Chùa Bà Đanh là một danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây từ xa xưa vẫn gắn liền với câu thành ngữ nổi tiếng “vắng như chùa Bà Đanh”.
Những câu chuyện kỳ lạ
Từ Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đi cầu Quế khoảng hơn 1km, xa xa du khách sẽ nhìn thấy ngôi chùa thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây. Ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy chảy hiền hòa.
Chùa Bà Đanh còn được gọi là Bảo Sơn tự, cạnh hòn núi Ngọc nổi tiếng thơ mộng và linh thiêng. Từ bao đời nay, ngôi chùa này được thêu dệt với nhiều truyền thuyết lạ kỳ mà tâm điểm là tượng Bà Đanh.
Chùa Bà Đanh ban đầu chỉ là những tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông, khu rừng mới được mở mang quang đãng để xây chùa lại cho khang trang. Khu vực này cấm người dân làm nhà ở nên cảnh chùa càng thêm trang nghiêm, vắng vẻ. Ngôi chùa được xây dựng ít lâu thì có một cây mít cổ thụ ở cạnh chùa tự dưng bị gió to quật đổ. Khi đó, xuất hiện ở đâu một khách thập phương tìm đến chùa nói rằng mình làm nghề tạc tượng và được báo mộng đến đây. Người khách tả hình dáng và dung nhan người con gái đã báo mộng thì thấy giống hệt vị thần đã báo mộng cho cụ già trong làng. Năm ấy gặp mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, tạc tượng gần xong thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ, nửa nổi, nửa chìm, không trôi theo dòng nước, đẩy ra mấy lần lại thấy trôi trở lại. Thấy chuyện lạ, dân làng vớt lên xem hóa ra đó là một cái ngai bằng gỗ bèn rước ngay vào chùa. Thật lạ lùng, pho tượng tạc xong thì đặt vừa khít vào ngai. Từ đó trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống trở nên đầm ấm, trù phú.. Do đó, trong tâm thức dân gian Bà Chúa Đanh chính là vị thần mùa màng, phù hộ cho nông nghiệp.
Người dân nơi đây truyền tai nhau rằng, người đi đường trót cười cợt bình phẩm dù chỉ một câu bất kính cũng sẽ bị bà trừng phạt cho hộc máu hoặc mất mạng. Nhiều người còn nói, chùa Bà Đanh quá linh thiêng nên khách thập phương cũng ít dám ghé qua vì sợ nếu thất lễ sẽ bị trừng phạt. Nhưng cũng có ý kiến đưa ra do ngôi chùa này ở xa khu dân cư, cách trở núi sông, giao thông không thuận tiện nên ít người lui tới. Dù giải thích thế nào thì dường như nguồn gốc câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn là một bí ẩn!
Diện mạo mới ở ngôi chùa “đệ nhất” vắng
Lịch sử vắng khách dài đằng đẵng bao trùm lên chùa Bà Đanh giờ đã được cởi bỏ. Năm 1994, chùa Bà Đanh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hiện nay, chùa Bà Đanh đã được đầu tư tôn tạo rất tỉ mỉ với quần thể liên hoàn gồm tam quan, tả vu, hữu vu, phủ Mẫu. Đến tham quan chùa Bà Đanh bây giờ đã trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Ngay trong khu nội tự, có một dãy nhà khách làm nơi nghỉ chân cho du khách thập phương. Mặc dù được tôn tạo, trùng tu, mở rộng khuôn viên nhưng cảnh sắc, kiến trúc của Chùa Bà Đanh vẫn được giữ nguyên nét truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Cùng với đó, đường đi, lối lại đã trở nên thuận tiên hơn nên lượng khách đến tham quan chùa ngày một đông vui nhộn nhịp, chùa không còn cảnh thanh vắng như trước nữa. Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh về chùa Bà Đanh cũng được UBND huyện đặt lên hàng đầu.
Sưu tầm