Lời dẫn: Kiến thức của mỗi người có sâu-cạn, cao-thấp; cá tính, thói quen, sở thích của mỗi người cũng không giống nhau. Cho nên, lời nói, việc làm của mỗi người có điều hợp nhau, có điều lại bất đồng ý kiến. Có người nghe một biết hai. Có người nghe một biết mười. Có người vừa nghe liền giác ngộ. Có người nói một đằng hiểu một nẻo. Có người nói chỉ một câu mà nói đi nói lại mấy lần nghe cũng không hiểu. Có người thông minh nhạy bén, tu hành đắc định, hiểu thấu mọi vật. Con người thông minh hay đần độn, hoặc bất cứ việc gì phải trải qua mới biết được. Có người sống chung cả đời mà không hiểu rõ tính tình của đối phương. Có người hiểu rõ mỗi cử động của người khác như nằm trong lòng bàn tay, biết được ý nghĩ của họ. Vì sao mọi người khác nhau như một trời một vực như thế? Đức Phật dạy: “Tất cả mọi việc đều có liên quan nhân duyên đời trước”.
Thuở xưa có một phú ông giàu nứt đố đổ vách. Một hôm, ông có việc phải đi xa. Trước khi đi, ông gọi tên đầy tớ đến căn dặn:
- Này con! Khi ông đi xa, con ở nhà cố gắng giữ cửa và chăm sóc con lừa nhé!
Tên đầy tớ thưa:
- Xin ông chủ yên tâm, con luôn làm theo lời ông dặn. Chủ nhân yên tâm đi lo công việc.
Ông chủ ra đi được một ngày, tên đầy tớ giữ cửa rất cẩn thận và chăm sóc con lừa rất chu đáo. Nhưng được vài ngày, ở trong thôn tổ chức lễ hội. Họ mời gánh hát nổi tiếng đến biểu diễn, nghe đồn gánh hát này, tài tử vô cùng xinh đẹp. Tên đầy tớ không nén được tính hiếu kì muốn đi xem hát. Nhưng ông chủ đã giao giữ cửa và chăm sóc con lừa thì làm sao đi được?
Do đó, hắn suy nghĩ: “Trước khi đi, ông chủ dặn ta giữ cửa và chăm sóc con lừa, chỉ cần ta lấy dây cột cánh cửa trên lưng con lừa cho nó chở cùng ta đi xem hát, như thế thì hay quá!”. Hắn vui mừng khôn xiết làm theo mình đã nghĩ. Trước tiên, hắn tháo cánh cửa xuống đem đặt trên lưng con lừa, lấy dây cột thật chặt, rồi ngông nghênh đi xem hát.
Lúc này, nhà của phú ông chẳng những không có người coi nhà mà ngay cánh cửa cũng không có để đóng lại. Tên trộm nhân cơ hội này vào nhà phú ông lấy sạch hết của cải.
Phú ông trở về thấy tài sản trong nhà không còn gì, liền hỏi hắn:
- Này thằng kia! Của cải trong nhà tao đâu mất hết rồi? Hắn đáp:
- Thưa ông chủ! Trước khi ông đi dặn con chỉ giữ cánh cửa và chăm sóc con lừa, con làm hai việc này rất tốt; còn các việc khác con không biết.
- Trời ơi, tức chết đi được! Ta bảo ngươi giữ cửa là phải giữ gìn của cải trong nhà; nếu ta không có của cải thì dặn ngươi giữ cửa làm gì?
Phú ông tức giận điên cuồng, đành cười ra nước mắt với tên đầy tớ ngu xuẩn; sự việc đã xảy ra rồi ông đành chịu vậy.
—o0o—
Bài học đạo lý
Sự hiểu biết của con người có sai khác. Người khác nói chẳng những ta nghe không hiểu mà còn thường làm sai ý của họ. Cá tính của mỗi người cũng có quái gở, người khác muốn ta đi về hướng đông mà ta khăng khăng đi về hướng tây. Có người tự ngã cống cao chỉ muốn mọi người nghe theo mình, mình không chịu nghe theo họ. Có người thích ăn ngon, mặc đẹp. Có người chuộng sĩ diện. Có người thích nhậu nhẹt. Có người thích ăn chay v.v…mà xảy ra xích mích xung đột, dẫn đến chuyện thị phi ở đời rất nhiều.
Mỗi người đều có khuyết điểm và ưu điểm. Nếu như chúng ta biết phát huy ưu điểm của mình, sửa đổi khuyết điểm là người thành công. Còn như chúng ta làm theo khuyết điểm của mình, và muốn người khác cũng theo khuyết điểm của ta thì đau khổ càng chồng chất, chắc chắn là người gặp thất bại.
Tu hành cũng vậy, nếu như chúng ta tự biết thói quen và khuyết điểm của mình, hàng ngày cố gắng sửa đổi thì ngày càng tiến bộ trên đường đạo. Còn như chúng ta để cho năm dục phiền não lôi kéo thì ngày càng tạo nghiệp thêm nhiều, tương lai siêu thoát hay đọa lạc khác nhau rõ ràng. Đức Phật dạy: “Cùng nghiệp thì tương ưng”. Người có trí huệ, đức hạnh chẳng khác nhau; hoặc cá tính ưa thích giống nhau, họ rất dễ hiểu đối phương. Người trí huệ cao siêu mỗi cử động của người khác, hay ý nghĩ họ muốn gì đều hiểu rất rõ ràng. Còn ngược lại thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Phật pháp là pháp môn trí huệ. Tâm Kinh ghi: “Ba đời chư Phật, vì y theo bát-nhã ba-la-mật-đa nên chứng đắc Vô Thượng Chính Đẳng Chánh Giác”. Phật là Đấng Đại Giác, cho nên học Phật là tu pháp môn trí huệ. Nếu như chúng ta không có trí huệ quán giữ sáu căn thì tất cả của báu công đức đều bị tên trộm phiền não lấy cắp, trôi lăn trong sáu đường luân hồi, rốt cuộc cũng là kẻ bần cùng mà thôi, vẫn làm chúng sinh chịu khổ não, khổ báo vô biên.
Biên soạn: Pháp sư Thánh Pháp
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
Hiệu đính: Thiện Thuận