Một thời, Thế Tôn ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có tám cấu uế này. Thế nào là tám ?

Này các Tỷ kheo, không đọc tụng là cấu uế của Thánh điển; không thức dậy sớm là cấu uế của nhà; biếng nhác là cấu uế của dung sắc; phóng dật là cấu uế của phòng hộ; ác hạnh là cấu uế của đàn bà; xan tham là cấu uế của bố thí; các ác pháp là cấu uế của đời này và đời sau. Nhưng này các Tỷ kheo, còn có cấu uế lớn hơn các cấu uế, vô mình là cấu uế lớn nhất.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Các cấu uế [lược],
VNCPHVN ấn hành 1996, tr.553)

Vô minh là cấu uế lớn nhất

LỜI BÀN:

Cấu uế tức là các phiền não nói chung là nhân tố chính làm trở ngại sự thăng hoa tâm trong lộ trình tu tập. Tâm của chúng sanh ta có vô vàn cấu uế, mỗi loại có một ảnh hưởng đến một khía cạnh khác nhau trong quá trình thanh lọc tâm. Chung quy cấu uế là dơ bẩn, làm trở ngại, chướng ngại thanh tịnh cần phải chuyển hóa, loại trừ.

Không tìm hiểu, nghiên tầm để nhận thức đúng đắn về giáo pháp là một chướng ngại. Giáo pháp giải thoát của Thế Tôn thật quý giá nhưng sự tôn kính giáo pháp phải được thể hiện nơi học tập, tìm ra con đường và thân chứng. Vì thế, Thánh điển sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí bị mai một dần nếu chúng ta thỉnh về để….thờ.

Các phương diện khác của đời sống cũng vậy, từ nhà cửa cho đến thân thể sẽ bị biếng nhác, giải đãi làm cho cấu uế. Sự buông thả, phóng túng sẽ trở ngại việc phòng hộ, giữ gìn; sáu căn không loạn động khi tiếp xúc với trần cảnh. Tâm ích kỷ, ganh tỵ cùng với hững hành động xấu ác sẽ làm hoen ố nhân cách con người. Sự xan tham sẽ làm chùn tâm bố thí, những ý niệm tốt đẹp về san sẻ dễ dàng bị lòng tham che lấp, ngăn ngại. Và những điều xấu ác đang xảy ra trong hiện tại chắc chắn sẽ làm cấu bẩn sự tốt đẹp, tươi sáng ở tuơng lai.

Tuy nhiên, cấu uế lớn nhất và chi phối mạnh mẽ nhất đới với mọi lãnh vực hoạt động của con người đó là vô minh. Chính sự si ám, không sáng suốt, thiếu tuệ giác là cội nguồn của tham ái, chấp thủ và cấu uế. Mọi khổ đau của chúng sanh đều bắt nguồn từ vô minh. Vì thế, đoạn trừ vô minh để khai mở tuệ giác là trọng tâm của tu tập. Do vậy, chúng ta không lạ khi phương châm tu học của hàng Phật tử luôn là “Duy Tuệ Thị Nghiệp”.

Nguồn: www.thuvienhoasen.org