Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tuyên Hóa
- Có tôn giáo chủ trương rằng mọi sự đều do thần chi phối. Nếu do thần chi phối thì làm thiện làm ác chẳng có liên can gì tới mình. Nhưng tới khi chịu quả báo thì mình phải gánh, thần chẳng giúp gì được. Ðây là chỗ chẳng hợp lý.
- Tâm của chúng sinh thì như cái nút bật đèn: Mở nút thì ánh sáng của Phật chiếu sáng. Tắt đi thì hào quang Phật chẳng thể chiếu rọi.
- Người xuất gia nên cùng nhau ở trong một đại tùng lâm (chùa lớn) để cùng nhau tu đạo, khuyến khích và cảnh tỉnh lẫn nhau. Khi ở đơn độc trong một ngôi nhà (tịnh xá) nhỏ, nếu bạn không dụng công tu hành, cũng chẳng ai kiểm soát. Bạn muốn ăn ngon, cũng chẳng ai nói. Bạn muốn ăn thịt, uống rượu, đều chẳng rắc rối gì. Người cư sĩ cho rằng (ở đơn độc) như vậy là công đức lắm, kỳ thật họ chỉ giúp cho những người xuất gia ấy đọa địa ngục mà thôi.
- Thịt gì ăn vào, thịt ấy sẽ duy trì mạng sống của thân bạn. Trải qua thời gian lâu lâu, khí chất thân bạn toàn do khí chất của những thứ thịt ấy làm ra: Nào là khí của heo, khí của bò… Máu của bạn cũng là máu của chúng. Do đó thịt của bạn cũng biến thành thịt của chúng. Xin các bạn có trí huệ hãy suy nghĩ thâm sâu về việc này.
- Chớ nên đi đâu cũng nói lỗi người: Y làm vậy sai, làm kia trật. Làm vậy là bạn trồng nhân đau khổ (sai trái với luật nhân quả) đấy.
- Thử hỏi rằng tâm bồ đề thì ra sao? Tâm ấy vô hình vô tướng, chỉ là sự giác ngộ.
- Các bạn hãy thành thật nghĩ xem: Mọi chuyện rắc rối, phiền não từ đâu ra? Ðều là do chấp trước (dính mắc) vào cái tôi mà ra.
- Người xuất gia cần có nhân cách cao thượng, xuất sắc. Không nên a dua, chạy theo thói đời, ăn no ngồi rồi, làm Phật giáo khí độ trầm trệ u ám, chẳng chút sáng lạn.
- Vì sao người tại gia không được nhận đồ cúng dường? Vì không xuất gia thì bạn không phải là một trong Tam Bảo (chỉ có Tam Bảo thì mới thọ cúng dường). Bạn không thể tự mình sáng lập ra cái bảo thứ tư (Tứ Bảo).
- Nhiều người không hiểu Tam Bảo là gì. Lại còn có cư sĩ muốn lập ra Tứ Bảo. Thế là không phải cư sĩ cúng dường Tam Bảo, mà là Tam Bảo phải cúng dường cư sĩ! Chẳng mấy chốc có lẽ sẽ sản sinh ra Ngũ Bảo, Lục Bảo, Thất Bảo…! Nếu đây không phải là biểu hiện của thời Mạt Pháp thì là gì?
- Không nên sát sinh! Tất cả chúng sinh từ kiếp vô thủy đến nay, đều là cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta cả. Ðời trước có thể là cha mẹ tạo tội nghiệp nên kiếp này họ đọa làm heo, bò, dê, ngựa… Nếu bạn mặc tình sát hại súc vật, thì gián tiếp giết hại cha mẹ mình rồi đó.
- Hãy thuận theo tự nhiên, theo quy luật sinh lý mà phát triển (vì thiên nhiên rất điều độ, quy củ, hài hòa). Không nên ăn uống bất thường, nói năng loạn xạ. Hoặc uống rượu, hút thuốc, xì ke ma túy, cho tới lạm dụng trong cái nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy tư. Những việc ấy đều tổn hại đến thân thể và linh tánh của bạn.
- Khi gặp kẻ nói thị phi, chuyên môn đặt điều, bêu xấu về bạn: Bất luận là oan uổng tới đâu, bạn phải nhẫn nhục. Ðó đều là nợ nghiệp từ kiếp trước, đời này tới đòi. Do đó bạn chẳng thể chống đối không trả. Nợ trả hết rồi thì trời xanh trong vắt, không còn phiền não, hết âu lo.
- Sáu tông chỉ: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối là pháp bảo cắt đứt dục vọng, khiến bạn hoạch đặng trí huệ chân chính.
- Không phải chỉ có ngồi thiền, lạy Phật mới là tu. Ăn uống, mặc áo quần, nhất cử nhất động đều là tu cả.
- Người tu phải: Chỉ biết việc cày cuốc, chớ hỏi chuyện thu hoạch. Bất luận làm gì, cũng phải hết lòng hết sức, đừng suy tính tới kết quả sẽ hưởng được lợi ích gì.
- Nếu suốt ngày bạn không phí phạm lời nói, không nghĩ chuyện vô vị; bạn điều hòa tâm tình khiến cho yên ổn thái nhiên, không buộc trói, không quái ngại, không nhân ngã, không thị phi thì đó không phải là âm nhạc rồi sao?
- Chữ Tự và chữ Ðại hợp lại thành chữ Xú (hôi thối). Bạn mà cao ngạo tự đại thì hôi thối rùm trời, không ai dám tới gần. Ai cũng muốn bịt mũi chạy trốn, không dám gần gũi.
- Lăng Nghiêm đại định không phải do ngồi thiền luyện thành. Trong lúc đi đứng nằm ngồi, nếu bạn không bị cảnh giới bên ngoài làm tâm động, không bị vọng tưởng quấy nhiễu thì đó mới là định.
- Mình không nên sợ nghèo cùng. Nghèo cùng không chướng ngại đạo. Chỉ sợ ma: Ma tức là tà tri tà kiến (kiến giải và cái nhìn sai lầm lệch lạc về chân lý). Hễ có tà tri tà kiến thì tu pháp môn gì cũng sẽ không được tương ưng.
- Nếu tám thứ gió: Khen ngợi, chê bai, đắng cay, ngọt ngào, lợi, suy, hủy nhục, vinh dự làm bạn động tâm thì nền móng tu hành của bạn chưa vững chắc.
- Người trẻ đừng để thứ dơ bẩn ràng buộc. Hãy có thái độ: Lạnh tới đâu, cũng hiên ngang ưởn ngực đón gió; đói tới đâu, cũng phây phây gồng bụng tiến bước. Hãy làm ngọn đuốc sáng trong cơn gió dữ, thứ vàng ròng trong ngọn lửa đỏ. Không sợ gì hết.
- Người chuyên tâm học đạo thì bất luận ai thuyết pháp hay dở thế nào, y cũng chú mục ngưng thần, cung kính lắng nghe. Kẻ không chú ý thì sẽ ngủ gật. Ðó là thử thách để đào luyện giữa cái thật và giả.
- (Ðể dành) tài sản cho lớn thì sau này con cháu cũng lớn gan lắm: Chúng chẳng sợ gì cả, mặc tình làm càn cho tới tán gia bại sản, mới ngừng tay. Ðể lại gia sản ít ỏi thì sau này con cháu cũng gan nhỏ: Chuyện gì cũng xong, (không tham vọng) do đó họa cũng ít.
- Sự thành công của người đời là sự thất bại của thánh hiền. Do đó trương mục (nghiệp) của mình phải thanh toán cho rõ ràng. Hãy làm người sáng suốt. Một khi sáng suốt thì vĩnh viễn bạn sẽ sáng suốt. Hãy phá sập cửa sinh tử, nhảy thoát khỏi vòng sinh tử. Ðó mới thật là việc của đấng đại trượng phu.
- Người quân tử tìm đáp án nơi chính mình. Kẻ tiểu nhân thì tìm cầu nơi kẻ khác. Kẻ tiểu nhân lúc nào cũng hướng ngoại.
- Ðời đời kiếp kiếp mình trôi dạt trong biển khổ. Tuy muốn tu hành nhưng mình lại không thể buông xả những thứ rác rưởi. Thủy chung không muốn mình thanh tịnh, sạch bụi bặm. Thật đáng thương xót.
- Giúp người là nguồn cội của khoái lạc hạnh phúc. Nếu bạn thường thường xem việc giúp người cũng quan trọng như giúp mình thì thế giới sẽ rất hòa bình yên ổn.
- Nhiều người làm đồ chay như thịt gà, vịt hay thịt cá, là vì họ chưa quên được mùi vị của thịt thà. Cứ muốn nếm nó. Họ nói rằng ăn thịt giả như vậy để đở thèm, lừa cái khẩu vị. Trong Phật giáo, nhất định phải sửa đổi thói xấu này. Nếu không sửa đổi, trãi qua thời gian lâu dài, e chẳng còn người xuất gia nào ăn chay nữa.
- Tôi nghĩ rằng đã ăn chay thì ngay cả tên món ăn cũng không nên đặt tên gà vịt gì đó vào. Tôi hy vọng rằng mỗi người tín đồ Phật giáo cần có con mắt hiểu biết chân lý (trạch pháp nhãn). Mình phải hiểu nhân quả, chớ lầm lẫn trong quá trình gieo nhân, thọ quả.
- Ăn chay thì ăn cho thanh tịnh, đừng nhớ mãi mùi vị thịt. Người ta làm đồ ăn theo hình dáng con chim con cá, (tuy giả), thì chẳng khác gì làm nhục đạo Phật. Người tín đồ không quan sát rõ ràng, tùy tiện cho là được. Căn bản làm vậy là thiếu trí huệ, không có mắt nhận biết chân lý, không thấu suốt nhân quả, chỉ mơ hồ mê muội mà thôi.
- Khi động vật bị giết, trong tâm chúng chất chứa lòng oán độc. Ngay lúc lâm chung, lòng chúng sợ hãi, thù hằn, muốn báo thù. Tâm lý oán độc căm thù ấy sản sinh ra độc tố khiến người ăn thịt nó sẽ ăn độc tố ấy.
- Người ta gặp tai nạn họa hoạn bất ngờ, đều do nói lời loạn xạ (vô trách nhiệm, ác độc, lếu láo…) mà ra.
- Mọi chuyện trên đời đều hết sức vi diệu, nhưng ít người nhận ra. Vì như, bán thuốc giả thì làm ăn khá lắm, còn bán thuốc thiệt thì lại ế ẩm. Vì sao? Bởi vì không mấy người thật sự nhận thức giá trị của thuốc thiệt.
- Nếu mình dịch hết kinh điển ra mọi thứ tiếng, đem Phật pháp tới tâm mỗi người thì đó mới là việc vĩnh cửu.
- Tại sao ở chùa nhỏ thì không tốt? Bởi ở đó, bạn sẽ chẳng có gì ràng buộc. Tha hồ ăn mặc, ngủ nghỉ, đi đứng; rất dễ quên mất việc tu đạo. Mỗi ngày chỉ biết có phan duyên. Thói quen này là đòn phá hoại đạo Phật đến chí mạng.
- Có người nghi: Thiệt có vua Diêm La và quỷ Vô Thường chăng?
- Xem thử bạn có chết hay không? Nếu bạn chẳng chết thì sẽ chẳng có quỷ vô thường. Nếu bạn khẳng định tự tin, cho rằng chẳng thọ quả báo, thì chẳng có vua Diêm La.
- Có định lực thì động tỉnh đều không hai (không có khác biệt). Như lúc trong cảnh động, bạn không bị cảnh ấy chi phối, đó tức là tỉnh. Trong cảnh tỉnh, bạn không bị vọng tưởng quấy nhiễu, đó tức là động. Nếu bạn tu sao cho động và tỉnh như nhau, công phu sẽ đúc kết như thành một khối. Lúc ấy cũng không phải là động, cũng chẳng phải là tỉnh, chẳng phải không, chẳng phải có. Ðó chính là trung đạo.
- Mình đừng nên vui thích nghe lời khen ngợi tán thán. Ðừng nên tự mình say sưa, tự quảng cáo mình.
- Nếu bạn biết sám hối, sửa mình thành người mới, biết lỗi lầm mình làm, giải kết tội nghiệp đã tạo thì tội sẽ tiêu trừ hết sạch. Như bịnh mà toát mồ hôi rồi thì bịnh sẽ từ từ thuyên giảm rồi lành hẳn.
- Thời đại này người ta gọi là thời đại thái không. Rốt ráo thế nào là thái không? Thái không nghĩa là nhìn xuyên vạn sự, buông xả mọi thứ, đạt tới tự tại.
- Khi bạn chấp trước vào vật chất, tài sản, thậm chí vào ăn mặc, thì tức là bạn chấp trước vào tài sắc danh thực thùy rồi. Vậy tức không còn là thái không mà là thái hữu! (chữ thái còn có nghĩa là quá, quá mức: Không còn quá không mà là quá có!)
- Tới chỗ bạn chẳng còn gì cả thì bạn mới khôi phục lại bản lai diện mục.
- Vì sao bạn chẳng có trí huệ, thần thông? Bởi vì bạn cứ chạy khắp nơi lượm lặt rác rưởi. Ngọc ngà châu báu bạn chẳng thèm, thứ quý báu sẵn có không ham, lại đem vất đi. Vậy mà bạn vẫn cho rằng mình thông minh lắm! Thật thì ngu si quá vậy.
- Có tội lỗi mà không sửa đổi, lại che dấu nó đi, khiến người không biết: Ðó chính là tội đội thêm tội.
- Không có chú Lăng Nghiêm trên đời thì ma quỷ yêu quái tha hồ thao túng, chẳng chút úy kỵ, mặc tình hoành hành. Nếu còn có chú Lăng Nghiêm thì những thứ bàng môn tả đạo, ly mỵ vọng lượng, sơn yêu thủy quái vẫn còn sợ hãi, không dám công nhiên xuất hiện trên đời.
- Tu nhưng không phát nguyện thì cũng như cây khai hoa nhưng không kết trái. Chẳng thể được.
- Những đều mình gặp và trải qua trong đời đều là do nghiệp lực kiếp trước tạo thành. Nếu muốn sửa đổi vận mạng của mình thì bạn phải làm thật nhiều việc công đức.
Nguồn: tangthuphathoc