còn có cảm giác mình hoàn toàn không còn tham ái dục nữa nhưng đó chỉ là ảo giác.  Dầu gì, ít ra trong những giây phút đó, lòng ham muốn cũng bị hoại diệt.

   Đó là một kinh nghiệm quí báu khi đạt đến trạng thái không còn tham dục.  Đó là một niềm hạnh phúc tuyệt đối.  Một hạnh phúc đáng kiếm tìm.  Khi đã kinh qua kinh nghiệm đó, ta sẽ biết được mình phải theo đuổi điều gì.  Không phải là theo đuổi để được việc gì.  Mà theo đuổi để cởi bỏ hết mọi thứ.  Đây là điều nhiều người đã lầm tưởng một cách khá buồn cười.  Khi mới bắt đầu tọa thiền, ta  mong tìm được an bình, vui vẻ, hạnh phúc tuyệt vời, là những điều ta chỉ có thể có được khi ta đã buông bỏ những thứ khác.  Như chấp ngã và tham dục.

   Khi ta đã được nếm  -dầu chỉ trong giây phút-  niềm hạnh phúc tuyệt vời của lòng không tham dục, ta biết mình phải làm gì.  Không phải để đuổi theo sự hỉ lạc, mà cái ta cần ươm trồng chính là sự cởi bỏ, buông xả.  Không có sự buông xả, đời sống là một chuổi dài của ham muốn.  Sự buông xả là câu trã lời cho mọi chứng bịnh đạt thành tích, dầu trong thế gian hay trong đời sống tu hành.  Cố gắng để đạt được cái gì đó trong đời sống tu hành thì cũng mê muội như cố gắng đạt được điều gì trong đời sống thế gian.  Không có gì cần đạt được.  Chỉ cần tập buông xả.  Càng cởi bỏ nhiều ràng buộc với chấp ngã, lòng ham muốn và những thứ tương tự, thì hạnh phúc tuyệt vời càng dễ đến hơn.      

Niềm an lạc do thiền định mang đến dựa vào sự thanh tịnh.  Cũng vậy, trong đời thường, nếu ta biết gieo trồng thanh tịnh, thì ta cũng sẽ được an vui.  Tuy các cảm giác dễ chịu, an lạc, xả bỏ trong thiền định thâm sâu hơn các lạc thọ thế gian, nhưng trước hết ta phải thanh tịnh trong đời thường, rồi ta mới có thể tìm được sự thanh tịnh trong thiền định. Chúng đi đôi với nhau.  Ta càng khó tìm được các cảm giác dễ chịu khi tham thiền, thì ta càng phải nổ lực thực tập thanh tịnh hoá thân tâm hơn.    

Niềm vui trong thiền định được coi là thành quả tối ưu mà ta có thể đạt được.   Đó là một sai lầm, vì niềm vui đó cũng chỉ tạm thời, và không hòan toàn độc lập, hay vô điều kiện.  Có nhiều điều kiện kèm theo như là: phải có nơi  yên tịnh, thân thể phải khỏe mạnh để có thể ngồi yên, và có khả năng nhiếp tâm.  Dầu niềm vui nầy không phụ thuộc vào căn trần bên ngoài, nó vẫn còn phải tùy thuộc vào các điều kiện của thân, tâm.  Niềm vui đó chưa phải là tuyệt đối. 

       4.  Hỷ Lạc Qua Kiến Tánh

   Niềm hạnh phúc thứ tư, ở cấp bậc cao nhất, là niềm vui của nội tâm hay là cái thấy, còn gọi là kiến tánh.  Kiến tánh, trong ngôn từ Phật học, được dùng khi nói đến sự hiểu biết về vô thường, phiền não và vô ngã.  Nếu ta có thể thấy rõ được bản tánh của một trong ba đặc tính nầy, thì ta biết tất cả, vì chúng liên hệ nhau.

   Niềm hạnh phúc tuyệt vời của kiến tánh có nghĩa là ta đã dẹp bỏ được chấp ngã.  Khi ta có thể buông bỏ cái tôi, thì ta sẽ nhẹ nhàng, giải thoát xiết bao.

   Ramana Maharshi, một hiền triết ở miền Nam Aán Độ, so sánh những vọng tưởng về Ngã chấp giống như một người hành khách trên tàu hỏa.  Đã bước vào toa rồi, người ấy cứ đứng ôm chặt các hàng lý trong tay, thay vì bỏ các hành lý vào chỗ để hành lý.   Cũng thế, dầu không cần thiết, ta luôn mang mớ hành lý nặng nề của ngã chấp theo bên mình.  Những vọng tưỡng về ngã chấp làm ta thấy mọi việc đều có vẻ đe dọa, tấn công ta, họa hoằng lắm thì bảo vệ ta, nhưng khó đối trị, như ngọn núi ta phải vượt qua.  Nó làm cho cuộc đời thêm khó khăn.

  Các món phiền não, ô trược là lòng ham muốn, sân hận, yếu đuối, lo âu, càn bướng, bám víu vào quan điểm riêng của mình.  ‘Khi ta hoàn toàn buông bỏ các quan điểm, ý kiến của mình, ta có thể nhìn thấy bản thể của mọi vật rõ ràng hơn’, đó là đức tính của bậc A-la-hán.  Với chúng ta, các quan điểm, ý kiến chính là sự thất bại của ta.  Khi ta bắt đầu ‘bảo vệ’ quan điểm, ý kiến của mình, thì thực ra ta đang bảo vệ cho cái tôi của mình.  Sự tranh cãi về một quan điểm cho ta thấy rằng quan điểm đó không được thiết lập dựa trên kinh nghiệm.  Vì người ta không cần bào chữa cho kinh nghiệm.  Giáo lý của Đức Phật dựa trên kinh nghiệm mà có.  Trong khi quan điểm dựa vào Ngã chấp.  Cả hai (quan điểm và Ngã) đều không phải là sự thật tuyệt đối.

   Nhìn thấy rõ ràng tất cả những thăng trầm, biến đổi của vạn vật, trong đó có bản thân chúng ta, giúp ta thấy rằng không có gì trong cõi đời nầy đáng gìn giữ, bám víu.  Nhờ có kiến tánh, ta không chống báng quan điểm của người khác, tránh nẩy sinh ra bao nhiêu phiền phức trong cuộc đời.  Mỗi người có quan điểm riêng của mình.  Không có gì tốt  hơn là chúc phúc cho họ thay vì tranh cãi.  Sự bám víu vào quan điểm của mình cho thấy là ta vẫn chưa hiểu rõ tính cách vô thường của sự vật.   Nếu hiểu rõ được sự vô thường, ta sẽ không nói “Tôi thế nầy, tôi thế nọ”, để có thể xem xét sự việc cẩn trọng hơn.  Tôi là ai?  Tôi có phải là người sáng hôm qua được thiền định?  Hay là người sáng nay toạ thiền mà cứ lo ra?  Là kẻ có tâm nghi hoặc hay người hết lòng tin tưởng vào Phật Pháp?  Ngưòi nào là tôi?  Hay tôi là tất cả những người ấy?  Nếu thé, tôi thật là hỗn tạp.  Tôi phải là thiên hạ, chứ không phải một người.  Vậy thì ta phải chọn lựa: Tôi là tất cả hay là không.  Nếu không nhận là không, thì phải là tất cả.  Thử tưởng tượng cả trăm ngàn con người khác nhau trong một con người.  Nói thế không phải là khuếch đại đâu,  trong suốt cuộc đời ta đã có hằng triệu tư tưởng, ý nghĩ, cảm giác, quan điểm, phản ứng khác nhau, đó là chỉ một cuộc đời.  Nếu ta chọn làm tất cả thì cuộc đời ta sẽ phức tạp, đau khổ hơn nếu ta không là ai trong họ cả.  Vậy thì tại sao không chọn cái không?

   Kiến tánh không dung chứa Ngã chấp.  Tại sao?  Vì ‘cái Tôi’ muốn hiện hữu. Muốn được là gì đó. Là gì?  Là ai? Ở đâu? Để làm gì?  Tất cả chỉ là các quan điểm, được điều kiện hóa qua quá trình tư duy của ta.  Khi ta không chấp vào bất cứ điều gì, an lạc sẽ đến với ta.  Ta hạnh phúc trong sự biết chấp nhận.  Không có gì cần được hòan thành, tạo tác hay thay đổi.  Tất cả đều như tự thể của chúng.

   Bốn mức độ của niềm vui khởi đi từ ngũ dục đến kiến tánh là một quá trình thanh tịnh hóa liên tục.  Tất cả chỉ có thể chứng nghiệm bằng kinh nghiệm của bản thân.  Vì lẻ đó sự tu tập cho đời sống nội tâm phải được ưu tiên.  Ta không thể lơ là, chểnh mãng dù đang ở đâu, làm gì: ở bãi biển, trong thiền viện, đang lái xe, hay ở trên máy bay.  Không được ngơi nghỉ.  Để thoát ra khỏi ngũ dục, ta cần tập nghĩ đến việc phục vụ cho người khác trước tiên.  Nghĩa là tu tập từ bi.  Phúc vụ cho người khác nghĩa là tập quên mình.  Phục vụ người khác có thể bằng nhiều hình thức.  Giúp người rửa tay chân hay giúp người tu thiền, cũng là phục vụ, không có gì khác nhau.  Phục vụ là lòng từ.  Từ tâm là phục vụ.  Tâm định có được là nhờ lòng từ.  Một trong mười một điều lợi ích khi có từ tâm là tâm ta sẽ vào định dễ dàng.

   Không nên coi định như là một mục đích, cứu cánh của ta.  Đó chỉ là phương tiện.  Phương tiện nuôi dưỡng tâm để quán sát thực tại.  Có hai loại thực tại: tương đối và tuyệt đối.  Ai cũng biết thực tại tương đối.  Trong đó có đàn ông, đàn bà, trẻ, già, giàu, nghèo, ngu, khôn.  Có thú vật, cây cỏ, bông hoa, trăng  sao, thiên đàng và tất cả những thứ mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.  Trong thực tại tuyệt đối, không có gì giống như thế.  Chỉ có các bản thể vật chất của những thứ tạo ra bởi tâm.  Tất cả chỉ có thế.  Không có cái gọi là ‘tôi’, là ‘anh’.  Không có gì -chỉ có bản thể sự vật luôn biến đổi.  Ngay đến vũ trự quanh ta cũng thay đổi. Và  chúng ta cũng thế.

   Tâm định, an lạc, hạnh phúc là tâm có thể chấp nhận được thế giới luôn biến đổi nầy và xử đụng nó như thế nào để có ích.  Tâm không ổn định sẽ không thể chấp nhận những việc bất như ý, họ nói: “Nhưng tôi muốn được hạnh phúc, sung sướng”.  Đó là tâm của đa số chúng sanh.  Tâm luôn an lạc không phụ thuộc vào ngoại giới, là tâm có thể nói: “Đây là sự giải thoát ra khỏi những khổ đau.  Đây là hạnh phúc thực sự”.  Tâm đó sẽ nhìn rõ được thực tại tuyệt đối của tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, không phải bám víu, nương tựa vào bất cứ điều gì, không phải trở thành gì, hay là gì đó trong đời. Tâm chỉ làm những gì cần thiết phải làm ở một thời điểm nào đó, rồi buông xả.

   Niềm vui kiến tánh không phải là sự tưng bừng, oà vỡ.  Đó là thứ hạnh phúc chứa đựng sự bình an, không phải có được do tham cầu, mong ước.  Khi không còn vọng tưởng, tâm chân thật sẽ nhận biết được điều đó.

(Còn tiếp)

Thư viện hoa sen