LỜI ĐẦU SÁCH
Phật pháp là một Học lý cao siêu, mầu nhiệm và thực tiễn, bao gồm hết các Pháp ở thế gian, không một bài học thuyết tư tưởng nào ngoài Phật pháp cả. Bởi thế, khi nhìn Phật pháp, nhà triết học bảo đạo Phật là triết học thuần tuý, nhà tôn giáo cho rằng một tôn giáo hoàn toàn, rồi gần đây khi khoa học bắt đầu nẩy nở, các Khoa học gia lại nói: Đạo Phật sao mà khoa học thế!
Tuy giáo pháp của Đức Phật bao la, song không ngoài mục đích đưa con người đến chỗ giải thoát cứu kính. Đức Phật dạy: “Cũng như nước trong đại dương chỉ có một chất mặn, giáo pháp của Ta cũng chỉ có một hương vị giải thoát”. Do đó, khi nghiên cứu và tu học Phật pháp, tất cả mọi người, thuộc đủ các giới, đều được thoả mãn nhu cầu tinh thần, rồi tuỳ theo khả năng , đứng trên lập trường chuyên môn của mình, đem giáo lý của Đức Phật truyền bá, giải thích và trình bày đúng theo chính pháp của Phật.
Tác giả cuốn sách nhỏ này là Ông Uông Trí Biểu, một nhà khoa học Trung Hoa, đã đứng trên lập trường khoa học để khách quan so sánh và trình bày mấy điểm tương đồng giữa Phật pháp với Khoa học. Cuốn sách này tuy chưa mấy đầy đủ, nhưng với lối diễn giải mới mẻ của tác giả, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm khả dĩ giúp ích cho các nhà trí thức và Phật tử Việt Nam, muốn tìm hiểu về Phật pháp; nên chúng tôi đã cố gắng dịch ra tiếng Việt để hiến quý vị cùng nhận định về tư tưởng của những nhà khoa học nước ngoài đối với Phật giáo.
Nhan đề của cuốn sách la “Nhìn Phật giáo qua Khoa học”, tất nhiên nội dung sẽ nói nhiều về khoa học, mà khoa học thì ngoài phạm vi chuyên môn của chúng tôi, bởi thế, trong khi dịch, chắc chắn không thể tránh khỏi những điểm sơ suất, nếu có chỗ nào sai lầm, kính xin các bậc cao minh phủ chính.
Trân trọng
Saigon, mùa Thu, năm 1961
Dịch giả: THÍCH TUỆ ĐĂNG
TỰA
Phật Giáo thường bị coi như một Tôn giáo đầy mê tín, vì người ta chỉ căn cứ vào một mớ hình thức phức tạp bên ngoài để phán xét. Họ thấy những pho tượng Phật sơn son, thếp vàng và nghe tiếng chuông mõ, trống phách, thì cho đó là sùng bái ngẫu tượng; lại thấy cách sinh hoạt hoạt của Tăng, Ni trong các tự viện, thì cho họ là những ký sinh trùng của xã hội. Nhưng có biết đâu trong Phật giáo bất cứ cái gì cũng căn cứ vào lý luận, mà lý luận đó lại vô cùng cao sâu, không phải chỉ nói qua là hiểu ngay, mà cần phải có một sức học tương đối, vững chắc, mới có thể thấu suốt được.
Những người cho Phật giáo là mê tín thì chính họ đã pham lỗi mê tín rồi, vì họ chưa từng tìm hiểu giáo lý của đạo Phật một cách triệt để, ngay đến những điều phổ thông, thường thức trong Phật giáo họ cũng không biết, chỉ thấy người ta nói, cũng nói theo, đó mới thật là kẻ mê tín, tin theo lời nói hồ đồ của người khác.
Ta có thể nói Phật giáo là một tôn giáo, nhưng cũng có thể nói Phật giáo không phải tôn giáo, điều đó cần nên định nghĩa hai chữ Tôn giáo như thế nào đã. Nếu theo nghĩa căn bản của chữ Religion (tôn giáo) là sùng bái Nhất thần hoặc Đa thần, thì Phật giáo hoàn toàn không phải là một tôn giáo, vì Phật giáo không chủ trương thần quyền. Còn nếu theo nghĩa rộng của hai chữ đó: Phàm cái gì có tôn chỉ có giáo lý như Khổng giáo, Lão giáo chẳng hạn đều có thể gọi là tôn giáo, thì ta cũng có thể nói Phật giáo là một tôn giáo.
Từ sau khi khoa học tiến bộ, những tôn giáo sùng bái Nhất thần hoặc Đa thần đều bị khoa học công kích, duy có Phật giáo thì khác hẳn: Khoa học càng xương mình thì giáo lý Phật giáo càng rực rỡ, sáng tỏ. Mấy năm gần đây, Phật giáo tại các nước trên thế giới ngày càng hưng thịnh có thể so sánh với sự tiến triễn của khoa học. Ngay ở nước ta (Trung Hoa) mấy năm gần đây, trong số tín đồ Phật giáo, ta thấy có rất nhiều các nhà bác học, khoa học và kỹ sư. Điều đó không có gì là lạ cả, vì lý luận của Phật pháp rất phù hợp với các khoa học thực nghiệm, cho nên những khám phá của khoa học càng tiến sâu bao nhiêu thì càng dễ thuyết minh những chân lý trong các kinh điển của Phật mà từ trước chưa ai giải thích được. Tất cả những cái mà người tầm thường cho Phật giáo là mê tín thì ngày nay khoa học đã chứng minh cho lời dạy của Đức Phật đều y cứ trên những lý luận rất vững vàng. Quyển “NHÌN PHẬT GIÁO QUA KHOA HỌC” này sẽ trình bày về những nhận xét ấy.
Uông Trí Biểu
THIÊN THỨ NHẤT
PHẬT GIÁO
LÀ MỘT TÔN GIÁO THUẦN LÝ TRÍ
Người ta cho rằng khoa học là sản vật của lý trí thì người ta cũng phải nhìn nhận rằng Phật giáo cũng là sản vật của lý trí. Vì cũng là nhũng sản vật của lý trí, nên đứng về phương diện khoa học mà nhìn Phật giáo,thì ta thấy được rõ ràng và chính xác hơn là đứng trên lập trường Triết học, Văn học, Chính trị và Kinh tế. Khoa học đã từng diệt trừ sự ngu muội và cởi mở được lòng mê chấp của con người trải mấy ngàn năm. Phật giáo đối với nhân loại cũng đã có những cống hiến như thế.
A.- PHÁ TRỪ SỰ MÊ LẦM ĐEN TỐI:
Loài người xưa nay có rất nhiều ngộ nhận, không dùng lý trí mà suy xét kỹ càng thì sẽ luôn luôn bị những sự ngộ nhận ấy mê hoặc làm cho đã lầm lẫn lại càng lầm lẫn thêm. Một thí dụ rất đơn giản là: từ xưa, phần nhiều người ta thường cho rằng trái đất hình dẹp, hoặc vuông và đứng yên một chỗ, còn mặt trời thì xoay chuyển, nhưng các nhà khoa học lại chứng minh rằng trái đất hình tròn, không phải đứng yên một chỗ, mà xoay quanh mặt trời. Về vấn đề Nhật thực và Nguyệt thực, xưa kia người ta cho là rất thần bí, nhưng ngày nay ai cũng biết rằng Nhật thực là mặt trời bị mặt trăng che khuất, còn Nguyệt thực là mặt trăng bị bóng trái đất che đi, và người ta có thể tính trước được thời khắc của Nhật thực và Nguyệt thực. Tôi còn nhớ ở đầu quyển Kỷ hà học, có mấy thí dụ chưng minh những sự thấy lầm của con mắt, trong đó có một thí dụ là: Vẽ hai đường trực tuyến song song dài bằng nhau, rồi trên đầu hai đường trực tuyến ấy, ta vẽ thêm hai dấu: < > và > <, sẽ khiến cho người ta thấy dường như một đường dài, một đường ngắn. Căn cứ vào chứng minh đó, nếu ta chỉ dựa vào con mắt để phân biệt dài ngắn là sai. Còn nói về ban đêm, chúng ta để mắt nhìn những vì sao trên vòm trời, tưởng như những vì sao ấy tồn tại và đứng yên một chỗ nhất đinh, nhung các nhà Thiên văn học cho biết có rất nhiều vì sao cách xa trái đất của ta vô cùng, không thể dùng cây số để tính mà phải dùng đến tốc lực của ánh sáng và niên số gọi là quang niên. Mỗi quang niên là : 300.000 cs một giây nhân với số giây trong một năm, vậy mà có những ngôi sao cách xa trái đất của ta hàng mấy mươi quang niên. Bởi thế lúc ta nhìn thấy ngôi sao thì ánh sáng của nó đã phát ra hàng mấy mươi năm về trước rồi, và hiện bây giờ ngôi sao đó đã biến đi nơi nào mà ta không biết.
Lại như khi ta thấy những bàn ghế, bút nghiên và mâm chén trong nhà đều là những vật cứng chắc và đứng yên, không chuyển động, nhưng các nhà Vật lý học cho rằng nguyên tử của những vật đó cùng với một Thái dương hệ không khác. Điện tử xoay quanh hạch nguyên tử nhanh bằng tốc độ của ánh sáng, mà nguyên tử với nguyên tử cũng luôn luôn chuyển động không ngừng. Giữa nguyên tử với nguyên tử, giữa nguyên tử với hạch nguyên tử , cũng để lại một khoảng trống khổng lồ. Trong khi điện tử và nguyên tử của những vật đó chuyển động như vậy, mà bề ngoài ta thấy vẫn im lìm, bất động. Như thế đủ biết, con mắt của ta không thể nào thấy rõ được chân tướng của vật thể, mà dùng đến lý trí mới có thể tìm ra một giải đáp chính xác.
Phật giáo cũng đã sửa chính rất nhiều sự nhận lầm như vậy. Kinh Phật dạy trong vũ trụ có ba ngàn đại thiên thế giới, như thế phải có tới cả triệu Thái dương hệ. Cũng may mà các bậc vua chúa nước ta đều có cái phong khí đại độ, không mang tội vô đạo mà huỷ hoại kinh Phật như trường hợp ông Nicolaus Copernicus đã phải chịu. Hiện nay, các nhà Thiên văn học nhờ có kính viễn vọng, đã chứng minh rằng trên trời có vô số Hành tinh, mà mỗi Hành tinh là một Thái dương hệ! Lại như trong thơ, văn nước ta thường nói đến câu: “Mặt trăng có mờ, tỏ, khuyết, tròn”. Sự khuyết, tròn của mặt trăng chẳng qua là sự nhận lầm của cổ nhân đó thôi, nếu mặt trăng quả có khuyết, tròn thì ai đục cho khuyết? Ai vá cho tròn? Trong kinh Phật không nói trăng khuyết, trăng tròn, mà chỉ nói “bạch nguyệt” và “hắc nguyệt”. Đó là Phật đã thuyết minh cái chân lý: mặt trăng nhờ mặt trời phản chiếu mới phát ra ánh sáng vậy.
Những người chưa từng bao giờ đọc qua về sinh lý học đều cho rằng trong thân thể mỗi người, chỉ có cái “TA” duy nhất, độc chiếm, mà không biết trong đó có vô số vi trùng đang tranh giành thụ hưởng. Hơn 2.500 năm vê trước, Đức Phật cũng đã dạy trong thân thể con người chứa hàng tổ vi trùng, nếu nói riêng thì có 80 loại vi trùng khác nhau, như trong kinh “Trị thiền bệnh bí yếu” và kinh “Chính pháp niệm xứ” đã chỉ bày tường tận. Trong kinh Phật không những chỉ nói đến tên của từng loại vi trùng, mà còn miêu tả rõ ràng động tác và hình thái của chúng. Nhưng trước khi khoa học chưa mấy phát đạt mà muốn cho mọi người tin theo thuyết ấy thì thật là một việc khó khăn. Tuy Phật đã nói rõ ràng như thế, mà Ngài còn tự nói rằng: “ Như Lai nói lời chân thật, lời nhất như; Như Lai không nói dối, không nói lập dị”. Những vi trùng quá nhỏ nhiệm đã không thể dùng mắt thịt mà thấy được, hơn nữa, thời bấy giờ chưa có kính hiển vi, thì làm thế nào khiến người ta tin theo một cách triệt để được? Ngày nay, những người đã hiểu qua về sinh lý học có thể tiếp nhận thyết đó một cách dễ dàng. Trong kinh Phật còn dạy: Trong một bát nước có tám vạn bốn nghìn vi trùng, ngày nay điều đó không thành vấn đề nữa.
Ở vào thời kỳ đại đa số chưa được phát minh, người ta chỉ thừa nhận số chính mà không thừa nhận số phụ và số 0 (Zéro), lại không hiểu thế nào là huyễn số. Điều đó cho ta biết loài người thời bấy giờ đối với đại số nhận thức chưa được đầy đủ. Phật giáo đối với bất cứ quan niệm nào cũng viên dung cùng khắp, thí dụ nói về Xúc giác, thông thường người ta chỉ nhận thân có đụng với vật mới là Xúc, mà không biết Xúc rời thân cũng có thể biết được, nếu khi rời mà không biết nó rời, thì khi va chạm cũng sẽ không biết là nó va chạm. Bởi vậy những lúc va chạm thì trong kinh Phật gọi là “hợp xúc” mà lúc rời thì gọi là “ly xúc”, cũng như trong đại số, ngoài số chính ra, còn thừa nhận cả cả số không. Lại như nói: Vui thì cảm thấy vui, khổ thì cảm thấy khổ, còn không khổ, không vui thì gọi là “xả thụ”, ba thứ đó cũng tương đương với ba vị trí của số “chính”, “phụ” và “không”. Lại nói, ngoài thiện và ác ra, còn không thiện, không ác thì gọi là “vô ký”. Những điều trên đây chứng tỏ cách nói đầy đủ của Phật giáo, phù hợp với tinh thần khoa học, nhưng có chỗ còn siêu việt hơn.
Nhưng có một điểm mà khoa học và Phật giáo đếu phủ nhận, đó là thuyết Linh hồn. Một số người tin thuyết Linh hồn vì họ cho là: Thể xác con người là một vật chất, mà vật chất thì không có linh tri, bởi thế phải có linh hồn để làm chủ thể xác, cũng như một chiếc xe hơi, cần phải có người cầm lái điều khiển nó. Linh hồn đó ẩn trong thể xác, thể xác có linh hồn, con người mới sống, linh hồn rời thể xác thì con người chết. Thuyết ấy có vẽ như đúng, nhưng nếu đem Luận lý hay Nhân minh học mà xét nghiệm, ta sẽ thấy thuyết đó là sai. Chúng ta thử hỏi: Linh hồn ấy là một vật chất hay không là vật chất? Nếu nói là vật chất thì tất phải có hình tướng. Hiện nay Nhân thể giải phẩu học đã tiến bộ rất nhiều, người ta đã biết rõ ràng các bộ phận cấu tạo thành thân thể con người, ngay những tế bào nhỏ nhiệm nhất, người ta cũng đã biết tên gọi và tác dụng của nó; không một vật kỳ quái gì trong thân thể mà người ta không biết. Vậy nếu nói trước khi giải phẩu hoặc lúc người ta gần chết, linh hồn đó đã rời khỏi thể xác rồi, song nếu linh hồn đã là vật chất thì không có năng lực tác động và quyết không thể tự rời khỏi được, còn nếu phải nhờ nhiệt lực của thể xác để đẩy nó ra, thì tất người ta phải tìm thấy nó ở xung quanh người chết. Hơn nữa, vật chất vốn không có tri giác, mà linh hồn đã là vật chất, thì sao thể xác lại phải cần một vật vô tri khác làm chủ thể? Nếu nói vật chất có tri giác, cần gì phải nương vào một vật có tri giác khác làm chủ thể? Cho nên, nếu nói linh hồn là một vật chất thì cái lý luận đó quyết không thể đứng vững. Nếu nói linh hồn đó không phải là vật chất thì thử hỏi: Cái vật phi vật chất ấy làm thế nào có thể đi lại, ra vào trong thể xác? Nếu nó đã có thể đi lại, ra vào thì không thể bảo nó phi vật chất được.
Phật giáo đã phủ nhận thuyết linh hồn, vậy thì cái gì làm chủ thể lúc sống và chịu luân hồi khi chết? Phật giáo quyết định cái đó là bản thể của vạn vật, nó không có hình tướng, không phải ở trong, cũng không ở ngoài, không đi ra cũng không đi vào, cái ấy Phật giáo tạm gọi là “thần thức”, “Phật tính”. Thần thức là chỉ bản thể khi còn bị vật dục che lấp, còn Phật tính là chi khi bản thể không còn bị vật dục ràng buộc, nhưng thực ra, tuy hai mà một, tuy một mà là hai. Về bản chất thì thần thức hay Phật tính khác hẳn với cái linh hồn mà một số người tin tưởng. Họ nhận là linh hồn có hình tướng, ở trong thể xác và có thể đi ra đi vào. Nhưng nói cho chí lý, thần thức hay Phật tính tuy không có hình tướng, không ở trong, không ở ngoài, không đi ra, không đi vào, song nếu gặp đủ duyên, nó vẫn có thể biểu hiện để hình thành vật thể có ra, có vào, có trong, có ngoài, có hình, có tướng, bởi thế ta không thể gọi nó là vật chất hay phi vật chất. Hiện nay các nhà khoa học đối với vấn đề này vẫn chưa đủ khả năng để giải đáp, mà chỉ nói một cách mập mờ: “Chưa biết rõ việc đó”, nhưng Phật giáo thì dùng “hiện lượng” mà chính Đức Phật đã chứng minh được để nói rõ sự thị phi và mổ xẻ điều chân, ngụy, đồng thời chỉ dạy chúng ta những phương pháp tu hành để cầu chứng chân lý.
Khoa học và Phật giáo chính là hai ngọn đèn sáng của nhân loại hôm nay, đã phá mọi sự ngu tối và lòng mê chấp , khiến cho trí tuệ của con người luôn phát triễn không ngừng, hầu đạt tới chỗ giác ngộ tuyệt đối. Đáng tiếc khoa học hiện đại chi hạn cuộc trong phạm vi tìm hiểu vât chất mà ít lưu tâm đến vấn đề tinh thần, nếu không nhờ ngọn đèn sáng của Phật giáo thì không thể diệt trừ được sự mê lầm, tăm tối. Bàn về vấn đề tâm lý khi mọi cảm giác của những quan năng con người đã lắng sâu trong tiềm thức, thì mọi cảm giác sẽ gây nên rất nhiều tác dụng tâm lý mà luận Bách Pháp Minh Môn gọi là “Tâm sở hữu pháp”. Vấn đề này Phật giáo đã nghiên cứu một cách rất rõ ràng, tâm lý học hiện đại không thể theo kịp. Thí dụ khi ta nghe một nhạc sĩ diễn tấu một bản nhạc, nhi thức phân biệt những nhịp điệu, ý thức cũng theo đó mà phân biệt những tình tiết, do đấy phát khởi nhiều “tâm sở” khiến ta cảm thấy dịu dàng, êm tai, rồi sinh ra các thứ ảo tưởng, nhân thế mới khởi tâm ưa thích và lưu luyến (nói theo danh từ Duy Thức Học thì đó là những Tâm sở: xúc, tác ý, thụ tưởng, tư, tham, si và phóng dật). Đó là đối với những người biết thưởng thức và đã hiểu qua âm nhạc mà nói, còn với những người không hiểu gì về âm nhạc, khi nghe môt bản nhạc, họ không biết nhịp điệu, cũng không hiểu được những tình tiết, chỉ cảm thấy the thé bên tai, chẳng những họ không khởi tâm ưa thích mà còn chán ghét là khác. Nếu phân tích theo vật lý học thì khúc nhạc đó chẳng qua chỉ là nhưng làn sóng không khí nối tiếp nhau, bao gồm những âm ba nặng nhẹ trầm, bổng (gọi là hài ba), rồi rung chuyển qua màng tai đó thôi. Tuy hiện lượng của nhĩ căn là thế, nhĩ thức phân biệt những nhịp điệu, ý thức phân biệt những tình tiết, nhưng trong những âm thanh trầm, bổng, nặng, nhẹ của cung đàn, ta không thể nào tìm thấy sự phân biệt ấy, cảm giác ưa thích hay chán ghét thì tuyệt nhiên cũng không phải do cung đàn gây nên. Chúng ta thường quên hẳn điểm đó, rồi cho cái mà nhĩ thức và ý thức phân biệt được từ lớp sóng không khí nối nhau trên cung đàn kia là thật có. Đó là một sự sai lầm lớn đối với chúng ta. Sự lầm lẫn ấy đã ăn sâu vào tủy não của ta từ lúc nào mà ta không hay biết, ngoài Phật giáo ra, không ai có thể chỉ cho thấy chỗ sai lầm đó. Có khi cùng một khúc nhạc mà mọi người cảm thấy lúc thì trầm buồn, lúc lại vui tươi, rồi cho khúc nhạc ấy thật có trầm buồn và vui tươi, nhưng không biết rằng đó chỉ là do thức biến mà thôi. Một ví dụ khác như hành hay củ kiệu những người thích ăn thì cho là thơm, người không ưa lại cho là hôi, thật ra thì chính hành hay củ kiệu không có thơm, hôi chỉ do sự ưa, ghét của người ta mà có khác.
B.- DỨT BỎ TÌNH CẢM THẤP HÈN:
Có thể nói Phật giáo chuyên chú tìm những sự sai lầm và ảo tưởng của cuộc đời rồi sửa chỉnh cho hợp lý, khiến cho con người thẳng tiến trên đường giác ngộ. Đứng về phương diện khoa học, có thể nói Phật giáo thuần là lý trí, nên Phật giáo hoàn toàn phù hợp với khoa học. Triết học tuy cũng đặc biệt chú trọng về lý trí, nhưng trên phương diện lập thuyết và lý luận, cũng không khỏi có thiên lệch: Bỏ chủ trương chung, theo ý kiến riêng; các nhà xã hội học thì lại càng không tránh khỏi điểm đó. Về mặt Văn học và Nghệ thuật thì thiên trọng về tình cảm, một khi đã nặng về tình cảm thì phải coi nhẹ lý trí, cho nên bình luận về giá trị của văn học và nghệ thuật thì nghìn đời cũng không có được định luật xác thực. Tình cảm và lý trí thường lấn át nhau, khi một người bị tình cảm xung động, lý trí thường vì thế mà giảm bớt, cũng có thể nói người đó bị tình cảm làm cho mù quáng. Trái lại, khi lý trí phát động mạnh thì tình cảm (như sợ hãi, tham muốn, v.v…) cũng giảm bớt. Lý trí như ánh sáng mặt trời. Tình cảm như áng mây nổi. Tình thương con tuy là một tình cảm tha thiết, cũng có khi khiến cho cha mẹ phán đoán hành vi của con cái một cách sai lầm. Tình yêu Tổ quốc, tuy không phải là tình yêu riêng tư, nhưng cũng rất dễ lấn át lý trí mà gây nên thảm họa. Mối tình luyến ái nồng nàn giữa trai, gái đôi khi cũng đưa đến những hành động bất trí, có khi đến chết vì tình một cách ngu xuẩn.
Dưới con mắt của Phật giáo thì những tình cảm đó tuy có chia ra công , tư, khinh, trọng nhưng cũng là một loại si ái, và đều phải nên coi nhẹ. Trong kinh Lăng Nghiêm nói, cứ xem hai thứ Tình và Tường sẽ biết chúng sinh phải nổi chìm trong sáu ngả ra sao: Tư tưởng nhiều thì nổi (lên), tình ái nhiều thì chìm (xuống), thuần tư tưởng thì sinh lên các cõi trời, thuần tình ái sẽ sa đọa địa ngục, tư tưởng và tình ái ngang nhau thì sinh ở cõi người.
Thái độ nghiên cứu của nhà Khoa học thì không hề xen lẫn một chút tình cảm nào mà trái lại, rất thiên trọng ở sức tưởng tượng. Sở dĩ người ta biết được sự cấu tạo của nguyên tử, sự vận hành của các vì tinh tú, tìm ra điện ba, từ thạch và sáng chế các loại máy móc vô cùng phức tạp, đều là nhờ vào sức tưởng tượng mà có. Kỷ hà học, một khoa học dùng sức tưởng tượng nhiều nhất. Người học khoa này trước hết họ tưởng tượng trên không trung có 3 mặt phẳng thấu ánh sáng xuôi thẳng xuống mà giao nhau, rồi theo đó gạch ra 8 tượng hạn. Rồi lại tưởng tượng ở mỗi tượng hạn có một loại khúc tuyến (đường cong), một mặt phẳng hay một loại lập thể nào đó. Cuối cùng lại tưởng tượng có 3 luồng quang tuyến từ 3 phương hướng chiếu thẳng vào 3 mặt phẳng cơ bản, do đó người ta tưởng ra trên mỗi mặt phẳng đều có đầu ảnh (Cast shadow) của một đường tuyến , môt mặt phẳng hay của một lập thể. Ba đầu ảnh này hiện trên các họa đồ về cơ giới hay kiến trúc gọi là chính diện đồ, trắc diện đồ và bình diện đồ. Nếu lại tưởng tượng dùng một mặt phẳng, y theo giác độ mà cắt thành một lập thể (cơ khí hoặc một vật kiến trúc), rồi theo đường tuyến trên mặt phẳng bị cắt tiếp giáp với một lập thể mà vẽ thành họa đồ, thì gọi là cắt diện đồ hoặc phẫu diện đồ. Sức tưởng tượng đó đối với một người thực tập thuần túy khoa học hoặc ứng dụng khoa học vô cùng hệ trọng mà tuyệt đối không cần vẽ mỹ quan. . Ngay đến chữ viết trên các họa đồ cũng chỉ cần đơn giản, chỉnh tề, theo lối kỹ thuật chứ không cần phải theo thể văn hoa bay bướm.
Trong Phật giáo dạy người ta lợi dụng sức tưởng tượng để tu hành, rất có nhiều phương pháp. Chẳng hạn trong phép Ngũ đình tâm (năm phương pháp quán tưởng như sau):
1.- Bất tịnh quán (quán các pháp là bất tịnh)
2.- Sổ tức quán (đếm hơi thở để tịnh tâm)
3.- Từ bi quán (quán lòng từ bi)
4.- Nhân duyên quán (quán các pháp do nhân duyên sinh)
5.- Giới phân biệt quán (quán giới phân biệt để ngăn chặn ngã kiến)
Ngoài ra, còn có Pháp Không quán, Duy thức quán, Pháp giới quán, Viên đốn quán, và trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật còn đề ra 16 phép quán tưởng khác nữa, trong đó có các phép quán tưởng về giáo nghĩa của Phật, và cũng có các phép quán tưởng về hình thái của vật chất. Như đối tượng của Bất định quán là sự cấu tạo của thân thể con người, đối tượng của Cửu tưởng quán là quá trình tan rã, thối nát của thân thể sau khi chết. Phép thứ nhất trong 16 phép quán gọi là Lạc nhật quán, dạy người ta quán tưởng vừng hồng (mặt trời) khuất núi, cả những lúc nhắm mắt cũng như lúc mở mắt đều thấy được một cách rõ ràng, thấu đáo. Từ phép quán thứ hai trở đi, dạy người ta quán tưởng nhân vật và các cảnh tượng ở thế giới Cực Lạc. Những phép quán tưởng đó cũng đúng như sức tưởng tượng trong đầu ảnh Kỷ hà học. Vì tác giả đã thực tập qua đầu ảnh Kỷ hà, nên lúc thực hành phép Lạc nhất quán không thấy đến nổi khó khăn lắm. Cư sĩ Vương Tiểu Tường, mới qua đời ngày gần đây, cũng rất thích phép quán thứ nhất và thứ hai, vì cư sĩ cũng đã thực tập đầu ảnh Kỷ hà, nên mới quán tưởng được dễ dàng. Nhưng trong khi thực hành các phép quán tưởng, phải luyện cho có một sức tưởng tượng cao độ, đừng xen lẫn một chút tình cảm nào, như lòng tham đắm, yêu ghét, sợ hãi thương xót v.v… nếu không sẽ bị ma lực lôi cuốn một cách rất nguy hiểm.
C.- PHÁT KHỞI CHÍNH TÍN.
Nhà học giả LƯƠNG KHẢI SIÊU nói: “Phật giáo là trí tin chứ không phải mê tín”.Câu nói rất đúng. Cái mà Phật giáo gọi là “tín ngưỡng” là chỉ cho một việc gì lý trí có thể suy đoán được mà trên thực tế có khi chưa chứng nghiệm, đối với tín ngưỡng của các tôn giáo khác hòn toàn bất đồng. Tín đồ Phật giáo tin rằng: Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật; trong Phật tính đó có đầy đủ các pháp, bản lai vẫn trong sạch, vẳng lặng, không sinh, không diệt; vạn sự vạn vật đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh, vốn không có tự tính, chỉ do tâm thức biến hiện.
Mục đích tín ngưỡng của Phật giáo là đạt tới đạo Vô thượng chính đẳng, chính giác, đló là sự phát triễn trí tuệ đến một địa vị cao siêu tuyệt vời và cũng là sự tiến hóa của con người đạt đến cảnh giới hoàn toàn viên mãn. Nếu ta đem tín ngưỡng của các tôn giáo khác, dạy tín đồ phải tin tưởng vào một đấng vạn năng, bắt họ phải cam phận làm con cái Ngài, tiêu hủy cá tính, vất bỏ chủ quyền và chôn vùi lý trí của chính mình, mà so sánh với tín ngưỡng của Phật giáo thì thật là cách xa một trời một vực.
Đức Phật dạy chúng ta: “Các người cũng có đầy đủ trí tuệ, đức tướng như Phật, chỉ vì các người bị ngũ dục và tà niệm che lấp mà không chứng ngộ, nên phải chịu các nỗi khổ đau mà không được giải thoát”. Nhận định lời Phật dạy trên, ta thấy giữa Phật và chúng sinh vốn không sai khác. Chúng ta hãy khởi lòng tự trọng, phát tâm tinh tiến, dũng mãnh, chăm tu các phép lành, để cầu đạt tới chỗ chính đẳng chính giác. Chúng ta không thể tin tưởng ở bất cứ tôn giáo nào khác thường nói rằng, chúng ta là do một vị thần sáng tạo, vị thần có đó có toàn quyền thưởng phạt mà chúng ta chỉ là những tên nô lệ, hầu hạ chủ nhân; nếu chúng ta ngoan ngoãn tuân lệnh chủ nhân thì khi chết sẽ được sinh lên trời, mà cũng chỉ là con cái Ngài chứ không được ngang hàng với Ngài. Thử hỏi những người có khí khái trượng phu, có thể chịu nổi sự nhục nhã ấy không?
Các nhà khoa học tựa hồ chỉ chú trọng lý trí mà không nói đến tín ngưỡng , nhưng xét cho kỹ thì khoa học cũng có tín ngưỡng. Trong khi ta học vật lý và hóa học, những việc mà ta đem ra thực nghiệm chỉ là một phần trăm, nghìn của toàn bộ Lý học; như thế thì chúng ta có đợi đến khi thực nghiệm hết thảy rồi mới tin những học thuyêt ấy không? Hay không cần đợi đến khi thực nghhiệm hoàn toàn mà chúng ta vẫn cứ tin? Sự thật thì chúng ta đều đã chấp nhận trường hợp sau này mà tin theo một cách chắc chắn rồi, vì chúng ta đều đã dùng lý trí phán đoán mà hiểu hết các lý luận và không bao giờ các nhà khoa học lừa dối ta, cho nên mặc dầu có nhiều việc chính ta chưa chính nghiệm được, nhưng ta vẫn có thể tin tưởng được. Bởi thế nhà khoa học cũng có tín ngưỡng của họ, họ tin vào cái công lý mà mọi người thừa nhận để diễn dịch ra những lý luận phức tạp mà ai cũng phải công nhận là chân lý. Họ tin ở giả định hoặc lý luận mà họ đã quy nạp, mặc dầu trước kia lệ ngoại mới chưa tìm thấy, nhưng ít nhất cũng có thể nhận đó là chân lý thích ứng với tình trạng hiện tại.
Họ tin rằng hết thảy sự vật biến hóa đều phải chịu sự chi phối của luật nhân quả, không một vật gì có thể tự nhiên phát sinh, cũng không do một đấng sáng tạo nào gây nên nhất là không phải do Thần quyền làm chủ tể.
Thái độ tín ngưỡng của Phật giáo đồ cũng đúng hợp như thái độ của nhà khoa học. Vì họ đã dùng lý trí để tìm hiểu lý luận trong Phật giáo mà không thấy một chỗ nào trái với luận lý học cả, lại cũng không thể tìm thấy một lý do lừa dối nào, cho nên, mặc dầu có nhiều việc chính họ chưa thể chứng nghiệm được, nhưng họ vẫn tin một cách chắc chắn và quả quyết. Thí dụ về vấn đề Phật tính thì đại đa số tín đồ Phật giáo chưa có thể chứng nghiệm được, nhưng chíinh tin rằng đức Phật nói là đúng, không lừa dối ai, rồi nhờ vào giáo pháp mà tu hành để mong đi đến chỗ thực chứng. Một ngày kia, nếu chúng ta đã tự chứng được thì lúc đó đã thành sự thực. Tin hay không tin sẽ không thành vấn đề nữa.
Thí dụ ta nói: Khi đói lòng ăn cơm sẽ no, điều đó ai ai cũng biết, không cần phải khuyên người ta tin. Nhưng nếu tôi nói: Khi đói lòng ngậm một vài viên thuốc bổ gì đó cũng có thể no, điều đó nếu không dùng luận cứ của học lý thì không thể khiến người ta tin được, nếu không thì chỉ có thể khuyên người ta thí nghiệm mà thôi. Thảng hoặc không có thuốc để thí nghiệm hay không có ai chịu thí nghiệm, cái đó không sao, miễn là tôi chỉ phải đưa ra những lý do đầy đủ thì cũng có thể có người tin. Nếu tôi nói: Khi tôi đói lòng chỉ cần người khác ăn cơm là tôi thấy no, thì lời nói đó không cần phải thí nghiệm hay không thí nghiệm, hoặc giả tôi có viện ra những lý do gì chăng nữa, người ta cũng không thể tin được. Bởi thế có một số nhà tôn giáo nói rằng: một người chịu nạn chết có thể chuộc tội cho muôn loài, thì lời nói đó làmthế nào khiến người ta tin được? Mà nếu có người tin chăng nữa cũng chỉ là mê tín mà thôi. /.
Tác giả: Uông Trí Biểu
Dịch giả: Thích Tuệ Đăng
(Còn tiếp)