Câu 71: Người cất sữa bò không chỉ sáng chiều đã thành vị đề hồ được. Cũng thế, kẻ phàm phu tạo nghiệp ác tuy chẳng thụ ác quả liền, nhưng nghiệp lực vẫn âm thầm theo họ như lửa ngún giữa tro than.
Lược giảng
Có người khi gây tạo nhân lành, họ muốn có quả lành đáp trả liền cho họ. Tuy nhân quả không bao giờ sai chạy, nhưng rất phức tạp. Nói gây nhân nào có quả nấy, tuy không sai, nhưng cũng không phải đơn giản như vậy. Bởi vì nhân quả nó còn đòi hỏi phải hội đủ nhiều nhân tố khác nữa mới tạo thành. Nói cách khác, dù có chánh nhân, nhưng còn phải có nhiều trợ duyên giúp cho chánh nhân đó. Có khi, có chánh nhân tốt mà trợ duyên không tốt, thì cái chánh nhân kia cũng không thể phát triển tốt đẹp được. Có khi, chúng ta gây nhân, nhưng bị nghịch duyên, thì cái nhân kia cũng đổi khác đi.
Thí dụ: Khi chúng ta gieo hạt cải, vì không chăm sóc kỹ, nên những hạt cải kia bị kiến tha hết (nghịch duyên). Ngày nào ta cũng tưới nước, vài hôm sau, thấy lên lún phún, ta cứ ngỡ là hạt cải, nhưng cuối cùng đó là cỏ. Cũng có khi ta gieo những hạt bông, kết quả lại lên cỏ không. Ta tự hỏi tại sao như thế? Tại vì khi ta gieo hạt, ta không để ý đến kiến, nên chúng cắn tha hết hạt cải và hạt hoa. Bấy giờ ta kết luận: Nhân cải mà quả cỏ hoặc nhân hoa mà quả cỏ. Cho nên, từ nhân tới quả, còn đòi hỏi phải có đủ thuận duyên thì cái nhân đó mới kết quả tốt được. Bởi thế, nếu nghiên cứu kỹ, ta thấy nhân quả rất phức tạp, không phải đơn thuần như người ta lầm tưởng.
Điều Phật nêu thí dụ trên cho ta thấy, từ nhân tới quả phải có thời gian. Tùy theo cái nhân đã gây mà có kết quả mau chậm khác nhau. Như từ sữa muốn cho nó trở thành đề hồ, phải có thời gian. Thời gian mau chậm, còn tùy thuộc vào trợ duyên tốt xấu. Như phải có máy lạnh đông đặc tốt, cọng thêm thời tiết tốt v.v. thì chất đề hồ kia mới tốt và mau. Bằng ngược lại, thì thời gian phải lâu hơn và có đôi khi sữa bị hư không thành đề hồ, nếu trường hợp không có điện và thời tiết quá nóng. Như thế ta có thể kết luận, chưa hẳn là nhân nào quả nấy. Từ nhân tới quả còn tùy duyên. Tuy cái nhân không mất, nhưng khi đổi duyên, thì cái quả sẽ sai khác.
Thí dụ: trong lớp có hai học sinh A và B trình độ học vấn ngang nhau. Nhưng em A vào cuối tuần, học kèm thêm với một thầy giỏi. Trong khi đó, em B không có học. Kết quả em A giỏi hơn bỏ xa em B. Như vậy, ta thấy, nhân thì đồng nhau (cùng học một lớp một thầy) duyên đổi khác (A học thêm) kết quả A giỏi hơn B. Cho nên, chỉ căn cứ trên nhân mà đánh giá, ta không chịu xét đến duyên, thì sự đánh giá của ta chưa hẳn đúng. Đôi khi kết luận quá sai lạc và hàm hồ. Trường hợp vì nhân quá nhỏ nhiệm ta không thấy, tưởng rằng không có, đến khi thấy quả, ta không biết nhân từ đâu. Như khi ta dọn đất nhổ cỏ thật sạch, không còn sót một rễ cỏ nào, ta yên trí là khoảnh đất đó không bao giờ có cỏ mọc lên. Nhưng khi qua vài đám mưa, ta lại thấy cỏ nẩy mầm lên lún phún. Thế là, ta tức giận không biết cỏ nầy từ đâu lên? Nhưng ta quên rằng, khi dọn nhổ cỏ, có những hạt cỏ quá li ti nhỏ nhiệm mà mắt ta không nhìn thấy, đến khi gặp duyên (trời mưa ướt đất) là cỏ mọc lên ngay. Cũng thế, có những nhân khi chúng ta gây, chúng ta không để ý đến, đến khi kết quả, chúng ta lại nói, tôi không có tạo, tại sao xảy ra.
Cũng có khi gây nhân rất lâu xa, mới có kết quả. Cho nên, xét nhân quả, ta phải xét qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Có nhân mới gây là có kết quả liền. Thời gian từ nhân đến quả rất ngắn. Như khi ta ăn cơm chẳng hạn. Có nhân từ khi gây cho đến khi kết quả phải trải qua thời gian, dài ngắn không nhứt định. Song có điều, một khi đã có gây nhân, thì sớm muộn gì cũng phải có kết quả. Kết quả xấu tốt, còn tùy thuộc có chuyển nhân hay không chuyển nhân. Thí dụ: khi sáng anh A đánh anh B bị trọng thương, lẽ ra là anh A sẽ bị anh B và thân nhân của anh B đánh trả thù nặng. Nhưng ngày hôm sau, anh A biết lỗi lầm mình đã gây, liền đến nhà anh B để xin lỗi về việc đã gây ra. Anh A thú nhận mọi lỗi lầm và xin anh B tha lỗi. Sau đó, anh A được anh B tha lỗi. Và anh B chỉ nói đôi điều cho hả giận thôi chớ không có đánh trả thù. Như vậy, ta thấy khi gây nhân thì có nặng, nhưng khi trả quả thì nhẹ đi. Lý do là vì chuyển nhân đã gây từ nặng thành nhẹ. Bởi thế, nên tu là chuyển nghiệp. Nếu nghiệp không chuyển được, thì ai tu làm gì.
Câu pháp cú trên, Phật nêu ra giữa dụ và pháp về lý nhân quả, tuy thời gian kết quả có chậm, nhưng một khi đã gây nghiệp ác rồi khó thoát khỏi cái quả báo ác đáp lại. Bởi thế, nên Phật nói: “Kẻ phàm phu tạo nghiệp ác tuy chẳng cảm thụ ác quả liền, nhưng nghiệp lực vẫn âm thầm theo họ như lửa ngún giữa tro than”. Nhìn thấy tro, ta tưởng là không có lửa, nhưng có ngờ đâu, lửa đã ngún sâu trong than. Cũng thế, khi gây nhân ác, trải qua thời gian lâu, ta không thấy có trả quả. Bấy giờ, ta cứ tưởng là quả không có, nhưng kỳ thật, quả vẫn bám sát theo nhân, như lửa vẫn bám sát theo tro. Chẳng qua chưa tới thời tiết nhân duyên hiện rõ đấy thôi. Xin chớ có lầm tưởng cho là mất hẳn!
Thích Phước Thái