Tu nghĩa là sửa đổi tâm tính của bản thân theo hướng tốt hơn, lương thiện hơn. Nhưng tốt và lương thiện phải dựa trên nền tảng nào mới đúng chuẩn mực chân lý? Bởi do hiểu chưa sâu vào chữ tu nên rất nhiều người mặc dù rất siêng năng tu tập nhưng lại không có kết quả. Bài chia sẻ với đề tài Để hiểu đúng chữ tu trong Phật giáo sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng hơn về vấn đề này.
Thực trạng tu hiện nay
Hiện nay, rất nhiều người mang tâm huyết tu hành rốt ráo, miệt mài nhưng lại không tạo được niềm an vui cho bản thân và mọi người xung quanh. Không ít người có tu hành nhưng đối với những người xung quanh còn hung dữ, đố kỵ, ganh ghét. Đối với gia đình thì bất kính, thờ ơ và không biết chăm lo. Điều này vô tình khiến người khác nghĩa rằng tu hành là hành động bình thường, không tu đôi khi còn tốt hơn!
Một điều nữa là tu còn mê tín. Gán ghép việc xem bói toán, đồng bóng, thầy bà là chánh pháp theo Phật giáo. Nhưng thật chất những điều này không bao giờ mang đến sự hạnh phúc an vui cho bản thân mình và người thân, rồi khiến người khác có cái nhìn phản cảm về Phật giáo, sợ Phật giáo, xem thường Phật giáo.
Vì thế, trong quyển lược giải Kinh Hoa Nghiêm, hòa thượng Thích Trí Quảng có dạy rằng :
“Nếu không có an lạc tối thiểu thì tu cùng kiếp cũng khổ”. Do đó, nếu không hiểu về chữ tu, không có lối hành trì đúng đắn thì người tu họ rất dễ rơi vào sự hoang mang, sợ hãi, đau khổ và lo lắng. Chính điều này là nhân tố làm cho người Phật tử dễ bị lầm lạc trên con đường tu hành, dễ bị lôi kéo bởi những quan điểm tà kiến về Phật giáo của những người muốn chống phá. Để rồi chúng ta bỏ ra một đời tu hành mà không đạt được sự lợi ích gì, có khi quay lại tự hại bản thân mình.
Cũng có một số người muốn quy hướng tu tập theo đạo Phật nhưng không có người hướng dẫn, mò mẫn trên mạng tự tu rồi gặp phải những cách truyền đạo tà kiến mà cứ ngỡ chánh kiến, tu một thời gian không kiểm soát được bản thân, ảo tưởng cho mình đã đắc đạo….
Cho nên, một người tu hành đúng phải có sự an lạc hơn, hạnh phúc hơn, lương thiện hơn người bình thường. Đừng để người đời thấy rằng ta tu thật tội nghiệp, thật khắc khổ, thật vô dụng rồi họ sợ tu, không dám tu.
Hiểu đúng về tu mới tu có kết quả
Tu là sửa đổi thân khẩu ý của mình cho tốt hơn, chuyển đổi những suy nghĩ tiêu cực sang tích cực, từ chưa lương thiện sang lương thiện, biết kiềm chế lại hành vi sai trái của mình mà hành động theo đúng chánh pháp, đúng chân lý.
Tu phải đúng chân lý. Bởi những việc được đánh giá đúng sai trong đời chưa hẳn gọi là chân lý. Có những việc chúng ta cho là đúng nhưng xã hội cho là sai và ngược lại.
Chẳng hạn như lễ hội chặt heo ở Bắc Ninh, khi cả thế giới cho rằng đây là hành động tàn ác, bạo lực, một hủ tục cần dẹp bỏ thì với những người dân đại phương ở đây, họ cho đó là đúng đắn bởi nó là văn hóa truyền thống của địa phương.
Chẳng hạn như giới sát sanh. Người đời thường cho rằng vật dưỡng nhơn, lại cho rằng thượng đế ban những con vật để nuôi sống họ, không ăn thịt thì lấy gì để ăn. Quan niệm là như thế. Nhưng chân lý của cuộc sống là nhân quả luôn công bằng, có vay mượn thì phải có trả, không thể thay đổi khác hơn.
Nhưng nếu chúng ta biết tu tập sẽ hạn chế được hành động của mình, từ việc giết hại nhiều con vật đến giết ít hơn, từ việc nóng giận lôi kéo nhiều người khác vào cuộc thì biết kiềm chế bản thân không còn lôi kéo, từ việc buôn bán gian lận nhiều thì bớt lại một chút.
Cho nên đúng sai ở đời là sự nhận định bi quan của mỗi người. Để tu hành đúng, chúng ta phải dựa vào chân lý, bởi chân lý là lẽ thật không bao giờ thay đổi đổi thay theo đánh giá hay nhận định của bất kỳ ai. Ví dụ như bản chất của lửa là nóng, đó là chân lý. Cho dù ai nói rằng lửa ấm áp, lửa mát thì khi đụng vào cũng đều có cảm giác nóng như nhau.
Cũng thế, chuyển hóa thân tâm từ xấu xa sang lương thiện phải dựa vào chân lý, dựa vào Chánh pháp mà kinh điển để lại.
Một số người hiện nay khuyến khích người tu hành nên xa rời Tăng bảo vì họ cho rằng đủ sức tu rồi, dựa theo kinh điển mà tu. Thực tế có những vị thầy tu hành không đúng Chánh Pháp nhưng không vì thế mà chúng ta đánh giá rằng Phật giáo mê tín, suy đồi để coi thường và rời xa Tăng Bảo.
Nương tựa vào Tam Bảo chính là nền tảng tu hành của người Phật tử, chúng ta phải dựa vào 3 ngôi báo để tu tập. Nếu thiếu mất một trong ba, chắc chắn việc tu hành sẽ không đạt đến sự vãng sanh bởi khi đã làm hỏng đi đời sống tu học, khi Tam Bảo mà không tôn trọng được thì không có tư cách gì để nói đến việc một mình tu chứng đắc.
Một khía cạnh khác chính là những người đang tu theo pháp môn Tịnh Độ. Một số ý kiến khuyên rằng phải bỏ hết để chuyên tâm niệm Phật, đời là vô thường, không cần làm ăn, học hành, chăm lo gia đình, cứ vô chùa mà tu để về được Tây Phương. Đó là quan điểm rất lệch lạc. Nếu không có sự nhận định đúng về chữ tu, rất dễ bị lôi kéo những những lý lẽ mơ hồ này. Phải nhớ rằng, đạo Phật ra đời để mang đến sự an vui, giải thoát cho mọi người. Người tu hành phải biết làm cho cuộc sống mình hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn cho đời. Ý niệm tiêu cực đó không phải là tu !
Cho nên, nền tảng căn bản của việc tu hành phải dựa trên giới – định – tuệ
– Giới là đạo đức, là cách đối nhân xử thế đối với ông bà, cha mẹ và xã hội theo chuẩn mực.
– Định là làm chủ tâm ý có chánh niệm, làm tâm được trong sạch.
– Tuệ là nhận thức đúng đắn về các vấn đề để tâm tỏ sáng, đúng chân lý.
Và người tu hành theo pháp môn Tịnh Độ ngoài việc dựa vào ba điều căn bản trên còn phải có niềm tin sâu sắc về pháp môn, về đối tượng và phải tin mình được vãng sanh. Có 4 phương pháp tu Tịnh Độ
– Thuần tịnh độ : Chuyên tâm niệm Phật, làm lành lánh dữ, gieo trồng câu niệm Phật.
– Giáo Tịnh song tu : Đem kinh điển Tịnh Độ để tụng niệm hành trì, vừa niệm Phật, vừa tụng kinh, vừa nghiên cứu kinh điển, vừa vận dụng kiến thức học được áp dụng vào cuộc sống.
– Thiền Tịnh song tu : Vừa tu tịnh độ niệm Phật trồng căn lành để hồi hướng vãng sanh, đồng thời tạo cho mình có niệm lực để tu hành Niệm Phật. Rất nhiều vị cao tăng áp dụng phương pháp này.
– Mật Tịnh song tu : Vừa trì chú vừa tu tịnh theo đúng với sự hướng dẫn bài bản.
Do đó, người tu Niệm Phật phải hiểu rõ về con đường tu hành theo pháp môn của mình, chuyên tâm niệm Phật, gieo trồng phước đức đề hồi hướng vãng sanh.
Tóm lại, đề tài chia sẻ Để hiểu đúng chữ tu trong Phật giáo nhằm muốn giúp chúng ta làm sao phải nhận định và biết hướng tu tập có lợi cho mình và cho đời, phải có lập trường vững trên pháp môn đã chọn.
Không ngừng nuôi trồng những hạt giống lành để chế ngự đi những hạt giống xấu trong tâm, phải biết tu Phật trên nền tảng cốt lõi Giới Định Tuệ. Đó mới chính là tu đúng!