Thuở nhỏ gia đình Mạnh nghèo khó, hai mẹ con lây lất sống ở những ngôi nhà mồ của nghĩa địa. Thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc… Mạnh cũng bắt chước làm theo. Mẹ Mạnh thấy thế rất lo ngại, bà thầm nghĩ :
– “Chỗ này không phải là chỗ cho con ta ở”.
Rồi lập tức bà dọn đồ đạc ra chợ ở. Mạnh thấy người cân bán mậu dịch đổi chác, cũng bắt chước làm theo. Mẹ thấy vậy càng lo ngại hơn nhiều, bà lại nghĩ:
– “Chỗ này cũng không phải là chỗ cho con ta ở.”
Rồi tiếp tục bà dọn đồ đạc đến cạnh trường học ở. Lần này bà rất hài lòng vì từ khi về đấy Mạnh bắt chước học hành chăm chỉ. Bà vui vẻ nghĩ :
– “Đây mới là chỗ đáng cho con ta ở vậy!”
Một hôm thấy nhàhàng xóm giết lợn, Mạnh hỏi mẹ :
– Thưa mẹ, người ta giết lợn làm gì thế ?
– Để cho con ăn đấy. Bà lỡ miệng nói đùa.
Nói xong bà chợt nhớ là mình đã lỡ lời. Bà nghĩ :”Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao ?”. Đoạn bà đi mua thịt lợn mà cho con ăn thật.
Lại một hôm khác, trong lúc bà đang dệt cửi, xa trông thấy con trốn học về nhà, bà buồn giận kêu Mạnh đến gần, lập tức cầm dao chặt đứt tấm vải đang dệt rồi mắng :
– Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt vải mà chặt đứt vải vậy.
Mạnh nghe mẹ dạy, cảm động sa nước mắt, và kể từ hôm ấy Mạnh học tập chuyên cần hơn trước gấp bội, nhờ đó Mạnh luôn là học sinh xuất sắc của lớp và về sau Mạnh trở thành bậc đại hiền minh triết.
(Liệt Nữ truyện)
LỜI BÀN:
Các bạn thân mến !
Giáo dục con theo kiểu của Mẹ Mạnh Tử thì Mạnh Tử không trở thành bậc hiền triết sao được. Thấy chỗ ở không thích hợp, lập tức dời đến nơi khác, đến nơi khác vẫn chưa thích hợp lại dời đến nơi khác nữa. Đến khi dời nhà cạnh trường bà mới thật sự hài lòng, vì sống ở đấy, Mạnh Tử sẽ bắt chước chúng bạn năng nổ chăm chỉ học hành mà trở thành người hữu dụng.
Cách giáo dục đó chúng ta thấy nổi bật ba ưu điểm :
1/ – Chọn môi trường sống thích hợp với trẻ mà Đức Phật ta đã dạy là :”Phải ở những nơi đáng ở”, cốt để tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường, từ ngoại tại đem lại, bởi vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
2/ – Gieo vào tiềm thức trẻ những đức tánh không phỉnh phờ, chân thật để tạo cho trẻ một nếp sống đạo đức sau này.
3/ – Ám thị vào trí não trẻ tinh thần cần cù, chăm chỉ, siêng năng, không biếng nhác để giúp trẻ có một thái độ kiên trì nhẫn nại, khắc phục khó khăn gian khổ.
Nói chung, cha mẹ phải dạy con từ thuở nhỏ “Dạy con từ thuở còn thơ” để con cái quen dần với những thói quen tốt mà trở thành những người đức hạnh sau này.