Lời giới thiệu:

Truyện ngắn “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” của nhà văn Hồ Hữu Tường viết từ năm 1953. Đến năm 1965, truyện này được nhà xuất bản Lá Bối tuyển đăng chung trong tập “Ảo Tượng,” gồm nhiều tác giả. Qua năm 1966, ông viết thêm một đoạn dài kể thêm chuyện con thằn lằn được tái sanh làm chuột, có tên là Long Thử (theo Thụy Khuê trong bài “Hồ Hữu Tường (1910 -1980)”. Long Thử bày mưu cho bầy chuột chống lại một con mèo nhưng thất bại, cuối cùng lại bị xử tội lần nữa với tội “thử gian.” Phần viết thêm này phản ảnh thái độ bi quan, bất lực của tác giả trước thời cuộc và hoàn cảnh. Nỗi bi quan này chẳng phải vô tình, mà có thể chính là điều tiên liệu cho thân phận tác giả: một cá nhân không thể chống lại thế lực Tham, Sân, Si. Cuối cùng, sự nghiệp chính trị của ông không vượt qua nổi thời cuộc: ở tù mấy chế độ, và mất khi vừa ra khỏi tù cộng sản vài ngày. Nhưng sự nghiệp văn hóa của ông thì còn ở lại với đời.

“Con thằn lằn chọn nghiệp” có thể được xem như là một trong vài truyện ngắn luận đề xuấtsắc nhất của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ qua; ở đó, tác giả gửi gắm tư tưởng canh tân xã hội thông qua triết học Phật giáo. Tương lai Phật giáo, cũng là tương lai đất nước, được biểu trưng bằng hình ảnh Phật Di Lặc. Theo ông, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa xã hội và thích hợp thời đại, ít nhất là mang hình thức dấn thân tích cực như giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo mà bản thân tác giả chịu ảnh hưởng. Người đọc cũng dễ dàng nhận ra thông điệp “văn trị” – dùng văn hóa để giáo dục, chuyển hóa con người và xã hội – mà tác giả đưa ra qua hình ảnh hai văn nhân và con thằn lằn trong truyện. Do tính cách hư cấu, truyện này được lấy bối cảnh của truyện cổ dân gian, không tránh khỏi những tình tiết xa rời thực tế và không đúng tinh thần Phật giáo(chẳng hạn, sau khi chết có linh hồn vất vưởng và bị xét xử bởi Ngọc Hoàng, Diêm vương, hay Phật Tổ; và lại được cho phép chọn lựa nghiệp tái sanh của mình để chuộc tội hoặc thực hiện ý nguyện chưa thành). Cho nên người đọc cần được ý quên lời, quên đi những chi tiết huyền hoặc, phi lý.

Ý ở đây, được tác giả nêu rõ nơi đoạn kết: con thằn lằn đã chọn cái “nghiệp” làm nhà văn có văn tâm (trí tuệ giác ngộ và đức từ bi), dùng văn hóa để giáo dục con người, chuyển hóa xã hội. Dùng chính trị để cải cách xã hội, chỉ một thời, một giai đoạn. Chỉ có văn hóamới là con đường dài lâu của trăm năm, ngàn năm. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì đó là hoằng pháp. Như thê, việc“chọn nghiệp” của con thằn lằn ở đây, chính là phát nguyện cứu đời bằng con đường văn hóa, cụ thể là làm một nhà văn, để “văn ngươi tung ra là có thể cảm hóa triệu triệu người.” Mà theo lý thuyết nhà Phật, chỉ có bồ-tát kiểm soát được nghiệp nhân hiện tại của mình mới có thể thực hiện được hạnh nguyện của mình trong tương lai.

Truyện được tuyển đăng nơi đây là truyện nguyên thủy do nhà văn Hồ Hữu Tường viết từ năm 1953, không có việc thằn lằn tái sanh làm chuột, rườm rà, mất hay. (Vĩnh Hảo | Chánh Pháp số 35 tháng 10-2014)

Con thằn lằn chọn nghiệp

1.

Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ và âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am, chỉ có một sư cụ già, thui thủi một mình, quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn, vừa cao ngất, củi sắp vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm nom.

Một hôm, trời đã tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng:

– Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới dõi đến đây. Mong nhờ sư cụ cho tá túcmột đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.

Nhà sư ung dung, chắp tay đáp:

– Mô Phật, cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.

Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:

– Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện, may được hai ngài quá bước, ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước….

Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:

– Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?

Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:

– Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra…. Và từ ấy, tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.

Một người khách hỏi:

– Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?

– Mô Phật. Chỉ có lời nói mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời? Vậy tôi xin vui lòng nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai ngàn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly, ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần mà cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay cũng đã gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo.

Người khách thứ hai hỏi:

– Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?

– Đã được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn; lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy….

Đến đây, bữa cơm chay đã mãn. Khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước tới trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuôngngân lên, đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đăng đẳng….

2.

Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi vài câu:

– Tội nghiệp thay cho sư cụ già, quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ. Phật pháplập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấychỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát triển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ; rồi sanh ra môn ra phái. Ấy là nguồn gốc của sự chi ly. Nay rừng thiền đã hơn tám mươi bốn ngàn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.

– Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó, và nghĩ thêm rằng: Nếu bây giờ có một vị Di Lặcxuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho kịp với mọi sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón rước cái Pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong của Thích Ca chăng?

Lời nói của hai người khách giữa cái am vắng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am khi am vừa mới dựng lên, và đã từng nghe 999 lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu…. Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn? Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người được giác rồi sẽ hay?

Rồi con thằn lằn quyết định: Phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: Ấy là bò lên bàn Phật, đến dĩa đèn dầu, rán sức mà uống cạn dĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.

Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ: hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạocủa mình. Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.

Nhưng, sau đó đêm nào cũng vậy, buổi đọc kinh chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào lúc khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.

Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn lên dĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, và mắng rằng:

– Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.

3.

Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy:

– Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của pháp ta là thế nào! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là Tham ; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn, ấy là Sân; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là Si. Có đủ Tham Sân Si tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời, cũng chưa bù được.

Tội ngươi lớn lắm, phải rán tu luyện thật nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt cho hết đống tro do xác ngươi thiêu mà hóa ra, rồi đem tro ấy tung khắp bốn phương trời. Mỗi một hột tro đó sẽ biến sanh thành một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sanh ấy sẽ được quy nguyên, trở hiệp lại thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả. Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:

– Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được giác một phần rồi, mà làm tội, thì tội đáng kể là mười

Con thằn lằn lạy mà thưa rằng:

– Bạch Phật tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?

Phật phán:

– Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người? Đã đành rằng việc tụng làm của nhà sư là một việc mê tín, nhưng dầu là mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại. Nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi là để dắt người vào, thì làm sao cho được. Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại?

Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quì lạy mà xin tội:

– Xin Phật tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự domà độ vô số chúng sanh do những hột tro, mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó.

Phật đáp:

– Ta cho ngươi được toại nguyện.

Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng:

– Xin Phật tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?

Phật đáp:

– Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại.

4.

Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề có lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế…..

Một hôm trong hồi xiêu bạt, hồn con thằn lằn thấy bóng của một trong hai người khách đã đến am thuở nọ, mà câu chuyện nghe lóm đã làm duyên cho mình mấy năm đau khổ.

Thằn lằn vội vã bay theo vái chào và kể nỗi niềm đau đớn:

– Ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít, có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô địnhnày. Đã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ bến.

Hai ông khách đáp:

– Chúng tôi đâu dám lên mặt thầy đời mà dạy người, huống chi lại dám đèo bồng mang lại một giải pháp cho một vấn đề nan giải. Nhưng đã lỡ gieo trong trí ngươi một ý nghĩ làm cho ngươi phải khổ như bây giờ, thì phải góp ý kiến để cho ngươi suy xét mà gỡ rối. Ấy gọi là chuộc lỗi.

Hồn con thằn lằn gật đầu, cảm ơn trước. Một người khách nói:

– Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự “đắc đạo” của mình. Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thì tốt, bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người….

Nghe đến đó, thì một điểm linh quang bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp:

– Xưa nay, trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ này được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hoá triệu triệu người….Rồi, cũng phải luyện văn tâm, để cho văn ngươi có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên….

Hồn con thằn lằn gật đầu ba cái để tạ ơn và nói rằng:

– Con đường ấy khó đi cho đến hết được, song chắc chắn là đi cùng đường, ắt có thể đến trước tòa sen mà chầu Phật tổ. Vậy tôi xin cố gắng.

Sau đây là phần giới thiệu truyện ngắn “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” trên báo Quê Mẹ, số Giai phẩm Xuân Quý Hợi 1983:

… Thắp đuốc giữa ban ngày vẫn tìm ít thấy những truyện ngắn như “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp,” tập trung đủ ba yếu tố: hư cấu truyện nhuần nhị, tự nhiên như cuộc sống đồng lúc đạt tính quốc tế; gói lọn tinh túy tư tưởng Đông phương (ở đây là Phật giáo); và sự nhập cuộc nhân sinh như một khai mở Nguồn tụ thân.

Hồ Hữu Tường là người uyên bác Tây học, một giai đoạn nào đó vì thương người và thương nước, nên đã dấn thân theo con đường Mác-xít khuynh Đệ Tứ. Nhưng ông đã sớm thấy ngõ cụt của lối này, và trở về đào sâu vốn dân tộc và phong cách Đông phương, nhận đấy làm cuộc sống thực cho đời mình. Cùng với Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu … ông thuộc lớp trí thức ưu tú hiếm hoi, sớm giác ngộ trở về con Đường Việt. Suốt đời, Hồ Hữu Tường, vào tù ra tội, chỉ vì cưu mang phục hồi và xiển dương Văn Hóa Việt Nam, lộ rõ nhất ở Đại hội Văn hóa Toàn quốc tại Hà Nội năm 1945. Sau này, ý nghĩ Văn hóa ấy tiến xa tới Tư tưởng, tới Đạo – Con Đường.

Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp sáng tác năm 1953, đăng lần đầu trên tuần báo Mới. Năm 1955 được một ban giám khảo quốc tế chọn, xem như một trong 50 truyện ngắn hay nhất thếgiới, và đã được ấn hành chung với 50 truyện này bằng Pháp và Anh văn. Sang năm 1966, dưới sức thôi thúc và phát triển kỳ vĩ của một phong trào Văn học khai phóng mới tại miền Nam, Hồ Hữu Tường viết lại đoạn kết. Bản truyện đăng hôm nay là bản hoàn chỉnh 66, khác với bản chúng ta thường đọc. Đoạn kết “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” năm 53, là kết luận một đời người trí thức tỉnh thức, đã thấy rõ sự sa đọa của tư tưởng giới Tây phương lúc về chiều, mà đứa con út là tư trào Mác-xít. Lối thoát cuối cùng cho nhân loạikhông nằm ở cách mạng bạo lực và khủng bố, mà nằm ở Nhân Văn do những Văn Tài và Văn Tâm chuyển hóa thời cơ.

Đoạn kết viết lại năm 66, tiến xa thêm một bước, Nhân Văn bước vào cuộc Thế hiện – hành động. Dường như chưa có nhà văn Phật giáo nào ở Việt Nam nắm trọn được yếu tính của Triết học Hành động Phật giáo như Hồ Hữu Tường, để có thể hư cấu vào văn chương thành một truyện ngắn tuyệt tác như Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp. Hồ Hữu Tường đi thẳng với từ ngữ và ý tưởng Phật giáo trong cấu trúc truyện, thế mà vẫn không hơi hám thứ văn chương nhà chùa, như một số sáng tác thường thấy. Nó như chuyện cổ, chuyện đời xưa, tuy rất nay, rất thời sự, rất nhãn tiền. Đọc lên như thấy Việt Nam trước mắt. Ta thương hay ghét lũ chuột kia, cũng như đang thương hay giận những con người cùng giống. Và rồi thảm thương thay, kẻ có lòng dạ – như con Thằn lằn hóa nghiệp – cứ rụng chết thảm thê dưới lưỡi và dao của đồng loại!

Nếu tác dụng của một buổi thuyết pháp, hay một cuốn sách, một bài viết khảo cứu uyên bác về Phật học, không chấn động và thay đổi lòng người, thì, cùng những tư tưởng ấy, phơi phới hơn, Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp đã chuyên chở đủ, và xúc động tâm can con người hiện tại, xui họ phải lo ngay vấn đề hiện tại. (Nguyễn Thái) (Tạp chí Thế Kỷ 21số 172 August 2003)

Bài đọc thêm về tác giả:

(Trích trong bài Hồ Hữu Tường |Thụy Khuê)

Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp Hồ nói lên tất cả những hoang mang, thất vọng của mình về con người võ trị. Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp cũng là một tự truyện, mang tính bi đát của một “tiếng kêu trong sa mạc”.

Đó là chuyện một thiền sư già, tu đã sắp thành chánh quả. Vị thiền sư đinh ninh rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo có dặn là hai nghìn năm trăm năm về sau – thời mạt pháp-, Di Lặc sẽ xuống trần cứu độ chúng sanh. Tính ngày, tính tháng, thiền sư thấy thời hạn đã đến. Vì vậy ông nguyện sẽ tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc để được đắc đạo. Nhưng dự định của ông có con thằn lằn nghe được, bèn tìm cách ngăn cản, vì nó biết chắc là sau khi tụng kinh đến lần thứ một nghìn, thiền sư sẽ lên giàn hỏa, tự thiêu, để đến cõi Niết Bàn. Đêm ấy, vị thiền sư tụng kinh (lần thứ một nghìn) dưới đĩa đèn dầu lạc. Thằn lằn bèn bò lên bàn thờ Phật, dần dần uống cạn đĩa dầu cho đèn tắt, nhà sư không tiếp tục tụng kinh được nữa. Nhiều lần như thế, thiền sư không hiểu nguyên do. Một đêm ông bèn vừa tụng kinh, vừa rình xem kẻ nào là thủ phạm vụ tắt đèn, và ông bắt quả tang thằn lằn tại trận. Nổi xung lên, nhà sư ngưng gõ mõ và mắng rằng:

“- Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhằm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu chết ngay.”

Kiếp thằn lằn phải chăng cũng lại chính là kiếp của Hồ Hữu Tường? Suốt đời muốn ngăn chặn sự mù quáng, u mê, tự sát, chém giết… nhưng thất bại và chính bản thân mình bị đồng loại trù dập, triệt hạ.

Nhà sư phải chăng là cõi nhân sinh? Một nhân sinh tin vào những thiên đàng bánh vẽ, muốn tranh thủ niết bàn bằng mọi giá, bất kể phương tiện, thậm chí cả việc sát sinh?

Muốn cứu người ư?

Muốn độ người ư?

Thằn lằn phải làm cách nào mới đạt được kết quả? Vì không thể bắt buộc người rời bỏ sự mê tín, cũng không thể bắt buộc người phải hướng thượng. Đó là câu hỏi mà Hồ Hữu Tường muốn đặt ra cho chính mình. Dường như ông đã nhìn thấy sự không tưởng trong các lập thuyết hướng thượng, đồng thời cũng nhận thấy sự cô đơn tuyệt đối của mình trước định mệnh, nên ông viết:

“Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu. […] Thật chưa hề lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế.”

*

Đó là đoạn kết trong Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp viết năm 1953. Đến năm 1966, Hồ Hữu Tường viết thêm một đoạn, do Nguyễn Thái sưu tầm, in trên báo Quê Mẹ, số xuân 1983, nội dung ngụ ý:

Hồn thằn lằn vẫn muốn độ người. Nhưng loài người vì vẫn mắc tham sân si, nên tất cả đã phải đầu thai làm kiếp chuột. Muốn cứu người, thằn lằn bèn xin Thích Ca cho được đầu thai làm chuột, lấy tên Long Thử. Long Thử thấy loài chuột đông như kiến mà sợ hãi không dám chống lại một chú Mèo. Nó bèn kiếm kế rử Mèo vào bẫy, nhưng rút cục kế của Long Thử cũng không thực hiện được vì loài chuột quá hèn nhát và ưa phản bội. Cuối cùng Long Thử lại bị đem ra xử tử hình một lần nữa về tội “Thử gian”. Muốn cứu người không dễ. Bởi người không tự cứu.

Hồ Hữu Tường bộc lộ sự tuyệt vọng tuyệt đối về con người: không có cách nào cứu vãn được. Dù đầu thai đến kiếp thứ mấy, con người vẫn y nguyên như cũ, với tất cả tham sân si cố hữu. Nhưng cũng không thể không có những kiếp thằn lằn, suốt đời tìm cách cứu độ nhân sinh, đưa người hướng thượng nhưng vô hiệu và những kẻ chọn nghiệp thằn lằn biết chắc con đường mình đi sẽ không dẫn đến chỗ nào khác ngoài cái chết…

(Hồ Hữu Tường)