Phật giáo Đông Dương trên cung đường lịch sử
Theo dòng lịch sử, tình cảm hữu nghị giữa ba nước Đông Dương gồm Việt Nam – Lào – Campuchia đã trải nhiều cung đường lịch sử, trong đó có cung đường mà Phật giáo ở 3 nước cùng trải qua trong tình quan hệ giữa yếu tố đạo (quan hệ Phật giáo) đi song hành trong các mối quan hệ địa chính trị, dân cư và văn hóa, kinh tế – xã hội…để tất cả như chất keo tô thắm thêm mối quan hệ đặc biệt trong chương sử của Phật giáo 3 nước.
Trước đây, cộng đồng các dân tộc của 3 nước Đông Dương đã cùng nhau chiến đấu chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những thế lực phản động. Cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt ấy đã dệt nên tình cảm thắm thiết thiêng liêng, tình đoàn kết của ba nước Việt – Lào – Campuchia.
Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, nên lịch sử Phật giáo tại mỗi nước vừa có những đặc thù riêng, vừa có những nét chung nếu xét trong mối quan hệ mật thiết trên các phương diện lịch sử – địa lý – văn hóa…
Đường biên giới của Việt Nam với Lào dài 2.340km, Việt Nam với Campuchia dài 1.137km. Trong những năm qua, tình đoàn kết – hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia lại càng được củng cố hơn. Trong thành tố đó, kể từ khi thành lập GHPGVN đến nay, cộng đồng Phật giáo ở 3 nước, cũng như các tổ chức Phật giáo Đại diện đã có những mối quan hệ hợp tác, giao lưu tôn giáo luôn được vun bồi để ngày càng thắm tình đạo, thiết thực trong đời sống tôn giáo, phục vụ nhân sinh cho đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, từ những năm đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang nước ta, trở thành một trong những nơi để Phật giáo truyền đi các nước phía Bắc. Rồi sau đó chịu ảnh hưởng ngược lại của Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang. Đồng thời trong lịch sử cận đại chịu ảnh hưởng của Phật giáo các nước lân cận, như của Phật giáo Campuchia.
Trong khi đó, ở Lào cũng có rất nhiều ngôi chùa Việt Nam, là nơi để bà con kiều bào đã sinh sống nhiều thế hệ ở Lào đi chùa, lễ Phật. Tuy chưa có thống kế chính xác hiện nay ở Lào có bao nhiêu ngôi chùa Việt, nhưng hầu như ở các tỉnh biên giới chung với Việt Nam, tỉnh nào cũng có những ngôi chùa Việt hòa vào nền văn hóa sâu đậm – quốc giáo là đạo Phật như ở nước Lào.
Trên các ngã rẽ, các sợi dây gắn kết đó, Phật giáo 3 nước có sự gắn kết và các mối quan hệ tự nhiên trên bước đường Phật giáo được truyền bá vào mỗi nước, sự nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác Phật giáo của các tổ chức tôn giáo đại diện ở 3 nước, tập tục và văn hóa tín ngưỡng gần gũi chịu ảnh hưởng đạo Phật của cư dân 3 nước đã tạo nên cung đường tôn giáo gắn kết Phật giáo 3 nước Đông Dương trong các mối quan hệ từ trong lịch sử từ hàng chục thể kỷ đã qua, cũng như kể từ khi GHPGVN được thành lập đến nay.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp bước truyền thống
Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981 tại thủ đô Hà Nội đến nay, Phật giáo cả nước tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đoàn kết với Phật giáo các nước lân bang và các nước trong khu vực ASEAN và thế giới ngày càng mở rộng.
Hiện tại GHPGVN có mối quan hệ hợp tác, liên kết thân hữu với Phật giáo hàng chục quốc gia, tuy nhiên với Phật giáo Lào, Campuchia thì mật độ, cường độ và tính chất tự thân đã có nhiều “duyên tình” hơn.
Trong nhiều năm qua, GHPGVN đã nhiều lần sang thăm và mời các phái đoàn Phật giáo nước bạn sang thăm, từ các cơ quan quản lý Tôn giáo, đến các tổ chức, chức sắc tôn giáo của hai nước bạn, như tiếp đón phái đoàn Bộ trưởng Bộ Lễ nghi Tôn giáo Chính phủ Hoàng gia Campuchia, phái đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, … các cuộc thăm, tìm hiểu đời sống tôn giáo lẫn nhau giữa 3 nước Đông Dương diễn ra không chỉ ở cấp T.Ư Giáo hội mà các phái đoàn còn đến thăm viếng và trao đổi thông tin với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Văn phòng Trung ương Giáo hội ở Hà Nội, Tp.HCM và tại trụ sở Văn phòng Thành hội Phật giáo Tp.HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Khánh Hòa…
Mối quan hệ đặc biệt với Phật giáo Campuchia
Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Campuchia rất sớm, bắt đầu từ vua A Dục, nhà vua phái hai vị sư truyền giáo là Sona và Uttara sang đất Kim Địa (Suvannabhumi) hoằng pháp. Vị trí của Kim Địa là phiếm chỉ vùng đất từ Miến Điện cho tới Mã Lai Á. Theo sự khảo chứng của các học giả, người Ấn Độ khoảng năm 400-500 trước CN, đã tới buôn bán vùng Đông Nam Á như đến đầu công nguyên, di dân Ấn Độ mới bắt đầu tràn vào Đông Nam Á với quy mô lớn. Họ kinh doanh, buôn bán và truyền bá cả văn hóa, tôn giáo của mình vào các nước này, trước hết là Bà-la-môn giáo; đến thế kỷ VI trCN đạo Phật xuất hiện.
Chính điều đó đã đặt nền móng để Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam và Phật giáo Campuchia đã có những mối quan hệ từ nửa đầu thế kỷ XX và ở mức độ hết sức đặc biệt.
Phật giáo Campuchia theo truyền thống Nguyên Thủy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh. Nhiều vị cao tăng Phật giáo Việt Nam đã thọ giới tu tập, du học tại Campuchia như các Hòa thượng Hộ Tông, Thiện Luật, Hộ Giác… Lịch sử đã ghi nhận, chính những vị cao tăng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Campuchia đã giữ vai trò khai sơn Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX.
Như vậy, có thể nói rằng, Phật giáo Campuchia đã có ảnh hưởng gián tiếp nhưng rất sâu đậm trong việc thành lập Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh.
Tinh thần giáo lý truyền thống tu học của Phật giáo Campuchia đã được chuyển tải đến cộng đồng phật tử Việt Nam thông qua những vị cao tăng xuất sắc đã tu tập, du học tại Campuchia, hấp thụ truyền thống tu học, tinh hoa giáo lý, phương thức hành đạo của Phật giáo Campuchia.
Có thể nói, dấu ấn của Phật giáo Campuchia bàng bạc trong sinh hoạt Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
Tuy chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Campuchia, Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh đã không là một bộ phận, chi nhánh của Phật giáo Campuchia, mà ngay từ đầu đã xác định vị thế độc lập của mình, trở thành một hệ phái trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh cũng đã đóng góp một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo Campuchia vào nửa sau thế kỷ XX.
Tháng 4 năm 1975, sau khi tiến chiếm Phnôm pênh, chế độ Pol Pot – Yêng Sari đã tiến hành hoạt động diệt chủng trên toàn quốc Campuchia, trong đó, có việc xóa bỏ triệt để Phật giáo, tôn giáo chính của Campuchia. Tăng sĩ Campuchia bị hoàn tục, xua đuổi khỏi chùa chiền, bắt đi lao động khổ sai. Chùa chiền bị đập phá, hủy diệt hay bỏ hoang, kinh sách bị thiêu hủy. Phật giáo Campuchia từ tháng 4/1975 bị hoàn toàn xóa sổ, rơi vào tình cảnh bi đát chưa từng có.
Tháng 01/1979, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã nổi dậy đánh đuổi chế độ Pol Pot – Yêng Sari, giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng, người dân Campuchia đã thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia.
Trong mục tiêu khôi phục sinh hoạt bình thường của đất nước, xóa bỏ những tàn tích của chế độ diệt chủng Khmer đỏ, việc hồi sinh Phật giáo Campuchia trở thành một yêu cầu cấp bách, không những là của nhà nước Campuchia, mà là của toàn xã hội Campuchia.
Vấn đề đầu tiên được đặt ra là khôi phục tăng đoàn. Từ tháng 4/1975, tất cả các vị sư Campuchia đã bị hoàn tục. Khôi phục tăng đoàn là tái truyền giới cho những vị sư bị mất giới.
Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh đã đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng và quan trọng này.
Tháng 09/1979 đoàn Chư tăng Phật giáo Nguyên Thủy gồm các Thượng tọa (giáo phẩm lúc bấy giờ) Thích Bửu Chơn, Thích Giới Nghiêm, Thích Siêu Việt, Thích Thiện Tâm đã thực hiện việc truyền giới, Thượng tọa Thích Minh Châu (dự khán chứng minh) và nhiều vị sư Khmer Tây Nam bộ tháp tùng bước đầu khôi phục Giáo hội Tăng già Campuchia. Trong số những vị sư thụ giới trong giới đàn lịch sử đó có hòa thượng Tep Vong, nay là Tăng thống Tối cao Phật giáo Campuchia.
Việc Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh tổ chức việc truyền giới khôi phục Phật giáo Campuchia là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Campuchia, cũng như trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Sự kiện này cho thấy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, giữa Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh và Phật giáo Campuchia.
Hoạt động của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh giúp đỡ khôi phục Phật giáo Campuchia hồi sinh sau thảm họa diệt chủng là một bộ phận gắn liền với sự trợ giúp lớn lao mà đất nước Việt Nam dành cho Campuchia, giải phóng Campuchia khỏi địa ngục trần gian do tập đoàn Pol Pot Yêng Sari gây ra.
Sự kiện Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam người Kinh giúp khôi phục Phật giáo một nước láng giềng từ hoang tàn bức hại còn là một sự kiện lịch sử có tầm vóc thế giới trong hoạt động tôn giáo, thể hiện đóng góp lớn lao của Phật giáo Việt Nam vào lịch sử Phật giáo thế giới.
Mối quan hệ lịch sử với Phật giáo Lào
Lào nằm ở giữa lòng bán đảo Đông Dương, hầu hết nhân dân Lào theo đạo Phật. Ở Lào, Phật Giáo giữ vị trí quốc giáo liên tục từ nhiều thế kỷ nay. Phật Giáo có ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách dân tộc, nhân sinh của người Lào.
Năm 1349-1357, vua Phà Ngừm thống nhất nước Lào, đặt tên là Lạn Xạng (nghĩa là “đất nước triệu voi”).
Vào thế kỷ XVII, đất nước Lào phát triển và rạng danh với các nước láng giềng. Các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ.
Mối quan hệ quốc gia nói riêng, và tính chất nghi lễ Phật giáo đã có từ đó dựng nên mối quan hệ đặc biệt cho Phật giáo hai nước.
Năm 1961, Hiến Pháp Lào ban hành. Điều 7 của Hiến Pháp nêu rõ: “Phật Giáo là quốc giáo; quốc vương là người bảo hộ cao nhất”.Điều 8 của Hiến Pháp ghi rằng: “Quốc vương phải là tín đồ Phật Giáo nhiệt thành”.
Lào là quốc gia có đạo Phật là quốc đạo, nên trong mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào, quan hệ Phật giáo giữa 2 nước tự thân có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Do vậy, các cơ quan quản lý tôn giáo, các tổ chức Phật giáo và bà con phật tử ở hai nước đã có những mối giao hảo vừa mang yếu tố hợp tác Phật giáo, vừa là tình anh, em thắm thiết, tình bà con láng giềng hữu nghị gắn bó keo sơn.
Kể từ khi GHPGVN được thành lập đến nay, các tổ chức Phật giáo của 2 nước, các chuyến thăm của GHPGVN và của Liên minh Phật giáo Lào thường xuyên diễn ra; theo đó mối quan hệ hợp tác giữa Phật giáo hai nước đã diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã trao đổi về tình hình chung của Phật giáo của hai nước, cũng như việc hướng đến thực hiện những phật sự như: Tổ chức thăm viếng giao lưu hàng năm, hợp tác tổ chức các cuộc hội thảo cũng như triển lãm về văn hóa Phật giáo của hai nước; giúp nhau trong việc giáo dục Phật học, trao đổi những kinh sách, tài liệu cũng như kinh nghiệm giảng dạy ở các trình độ từ trung cấp đến cao học.
Lời kết:
Vì lợi ích của quốc gia – dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố quốc gia thống nhất, vun đắp sự đoàn kết hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương.
Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của vương quốc Campuchia, khi quốc gia hưng thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao còn khi độc lập chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo cũng chịu chung số phận với đất nước.
Ngày nay, Phật giáo vẫn là nền tảng văn hóa-xã hội của đất nước Campuchia. Sự có mặt của Phật giáo Campuchia đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng của nước nhà, ngôi chùa ngoài việc là trung tâm văn hóa của bản làng còn là nơi bảo vệ nền văn hóa lâu đời của dân tộc, bảo vệ và xây dựng vẻ đẹp cho cuộc sống mọi người.
Cũng như Phật giáo Campuchia, Phật giáo Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 2000 năm, trong đó có những giai đoạn phát triển hưng thịnh. Thời kỳ Phật giáo là quốc đạo cũng là giai đoạn lịch sử dân tộc Việt có sự phát triển hùng cường nhất trong lịch sử.
Nhưng hơn 2000 năm qua, dù cho biến thiên thịnh suy của thời cuộc, thì tinh thần và triết lý đạo Phật luôn là một phần hữu cơcấ thành của nền văn hóa dân tộc.
Trong khi đó tại Lào – Phật giáo liên tục là quốc giáo liên tục từ nhiều thế kỷ nay. Phật giáo có ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách dân tộc, nhân sinh của người Lào.
Cả 3 nước Đông Dương với con người hiền hòa, nhân hậu, chịu nhiều ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo, cùng chung sống hòa bình, hữu nghị. Do vậy thời gian qua, hiện tại và cả tương lai những mối quan hệ giữa Phật giáo 3 nước đã mạnh mẽ sẽ còn mạnh mẽ hơn, hồi sinh hơn để hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đời sống hòa bình, an lạc.
Hòa thượng Thích Gia Quang
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam