122. Chớ khinh điều lành nhỏ cho rằng: “chẳng đưa lại quả báo cho ta”. Phải biết giọt nước nhểu lâu ngày cũng làm nay bình. Kẻ trí sở dĩ toàn thiện bởi chứa dồn từng chút từng chút mà nên.
Luợc giảng
Pháp cú nầy, Phật dạy tương phản với pháp cú trên. Pháp cú trên, Phật nói rõ về kẻ ngu. Đã ngu, cho nên họ hay khinh thường những điều ác nhỏ. Từ đó, mà dẫn đến những hậu quả rất tai hại cho mình và người.
Ở đây, Phật nêu rõ hình ảnh của kẻ trí. Như trên, chúng tôi có nói sơ qua về sự ý thức và hành động của người trí. Người trí, vì họ ý thức được luật nhân quả báo ứng một cách đúng đắn, nên họ không dám khinh thường những điều lành nhỏ. Đối với người trí, điều ác nhỏ, họ không làm đã đành, nhưng đối với những điều lành nhỏ, họ cũng không thể bỏ qua. Bởi vì họ biết chắc rằng, giọt nước nhểu lâu ngày cũng làm đầy bình. Họ làm và giữ đúng như lời Phật dạy.
Nhưng việc lành nhỏ là như thế nào? Vấn đề nầy, thật có thiên hình vạn trạng, không thể kể ra cho hết được. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài hình ảnh làm lành nhỏ nhặt, mà chúng ta thường thấy qua, để từ đó, chúng ta chiêm nghiệm kỹ hơn.
– Một người đi đường, thấy một cây gai hay một miểng chai nằm giữa đường, họ liền khum xuống nhặt liệng vào trong bụi cây rậm. Nhờ thế, mà người khác không sơ ý đạp nhầm để gây ra thương tích đau đớn.
– Một cô thiếu nữ, thấy cụ già muốn băng qua đường, nhưng có v? sợ sệt, cô liền đến nắm lấy tay cụ và dìu qua bên kia đường một cách an toàn. Cụ ngỏ lời cám ơn cô ta r?i rít.
– Một người đến chùa làm công quả giúp cho chùa những chuyện lặt vặt như lặt rau, lượm rác hay lau quét v.v.
– Một cụ già cầm lá đơn trên tay, nhưng rất lo lắng không biết phải điền như thế nào, đang lúc lo lắng đó, thì có anh A đến giúp cho cụ điền giùm. Thế là cụ ta cảm thấy nhẹ nhỏm trong lòng và bao nhiêu sự lo lắng đều tan biến hết.
Đó là những điều lành thật nhỏ nhặt mà ai cũng có thể làm được. Chỉ cần có một tấm lòng từ thiện thương và giúp người là được.
Thuở xưa, Ngài Trì Địa Bồ tát đối với những điều lành nhỏ như thế, Ngài không bao giờ bỏ qua. Ngài thường hay đắp đường sửa cầu. Nghĩa là Ngài làm bất cứ điều gì nhằm lợi ích cho tha nhân, thì dù việc lớn hay việc nhỏ, có khó nhọc đến đâu, Ngài cũng kiên nhẫn làm không bỏ qua. Nhờ thế, mà Ngài có tên là Trì Địa Bồ tát. Chữ Trì Địa có nghĩa là giữ gìn đường xá cho được sạch s?û, bằng phẳng và cho mọi người dễ đi. Do Ngài chuyên làm những việc nhỏ nhặt như thế, nên được người đời tán thán và kính trọng, gọi Ngài là Bồ tát Trì Địa. Như vậy, Bồ tát là một con người rất bình thường và rất gần gũi với chúng ta. Bất cứ ai, làm với một tâm niệm nhắm vào mục đích lợi ích cho tha nhân, đều gọi là Bồ tát. Bồ tát là một con người giác ngộ. Sau khi giác ngộ, đem sự giác ngộ đó giúp cho mọi người bớt khổ được vui, đó là Bồ tát.
Kinh Pháp Hoa có nêu ra hình ảnh của Ngài Thường Bất Khinh Bồ tát. Ngài là một con người kỳ đặc. Việc làm lành của Ngài cũng rất là nhỏ nhặt. Đi đâu, gặp ai, Ngài cũng chấp tay xá mọi người và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ là Phật”. Đã là Phật, tức Ngài muốn chỉ cho chúng ta biết mỗi người đều có sẵn Phật nhân, tức cái chánh nhân để thành Phật. Ngài luôn nhắc nh? mọi người như thế. Chỉ nhắc nhở cho mọi người nhớ lại ông Phật của chính mình. Nếu mọi người biết xoay lại và nhận ra tánh Phật đó, rồi tu hành, tất có ngày sẽ được thành Phật. Việc làm mới nhìn qua, thật là nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng xét kỹ, thì thật là vô cùng quan trọng.
Làm với một tâm thành như thế, nhưng Ngài phải hứng chịu biết bao nhiêu điều sỉ nhục. Ngài đã bị mọi người khinh bỉ và đánh đập mắng nhiếc. Thế nhưng, Ngài luôn nhẫn nhịn và không bao giờ bỏ cuộc. Bởi thế, người đương thời mới đặt cho Ngài cái tên là Thường bất khinh. Nghĩa là luôn luôn chẳng dám khinh thường ai, dù đó là một đứa bé hay một kẻ cùng đinh.
Đến như đức Phật, dù đã thành Phật rồi, nhưng đối với những điều lành nhỏ, Ngài cũng không bỏ qua. Có lần, Ngài giúp xỏ kim cho một bà già. Ngài cũng đã từng giúp vá lại chiếc y cho Ngài A na luật. Vì Ngài A na luật bị mù đôi mắt. Ngoài việc giúp người ra, Ngài còn thương và giúp cho loài vật. Như có lần Ngài ôm vào lòng một con bồ câu đã bị trúng tên. Sau khi nh? mũi tên ra, chính Ngài lấy thuốc băng bó lại vết thương cho nó. Còn và còn rất nhiều những việc làm lành nhỏ nhặt của Ngài, nói sao cho hết.
Thật là cao cả thay! Một tấm lòng từ bi vô lượng! Một người đã hoàn toàn giác ngộ mà còn không bỏ qua những việc lành nhỏ, ngẫm lại, chúng ta thì sao?! Chúng ta còn là phàm phu, thế mà không chịu khó làm lành để được thăng tiến như Ngài sao?! Nghĩ đến các Ngài, chúng ta cảm thấy thật là tủi hổ. Các Ngài đã là Bồ tát, là Phật mà gặp việc lành dù nhỏ nhặt đến đâu cũng không bỏ qua.
Người đời thường nói: “Góp gió thành bão hay tích thiểu thành đa”. Có người còn cụ thể hơn, họ thường bảo: “Thủng thẳng mà nhặt hoa rơi”. Ý nói, nhờ làm những điều nhỏ nhặt mà kết thành những việc lớn. Việc đời hay việc đạo không có một việc làm nào mà không có điểm khởi đầu.
Một người văn hay chữ đẹp, có cấp bằng cao, cũng bắt đầu học vỡ lòng từ những mẫu tự a, b, c
Một người muốn đi xa, cũng phải nhờ ở bước khởi đầu và lần đi từng bước chân một rồi mới tới đích đã nhắm.
Một vị A la hán, Bồ tát hay Phật, các Ngài được thành tựu đạo quả như thế, cũng nhờ làm từng việc lành nhỏ nhặt. Trên đời, không có điều gì tự nhiên mà thành lớn lao được. Tất cả cũng đều bắt nguồn từ những việc nhỏ mà thành. Muốn xây dựng một căn nhà, tất cũng phải nhờ đến những vật liệu nhỏ bé. Và với một khối óc sáng suốt mới tạo nên. Muốn trở thành một con người hoàn toàn thánh thiện, tất cũng phải như thế.
Tóm lại, Pháp cú trên, Phật khuyên chúng ta nên cố gắng làm người trí. Muốn làm người trí cũng không có khó khăn gì. Chúng ta chỉ cần nhìn vào những gì chúng ta làm. Chúng ta biết rõ cái nào lợi cái nào hại. Lợi thì làm mà hại thì tránh. Lợi đây là lợi mình và lợi người. Dùng trí huệ soi sáng mọi ngôn từ và hành động. Nhờ có trí huệ soi sáng như thế, thì chắc chắn chúng ta sẽ không vướng khổ. Sự sống có giá trị là ở chỗ chúng ta biết rõ điều nào đáng làm và điều nào không nên làm. Đó là lẽ sống hướng thượng mà người Phật tử cần thực hiện. Không riêng gì Phật tử, mà bất cứ ai nghe và làm theo lời Phật dạy đây, thì chắc chắn mọi người sẽ thăng hoa trong cuộc sống và chắc chắn sẽ chấm dứt mọi khổ đau.
Thích Phước Thái