I. Cu Sinh mãi trằn trọc, chuông công phu khuya đã điểm, thế mà giấc ngủ như mãi chưa về tới.
Cu Sinh là tên thường gọi từ gia đình đến nhà chùa, mặc dù đã được thầy đặt cho pháp danh là Thanh Bạch, nhưng Cu Sinh vẫn thích cái tên cha sanh mẹ đẻ. Từ ngày quy y, cái tên Thanh Bạchcứ ám ảnh suốt đọan đường hơn nửa thế kỷ, tay trắng vẫn là trắng tay.
II. Tuy nói là cha sanh mẹ đẻ, thực ra Cu Sinh chưa hề biết mặt mẹ cha. Lớn lên bằng sự lây lất và nuôi dưỡng bởi bà con nghèo trong xóm không có tên trên bản đồ. Bà con thường bảo – mầy là thằng từ lỗ nẻ chui lên, từ trên trời rơi xuống. Mỗi lần nghe bà con cô bác mắng như thế, Cu Sinh để lộ cái răng khểnh cười trừ; chả hiểu trời nuôi thế nào, vẫn phổng phao như loài cỏ Mỹ vượt trộitrong mùa mưa. Cu Sinh không được đi học, lõm bõm vài ba con chữ nhờ lũ trẻ trong xóm dạy, thế mà, lật tờ nhật trình ra, Cu Sinh đọc tuốt từ đầu đến cuối trang; ai cũng khen nó thông minh, sáng dạ.
Từ sáng sớm, nó ra chợ dọn hàng phụ, nhặt từng mảnh giấy có chữ, say mê ngồi đọc. Ai sai thì làm, cho bao nhiêu tiền cũng được, nó không hề kèo nèo đòi hỏi. Sống trong chợ, hàng ngày nó lắng nghe tiếng chưởi rủa đanh đá của mấy mụ hàng thịt hàng cá, rồi đem về áp dụng cho lũ trẻ trong xóm.
Chiều tan chợ, hắn đến nhà thầy giáo Mốt rửa bát đĩa, pha ấm trà. Hắn cũng học được cách pha trà. Tráng nước nóng vào ấm đất và bộ chén, rồi cầm cái thuổng bằng gỗ múc trà đựng trong ống tre, cho vào ấm, châm nước sôi, rồi đổ ra, để một lúc trà ngấm đều, lại châm nước sôi vào, một lúc sau mới rót ra từng chén nhỏ. Hai tay mời thầy giáo Mốt và khách. Thầy giáo Mốt rất hài lòng về sự nhạy bén và trí thông minh của cu cậu.
Thầy giáo Mốt khoe với khách, đây là bộ trà quý thời Càn Long, giá trị hơn bộ ấm trà của Thoại Ngọc Hầu được vua ban tặng. Bộ Tử Sa hay bộ Mai Hạc chả ăn thua gì. Cu Sinh nghe những tên lạ hoắc, một mớ kiến thức hỗn tạp của chợ đời, thế nhưng vẫn ghi vào bộ nhớ để có dịp xổ ra với bạn bè. Cu Sinh đứng một góc khoanh tay chờ thầy sai bảo, lắng nghe giữa thầy và khách trao đổichuyện thời sự, chuyện chính trị, những lý luận giữa hai người, Cu Sinh không bỏ sót, nhờ thế mà sự am hiểu của cu cậu hơn hẳn trẻ cùng lứa.
Thầy giáo Mốt nhắc đến những anh hùng như: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trải, Quang Trung. Rồi đến thế giới như – Mahatma Gandhi – George Washington, Abraham Lincoln… Cu Sinh chả hiểu những nhân vật tiếng Tây tiếng U lạ hoắc, người nước nào, nhưng tỏ ra thích thú, cứ lẩm nhẩm học thuộc. Ngay cả những anh hùng dân tộc thuộc thời đại nào, cu cậu cũng mù tịt, nhưng không dám hỏi thầy giáo Mốt.
* * *
Những tia nắng cuối cùng còn bám víu trên đọt tre làng, ăn cơm từ nhà thầy giáo Mốt, xong, Cu Sinh cuốn chiếc mền ra thớt chợ. Tay cầm mo cau đuổi muỗi, miệng lảm nhảm những điều chiều nay học lóm từ thầy giáo Mốt. Còn chuyện chửi bới bát nháo ở chợ, hình như ăn sâu một cách dễ ợt, vào tiềm thức Cu Sinh.
Sáng ra, Cu Sinh đang phụ bê hàng ngoài chợ, chiếc bóng áo vàng đi ngang qua, bà Mười bán trái cây hỏi – mầy có muốn đi tu không? – Cu Sinh chả hiểu đi tu là gì, đang còn ngơ ngác, bà Mười chỉ tay về phía nhà sư – như ông sư đó. Cu sinh cảm thấy cái gì mới lạ, muốn thử xem, cũng gật đầu. Bà Mười hai tay dâng cúng chùm nho và mấy trái cam. – Bạch thầy, xin thầy nhận cho cháu nầy về chùa cùng thầy. Nhà sư nhìn Cu Sinh rồi gật đầu.
III. Khối không gian tối om bên trong chánh điện, như cố nâng mái ngói rêu phủ đè lên ngôi chùa đơn độc, lẻ loi trên ngọn đồi, xa thôn xóm. Cội tre ngã tàng che mát một góc sân; hàng ngày chỉ có gió và chim líu lo quanh chùa. Nhìn cảnh chùa ảm đạm thê lương, lạnh lẽo, khác hẳn sự xôn xao ở chợ, sự thanh thản ở nhà thầy giáo Mốt. Cu Sinh như lọt vào thế giới xa lạ, buồn tẻ. Ngoài thầy trụ trì, còn có một chú cũng cỡ tuổi Cu Sinh, thầy gọi là chú Tiên. Tuy có bạn nhưng vẫn còn sự ngăn cách, không như lũ trẻ trong xóm cũ ngày xưa. Chú Tiên chủ động làm quen với Cu Sinh, thầy dạy, hai chú giúp nhau, cùng làm việc chùa. Thay vào tiếng muỗi vo ve hàng đêm, Cu Sinh lại nghe âm thanh chuông khuya, chuông chiều, như đẩy hồn cu cậu vào chố xa xăm, mơ hồ.
* * *
Thoáng mà đã hai mươi tuổi, thầy sắp xếp cho hai chú thọ đại giới; chợ sáng, thỉnh thoảng có hai hình bóng nhà sư. Bà Mười khoe cả chợ nghe rõ – thằng Cu Sinh nay lớn đẹp trai chưa. Một bà khác nói – sao gọi bằng thằng, nay người ta đã là thầy rồi.
Cu Sinh giờ đã là thầy Thanh Bạch, nhưng nghe thầy có vẻ xa lạ quá, vẫn thích được gọi hai tiếng Cu Sinh. Mặc cho xầm xì lời vào tiếng ra, Cu Sinh vẫn điềm nhiên nối gót sư phụ, mắt nhìn xuống, tay nâng bình bát, mặc cho cánh tay áo lụng thụng vướng víu khó chịu. Đi qua những gian hàng quen thuộc, bà tư trầu bán vôi, bà hai cà pháo bán tạp hóa… Thanh Bạch còn nghe những tiếng vọng phía sau – từ lúc cậu ta về chùa, mình thiếu hẳn một tay bưng bê, dọn dẹp phụ, trong chợ như thiếu cái gì…, một cậu bé nhanh nhẹn, ngoan hiền, lễ phép; ai cũng giúp cậu ta ít nhiều nhưng chả ai chịu nhận cậu ta làm con nuôi để sai vặt. Đúng là cái duyên để cậu ta về chùa nương cửa Phật.
IV. Thanh Bạch con, Giáo hội Tỉnh đang cần người giúp việc, mặc dù con không qua trường lớp, nhưng khả năng và trí thông minh của con, thầy tin con sẽ đóng góp cho Phật giáo Tỉnh nhà tốt hơn.
Thanh Bạch suy nghĩ lung lắm, chưa hình dung được Phật sự là cái gì, nơi gọi là Giáo hội Tỉnh, có giống ở chợ hay ở chùa mình? Từ nhỏ giờ Thanh Bạch chưa ra khỏi chùa làng, chỉ biết công phubái sám hàng ngày, làm cỏ, trồng rau, học kinh, nhưng đầu óc Thanh Bạch luôn vươn đến chân trời cao rộng, muốn thay đổi cuộc sống bản thân, thay đổi nếp sinh hoạt thiền môn. Thanh Bạch thường nói với thầy – Đạo Phật không thể ẩn náo trong bốn bức tường âm u thế này, thầy bảo đạo Phật du nhập vào đất nước ta trên 2.000 năm, chả lẽ vẫn mãi vậy! Thầy hỏi – chứ con muốn thế nào? Tuy con ít học, nhưng con nghĩ đạo Phật không thể theo lối mòn khi mà xã hội ngày một tân tiến. Công việc Phật sự nơi kia có khác hơn công việc thường ngày ở chùa thầy, hay là công việc mà chư Tổ đã làm, thầy vẫn thường kể cho hai huynh đệ nghe sau buổi cơm chiều!
Thanh Bạch mông lung suy nghĩ, ngày xa thầy và sư huynh đã đến, một tu sĩ từ Tỉnh đến đón Thanh Bạch. Chiếc xe gắn máy cũ kỷ mãi ỳ ạch cố vượt qua vũng cát nóng, xuống khỏi đồi. Hình ảnh chùa vẫn vô tư với gió rừng, thầy và sư huynh còn đứng nơi cổng Tam quan theo dỏi người đệ tử ấp ủ một giấc mơ.
V. Đại hội, hội thảo cấp Tỉnh, Thanh Bạch lắng nghe mọi tham luận, ý kiến của các quận huyện, cuối giờ, Thanh Bạch góp ý – Kính bạch chư Tôn đức, cái gọi là Phật sự, con xin được gọi là pháp sựhoặc đạo sự. Nghi thức hành chánh, nên gọn nhẹ, giảm thủ tục kính thưa quá rườm rà. Các đại biểu trên tay đều có những tập tài liệu đại hội, đại biểu hoặc các trưởng ban lên trình bày, không cần phải đọc lại toàn bộ, mất thì giờ, hãy tóm tắt ý chính mà trình bày. Sau đại hội lại đến cơ quan chính quyền báo cáo, đáp lễ, quà cáp. Các cơ sở cấp huyện giảm bớt việc đóng góp tài chánh, nâng đỡhọc Tăng tiếp tục học trình. Tình trạng thủ tục rườm rà mang tính trình diễn sẽ mất thời gian và kinh phí không cần thiết. Giáo hội cần làm kinh tế tự túc, không bắt chư Tăng đóng góp, không trông chờbá tánh cúng dường, không thể như chuột sống trên miệng bao, các bậc chuyên tu, giáo hội có trách nhiệm chu cấp trọn gói…
Cả hội trường vỗ tay!
* * *
Cổ xe Giáo hội vẫn ỳ ạch như lối mòn dấu chân bò leo dốc, qua bao lần hội thảo, hội nghị, đại hội, đâu vẫn vào đấy, không có gì thay đổi. Những ý kiến đóng góp cho vào tủ hồ sơ được phủ đầy lớp bụi thời gian như chưa hề có bàn tay nào đụng đến. Các cấp lãnh đạo Phật giáo không quan tâm, chưa dám mạnh dạn đổi mới “tư duy” hay chưa được bật đèn xanh từ phía chính quyền!
Nhiều năm tham gia công tác Giáo Hội, thầy Thanh Bạch thật sự ngán ngẩm vì lòng nhiệt thành của mình không được chú ý. Còn nhiều việc tiêu cực tế nhị hàng ngày xảy ra trong tổ chức mà thầy không dám nghĩ tới. Chùa Tỉnh hội có tầm vóc bề thế, thoáng đãng, nhưng chu vi đất không rộng như chùa làng, nhà cửa cứ san sát như bầy thú hoang tựa lưng nhau trước một mãnh hổ đang đe dọa. Không khí hầm hập từ mặt trời đổ xuống, từ ống cống trong thành phố bốc lên, từ hơi nóng động cơ xe đuổi nhau như rắn lượn, và hơi người, không được tan loãng dưới làn gió đồng nội như chùa quê của thầy. Nhiều năm ở thành phố mà thầy vẫn không quên không khí an bình ở quê. Những giấc ngủ trong gian phòng nhỏ, hơi lạnh từ máy điều hòa, không như khí mát thiên nhiên từ lũy tre làng, mỗi trưa thầy giăng võng dưới tán mát bên hông chùa ngày xưa.
VI. Sinh hoạt đạo tràng An Nhiên trong chùa Phật Ân, thầy Thanh Bạch được mời; hội viên gồm nhiều thanh phần, thầy vẫn thích thân cận một vài anh chị năng động, có công ty riêng, họ là những doanh nhân khá thành công, nhưng bên trong vẫn có cái gì tiềm ẩn sự bất ổn đe dọa việc sống còn của công ty. Thầy lắng nghe từng nguời trình bày cách điều hành và hoạt động của công ty. Thầy tiếp nhận một sinh hoạt mới lạ đầy lý thú mà trong nhà chùa thầy chưa từng được biết, thầy nghĩ, hóa ra, trong xã hội không đơn điệu như cuộc sống Thiền môn. Mỗi sự kiện được nghe, thầy đều nảy sinh nhiều sự nhận thức khác nhau.
– Chị Cúc, cho tôi xin hỏi – làm thế nào công ty của chị phát triển được?
– Bạch thầy, một tổ chức kinh doanh phát triển, nhờ vào nhân viên giao dịch, nhân viên tiêu thụ, giám đốc điều hành, khâu sản xuất, và nhất là kế toán…
– Tuy là vậy, nhưng Thanh Bạch vẫn cảm thấy chưa đủ yếu tố thành đạt. Thầy hỏi – Thế công nhân lao động thì sao? Thưa chị, trong tủ sách của học viện Phật giáo có cuốn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê”, nói rằng: “Ở các nước tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân là những người không có, hoặc về cơ bản không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê cho giai cấp tư sản và bị giai cấptư sản bóc lột giá trị thặng dư”.
– Bạch thầy, đó là lý luận của thế kỷ 19, ngày nay công nhân đều có công đoàn bảo vệ quyền lợinhất định, không ai bóc lột sức lao động của ai. Làm tăng ca thì có lương tăng ca.
– Theo xã hội chủ nghĩa bảo rằng – “Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”, quá lý tưởng phải không chị, doanh nghiệp của chị có áp dụng như thế chưa?
– Dạ, lý tưởng và thực tế khác nhau nhiều lắm. Thế kỷ XXI không còn là thế kỷ 19 nữa thầy à. Làm sao biết khả năng của một người lao động và nhu cầu hưởng thụ của một người lao động. Khả năng 10 mà lao động ở mức 8, hưởng thụ tối đa thay vì nhu cầu chỉ cần phân nửa, ai kiểm soátđược. Trong một công ty áp dụng như thế sẽ sập tiệm thôi. Thầy không nhớ một chuyên gia Nhật đánh giá, con ốc vít là một thành phẩm hao tốn bao nhiêu công đoạn, công nhân chúng ta không quan tâm nhặt lên, một mẩu tàn thuốc vứt rồi, vẫn tiếc sử dụng tiếp.
– Hình như chủ nghĩa Cộng sản là một thiên đường phải không chị. Giữa học thuyết Duy vật và học thuyết “Bình Đẳng” của Phật giáo giống nhau quá.
– Có lẽ thầy chưa nắm vững lý thuyết của hai bên nên thấy giống nhau trên lý thuyết mà thực tế, “duy vật và duy tâm làm sao cùng đi một đường”. Một thiên đường ảo chỉ có trên giấy, nếu thực sự là thiên đường thì cái nôi Cộng sản đâu có sụp đổ. Những nước còn lại bám víu lý tưởng đó, đến nay gần một thế kỷ vẫn chưa thấy ánh sáng le lói từ đường hầm.
– Vậy thưa chị, họ nói rằng – “Ở các nước xã hội chủ nghĩa, họ là người đã cùng nhân dân lao động làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu, và cùng nhau hợp tác lao động vì lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích chính đáng của bản thân họ.”
– Vâng, chính vì thế mà chia nhau lợi lộc, “báo cáo năm sau cao hơn năm trước” để cuối cùng làm đơn xin “phá sản”, công nhân chết đói, lương nhiều tháng không có, Công đoàn đứng về phía chủ nhân, gia tài cán bộ khó mà thống kê…
– Thưa chị, lý do nào “xã hội chủ nghĩa” thất bại?
– Thầy không nhớ đức Phật đã dạy -“tham – sân – si” là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Niết Bàn, Tịnh độlà nơi không còn bóng dáng của tam độc. Xã hội phàm tục làm sao đòi hỏi cán bộ phải trong sạchmột cách lý tưởng trong khi nhu cầu hưởng thụ của gia đình họ và bản thân họ không có giới hạn. Cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ là cái bánh vẽ, hào quang giả tạo cuốn hút lòng tham của các quan chức, phá sản đất nước.
– Thưa chị, họ phá sản như thế nào?
– Đa dạng lắm thầy à, ví dụ, một quan chức thành lập công ty, từ công ty mẹ đẻ ra hàng loạt công ty con, lấy quyền thế vay ngân hàng mà không bao giờ trả. Ngân hàng hết vốn, phải vay mượn nước ngoài hoặc huy động vốn trong nhân dân; nợ chồng chất, nhân dân không rút tiền lại được, mất cả vốn lẫn lãi. Người dân è cổ ra đóng mọi thứ thuế, tiền đó chảy về đâu khi mà xã hội cứ thụt lùi lại vài chục năm so với các nước trong khu vực! Một công trình thầu thì phần “biết điều” cho các quan chức hết một phần ba, còn lại cấp dưới xẻ thịt, vì thế chất lượng công trình là cement cốt tre ạ!
– Thưa chị, Mác và Ăngghen bảo giai cấp công nhân phải thực hiện hai sứ mạng lịch sử: – “Một, giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, và giai cấp vô sản chiếm lấy chính quyền nhà nước. Hai, giai cấp vô sản dùng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấptư sản để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tiến hành tổ chức xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa”. Phải chăng làm như thế đã vô sản hóa nhân dân, đem lại bình đẳng?
– Thưa thầy, Liên Xô là nước sản sanh chủ nghĩa Cộng sản, Bắc Triều Tiên, Cu Ba… là những nước áp dụng triệt để kế hoạch tiến lên chủ nghĩa xã hội mà vẫn chưa thành công, các nước còn lại áp dụng nửa vời để rồi biến thành nửa dơi nửa chuột làm khổ nhân dân, làm nghèo đất nước, chỉ có gia cấp lãnh đạo gọi là tư bản đỏ giàu mà thôi, nhân dân đều bình đẳng bần cùng hóa!
– Như vậy chủ nghĩa “bình đẳng” của Phật giáo cũng thế ư?
– Bình đẳng của Phật giáo không có nghĩa là cao bằng xã hội; “Bình đẳng tánh trí” chứ không thể bình đẳng nghiệp báo. Mỗi người phước và tội khác nhau, vì thế, giàu nghèo khác nhau. Lòng từ bi là tinh thần chia cơm xẻ áo chứ không phải lấy của giàu chia cho kẻ nghèo. Để có một xã hội lý tưởng theo nhà Phật, mọi người hạn chế Tham-sân-si, phát triển lòng từ bi, không sát sanh hại vật, sống biết đủ, không có công mà hưởng, không có tài mà ở địa vị cao đều là họa…
VII. Thanh Bạch lục tìm cuốn sách trên kệ, “ĐỂ ĐI ĐẾN THÀNH CÔNG”, DÁM THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH đưa ra 6 bước dẫn đến thành công, thay đổi cuộc đời ứng với mỗi phần của cuốn sách:
Trong đó, cách nhanh nhất, tốt nhất và cũng khó khăn nhất là giải phóng được khả năng tiềm ẩncủa bản thân. Thanh Bạch miên man nghĩ ngợi, hóa ra cuộc sống không đơn giản như nếp sốngthiền môn. Trong màn đêm tăm tối hòa lẫn sự rối bời của lý tưởng, thầy tự hỏi – Thế tại sao các nước tư bản mà cộng sản bảo là đang giảy chết, họ ngày một tăng trưởng, sung túc, người dân ấm no hạnh phúc, xã hội ổn định!
VIII. Thanh Bạch nhớ lại một câu nói đâu đó của một thiền sư – “MUỐN THAY ĐỔI THẾ GIỚI, TRƯỚC NHẤT PHẢI THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH”. Vâng, Đức Phật đã lấy con người làm đơn vị cơ bản để xây đựng cuộc sống; chưa giải quyết bản thân Tham Sân Si thì chưa thể là nền móng xây dựng xã hội.
Trên chánh điện, tiếng hô chuông làm thầy tỉnh thức :- Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn, văn trần thanh tịnh chứng viên thông, nhất thiết chúng sanh thành chánh giác. Văn chung thinh phiền não khinh, trí tuệ trưởng, bồ đề sanh, ly địa ngục xuất hỏa khanh, nguyện thành Phật độ chúng sanh…
Suốt canh trường trằn trọc miên man về cuộc sống, đạo và đời, Thanh Bạch chợt tỉnh ngộ: – KẺ NGU DỐT ĐẦY LÒNG THAM, QUYỀN LỰC CÀNG CAO CÀNG ĐƯA XÃ HỘI VÀO CHỐN NGHÈO ĐÓI LẠC HẬU.
(Minh Mẫn
Mùa Phật Đản 2561)