Trong thời Đức Phật còn tại thế, có một Phạm thiên đã loại trừ được các hành động bất thiện qua thân và khẩu qua việc giữ giới – những bất thiện pháp này được ví như là ngọn của cây độc.
Vị Phạm thiên này cũng loại trừ những phiền não vi tế – được so sánh với thân cây độc – bằng thiền định, nhưng không loại trừ các hành động bất thiện có nguồn gốc từ nhiều đời kiếp trước hay bất thiện ngủ ngầm, đó là bộ rễ truyền sự sống cho cây độc. Do vậy, vị Phạm thiên này đã tái sinh làm một con heo nái.
Lần nọ, Đức Phật ngụ tại tu viện Veluvana gần thành Vương Xá. Một hôm, cùng với Ashin Ananda và Tăng đoàn, Đức Phật đã đi vào thành Rajagah để khất thực. Trên đường đi, nhìn thấy con heo nái ở lối vào thị trấn, Đức Phật mỉm cười và ngài Ashin Ananda đã hỏi Đức Phật tại sao Ngài mỉm cười như vậy.
Đức Phật đáp Ngài mỉm cười do Ngài thấy con heo nái nhỏ đó là kết quả của một sự tái sinh từ cõi Phạm thiên. Nó đã từng làm một con gà mái ở gần trai đường của Tăng đoàn trong thời kỳ Đức Phật Kakusandha. Do hàng ngày nghe chư Tăng tụng về chiếu kiến nghiệp xứ, con gà mái này sau khi chết, đã tái sinh làm một công chúa trong trong cõi người.
Nàng công chúa xuất gia và trở thành một Tỳ kheo ni. Tỳ kheo ni này giữ giới rất nghiêm ngặt, việc này cũng như chặt bỏ ngọn của cây độc. Một ngày nọ, nhờ thực hành thiền định với đề mục bất tịnh khi nhìn thấy giòi trong nhà vệ sinh, Tỳ kheo ni này chặt được thân cây – đoạn giữa – và đắc tầng thiền. Cô đã sống một cuộc sống an lạc do sơ thiền đem lại. Sau khi chết, cô được tái sinh vào cõi Phạm thiên .
Sau khi hết tuổi thọ ở cõi Phạm thiên, cô tái sanh làm con gái của một người đàn ông giàu có. Là con gái của gia đình giàu có, cô đã làm một số việc bất thiện, và giờ đây, cô ta trở thành một con heo nái nhỏ đứng tại cổng thành Rajagaha trong thời kỳ giác ngộ của Đức Phật Thích Ca. Các vị Tỳ kheo đều cảm thấy tiếc cho con heo ấy sau khi nghe Đức Phật giải thích như vậy.
Lý do tại sao cô từ một vị Pham thiên cao quý trở thành một con vật thấp kém là do khi cô làm một Tỳ kheo ni và thực hành Pháp, cô chỉ giữ giới. Việc này ví như cắt ngọn của cây độc. Tiếp đến cô thực hành thiền định, và loại thiền này chỉ giúp cô chặt được phần thân của cây độc. Cô đã không thực hành Tứ niệm xứ để nhổ tận gốc cây độc cho đến khi đạt được Đạo Tuệ.
Biết tâm của các Tỳ kheo đầy thương cảm cho con heo, Đức Phật đã dạy như sau:
“Này các Tỳ kheo, nếu chỉ có các nhánh cây bị chặt, gốc rễ vẫn còn, chưa được cắt hoặc chưa được nhổ tận gốc, các nhánh sẽ mọc và phát triển mạnh trở lại. Tương tự như vậy, các hành động bất thiện của thân và khẩu được ví như là ngọn của cây độc và nó được loại trừ bởi giới. Nỗi ám ảnh của bất thiện pháp hay phiền não vi tế ví như thân cây, nó bị đốn, chặt bởi thiền chỉ. Nhưng nếu phiền não ngủ ngầm, được ví như rễ cái của cây độc không tiêu diệt bởi Đạo Tuệ, chúng sanh sẽ trầm luân và không ngừng đau khổ, chịu tất cả các loại khổ đau như tái sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi v.v…” (Pháp Cú 2/332 )
Tất cả các vị Tỳ kheo lắng nghe lời dạy của Đức Phật đã thực hànhh Tứ niệm xứ cho đến khi họ đạt được Đạo Tu, nhờ vậy họ đã có thể nhổ tận gốc rễ của những bất thiện pháp có từ vô số kiếp quá khứ, họ trở thành các bậc thánh Dự lưu và thoát khỏi khổ cảnh của vòng sinh tử luân hồi.
Chỉ chặt nhánh, không nhổ tận gốc, nhánh của cây độc sẽ phát triển mạnh trở lại.
Không tận diệt phiền não ngủ ngầm, đau khổ sẽ quay trở lại.
Tận diệt phiền não ngủ ngầm, giải thoát khỏi đau khổ.
Muốn tận diệt phiền não ngủ ngầm, phải thực hành Tứ Niệm Xứ.
Trích bài viết “Diệt trừ bất thiện pháp giống như diệt trừ cây độc”
Chuyển ngữ: Supanna Thiện Trí