Trong Phật giáo, tùy theo mỗi tông phái, mỗi xứ sở mà các tăng sĩ có chế độ thực phẩm độ nhật khác nhau. Sự khác nhau trong việc thọ nhận thực phẩm này trước hết được đặt cơ sở trên những bản kinh mà mỗi truyền thống Phật giáo thừa nhận, và thứ đến còn vì những ảnh hưởng của bối cảnh xã hội mà ở đó mỗi truyền thống Phật giáo được truyền vào và phát triển.
Trong bài viết này, tôi sẽ không đi vào bàn luận về việc chọn lựa thực phẩm độ nhật của hàng tăng lữ, xem điều nào thích hợp và điều nào không đối với họ, mà chỉ đưa ra một vài lý do vì sao lại có sự khác nhau trong việc thọ nhận thực phẩm của mỗi truyền thống Phật giáo, và điều này tôi dựa trên hai bản kinh liên quan là kinh Jīvaka và kinh Lăng Già.
Như chúng ta biết, các tăng sĩ theo truyền thống Phật giáo Nam tông phần lớn không theo chế độ ăn chay (trong ý nghĩa ăn chay là chỉ ăn các loại thực vật; vì có nhiều quan niệm ăn chay khác nhau). Đối với các Phật tử theo truyền thống Bắc tông (không phải tất cả) điều này có thể là lạ lẫm, nhưng ở những nước nơi Phật giáo Theravada thịnh hành thì hàng Phật tử không có gì thắc mắc hay ngạc nhiên về điều đó vì nó đã là một truyền thống có từ thời đức Phật, và các sư đã không thay đổi cho dù khi Phật giáo Theravada được truyền bá vào những xứ sở khác nhau.
Trong kinh tạng Pāli, bài kinh đề cập cụ thể đến việc đức Phật cho phép hàng tăng sĩ thọ dụng thịt là kinh Jīvaka (Trung Bộ II, bài kinh số 55). Theo những gì bài kinh này đề cập, các Tỳ-kheo được phép ăn thịt và những thực phẩm được chế biến từ thịt cá mà không có bất cứ sự trở ngại nào, ngoại trừ phải tuân thủ theo một vài điều kiện.
Bối cảnh đức Phật thuyết giảng bài kinh này là nhân có một vị cư sĩ tên là Jīvaka Komarabhacca đến viếng Ngài và bạch rằng, có một số người lên án rằng vì cúng dường thực phẩm cho đức Phật và hàng Tỳ-kheo mà các cư sĩ tại gia đã giết hại thú vật, điều mà theo suy nghĩ của ông là không tốt và có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của đức Phật. Đức Phật bảo với vị cư sĩ này rằng, sự kết tội như vậy là điều hoàn toàn không đúng với Ngài, bởi vì Ngài không hề khuyến khích người khác vì mình mà sát hại thú vật. Ngài luôn giảng dạy giáo lý từ bi và khuyên bảo hàng đệ tử phải trãi rộng lòng từ đối với mọi loài chúng sanh. Tuy nhiên trước những thưa hỏi của Jīvaka, đức Phật không dạy rằng hàng Tỳ-kheo từ đó trở đi phải dùng thực phẩm chay, mà chỉ dạy rằng bắt đầu từ thời điểm ấy các Tỳ-kheo chỉ được phép dùng ba thứ thịt được gọi là “tam tịnh nhục”: những thứ thịt không phải từ con thú mà người thọ dụng nhìn thấy bị giết, nghe thấy tiếng kêu của nó khi bị giết và nghi rằng nó bị giết vì để dâng cúng thịt cho mình.
Kết thúc bài kinh đức Phật dạy rằng, nếu vị cư sĩ nào, vì Ngài và các Tỳ-kheo mà giết hại thú vật, thì điều đó không những không đem đến cho họ chút phước đức nào mà ngược lại còn làm tổn hại phước đức của họ. Và Ngài còn đưa ra năm nguyên nhân làm tổn hại phước đức liên quan đến việc sát sanh (Xem thêm kinh Jīvaka).
Như vậy, dù không trực tiếp khuyên dạy các Tỳ-kheo nên thọ nhận thực phẩm chay, thì một cách gián tiếp bằng việc dạy rằng việc sát hại thú vật cúng dường thịt cho giới Tỳ-kheo sẽ làm tổn hại phước đức, đức Phật đã khuyên các cư sĩ không nên cúng dường thịt cho người xuất gia. Tuy nhiên, sẽ có người cho rằng nói như vậy là suy diễn, bởi vì việc giết hại thú vật để làm thực phẩm cúng dường và việc cúng dường thực phẩm bằng thịt nhưng không sát hại là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu không thì sao đức Phật không dạy là nên cúng dường thực phẩm chay cho hàng xuất gia mà chỉ bảo rằng, việc giết hại thú vật để cúng dường là việc làm tổn hại phước đức một cách gián tiếp như vậy!
Chúng ta biết rằng, Phật giáo được hình thành ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch. Đó là thời điểm đời sống du mục bị đẩy lùi với sự phân rã của các bộ tộc để nhường chỗ cho việc hình thành các làng mạc và thị thành mới ở Bắc Ấn với kinh tế nông nghiệp và thương mại phát triển. Trong những thế kỷ trước khi Phật giáo xuất hiện, đại bộ phận dân chúng ở Bắc Ấn chưa có thói quen ăn chay do vì ảnh hưởng đời sống du mục, và khi kinh tế nông nghiệp và thương mại phát triển, đời sống định cư ổn định, dù chế độ ăn uống có phần thay đổi, họ vẫn còn giữ lại những tập tục và thói quen ăn uống của mình trước đó.
Tại thời điểm Phật giáo xuất hiện, Ấn Độ cũng là mảnh đất có nhiều tôn giáo sinh hoạt. Bên cạnh tôn giáo truyền thống Bà-la-môn, còn có vô số các giáo phái lớn nhỏ khác nhau hành hoạt, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của những phong trào Sa-môn (Samana/Sramana). Những phong trào Sa-môn này gồm những vị du tăng, họ không có một nơi ở ổn định mà du hành từ nơi này đến nơi khác; và thực phẩm độ nhật của họ tùy thuộc vào sự cúng dường của dân chúng ở những địa phương mà họ đi qua. Và hẳn nhiên, họ nhận lấy bất cứ loại thực phẩm nào được cúng dường cho mình mà không đưa ra một lời đề nghị nào. Các nhóm Sa-môn thực ra đã hình thành trước đó vài thế kỷ, nhưng được phát triển mạnh vào thế kỷ thứ VI (tr. TL), và nói chung họ là những người được dân chúng kính trọng.
Phật giáo được xem là một trong số những phong trào Sa-môn vào thời điểm bấy giờ. Phật giáo về phương diện giáo thuyết, giới luật cho tăng và tổ chức Tăng đoàn dù có khác với những phong trào Sa-môn khác, nhưng một vài tập quán của truyền thống này vẫn được đức Phật áp dụng, trong đó có vấn đề thọ nhận thực phẩm bằng việc khất thực.
Tại thời điểm Phật giáo hình thành, dân chúng Ấn rõ ràng không phải đều là Phật tử, cũng không phải đại đa số là Phật tử. Tuy nhiên, với tinh thần tôn kính giới tăng lữ, dân chúng vẫn cúng dường thực phẩm cho các du sĩ dù đó là tăng sĩ Phật giáo hay những vị thuộc những truyền thống khác. Do đó, việc yêu cầu các tăng sĩ nên thọ dụng một loại thực phẩm nhất định nào đó là hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh xã hội (điều có thể khiến họ không nhận được thực phẩm độ nhật). Và vì thế, Phật giáo cũng như các giáo phái khác, ngay cả Kỳ-na-giáo – tôn giáo rất đề cao tinh thần Ahimsa (tránh gây hại một cách triệt để; và ngày nay từ giới tại gia đến xuất gia của tôn giáo này đều ăn chay trường), đều phải thọ dụng bất cứ loại thực phẩm nào mà họ nhận được. Đưa ra luật định “tam tịnh nhục” và khuyên răn rằng việc sát hại thú vật để cúng dường thực phẩm cho tăng là việc làm tổn công đức, đã là một thách thức vào thời điểm bấy giờ.
Khi Phật giáo Đại thừa phát triển, nếp sống tự viện của các tăng sĩ theo truyền thống này có sự thay đổi, theo đó chế độ thực phẩm hàng ngày của giới tăng lữ cũng không còn giống với Phật giáo thời kỳ đầu. Có người cho rằng sự thay đổi chế độ ăn uống trong Phật giáo Đại thừa là do vì ngữ cảnh văn hoá xã hội thay đổi. Tuy nhiên cũng có người cho rằng sự thay đổi đó là vì phải tuân thủ theo những lời dạy trong các kinh Đại thừa, thể hiện việc tôn trọng những học thuyết đang được xiễn dương tại thời điểm đó. Và cả hai lý do này đều này được nhìn từ kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra-sūtra).
Lăng Già là một bộ kinh khá quan trọng của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt đối với Thiền tông Trung Hoa. Giáo thuyết của kinh này cũng là nền tảng căn bản của Duy thức tông. Kinh Lăng Già gồm có chín chương (bản dịch đời Đường của ngài Thiệt-xoa-nan-đà), đề cao học thuyết Như Lại tạng (tathāgata-garbha). Và chính vì cho rằng “Như Lai tạng” vốn có mặt trong tất cả mọi chúng sanh nên kinh này khuyên dạy rằng phải tránh sát hại và ăn thịt thú vật một cách triệt để. Toàn bộ chương tám của bộ kinh được dành để nói về vấn đề này.
Chương này đưa ra những nguyên nhân vì sao người tu hành phải tránh sát hại và ăn thịt muông thú: Thịt là thứ do máu huyết ô uế tạo thành, do đó người cầu thanh tịnh không nên sử dụng; tất cả chúng sanh bị xoay chuyển trong vòng luân hồi sanh tử, do vậy việc ăn thịt thú vật có thể là đang ăn thịt thân bằng quyết thuộc và đồng loại; Bồ-tát xem chúng sanh như bản thân mình, nên không thể nào ăn thịt của họ; Bồ-tát tu hạnh từ bi, thương yêu bình đẳng mọi loài chúng sanh, nên không ăn thịt muông thú; người ăn thịt cá sẽ khiến chư thiên xa lánh, và thịt cá là thứ các vị tiên thánh không bao giờ dùng; để giữ tín tâm của người đời, không để họ chê bai nhạo bạng Phật pháp; vì chủ trương một lối sống đạm bạc, vì người ăn thịt sẽ dễ tham đắm vào thực phẩm. Bên cạnh đó, bài kinh cũng khuyên dạy không nên ăn các loại hành tỏi… những loại thực vật được cho là không tốt cho một đời sống thanh tịnh.
Những lý do mà mà bài kinh đưa ra nhằm khuyên người tu hành không nên ăn thịt cá ở trên, một mặt vừa để phù hợp với tinh thần từ bi của đạo Phật và để tương thích với giáo thuyết “Như lai tạng” mà bản kinh chủ trương, nhưng mặt khác cũng phản chiếu quan điểm xã hội vào thời điểm mà bản kinh hình thành: cho thấy rằng tại thời điểm đó vấn đề ăn chay đã khá phổ biến và là chế độ ăn mà các vị tu sĩ của những giáo phái khác đã chọn lựa; và cũng phản chiếu thái độ của dân chúng đối với chế độ ăn uống của hàng tăng lữ.
Chúng ta thấy rằng, trong quá trình hình thành và phát triển của mình, ngoài việc phải tuân thủ những điểm giáo lý cốt yếu, Phật giáo tùy theo thời điểm và quốc độ mà nhiều ít có sự chuyển đổi để cho phù hợp với bối cảnh xã hội và để thuận lợi trong việc truyền bá. Vấn đề tùy duyên và thích ứng với ngữ cảnh xã hội là điều từng được đức Phật ứng dụng vào thời của Ngài. Ví dụ như việc thiết lập an cư mùa mưa, chế định ba y cho một vị Tỳ-kheo… đều là những vấn đề thích ứng ngữ cảnh; và ngay cả việc đức Phật cho phép Tỳ-kheo thọ dụng “tam tịnh nhục” cũng không ngoại lệ. Do đó việc đề xướng một chế độ ăn chay cho hàng xuất gia về sau của Phật giáo Đại thừa cũng thừa hưởng tinh thần đó.
Ngày nay, các vấn đề như học thuyết, giới luật của mỗi tông phái, cho đến những điều thứ yếu hơn như y phục, thực phẩm của tăng chúng không còn là những vấn đề gây nhiều tranh luận giữa các truyền thống. Các truyền thống Phật giáo đều hướng đến những điểm chung và tôn trọng nhưng điểm sai biệt của nhau. Tuy nhiên, khi Phật giáo được truyền bá sang phương Tây, và nhất là trong thời buổi hiện tại với những vấn đề xã hội khác nhau được đặt ra, trong đó có cả vấn đề quyền của muông thú, thì vấn đề ăn chay hay ăn mặn lại là đề tài được tranh luận khá sôi nỗi. Ở đây không còn là sự tranh luận giữa các truyền thống Phật giáo, mà là sự tranh luận giữa những người chủ trương ăn chay và những người tán thành việc ăn mặn.
Những người tán đồng chế độ ăn thịt thường lập luận rằng: vấn đề tu tập chính của Phật giáo là đoạn trừ tham, sân, si và phát triển giới, định, tuệ. Thực phẩm thọ dụng chỉ là phương tiện nuôi dưỡng cơ thể để tu tập và hành đạo. Ngày xưa đức Phật dùng thịt mà Ngài vẫn đắc đạo. Và trong các kinh điển thời kỳ đầu, không có một đoạn nào đức Phật bảo các Tỳ-kheo không nên sử dụng thịt cá và khuyên bảo họ phải ăn chay cả. Vả lại, cho dù thuần túy sử dụng rau đậu thì vẫn không chắc là không gây nên sát sanh. Vì để có được rau đậu đem bán, người nông phu đã sát hại rất nhiều côn trùng bởi do cày xới đất đai và phun thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa vụ. Và có người còn phát biểu cực đoan hơn, rằng ăn chay sự thực không tạo nên được phước lành gì cả, vì đi ngược lại lời Phật dạy, bởi không phải rằng đức Phật đã có lần phản bác Đề-bà-đạt-đa về vấn đề này hay sao!.
Nhưng những người để xướng nên thay chế độ ăn thịt của tăng sĩ thành ăn chay thì cho rằng: ngày nay điều kiện xã hội đã thay đổi, tăng sĩ phần lớn không còn đi khất thực, vì vậy họ cần nên ăn chay để thể hiện đúng tinh thần từ bi và tôn trọng sự sống của đạo Phật. Thêm nữa, ăn chay là để tiếc kiệm nguồn thực phẩm, góp phần làm giảm bớt việc gây tổn hại môi trường sống. Và, dù là các tăng sĩ không tự tay hay khuyên người khác giết hại thú vật cúng dường thực phẩm cho mình, nhưng thịt và thực phẩm từ thịt cá có được không hoàn toàn là “tam tịnh nhục” nữa khi nó được mua ở chợ mà dụng ý của người ta là giết hại để bán cho người tiêu dùng. Và do vậy dù đức Phật cho phép ăn thịt, nhưng ngày nay để duy trì truyền thống này là không còn phù hợp. Xưa kia đức Phật không cho phép Tỳ-kheo cất giữ tiền bạc, và thực phẩm đều tùy thuộc vào sự khất thực thì việc chọn lựa một chế độ ăn chay là điều không thể. Ngày nay tăng sĩ đã sử dụng tiền bạc, có thể dùng nó để mua thực phẩm cho mình, sao không thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp hơn. Và dù đức Phật không cấm việc ăn thịt, nhưng không có nơi nào trong kinh điển đức Phật khuyến khích việc ăn thịt cả, mà ngược lại bằng nhiều phương tiện Ngài khuyên dạy các Tỳ-kheo nên hạn chế việc sử dụng thịt.
Việc tranh luận như vậy là không cùng, và người ta buộc phải chấp nhận những quan điểm sai khác của nhau. Vấn đề cuối cùng là, thông qua những tranh luận, những người trong cuộc và những người quan sát cần xem xét những gì là phù hợp nhất với tinh thần lời Phật dạy, để từ đó chọn lựa một chế độ ăn uống cho bản thân, cho gia đình và chùa viện.
Sự thực ngày nay, trong giới Phật tử ngày càng có nhiều người trở thành người ăn chay trường, dù họ đang theo những truyền thống Phật giáo khác nhau. Sri Lanka là nước theo Phật giáo Theravada, nhưng ở đó có rất nhiều tăng sĩ cũng như cư sĩ thực hành chế độ ăn chay trường. Phật giáo Tây Tạng vốn không theo truyền thống chay lạt, nhưng khi các tăng sĩ đến những nước khác hành đạo và thành lập tu viện, nhiều người đã chủ trương chế độ ăn chay. Và hẳn họ đã có sự cân nhắc khi thay đổi chế độ ăn uống như vậy.
Ăn chay hay ăn mặn là một sự chọn lựa. Nó không phải là điều bắt buộc (đối với mọi truyền thống Phật giáo), và do đó chúng ta không thể kết tội lẫn nhau khi đứng ở những gốc độ văn hoá khác nhau. Tuy nhiên ngày hôm nay, vấn đề chọn lựa thực phẩm của giới Phật giáo còn liên quan đến những vấn đề khác như Phật giáo và Sinh thái học, Phật giáo và Thế giới động vật, v.v.. cho nên việc chọn lựa thực phẩm cần phải được suy nghĩ và cân nhắc kỹ hơn. Ăn thịt không phải là sát sanh, nhưng nó góp phần vào sự sát sanh, vì người tiêu thụ thịt một cách gián tiếp đã hỗ trợ cho công nghệ sản xuất và chế biến thịt phát triển. Ăn thịt không trực tiếp tàn phá môi trường, nhưng vì có được thịt người ta phải tàn phá rừng nhiều hơn để chăn nuôi (tất nhiên ăn chay cũng phải cần đất để trồng trọt, nhưng diện tích đất đai giảm xuống rất nhiều lần). Và như vậy việc chọn lựa thực phẩm lại liên quan đến một vấn đề khác, đó là đạo đức học.
Để duy trì đời sống của mình, dù là tăng hay tục, trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta đều gây tổn hại đến người khác, đến chúng sanh khác và môi trường sống xung quanh. Một dòng điện chạy qua một chiếc máy tính, để cho một trang web Phật học hoạt động, cũng phải sử dụng một nguồn năng lượng thiên nhiên mà nó có sự tác hại nhất định đến môi trường. Để có được một trang giấy in kinh, chúng ta cũng đã lấy đi một nguồn sống nào đó. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở… của mỗi chúng ta không ít thì nhiều đều gây nên những tổn hại.
Và vì vậy thay vì tốn thời gian cho việc tranh cãi nên ăn chay hay ăn mặn, mỗi người cần xem xét đời sống của mình từ nhiều gốc độ, để từ đó có một thái độ sống phù hợp. Một nếp sống đạm bạc, giản đơn là điều được đức Phật dạy nhiều trong kinh điển, và cũng là điều được các vị tiền bối luôn đề cao và nhắc nhở. Ngày nay nó càng được suy nghĩ nhiều hơn bởi vì đó không chỉ là nếp sống giúp cho người tu sĩ giải thoát bớt những ràng buộc của đời sống vật chất, mà còn thể hiện trách nhiệm của họ đối với xã hội và môi trường thiên nhiên./.
Thích Nguyên Hiệp