Một thời Thế Tôn trú ở Kosala. Rồi một số đông các Tỷ kheo vào thành khất thực, sau khi thọ thực họ trở về, đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, trên đường khất thực, chúng con thấy vua Pasenadi nước Kosala bắt trói một số người, một số bị trói bằng dây, một số bị trói bằng kềm kẹp.

Rồi Thế Tôn sau khi biết sự việc, liền nói lên bài kệ:

Bậc có trí nói rằng
Trói vậy không vững chắc
Trói bằng sắt, dây gai
Kềm kẹp bằng gỗ mộc
Đam mê các dục lạc
Với châu báu và trang sức
Và tâm tư tưởng vọng
Hướng về con về vợ
Bậc có trí nói rằng
Trói vậy thật vững chắc.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Triền phược [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.177)

dam-me-la-tu-troi-chac-nhat

LỜI BÀN:

Các Tỷ kheo trẻ trong Tăng đoàn ngày xưa cũng quan tâm đến chuyện thời sự. Giống như các Tỷ kheo thời nay thường hay đọc báo, xem truyền hình để biết thêm diễn biến của cuộc sống hàng ngày. Vấn đề là qua những điều mắt thất tai nghe ấy, chúng ta có vận dụng tư duy, thiền quán để có được sự tuệ tri về sự thật của cuộc đời mà tinh tấn tu tập hay không?

Nếu có chánh tư duy thì tất cả những gì xảy ra chung quanh ta đều là những đề mục thiền quán hữu ích. Một nhóm tội phạm bị trói, giải đi trên đường phố, tất nhiên sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Người hay buôn chuyện thì chỉ ghi nhận thông tin và hình ảnh rồi kể lại cho người khác. Người tu thì lại khác, hình ảnh đó giúp ta liên hệ đến nhân quả hiện tiền. Những phạm nhân kia, ắt trước đó đã làm điều gì xấu ác; trộm cướp, giết chóc, buôn lậu…, gieo nhân ác tất phải gặt quả báo. 

Với Thế Tôn, hình ảnh nhóm phạm nhân bị trói được tư duy theo một tầm cao mới, trói vậy chưa vững chắc. Vì sao? Xiềng xích và gông cùm chỉ là giải pháp cho vấn đề thuộc về quả, trong khi nhân của vấn đề lại bỏ ngỏ. “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Do đó, phải hoàn thiện con người bắt đầu từ nhân, ngăn chặn điều ác khi chưa xảy ra thậm chí ngay từ trong tâm tưởng. 

Mặt khác, theo tuệ giác Thế Tôn, không chỉ các phạm nhân mới bị trói, bị giải đi mà tất cả mọi người đều đang bị trói, bị dẫn dắt bởi tham vọng và vô minh. Và sự trói buộc này còn vững chắc hơn cả gông cùm và xiềng xích. Ai thành tựu được tuệ giác này mới có khả năng tháo gỡ cho chính mình.

Vui vẻ, hoan hỷ và tự nguyện được trói buộc theo dục vọng, lợi danh… mà không tự biết còn nguy hại, giam hãm con người hơn cả ngục tù. Vì vậy, người con Phật cần quán chiếu, sớm nhận ra dây trói tham vọng và vô minh để cắt đứt, tự giải thoát cho chính mình.


QUẢNG TÁNH