Vì quá để tâm vào chữ Vô Ngã, nên chúng ta không thấy được rằng, Vô Ngã là bức màn tri thức che chắn cho một thực thể chân thật bí mật đằng sau nó. Nếu không khéo nhìn nhận ra chỗ này, thì bức màn đó sẽ trở thành điểm dừng cho sự nhận thức và tu tập của chúng ta trên lộ trình giải thoát. Thực tế cho thấy, Vô Ngã chưa phải là điểm dừng, chưa phải mục đích tối thượng. Vì vậy, quan niệm của Đại Thừa vượt qua định kiến thông thường về học thuyết Vô Ngã, vì Vô Ngã chưa phải thật là Niết Bàn, Vô Ngã chỉ là tiền đề quan trọng để đạt đến Niết Bàn. Kinh Đại Bát Niết Bàn cho rằng Chơn Ngã mới là Niết Bàn (thường, lạc, ngã, tịnh). Đây là điều cần phải làm sáng tỏ. Điều này có lẽ đi ngược lại lối nhận thức thông thường. Và nếu đạo Phật dừng lại ở mức độ Vô Ngã, cho đó là mục đích tối thượng thì dễ gây ra sự ngộ nhận rất là bi quan:“Tu theo Phật để rồi không còn gì cả (vô ngã)!” Đó là cái hoang mang trong suy nghĩ của mọi người khi nhắc đến học thuyết Phật giáo. Rất có thể người viết chủ quan với nhận định của mình nhưng đó cũng là một ý kiến để rộng đường tư duy về chữ Ngã trong Phật giáo.
Một điều trớ trêu thay, khi nhận diện cuộc đời là vô ngã đã đem đến sự thất vọng não nề cho đức Phật của chúng ta ngay từ buổi đầu. Bằng chứng là khi dạo bốn cửa thành, đức Phật vô cùng thất vọng về thân phận của mình, bởi vì bản thân ngài rồi cũng phải già, bệnh và chết như bao nhiêu người khác. Trước đó, đức Phật không ngờ rằng, thế gian có cuộc sống vô thường bấp bênh như thế! Ngài bị bưng bít sự thật bởi mọi người đều tuân theo mệnh lệnh của phụ vương không để cho Ngài thấy sự khổ ở đời. Ban đầu, nguyện vọng và lý tưởng cao xa của Ngài như một hạt giống tiềm ẩn từ vô lượng kiếp nhưng duyên để giác ngộ, động lực thôi thúc việc Ngài từ bỏ sự giả tạm vô thường dường như chỉ lờ mờ xuất hiện trong tâm trí.
Từ cuộc đi dạo bốn cửa thành, chứng kiến được mọi thứ không có gì là thật, nó tạm có trong vô thường, đức Phật đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn từ lạc quan dẫn đến bi quan; bi quan cho thân phận mình, bi quan cho kiếp nhân sinh được thể hiện qua những câu nói với Gia Du Đà La, người vợ xinh đẹp của thái tử Sĩ Đạt Ta: “Ôi, mắt trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu… Đôi bàn tay mỹ miều này sẽ co quắp lại như những que củi khô! Ta nghe trong ta, trong em trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian…” (Ánh đạo vàng – Võ Đình Cường). Và chắc chắn một điều ai rồi cũng phải già và chết.
Những câu nói tưởng chừng như nguệch ngoạc, ngây ngô của thái tử khi hỏi vặn Sa Nặc, người đánh xe ngựa: “Thế còn ta có già, có bệnh, có chết không?” Điều đó không phải biểu hiện sự ngây ngô mà đó là câu hỏi để tìm ra lẽ thật, vì những hình ảnh này Ngài chưa từng được thấy. Câu nói chứng tỏ thái tử rất nhạy cảm với mọi thứ. Thái tử có cái nhìn đời thẩm thấu, không ù lì hay thờ ơ lãnh đạm với mọi việc đang xảy ra xung quanh.
“Một câu hỏi lớn không lời đáp”, trong thế giới này có cái gì thật sự bền chắt không? Có một ai mà không bị sanh, già, bệnh, chết? Đây là tiền đề cho sự ra đi của thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha), sự ra đi để tự tìm câu trả lời đúng đắn nhất.
Như vậy, sự đi tìm câu trả lời của thái tử Sĩ Đạt Ta, cũng giống như sự tìm câu trả lời của nhiều nhà hiền triết trước đó. Đó là sự tìm câu trả lời cho một ý tưởng duy nhất: “Cái gì là bất tử?”
Đa phần, học thuyết của các tôn giáo có mặt cũng nhằm giải mã cho những nghi ngờ về thân phận con người sau khi chết, về cuộc sống, về những cái vô hạn khi mà trí hiểu biết của con người rất là hữu hạn. Quá chăng những lời giải thích đó không thỏa mãn được mọi người, đặc biệt là không thể nào làm thỏa mãn được trí óc siêu việt của thái tử thời bấy giờ. Bà La Môn giáo đã trả lời được cho cái bất tử bằng cách tạo dựng lên hình ảnh đấng Phạm Thiên (Brahma – Đại Ngã), là đấng bất tử, tồn tại vĩnh hằng, người có khả năng sinh ra vạn vật, kể cả con người. Con người là một phần nhỏ trong tổng thể của đấng Bhrama, phần nhỏ đó gọi là Tiểu Ngã (Atman); Tiểu Ngã này có sinh khởi và có hoại diệt (chết). Sau khi hoại diệt, mỗi cá thể Tiểu Ngã này sẽ nhập vào Đại Ngã thì trở thành cái bất tử sau khi chết. Đó cũng là cách lý giải để đáp ứng sự khát cầu về cái bất tử. Đại bộ phận quần chúng Ấn Độ thời bấy giờ cũng dựa vào học thuyết này và tin tưởng điều đó như một sự thật, cách giải quyết bế tắc, mặc dù chưa một vị giáo chủ nào có thể chứng minh.
Người Trung Hoa tương truyền về loại thuốc trường sinh bất tử do các vị thần tiên của Lão giáo chế tác ra bằng cách luyện linh đơn. Từ nhiều thế kỷ trước, thuật trường sinh đã mê hoặc các vị vua thời phong kiến làm cho họ ưa thích và tin dùng. Sự thật có đem lại kết quả trường sinh hay là một bi kịch, xưa kia thuốc trường sinh vẫn là lời đồn hấp dẫn cho những người muốn sống mãi trên đời để hưởng thụ. Đó cũng là cách giải quyết tạm thời cho những khối óc say mê tìm tòi cái bất tử.
Những triết học của tôn giáo, lời đồn về các vị thần tiên luyện linh đơn đã cho chúng ta cảm nhận rằng sinh tử là nỗi sợ hãi trong mỗi con người. Vì vậy, con người luôn đi tìm phương cách để giải quyết nỗi sợ đó. Và câu trả lời chính xác nhất ở đâu?
Vì nỗi sợ sanh tử mà một số người phải xông pha vào sanh tử để tìm cái bất tử. Bằng chứng, để tìm câu trả lời, đức Phật đã trải qua bao năm trường cần tu khổ hạnh, thậm chí suýt chết bên bờ sông Ni Liên Thuyền (Nairanjana), nhưng sự bất tử vẫn chưa có câu trả lời, mà cái sanh tử thì đang chập chờn trước mắt. Mặc dù thế, Ngài vẫn không tỏ một chút thái độ sợ hãi, song lại biểu hiện tâm trạng hoài nghi về con đường tìm cầu bất tử. Điều đó cho chúng ta thấy sự khát khao sống mãi của con người là không có giới hạn; chẳng qua, chúng ta bất lực trước những thực tế phũ phàng nên đành phải cam chịu và thừa nhận sanh tử là một quy luật!
Như vậy, Vô Ngã có phải là một vấn đề bế tắc của nhân sinh? Cái mà trước đây các bậc hiền triết, các nhà sáng lập tôn giáo, kể cả đức Phật muốn tìm. Đó là một cái chân ngã, cái ngã thật, tức là cái Tôi cái Ta không bị chi phối, không bị thay đổi theo không gian và thời gian.
Khi đức Phật tuyên ngôn: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. ‘Ngã’ ở đây phải hiểu đúng là chân ngã, thật ngã, vì chỉ có thật ngã mới là cái siêu xuất trong trời người, chứ không thể hiểu theo cách suy diễn mông lung. Câu nói này có thể xuất hiện sau khi đức Phật thành đạo, khi mà đạo Phật thực thụ trở thành một tôn giáo vững mạnh, chứ không hẳn là câu nói lúc Ngài mới đản sanh (ý tác giả). Đây là câu nói tuyệt vời, câu nói chính xác, câu nói khẳng định cho một niềm tin rằng, Ngài đã tìm được chân lý (chân ngã), nghĩa là Ngài đã trả lời được câu hỏi hóc búa xưa nay: “Cái gì là bất tử?” Ngài đã khẳng định Ngài là bất tử hay nói khác hơn, Ngài là chân ngã, là Niết Bàn, Giác Ngộ (Phật – ngã) là tìm ra được chân ngã.
Mọi sự vật hiện tượng trên đời này chỉ có tạm thời thôi, nó luôn vô thường sanh diệt. Nó hình thành do nhiều yếu tố nhân duyên nên nó là Vô Ngã, tức là không thể tồn tại mãi mãi với thân xác tạm bợ này. Trong kinh Tương Ưng III, Ðức Phật đã có lần hỏi các thầy tỳ kheo: “Này các thầy, cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường?”
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay vui?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ: Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
Qua đó, chúng ta đã thấy rất rõ ràng, không có cái gì thật thì làm gì có ngã. Mọi thứ đều là giả ngã nên đức Phật mới nói là vô ngã. Nói Vô Ngã là để tìm cái ngã thật, cái nào đáp ứng được cho cái thật ấy thì cái đó chính là chân ngã.
Khi đọc kinh Đại Bát Niết Bàn chúng ta thấy trong kinh nêu lên Tứ Đức Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh. Điều này đã làm dấy lên sự tranh cãi: “Đã là Niết Bàn rồi mà còn Ngã, còn Tịnh, còn Thường gì nữa?” Bởi vì nó là pháp đối đãi nên chưa phải là Niết Bàn chân thật, là Niết Bàn tuyệt đối. Đúng vậy, cái tuyệt đối vốn vô ngôn, nếu đã lập ngôn thì lời nào cũng là tương đối. Nhưng ngôn ngữ có ra là để giải thích cho cái không lời, nhờ đó mà chúng ta có lối vào, từ tương đối mà nhận ra được chỗ tuyệt đối.
Kinh Niết Bàn nêu về chữ Ngã hay lời tuyên ngôn đản sanh của Phật là thuyết minh cho cái vô ngôn, để chỉ cho cái tuyệt đối, để chỉ cho cái bất sanh bất diệt bằng từ Ngã, là từ then chốt nhất, là mục đích tối thượng mà bao nhiêu ngàn năm con người đang tìm cầu nó, giải mã nó (chơn ngã).
Đức Phật đã quá tuyệt vời khi Ngài đã khám phá được sự thật về cái trần gian giả tạm; mọi sự vật hiện tượng trong đời chỉ là hư ảo phù hoa. Hãy tỉnh giác để thong dong vui sống trong cuộc đời giả tạm này. Nhờ giác ngộ được Vô Ngã, nhận ra lẽ thật phũ phàng, chúng ta mới can đảm nói rằng: “Sống chết như đi về, ái ân là trò dâu bể”. Nhận thức rõ thân xác được kết hợp bằng thân Năm Uẩn, nó không thể nào tồn tại vĩnh cửu, nhưng con người không còn chỗ nào để bám trụ thì phải chấp nó, bám vào nó để có cái Tôi cái Ta tạm thời mà tồn tại. Thực tế, do con người không giác ngộ, nên mượn cái giả làm chơn, rồi chấp chặt vào nó, cho nó là thật nên bị khổ đau hoài. Giống như giữa biển khơi, chúng ta không có phao nổi để nương thì buộc lòng chúng ta phải mượn xác chết thay phao nổi để mà sống còn. Chúng ta phải cần biết một điều, xác chết vốn không phải là phao nổi, không thể tồn tại mãi cho chúng ta bám trụ. Cũng vậy, thân xác tứ đại này đâu phải là thân xác thật, nó tạm có trong vô thường. Phải giác ngộ về điều này để thấy rằng vô ngã là đường cùng của nhận thức về sự sống. Nhận ra được đường cùng này chúng ta sẽ hiển lộ được cái bất tử tức Niết Bàn, chân như. Chân như không phải do tìm mà có, chân như là cái bất sinh bất diệt ngay trong sanh diệt, nhưng phải từ bỏ cái sinh diệt rồi thì bất diệt hiện tiền.
Kinh Niết Bàn đức Phật dạy:
“Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp Sanh diệt diệt dĩ Tịch diệt vi lạc. |
Các hành vô thường,
Là pháp sanh diệt, Sanh diệt diệt rồi, Tịch diệt là vui”. |
Vậy, tịch diệt từ đâu ra? Niết bàn từ đâu ra? Bất tử từ đâu ra? Ngay nơi sanh diệt, vô thường, bất tịnh được vỡ tung, thì ngay nơi đó cũng hiển lộ ra được tính chơn thường, chơn ngã, chơn tịnh. Chính đó là cái bất tử, cái mà đức Thế tôn đã kinh nghiệm được sau khi thân xác ngài sắp chết (tử). Một bài học xương máu vô cùng quý giá được biểu hiện rõ rệt qua hai từ vô ngã, là phương châm tu tập của mọi hành giả muốn thành đạo và độ đời.
Thích Phước Tiến