Quán Chiếu

Tôi đã có nhiều năm suy ngẩm về những phát triển đáng ghi dấu của khoa học.  Chỉ nội trong khoảnh khắc ngắn ngủi của đời tôi, thì tác động của khoa học và công nghệ lên con người đã thật to lớn. Mặc dù mối quan tâm của tôi đến khoa học bắt đầu bởi tính tò mò về một thế giới được chi phối bởi công nghệ, thì khi đó khoa học còn khá lạ lẫm với tôi. Mối quan tâm này đã lóe ra trong trí tôi không lâu trước khi khoa học ảnh hưởng to tát lên nhân loại – đặc biệt là sau khi tôi lưu vong trong năm 1959. Ngày nay thì hầu như không có một lãnh vực nào của nhân sinh mà không dính dáng đến các hiệu quả của khoa học và công nghệ.  Dù chúng ta đã rõ vị trí của khoa học trong toàn bộ đời sống con người – thì điều gì đúng ra khoa học nên được tiến hành và điều gì khoa học nên chịu sự quản lý?  Điểm thứ nhì trong câu hỏi này thật sự quan yếu bởi vì trừ khi  hướng đi của khoa học được dẫn dắt bởi một động lực đạo đức có ý thức, đặc biệt là lòng từ ái, nếu không thì các hậu quả của nó có thể thất bại trong việc mang lại lợi ích. Chúng dĩ nhiên còn có thể gây tác hại vô cùng.

Việc thấy được tầm quan trọng to lớn của khoa học và nhận biết địa vị thống trị không tránh khỏi của nó trong thế giới đã thay đổi một cách cơ bản thái độ của tôi với khoa học, từ chỗ tò mò trở thành một kiểu hành động gấp rút.  Trong Phật giáo, lý tưởng tâm linh cao nhất là để nuôi dưỡng lòng từ bi cho mọi chúng sinh hữu tình[1] và để làm cho phúc lợi của họ được mở rộng tối đa.  Từ khi còn rất ấu thơ, tôi đã được tạo duyên để chăm chút cho lý tưởng này và cố gắng để thi hành nó trong mọi hành vi.  Vậy nên, tôi đã muốn hiểu biết khoa học vì nó cho tôi một lãnh vực mới để thám sát trong cuộc truy tầm để hiểu được bản chất về thực tại của tôi. Tôi cũng muốn học hỏi nó, bởi vì nó là cách thức mạnh mẽ để liên lạc với các thấu hiểu được góp nhặt từ chính truyền thống tâm linh của mình. Cho nên, với tôi, nhu cầu làm việc với lực lượng [khoa học] mạnh mẽ này trong thế giới của chúng ta cũng đã trở thành một loại sứ mệnh tâm linh.  Câu hỏi trọng tâm – trọng tâm cho sự tồn tại và hoàn thiện của thế giới chúng ta – là làm sao có thể tạo ra các phát triển khoa học tuyệt diệu cho các đối tượng (hay sự vật) nào mà nó cống hiến dịch vụ vị tha và từ bi cho nhu cầu của con người và các chúng sinh hữu tình vốn đang cùng chia sẻ trái đất này với chúng ta.

Đạo đức có chiếm một địa vị nào trong khoa học hay không?  Tôi tin rằng có.  Trước tiên, giống như một trang cụ bất kì, khoa học có thể đặt vào chỗ hữu dụng hay tai hại.  Trạng thái tâm thức của người đang vận hành trang cụ đó sẽ quyết định hậu quả sau cùng của việc sử dụng.  Thứ đến, các phát hiện khoa học ảnh hưởng lên cách mà chúng ta hiểu về thế giới và về vị trí của mình trong đó.  Điều này có hậu quả đến hệ thống ứng xử cuả chúng ta. Chẳng hạn, hiểu biết về cơ giới của thế giới đã dẫn tới cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ[2], trong đó, khai thác thiên nhiên trở thành hoạt động chuẩn mực.  Mặc dù vậy, có một giả thiết chung cho rằng đạo đức chỉ thích hợp đến ứng dụng của khoa học, mà không phải là mưu cầu thực tại của khoa học.  Trong mô hình này, mỗi khoa học gia như là một cá thể và cộng đồng các nhà khoa học nói chung giữ vị trí trung tính về đạo đức không chịu trách nhiệm cho hậu quả của những gì mà họ khám phá ra.  Nhưng có nhiều khám phá khoa học quan trọng, và riêng những phát kiến công nghệ được các khám phá này dẫn tới hay tạo ra những điều kiện mới và mở ra nhiều khả năng xuất hiện các thách thức mới về đạo đức và tâm linh.  Chúng ta không thể đơn thuần miễn trừ những hành vi tạo tác khoa học và cả chính cá nhân các nhà khoa học ra khỏi trách nhiệm cho việc đóng góp vào sự nảy sinh của một thực tế mới.

Có lẽ điểm tối quan trọng là đảm bảo được rằng khoa học không bao giờ tách rời khỏi cảm xúc nhân bản về sự cảm thông với các chúng sinh đồng đẳng của ta.  Cũng như là các ngón tay của một người chỉ có thể hoạt động trong mối quan hệ với bàn tay, các khoa học gia phải luôn nhận biết mối tương quan của họ với xã hội bên ngoài.  Khoa học thì vô cùng quan trọng nhưng nó chỉ là một ngón trên cánh tay của nhân loại, và năng lực vỹ đại nhất của nó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta ghi nhớ cẩn thận điều này.  Ngược lại, ta có nguy cơ đánh mất ý nghĩa của các thứ tự ưu tiên.  Con người có thể đi đến chỗ phục vụ cho các quan tâm về tiến bộ khoa học hơn là theo chiều hướng ngược lại [tức là khoa học phục vụ cho con người] Khoa học và công nghệ là những công cụ mạnh, nhưng ta phải quyết định sử dụng chúng sao cho tốt nhất.  Đứng trên tất cả những điều đó là động lực để quản lý việc ứng dụng khoa học và công nghệ, để cho tâm và trí được hài hòa thống nhất một cách lý tưởng.

Với tôi, khoa học, trước và trên hết, là một bộ môn thực nghiệm cung ứng cho nhân loại một phương thức truy cập mạnh để tìm hiểu bản chất của thế giới sống và thế giới vật chất. Một cách cơ bản, nó là một lối truy cứu cung cấp cho chúng ta một tri thức tỉ mỉ tuyệt vời về thế giới thực nghiệm và các quy luật vận hành bên trong của thiên nhiên, mà ta rút ra được từ các dữ liệu thực nghiệm.  Khoa học tiến hành bằng các giá trị của một phương pháp rất đặc biệt bao gồm đo đạc, định lượng, và kiểm nghiệm đa chủ thể[3] thông qua các thí nghiệm lặp lại.  Điều này tối thiểu là một tính chất căn bản của phương pháp khoa học khi mà nó có mặt trong mẫu hình khoa học hiện nay.  Trong mô hình này, thì nhiều khía cạnh về sự tồn tại của con người, bao gồm các câu hỏi về các giá trị, sự sáng tạo, và tâm linh cũng như là các câu hỏi siêu hình ở mức sâu hơn sẽ nằm ngoài nội dung của truy cứu khoa học.

Mặc dù có nhiều lãnh vực của đời sống và kiến thức nằm ngoài phạm vi của khoa học, tôi nhận thấy nhiều người giữ ý định cho rằng quan điểm khoa học của thế giới phải nên là cơ sở cho tất cả tri thức và tất cả những gì khả kiến. Đây là chủ nghĩa duy vật khoa học.  Mặc dù tôi không nhận thấy có trường phái tư tưởng nào đề xướng ý này, nhưng nó dường như là một tiền lệ chung không được kiểm nghiệm lại.  Quan điểm này duy trì lòng tin vào thế giới khách quan, cho rằng thế giới này độc lập với sự ngẫu nhiên của những người quan sát nó.  Nó cho rằng dữ liệu được phân tích trong một thí nghiệm là độc lập với các nhận thức thành kiến, và sự trải nghiệm của nhà khoa học dùng phân tích chúng.

Ẩn đàng sau của quan điểm này là sự thừa nhận rằng, trong phân tích tối hậu, thì vật chất, sẽ như là được mô tả bởi vật lý và như là nó chịu tác động bởi các luật vật lý là tất cả hiện hữu.  Theo đó, quan điểm này cho rằng tâm lý học có thể được quy giảm về sinh học, sinh học quy về hóa học và hóa học quy về vật lý.  Ở đây, tôi không quan tâm nhiều đến việc tranh luận chống lại luận điểm của chủ nghĩa quy giảm[4] (dù rằng chính tôi cũng không đồng tình với quan điểm này) mà là để lưu ý tới một điểm vô cùng quan trọng:  là những ý kiến đó không tạo dựng nên tri kiến khoa học; đúng hơn, chúng đại diện cho một luận điểm triết học, thật ra là một luận điểm siêu hình.  Quan điểm cho rằng tất cả các khía cạnh của thực tại đều có thể quy giảm về vật chất và các hạt vật lý của nó, theo ý tôi, có vị trí siêu hình tương đương không thua gì với vị trí siêu hình của quan điểm cho rằng có một cơ chế thông minh đã sáng tạo ra và điều khiển thực tại.

Một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật khoa học trọng căn là nó dẫn tới tầm nhìn thiển cận và có thể nảy sinh ra chủ nghĩa hư vô.  Chủ nghiã hư vô, chủ nghiã duy vật, và chủ nghĩa quy giảm tất cả có các vấn đề nêu trên từ tầm nhìn triết học, đặc biệt là tầm nhìn con người, bởi vì chúng có tiềm lực làm nghèo kiệt đi cách thức mà chúng ta nhìn chính mình.  Thí dụ, khi ta nhìn chính mình như là các sinh vật hữu cơ ngẫu nhiên hay như là các chúng sinh đặc biệt được phú cho phương diện về ý thức và khả năng đạo đức sẽ tạo nên tác động lớn đến cách mà ta cảm thấy về chính mình và cách đối xử với tha nhân.  Trong cách nhìn này, nhiều khía cạnh của toàn bộ thực tại trong các phạm trù  thuộc tính của con người như nghệ thuật, đạo đức, lòng tốt, nét đẹp, và trên tất cả là ý thức – hoặc sẽ bị quy giảm về các phản ứng hoá học của các tế bào thần kinh hay được xem như là một sự kiện đơn thuần của các cấu trúc tưởng tượng.  Điều nguy hại tiếp sau đó là con người có thể bị quy giảm xuống không hơn gì những máy móc sinh học, các sản phẩm của sự tình cờ đơn thuần trong tổ hợp ngẫu nhiên của các gen, với không có mục đích nào khác hơn là sự cưỡng bách sinh học của việc tái sinh sản.

Thật là khó để thấy được bằng cách nào các vấn đề như là ý nghĩa của cuộc sống hay thiện và ác có thể tương hợp được bên trong một thế giới quan như vậy.   Vấn đề không phải ở các dữ kiện thực nghiệm của khoa học mà ở luận điểm cho rằng các dữ liệu này một mình chúng cấu trúc được nền tảng hợp lệ cho việc phát triển một thế giới quan toàn diện hay một giá trị thoả đáng để trả lời cho các vấn đề của thế giới.  Có nhiều điều về sự tồn tại của con người và về tự bản thân thực tại mà khoa học hiện nay chưa đủ khả năng cho chúng ta truy cập tới.

Bởi cùng cách biểu hiện, tâm linh phải được làm mạnh bởi các phát kiến và thấu hiểu của khoa học.  Nếu như những người thực hành tâm linh chúng tôi không đếm xỉa đến các phát kiến của khoa học, thì thực hành của chúng tôi cũng bị nghèo kiệt đi, giống như là sự cố chấp có thể dẫn đến chủ nghĩa kinh điển[5].  Đây là một trong những lý do khiến tôi khuyến khích các Phật tử đồng môn tiếp nhận nghiên cứu khoa học, có như vậy, các thấu hiểu của khoa học có thể được tích hợp vào trong thế giới quan Phật giáo.


[1] Cụm từ Chúng sinh hữu tình bao gồm hai vế.  Vế thứ nhất “chúng sinh” tức là những thể sống có khả năng tạo sinh ra các thế hệ mới, có khả năng hấp thụ dinh dưỡng, thải chất cặn bã, vv.  Động và thực vật đều là chúng sinh nhưng đất, nước, không khí tinh khiết không phải là chúng sinh. Vế thứ nhì “hữu tình” để ám chỉ khả năng có xúc cảm, và tùy theo mức độ có các khả năng khác về tinh thần, tri giác. Như vậy giới động vật được xem là thuộc về hữu tình. Sự phân định chi tiết một số loài thuộc cực hạn giữa hữu tinh và vô tình là con tùy theo tiêu chuẩn.  Riêng sự phân định cực hạn giữa các loại (như giữa động vật và thực vật) đã dẫn đến theo cách phân chia khác — như giữa các loại tế bào không có nhân (eukaryotes — chúng không thuộc về cả động hay thực vật) và loại tế bào có nhân prokaryotes bao gồm cả động thực vật, nấm, ..)

[2] Cách Mạng Kỹ Nghệ xảy ra vào thế kỷ 18 và 19 trong đó có sự thay đổi lớn chủ yếu trong nông nghiệp, công nghiệp, khai thác mỏ và lưu thông đã tạo ra hiệu quả sâu sắc lên các điều kiện về kinh tế xã hội và văn hóa bắt đầu nổ ra tại Anh lan khắp châu Âu, bắc Mỹ và thế giới. Cuộc cách mạng này mở ra một trang sử mới cho nhân loại và ảnh hưởng đến hầu như mọi khía cạnh của cuộc sống.  “Industrial Revolution”. Wikipedia. Truy cập 11/01/2010

[3] Dịch từ chữ “intersubjective verification”: Tức là cách thức kiểm tra lại các lý thuyết thông qua việc áp dụng lý thuyết đó lên các chủ thể khác nhau mà chúng có chia sẻ cùng đặc tính (kinh nghiệm) và thoả mãn tiền đề của lý thuyết. “Intersubjective Verifiability”. Wikipedia. Truy cập 18/02/2009

[4] Chủ trương quy giảm là một chủ trương để tìm hiểu bản chất phức tạp của các sự vật bằng cách quy giảm chúng vào các tương tác của các bộ phận nhỏ hơn của chúng, hay quy giảm đến các sự vật nền tảng và đơn giản hơn.
“Reductionism”. Wikipedia. Truy cập 17/02/2009.

[5] Từ chữ “Fundamentalism”: Chủ trương tin tưởng tuyệt đối vào kinh điển. Kinh điển là tuyệt đối không có sai sót và không có lỗi lầm.

(Còn tiếp)

Nguyên tác: The Universe in a Single Atom của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Dịch Việt: Làng Đậu Võ Quang Nhân