Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chứng kiến biết bao sự đổi thay để rồi vùi mình trong sâu thẳm, những bức tượng dưới đây lại một lần nữa “tái xuất” mang lại nhiều khám phá thú vị cho các nhà khoa học.
Các di tích lịch sử, khảo cổ là những tài sản cực kỳ quý giá mà tổ tiên đời trước để lại, bởi đây là minh chứng cho những gì còn sót lại của nền văn minh, tín ngưỡng của một dân tộc, một quốc gia và thậm chí cả nhân loại.
1. Tượng Phật 2000 năm mắt xanh hiếm thấy ở Afghanistan
Năm 2012, tại tỉnh Mes Aynak, thành phố Logar, ở Afghanistan, nơi đã từng là một thành phố nằm trên con đường tơ lụa xuyên Á – Âu, một công ty khai thác đồng đã phát hiện một ngôi đền cổ có diện tích 4km2 được chôn dưới lớp đất bùn. Khi khai quật khảo sát, các nhà khảo cổ học cho rằng, ngôi đền này chỉ cách thủ đô Kabul chừng 40km, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 3 – 5. Tại vị trí trung tâm của ngôi đền cổ, họ phát hiện một bức tượng Phật trông sống động như thật khiến người ta không khỏi xúc động.
Theo AFP đưa tin, chuyên gia phục hồi tượng vật người Ý, ông Ermano Carbonara cho biết: “Khi được phát hiện, bức tượng Phật dường như còn nguyên vẹn, dầu hoàn toàn không bị hư hại, đây là điều rất hiếm thấy. Bức tượng đặc biệt này được đặt ở giữa của một ngôi đền, xung quanh ngôi đền còn được trang trí bằng những bức tranh cổ vẽ hoa”.
Thật kỳ diệu khi tượng Phật có thể tồn tại nơi chiến tranh liên miên mà không hề bị tàn phá.
Kỹ thuật điêu khắc của người thợ rất tinh tế tỉ mỉ, thủ pháp xảo diệu. Mái tóc màu đen của bức tượng Phật được búi cao, mắt màu xanh đậm, đôi má màu hồng phấn, khoác áo cà sa màu tím. Theo ông Ermano Carbonara, đây có lẽ là một trong những hiện vật Phật giáo lâu đời nhất Trung Á, có niên đại vào thời gian của Alexander Đại đế.
Điều khiến người ta cảm thấy thần kỳ chính là bức tượng Phật hoàn toàn không bị hư hại gì. Ông Carbonara ví von: “Nhìn tựa hồ như một trận mưa đêm cũng có thể làm hỏng bức tượng Phật vậy”. Tuy nhiên, trải qua bao mưa gió và chiến loạn, bức tượng vẫn kiên cố. Hơn nữa, tại vùng đất này, đầu của tượng Phật cổ là phần giá trị nhất trên thị trường chợ đen, vậy mà bức tượng vẫn có thể bảo tồn nguyên vẹn hơn nghìn năm qua, quả là điều thần kỳ.
2. Tượng hoàng tử Tất Đạt Đa trước khi thành Phật 1000 năm tuổi ở Afghanistan
Năm 2010, trong đống đổ nát của tu viện Phật giáo ở Afghanistan, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một bức tượng đá được cho là tượng của hoàng tử Tất Đạt Đa trước khi ông sáng lập Phật giáo. Tượng cao khoảng 28cm và được chạm khắc trên đá, bức tượng mô tả một hoàng tử cùng với một tu sĩ. Dựa trên một đồng xu bằng đồng được tìm thấy gần đó, Gérard Fussman – một giáo sư tại Collège de France ở Paris ước tính bức tượng này có niên đại ít nhất 1.600 năm.
Nhìn vào bức tượng, có thể thấy hoàng tử Tất Đạt Đa đang ngồi trên một chiếc ghế tròn, mắt nhìn xuống, chân phải gối lên đầu gối trái. Ông mặc dhoti (trang phục truyền thống cho nam giới ở Ấn Độ), quấn khăn tubar, trên cổ đeo một chuỗi hạt, ngồi dưới tán cây đa. Nhà sư đứng ở phía bên phải của hoàng tử, tay phải cầm một bông hoa sen hoặc cành cọ (hiện nay tay phải của bức tượng nhà sư đã bị hỏng nên chi tiết này chưa được khẳng định).
Dựa trên một số đặc điểm được mô tả lại, đặc biệt là tán lá đa, Fussman tin rằng vị hoàng tử được chạm khắc trên đá chính là Cồ Đàm Tất Đạt Đa, người sau này đã trở thành Phật. Bức tượng này mô tả hoàng tử Tất Đạt Đa khi ngài chưa bắt đầu cuộc hành trình định mệnh về giác ngộ của mình.
Fussman cũng cho biết việc phát hiện ra bức tượng này cho thấy có thể có một tu viện trong thời cổ đại dành riêng cho Tất Đạt Đa trước khi giác ngộ. Ý tưởng này lần đầu tiên được giáo sư Gregory Schopen nhắc đến năm 2005.
(Lang Kim)