(Ratnavali – Rin-chen ‘phreng-ba).
Phẩm thứ ba: Tích Nhị Tư Lương[1] Tạo Nhân Giác Ngộ
Trước tác: Long Thọ Bồ Tát
Dịch từ bản Anh ngữ của dịch giả Wulstan Fletcher[2]

Bảo Hành Vương Chính Luận

201.  Bây giờ, xin Đại Vương,
Cũng lắng nghe như vậy,
Theo truyền thống Đại Thừa,
Làm sao từ công đức,
Bất khả tư nghì kia,
Mà chư Phật đều sinh,
Đủ các tướng quý chính.

202.  Các công đức tạo ra,
Toàn thể chư Độc Giác,
Các công đức tạo ra,
Quả nhập lưu đạo lộ,
Hữu Học và Vô Học,
Cộng thêm mọi công đức,
Có ở trong thế gian,
(Nhiều vô lượng như là,
Chính thế giới lớn này) —

203.  Các công đức như thế,
Nếu nhân lên gấp mười,
Cũng chỉ bằng công đức,
Của một lỗ chân lông,
Trên thân của Thế Tôn,
Còn các chân lông khác,
Công đức như vậy cả.

204.  Các công đức tạo ra,
Toàn thể những chân lông
Nếu nhân lên trăm lần,
Cũng chỉ bằng công đức,
Của một tướng quý nhỏ,

205.  Tất cả công đức thế,
Thưa Đại Vương, chỉ tạo,
Được một tướng quý nhỏ,
Cùng như thế, để tạo ,
Tám mươi tướng quý nhỏ,
Phải tạo tám mươi lần
Công đức đã kể trên.

206.  Khối công đức tạo ra,
Tám mươi tướng quý nhỏ,
Nhân lên một trăm lần,
Mới tạo thành ra một
Tướng quý lớn của đấng
Đại Sĩ, Phật Thế Tôn.

207.  Khối công đức to lớn
Tạo thành ba mươi hai
Tướng quý lớn của Phật
Nhân lên gấp ngàn lần,
Mới tạo một lọn tóc,
Xoắn tròn như mặt trăng.

208.  Công đức một lọn tóc,
Nhân lên trăm ngàn lần,
Mới tạo được nhục kế,
Ẩn trên đảnh đầu Phật.

208a.  Công đức tạo nhục kế,
Nhân mười triệu trăm ngàn,
(Mười vô lượng vô biên),
Nhân duyên tối thượng này,
Tạo thành khẩu ngữ Phật,
Gồm sáu mươi diệu âm.

209.  Dù công đức vô biên,
Như thế giới thập phương
Nhân lên gấp mười lần,
Phương tiện nói công đức
Cũng hữu lượng đo được.

210.  Và nếu nhân tạo ra,
Sắc Thân Phật vô biên
Như vũ trụ vô lượng,
Thì làm sao ước tính,
Nhân của Pháp Thân Phật ?

211.  Vì chư pháp duyên sinh,
Từ những nhân nhỏ bé,
Tạo quả lớn khó lường,
Vậy chớ nên tưởng rằng,
Nhân Phật thật vô lượng,
Lại sinh quả hữu lượng.

212.  Nguồn của Sắc Thân Phật,
Là kho tạng công đức,
Pháp thân Phật, tóm lại,
Thưa Đại Vương, khởi sinh
Từ kho tạng trí tuệ.

213.  Hai tư lương là nhân
Đạt Phật quả Bồ Đề
Vậy, tóm lại, hãy luôn,
Hành trì tích tư lương,
Công đức và trí tuệ.

214.  Luận và kinh sẽ tạo
Ra nhân đạt tinh tấn,
Nhờ công đức như thế,
Không chán nản buông rơi,
Là nguồn đạt giác ngộ.

215.  Như mọi nơi, thập phương,
Không gian và đất, nước,
Lửa, khí đều vô biên.
Như thế, phải nói là,
Chúng sinh khổ vô lượng.

216.  Chúng sinh vô lượng này,
Bồ Tát với từ bi
Dẫn họ vượt thoát khổ
Trụ vững trong Niết Bàn.

217.  Chư vị trụ kiên định,
Trong đời, thức hay ngủ.
Trụ nguyện hạnh như thế,
Ngay trong lúc nghỉ ngơi.

218.  Luôn tích tập công đức,
Lớn vô biên như là
Chúng sinh nhiều vô lượng,
Vì công đức vô lượng.
Nên Phật quả Bồ Đề ,
Vô biên không khó đạt.

219.  Từ vô lượng thời kiếp,
Chư Bồ Tát trụ lại.
Độ vô lượng chúng sinh,
Đạt vô lượng giác ngộ
Và hoàn thành đức hạnh
Thật vô biên viên mãn.

220.  Cho dù quả Bồ Đề,
Tuy rộng lớn vô biên,
Hành trì tứ vô lượng,
Làm sao mà chư vị
Chẳng giác ngộ nhanh chóng ?

221.  Vô lượng công đức thế,
Và trí tuệ vô biên,
Phải nói sẽ mau chóng
Tiêu trừ mọi đau đớn,
Của thân và của tâm.

222.  Đói, khát, mọi đớn đau
Thân khổ vì phải đọa,
Nẻo dữ do ác nghiệp.
Bồ tát chẳng tạo ác.
Nhờ công đức tích tập,
Chư vị chẳng khổ đau,
Dù tái sinh các kiếp.

223.  Tham, sân, dục, sợ hãi:
Là khổ đau của tâm,
Bắt nguồn từ vô minh.
Bồ tát mau thoát khổ
Nhờ ngộ trí bất nhị [3]
Phiền não bổn vô căn.

224.  Chư vị không bị hại
Bởi khổ đau thân tâm.
Vì sao mà chư vị
Chẳng nản lòng, dẫn đạo,
Thế gian đến tận đích ?

225.   Đau đớn trong giây lát
Cũng khó mà chịu được
Huống hồ khổ lâu dài.
Chư Bồ tát không khổ,
Mà chỉ có niềm vui,
Đâu có gì hại được,
Chư vị, dù trải qua
Cả vô tận thời gian ?

226.  Chư vị, thân không khổ
Làm gì có tâm khổ ?
Vì phát lòng từ bi,
Thấy thế gian đau khổ ,
Nên cố hằng trụ thế.

227.  Người trí chẳng nản lòng,
Chẳng than “Phật quả xa”.
Hãy tinh tấn tu tập:
Trừ ác, tích hạnh lành.

228.  Tham, sân, si là lỗi,
Nguyện dứt trừ tam độc.
Nhận biết thoát tam độc,
Là đức hạnh hành trì.

229.  Do tham đọa ngạ quỷ,
Do sân, đọa địa ngục,
Do si, đọa súc sinh.
Dứt tam độc, sẽ được
Tái sinh cõi trời, người.

230.  Dứt trừ các điều ác,
Hành trì các đức hạnh
Đạo lộ sinh nẻo lành.
Nhờ trí tuệ phá chấp,
Đạo lộ đạt giải thoát.

231.  Tôn kính và thành tâm,
Trên quy mô rộng lớn,
Xây tượng Phật, bảo tháp,
Xây chùa và tăng phòng,
Tạo tài sản phong phú.

232.  Cầu xin Đại Vương dùng,
Những chất liệu trân quý
Tạo tượng Phật cân đối,
Điêu khắc thật tinh xảo,
Tọa tòa sen trang nghiêm
Điểm tô bằng châu báu.

233.    Bảo tồn chăm sóc kỹ
Chánh Pháp, cùng thánh chúng.
Trang hoàng các bảo tháp,
Rèm, miện quý bằng vàng.

234.  Đảnh lễ các bảo tháp
Dâng cúng hoa vàng, bạc,
Với kim cương, san hô,
Thúy lục, lam bảo châu,
Ngọc trai và lưu ly.

235.  Tôn kính với chư vị
Thuyết Thánh Pháp bằng cách,
Làm chư vị hài lòng:
Cúng dường lên tứ sự [4],
Trụ vững trên đạo pháp.

236.  Cúng kính nghe lời thầy,
Hầu hạ, cầu nguyện thầy,
Còn với chư Bồ Tát
Luôn thành tâm kính lễ.

237.  Đừng tôn kính, cúng dường,
Ngoại đạo dạy tà pháp
Làm vậy khiến người si
Sẽ đắm nhiễm ác đạo.

238.  Kinh, luật, luận tam tạng,
Giáo pháp của Thế Tôn,
Xin ban phát bút, mực
Mọi thứ để thành toàn
Việc ấn tống, đọc tụng.

239.  Với học viện trong nước,
Ban sinh kế, ruộng đất,
Giúp giáo sư phương tiện
Hoằng bá, khai dân trí.

240.  Giúp dân chúng bớt khổ,
Già, trẻ, kẻ tật nguyền,
Ban đất  đai, trợ cấp
Quân y sĩ, bác sĩ.

241.  Đại Vương là vua hiền,
Xây nhà trọ, công viên,
Cầu đường, ao, kho lẫm,
Bể nước, giường, thực phẩm,
Gỗ cây và rơm rạ.

242.  Xây nhà kho thóc luá
Cho làng, chùa, thị trấn,
Xây bể nước bên đường,
Những nơi thiếu nước uống.

243.  Luôn từ bi chăm sóc,
Người bệnh, khổ, không nhà,
Người bần cùng, thấp kém.
Tôn trọng ban cho họ,
Cơ hội để phục hồi.

244.  Ban thóc lúa, hoa quả
(Thức ăn, uống tùy mùa)
Cho chư tăng khất thực
Đừng lấy gì của họ.

245.  Nơi bể nước, hãy ban
Dép, ô dù, lọc nước,
Cho nhíp để nhổ gai,
Kim, chỉ, và quạt gió.

246.  Ba loại trái cây lành,
Ba loại thuốc trị sốt,
Bơ, mật, thuốc thoa mắt,
Thuốc giải độc—ban phát,
Ở những nơi như thế,
Viết dược chú, đơn thuốc.

247.  Thuốc, dầu thoa thân, đầu…
Mền len, ghế, thức ăn,
Nồi niêu, rìu, các thức
Xin ban phát như vậy,
Tại các nơi chứa nước.

248.  Cũng thế, xin Đại Vương,
Đặt vại chứa thóc, gạo,
Mè, đường, thức ăn uống,
Ở những nhà nghỉ mát.

249.  Ở miệng các tổ kiến,
Hãy đặt người tin cậy,
Rắc thức ăn, uống, đường,
Và vài đụn lúa gạo.

250.  Trước, sau, khi thọ thực,
Xin thí cho ngạ quỷ,
Chó, chim, kiến, các loài,
Có thức ăn thích hợp.

251.  Hãy ban phát chẩn tế,
Cho những kẻ bị cướp,
Người mất mùa, bị thương,
Bệnh dịch, vùng loạn lạc.

252.  Hãy ban cho nông gia
Bị thất bại, khổ cùng,
Thóc hạt, cùng thức sống.
Xóa nợ, giảm thuế lúa.

253.  Dạy dân hành thiểu dục,
Xoá thuế hoặc giảm tô.
Giúp giảm khổ, buồn lo,
Thương nhân chầu tại cửa.

254.  Hãy diệt trừ trộm cướp,
Trong nước, vùng lân cận,
San lợi nhuận, giá hàng,
Xin vừa phải, hợp lý.

255.  Hãy nghe kỹ lời khuyên
Từ các quan đại thần,
Mưu phúc lợi cho dân,
Là bổn phận nhà vua.
256.  Như Đại Vương quan tâm,
Đến điều lợi cho mình,
Nay xin đặc biệt lo
Tạo phúc lạc cho người.

257.  Như đất, nước, lửa, gió,
Như thảo dược, rừng cây,
Dù chỉ trong giây phút,
Hãy là người cung cấp
Mọi nhu cầu của họ.

258.  Vì Bồ Tát khởi nguyện,
Chỉ trong vòng bảy bước
Xả ly mọi tài vật
Tạo công đức vô biên
Như hư không khó lường.

259.  Ban cho người mỹ nữ,
Đại Vương sẽ chứng đắc
Thần lực trí tuệ, nhớ,
Lời, nghĩa của Thánh Pháp.

260.  Thế Tôn trong quá khứ,
Ban phát tám mươi ngàn,
Mỹ nữ, đồ trang sức ,
Cùng của cải, tế nhuyễn,

261.  Y phục, đồ trang sức,
Nước hoa cùng vòng hoa
Đồ tiện dụng, đẹp đẽ
Bi mẫn tặng hành khất.

262.  Người khổ, thiếu phương tiện
Chẳng thể hành trì Pháp
Chu cấp giúp cho họ
Chẳng quà nào quý hơn.

263.  Nếu thuốc độc hữu ích,
Cũng nên ban cho người !
Dù cam lộ, chớ cho,
Nếu làm hại đến họ.

264.  Ngón tay bị rắn cắn,
Tốt hơn nên cắt bỏ,
Thế Tôn dạy hãy làm
Điều lợi lạc chúng sinh
Dù làm họ phiền não.

265.  Hãy tôn kính Thánh Pháp,
Cùng chư vị năng thuyết.
Thành tâm lắng nghe Pháp,
Và thực hành Pháp thí.

266.  Đừng ái nhiễm chuyện đời
Hoan hỷ pháp siêu thế,
Hãy gieo trồng thiện pháp
Trong tim mình và người.

267.  Đừng tự mãn sở học,
Văn, tư, tu, thật nghĩa,
Cầu Đại Vương tận tâm
Cúng dường chư Đạo Sư.

268.  Đừng nói như đoạn diệt,
Hay như kẻ thế gian;
Hãy từ bỏ tranh cãi,
Để thỏa lòng kiêu mạn.
Đừng tự khoe đức hạnh;
Tán thán đức hạnh người,
Dù họ là kẻ thù.

269.  Đừng đá đáp với người,
Đừng nói lời ác ngữ,
Ngược lại hãy xét kỹ,
Từng lỗi lầm của mình.

270.  Hãy bỏ hết lỗi lầm,
Mà người trí chê trách.
Hãy hết sức cổ vũ,
Kẻ khác làm y vậy.

271.  Nếu người khác hại mình,
Cũng chớ nổi sân hận,
Hãy quán do nghiệp nợ.
Nên cố dứt ác nghiệp,
Để chấm dứt khổ đau.

272.  Thi ân, đừng cầu báo,
Gánh khổ đau hộ người
Còn hạnh phúc của mình
Hãy mang chia cho người.

273.  Dù giàu như chư thiên,
Đừng phát sinh kiêu mạn.
Đừng nản dù trầm nịch,
Như ngạ quỷ đói, thèm.

274.  Luôn nói lời chân thật,
Cho dù phải mất mạng,
Hay bị mất ngai vua.
Nếu chẳng thể nói thật.
Thì nên giữ im lặng.

275.  Giáo pháp luôn giảng dạy,
Giữ giới trong hành động,
Đấy là cách Đại Vương,
Thành minh quân lỗi lạc.

276.  Mọi lúc, mọi hoàn cảnh,
Tìm hiểu kỹ thật nghĩa
Tự hậu y theo làm.
Phân biệt rõ tình huống,
Đừng làm vì tin người.

277.  Với chính sách như vậy,
Vương quốc sẽ thịnh vượng.
Nơi nơi đều ca ngợi,
Ân đức thấm mười phương,
Các đại thần kính phục.

278.  Duyên tử vong thì nhiều,
Còn nhân trợ mạng sống,
Lại chẳng có bao nhiêu,
Chết có thể tức thì,
Xin tinh tấn hành thiện.

279.  Nếu Đại Vương hành thiện,
Quả phúc lạc sẽ sinh,
Cho ngài và thế giới,
Là quả thù thắng nhất.

280.  Hành thiện ngủ an lành,
Khi thức giấc an vui.
Nội tâm không nhiễm ác,
Thấy điềm lành trong mộng.

281.  Do chăm sóc cha mẹ,
Cung kính lễ tổ tiên,
Khéo quản dụng tài sản,
Với nhẫn nhục, bố thí,
Cùng ái ngữ, chân thật
Không ác ngữ, hai chiều

282.  Trì giới hạnh như trên,
Tái sanh thành Đế Thích,
Vua của các vị trời,
Nhiều kiếp làm thiên đế:
Do đó, hãy phát tâm,
Hành giới hạnh như thế.

283.  Bố thí ngày ba lần,
Ba trăm tô thức ăn,
Phúc chẳng bằng hành từ
Dù chỉ trong sát na.

284.  Chư thiên nhân ái mộ,
Quỷ thần sẽ hộ trì.
Tâm Đại Vương an, hỷ,
Dù độc dược, vũ khí,
Chẳng thể hại đến ngài.

285.  Thành tựu chẳng dụng công,
Tái sinh cõi Phạm Thiên;
Dù chưa đạt giải thoát,
Đạt tám đức từ bi [5].

286.  Nếu giáo hoá chúng sinh,
Kiên cố Bồ Đề tâm
Sẽ đắc Bồ Tát đức,
Trụ vững như sơn vương.

287.  Do tín lìa bát nạn,
Trì giới sinh cõi lành.
Do nhuần nhuyễn tánh Không,
Chẳng kẹt vào pháp ái [6].

288.  Tinh tấn, đạt niệm căn [7],
Hằng tư, đạt huệ căn,
Sùng kính, đắc Giáo nghĩa,
Hộ Pháp, đạt diệu trí.

289.  Do pháp thí, thọ pháp
Nên Chư Phật hộ trì,
Luôn ở cạnh Đại Vương,
Mau thành tựu  mọi nguyện.

290.  Không chấp,  nên thành tựu,
Không san [8], tăng tài vật.
Dứt mạn, đạt thượng phẩm.
Pháp nhẫn, đắc tổng trì [9].

291.  Bố thí năm thực phẩm,
Và ban vô úy thí,
Sẽ được mọi an lành,
Ma chẳng thể làm hại,
Đạt tối thượng uy lực.

292.  Cúng hoa đăng trước tháp,
Thắp đèn nơi tăm tối,
Cúng dầu đốt như thế,
Sẽ đắc tịnh thiên nhãn.

293.  Do cúng dường âm nhạc,
Khi kính lễ bảo tháp,
Chuông, trống, cùng loa ốc,
Sẽ đắc tịnh thiên nhĩ.

294.  Chẳng nói lỗi của người,
Chẳng chê kẻ tật nguyền,
Che chở tâm chúng sinh,
Sẽ đắc tha tâm thông.

295.  Phục vụ kẻ yếu kém,
Cúng giầy dép, phương tiện
Để tôn sư di chuyển,
Sẽ đắc như ý thông.

296.  Giúp cho người học Pháp,
Nghĩ nhớ kinh điển, nghĩa,
Hoặc tịnh tâm thí Pháp,
Sẽ đạt túc mạng minh.

297.  Chứng tri chân thật nghĩa,
Chư pháp vô tự tánh,
Sẽ đạt đệ lục thông,
Tối thắng, dứt nhiễm cấu.

298.  Thiền quán bình đẳng trí,
Như như, nhuần từ bi,
Giải thoát mọi chúng sinh ,
Sẽ thành đấng Thế Tôn,
Đầy đủ mọi tướng quý.

299.  Do  nguyện hạnh vô cấu ,
Đạt thanh tịnh cõi Phật.
Nhờ cúng dường châu báu,
Đến chư vị Thánh Trí,
Nên phát vô biên quang.

300.  Nhờ hiểu rõ nhân quả,
Nên hành trì lợi tha,
Do thế, Đại Vương thành
Bồ Tát tự lợi mình.

Đến đây chấm dứt Bảo Hành Vương Chính Luận, phẩm thứ 3: Tích Nhị Tư Lương Tạo Nhân Giác Ngộ.

Bản Anh ngữ 2006, do dịch giả Wulstan Fletcher biên soạn.
Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác (Canada) và Diệu Hạnh Giao Trinh (France) biên soạn, chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nantes tháng 8, 2008.

Với sự tham khảo các văn bản sau:

1. Buddhist Advice for Living & Liberation – Nagarjuna’s Precious Garland.
Analyzed, translated, and edited by Jeffrey Hopkins, Snow Lion Publications, 1998.
2. Đại chánh tân tu đại tạng kinh, nguyên bản Hán ngữ: Bảo Hành Vương Chính Luận, Vol. 32, No. 1656, do Tam Tạng Trần Chân Đế dịch.

© Ly Bui & Giao Trinh Vo – 2007

[1] Nhị tư lương nghĩa là hai món ăn của người tu: 1. phước  (công đức), 2. tuệ

[2] Chuẩn bị cho pháp hội thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nantes tháng 8, 2008. Bản dịch Việt ngữ do Sonam Nyima Chân Giác và Diệu Hạnh Giao Trinh biên soạn, phối hợp với các từ  ngữ dùng trong bản dịch Hán văn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Daisho Tripitaka).

[3] Bất nhị trí (cũng là vô nhị trí): trí không hai, bất phân biệt, rốt ráo.

[4] Cúng dường tứ sự : y phục, ngọa cụ, thực phẩm, y dược.

[5] Từ bi bát đức (tạng ngữ: byams pa’i yon tan brgyad): nếu đạt được tâm từ bi sẽ có (1) Hoan hỷ chư thiên (2) Được hộ pháp che chở (3) Không bị thuốc độc làm hại (4) Không bị vũ khí làm hại (5) Được tâm an lạc (6) Thực chứng nhiều niềm hạnh phúc (7) Sẽ đạt được nguyện ước không khó khăn (8) dù chưa đạt giải thoát ngay tức thì, cũng sẽ được tái sinh lên các cảnh giới cao nhất.

[6] Tham ái, phóng dật vào mọi pháp.

[7] Ngũ căn : 1.Tín Căn 2. Tấn Căn 3. Niệm Căn  4. Ðịnh Căn 5. Huệ Căn

[8] San tham là bỏn sẻn, không bố thí.

[9] Tổng trì là nhớ thuộc hết mọi giáo pháp.