Với một người bình thường, họ thật không thể hiểu nổi vì sao không có gì trong tay mà lại an lạc được. Với họ, phải có tiền, có quyền hành, có sắc dục mới là hạnh phúc, có hạnh phúc mới có an lạc. Nhưng họ đâu nhận ra, càng có tiền, càng có quyền hay có sắc dục thì những hiểm nguy, những nghi kị tham san của con người càng nhiều. Họ sẽ giành giật, sẽ tìm mọi cách để lấy của bạn, bởi bạn có mà họ không có. Chính vì vậy, người đã thấu suốt sự đời, hiểu rất nhanh rằng: an lạc đến từ sự buông bỏ!
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ, Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, và thường hay nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay!”
Một số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, thường nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi an lạc thay!“.
Nghe vậy, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Không gì nghi ngờ chư Hiền, Tôn giả Bhaddiya con của Kàlighodha sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, vì trước khi còn ở gia đình được hưởng an lạc nhà vua, vì Tôn giả nhớ đến an lạc ấy, nên khi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây… thường nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ” Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kàligodha khi đi đến rừng… nói lên lời cảm hứng: “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! “… không có nghi ngờ gì nữa.. sống Phạm hạnh không có hoan hỷ… “Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! “.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
– Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta nói với Bhaddiya, con của Kàligodha: “Thưa hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả! “.
– Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha:
– Thưa Hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đang ngồi một bên:
– Có thật chăng, này Bhaddiya, Thầy đi đến khu rừng “… Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! “?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Do thấy mục đích gì đi đến khu rừng “… an lạc? “.
– Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ.
Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng… con nói lên lời cảm hứng “… an lạc thay! “.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
Với ai, trong nội tâm,
Không có lòng phẫn nộ,
Vượt qua hữu, phi hữu,
Vị ấy thoát sợ hãi,
An lạc, không sầu muộn,
Chư Thiên không thấy được.
Kinh Tiểu Bộ – Tập I
Hòa Thượng Thích Minh Châu Dịch Việt