Chết là lẽ đương nhiên
Trời hửng nắng, ta trở dậy, mệt nhoài, như mới hôm qua ta còn khoẻ, nói chuyện tới khuya, giờ đây mình đã ngã bệnh chỉ sau một đêm. Bởi thế, nói đến vô thường ai cũng thấy buồn chán và ngán ngẩm làm sao; chỉ trong chớp mắt, trong khoảnh khắc, mọi việc đều đã thay đổi một cách nhanh chóng, mới thấy đó rồi mất đó, cuộc sống quá mong manh, tạm bợ. Vì vậy, vô thường có thể là một bài hát buồn đối với nhiều người. Có một câu chuyện nói về sự vô thường như sau:
“Thấy một chú tiểu đang tưới cây, một người khách hỏi: “Đã biết cuộc đời là vô thường, sao chú còn chăm sóc thứ ấy làm gì cho tốn công, vô ích? – Chú tiểu đáp: “Dạ xin thưa, nếu mọi vật đều là thường, thì đâu cần chúng con chăm sóc để làm gì?”
Bởi vô thường nên mọi hiện tượng, sự vật trên cõi đời này đều thay đổi, biến thiên theo thời gian. Mới hồi sáng thấy tinh thần sảng khoái, dễ chịu, trẻ trung yêu đời, muốn làm gì cũng được; ấy thế mà buổi chiều, mình lại xìu như bánh bao chiều, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, lo âu, sợ hãi. Chính vì vậy mà Phật dạy, “cuộc đời là mộng huyễn”; còn chúng ta thì cho rằng, cuộc đời này vốn là thường còn mãi mãi.
Vậy xin hỏi hết tất cả mọi người, thế gian này có phải là mộng huyễn hay không? Đời là một giấc mộng dài, là một đám sương mù, là một làn điện chớp, có đó rồi không đó, tích tắc rồi tan biến, nên Hoà thượng Trúc Lâm mới nói bài “Mộng” như sau:
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng,
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Đời người cũng vậy, và tất cả muôn loài vật cũng lại như thế. Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng ai, mọi người đều có quyền thấy biết, nhìn nhận như vậy, không phải của người này, mà cũng không phải của người kia. Bởi vô thường nên mọi sự vật có thể đổi thay, vì đổi thay nên ta mới khổ.
Sống trên cõi đời, ai cũng muốn nắm giữ đủ thứ hết, giữ không được thì sinh ra tiếc nuối, buồn khổ. Cũng từ vô thường, nên thân này mới có sinh-già-bệnh-chết, rồi yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được khổ, và sự thịnh suy của thân này cũng khổ. Do đó, Phật dạy, “cái gì có tướng là hư hoại”. Ta gọi chung cho mọi sự thay đổi, hư hoại đó là vô thường. Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như sương, cũng như chớp,
Phải nên quán như thế.
Như Lai Thế Tôn nhờ tu chứng dưới cội Bồ Đề nên Ngài thấy rõ ràng, từ con người cho đến muôn loài vật, như mặt trăng, mặt trời, trái đất, núi rừng, ao hồ, sông suối, hoa lá, cỏ cây…, đều phải theo một định luật chung muôn đời của vũ trụ, là phải thay đổi, không có cái gì đứng yên hay trường tồn mãi mãi trên thế gian này.
Ấy thế mà, vẫn có một số người quan niệm rằng, thế gian này thường còn mãi, nên mặc tình đắm say, lao vào vui chơi, hưởng thụ quá đáng, để rồi đánh mất đi nhân cách và phẩm chất làm người, nên ngày càng rơi vào hố sâu tội lỗi; hạng người này đáng thương hơn là đáng ghét. Chính vì vậy, hôm nay, chúng tôi xin chân thành chia sẻ pháp thoại “Biết sống trong vô thường”.
Vậy vô thường có nghĩa là gì?
Thưa tất cả quý phật tử, “vô” có nghĩa là không, “thường” nghĩa là thường có. Vô thường có nghĩa là không thường còn, không bền chắc lâu dài, dù nhỏ bé như hạt bụi, hoặc lớn như mặt trời, mặt trăng, cũng đều phải chịu sự chi phối thay đổi, tan rã, chuyển biến theo thời gian, hoặc chậm hay mau mà thôi. Vô thường tạm chia thành ba loại: Thân vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường.
Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thân vô thường xem nó như thế nào và chuyển biến ra sao.
Thân này từ đâu có? Theo lời Phật dạy, thân này muốn có được phải hội đủ ba điều kiện: phải có cha mẹ quan hệ với nhau, cùng kết hợp tinh cha với huyết mẹ và nghiệp thức của một chúng sinh, chung hợp lại thành bào thai, bào thai lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng bằng máu huyết và hơi ấm của người mẹ, đến khi mở mắt chào đời, hít thở khí trời, bú sữa mẹ hay sữa hộp, rồi dần dần biết uống ăn và lớn khôn. Thân thể này sống được là nhờ bốn đại giữ gìn, cộng với uống ăn và hít thở khí trời mà sống còn.
Thân này sống được nhờ bốn đại bên trong kết hợp với bốn đại bên ngoài được đưa vào hằng ngày, như chất cứng gọi là đất, chất lỏng là nước, nhiệt độ trong người gọi là lửa, và sự hoạt động của thân là nhờ gió. Vì thế, sự hình thành của thân này là một chuỗi dài vay mượn liên tục. Nếu chúng ta thở ra mà không hít vào coi như chết. Vậy mà có người cho rằng, thân này thường còn mãi mãi; nhưng thực tế có phải vậy không? Chúng ta thử nhìn lại xem, trên đời này có ai trẻ mãi không già, khoẻ mạnh hoài không đau bệnh, sống hoài mà không chết. Chắc chắn là không! Tại sao vậy? Vì ai cũng phải chịu quy luật của sự vận hành già-bệnh-chết chi phối. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn phải xả bỏ báo thân này khi Ngài 80 tuổi, huống hồ là chúng ta.
Quy luật vô thường già-bệnh-chết không hẹn cùng ai, giống như đoá hoa phù dung sớm nở, tối tàn. Phật dạy, muôn loài vật ở thế gian này đều vô thường để mỗi người chúng ta biết mà không quá chấp chặt, dính mắc vào xác thân này để làm khổ đau cho mình và người.
Đã chịu sự chi phối của vô thường thì thân này đâu có thật, do chúng ta lầm chấp thân này là ta, là tôi, là của tôi, từ đó sinh ra tham lam, ích kỷ, tìm cách vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại người khác. Đã làm người, ai có mặt trên cuộc đời này, không ít thì nhiều luôn bị bất hạnh, khổ đau bám víu vào thân phận con người. Cái mà tất cả mọi người đang lo sợ nhất chính là cái chết; vì thế, một số người cố tìm cách luyện thuật trường sinh bất tử để sống đời, nhưng có mấy ai được thoát chết bao giờ đâu?
Thuở Phật còn tại thế, có một thiếu nữ dáng vẻ mảnh khảnh, ốm yếu, nghèo khổ, sống tại thành Xá Vệ, tên là Kisa (có nghĩa là cô gái ốm yếu). Khi lớn lên, cô cũng có chồng như bao người con gái khác; nhưng bị mọi người bên chồng khinh khi, coi thường, vì cô thuộc giai cấp hạ liệt, thấp kém, ở đợ, làm mướn.
Từ khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi, cô được mọi người bên chồng đối xử tốt đẹp và quý mến hơn. Nhưng bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, đứa con của cô qua đời vì cơn bạo bệnh. Đứa con chết làm người con gái ấy gần như điên loạn; dù đau khổ đến tột cùng, cô vẫn hy vọng sẽ có người cứu được đứa con của mình sống lại, nên ôm xác con đi tìm thầy cứu chữa.
Nhìn cảnh tượng thảm não, thất tha thất thểu lê từng bước chân để tìm thuốc cải tử hoàn sinh cho con mình, mọi người nhìn theo chỉ biết ngậm ngùi, thương tiếc; bởi việc cứu sống đứa trẻ là điều không thể được mà người con gái ấy vẫn nuôi hy vọng.
Phật chữa tâm bệnh cho mọi người
Có người vì quá xót thương, nên đã hướng dẫn cô đến gặp Như Lai Thế Tôn, mong nhờ đức Phật tế độ. Khi đến, cô tha thiết cầu xin Như Lai Thế Tôn cứu sống cho con mình. Biết được nhân duyên sâu xa, đức Phật liền hứa sẽ giúp cô cứu sống đứa trẻ. Nghe vậy, lòng cô dâng trào lên niềm hy vọng vô biên, cô nghĩ con mình chắc chắn được cứu sống.
Chờ cho nhân duyên đã chín mùi, đức Phật liền chỉ dạy: “Này thiếu nữ, con hãy đến nhà nào chưa từng có người chết xin về đây cho ta vài hạt cải, ta sẽ cứu sống đứa bé cho con”. Tin chắc rằng con mình sẽ được cứu sống nếu có được vài hạt cải trong một gia đình không có người chết, cô liền phấn khởi ra đi, trong lòng mừng thầm vô hạn. “Hạt cải nhà nào cũng có”, cô nghĩ như thế, nên sung sướng đến tột cùng, lòng tràn đầy hy vọng, vì trong chốc lát đây, con cô sẽ được cứu sống nhờ những hạt cải nhiệm mầu ấy.
Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng tìm nó trong một gia đình không có người chết thì quả thật là không thể được. Bởi vì sao? Vì nhà nào cũng có người chết. Cô thất tha, thất thểu đi hết làng trên xóm dưới, từ làng này qua xóm nọ, cô đi khắp hang cùng hốc hẻm, nhưng không tìm ra một gia đình nào không có người chết như yêu cầu của Như Lai Thế Tôn.
Quá thất vọng và mệt mỏi, cô ngã quỵ bên lề đường, trên tay vẫn còn ôm chặt xác con của mình. Thế là bao nhiêu hy vọng không còn nữa. Cô nhìn con với lòng trìu mến, dù xác đứa bé đã cứng đờ. Lúc này, cảm giác rùng rợn cùng với sự thương tâm phủ đầy trong lòng cô; bỗng nhiên, tâm trí cô loé lên một tia sáng, cô hiểu rằng, trên đời này, ai rồi cũng sẽ chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, đau thương mất mát là một sự thật của kiếp người, yêu thương mà phải xa lìa đó là một nỗi khổ, niềm đau, có hợp phải có tan, đó là định luật nhân duyên quả của cuộc đời.
Trong sự đau khổ tột cùng, cô đã nhận ra, có sinh là có chết, ai rồi cũng phải lần lượt như vậy, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Từ nhận thức sáng suốt đó, cô không tìm hạt cải nữa, mà đem xác con mình vào rừng Thi Lâm (theo phong tục, tập quán Ấn Độ, xác người chết đem bỏ vào rừng cho thú ăn), rồi thanh thản trở về bạch Phật: “Kính bạch Thế Tôn, con đã tìm ra hạt cải của sự vô thường rồi, con đã đưa xác đứa bé bỏ vào rừng. Bây giờ con cảm thấy trong lòng thoải mái và nhẹ nhõm hơn”.
Nhân đó, đức Phật khai thị đạo lý duyên sinh trong cuộc sống cho cô nghe: “Trên đời này, có sinh là có tử, yêu thương xa lìa khổ, không có cái gì là cố định cả, tuỳ theo nhân duyên, tuỳ theo điều kiện mà nó đổi thay sớm hay muộn mà thôi”.
Ngang đây, cô chứng được quả Dự Lưu, tức đã vào dòng Thánh, từ nay về sau không còn đoạ vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Sau đó, cô phát tâm xin đức Phật cho xuất gia làm tỳ kheo ni; nhờ luôn siêng năng, tinh tấn tu hành, cuối cùng cô đã chứng quả A-La-Hán.
Khổ đau luôn bám víu thân phận con người, khổ đau về vật chất như thiếu cơm ăn, áo mặc, rồi đến cái khổ vì già-bệnh-chết, nên ngày xưa người ta hay cố gắng luyện thuật trường sinh bất tử để sống đời, nhưng có ai không chết bao giờ đâu?
Như ông Bành Tổ sống đời,
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu.
Ngày xưa, người ta đồn rằng, ông Bành Tổ bên Trung Hoa do luyện được trường sinh bất tử, nên mạng sống được kéo dài đến 800 tuổi. Đó là truyền thuyết của thời xa xưa, nhưng trên thực tế thì hiếm thấy và ít có.
Trong nhà Phật không quan trọng sống lâu hay chết yểu, nếu sống 100 năm mà không làm gì được lợi ích cho ai, thì sống như vậy cũng không có giá trị gì về kiếp nhân sinh. Một ngày chúng ta có mặt trong cuộc đời là một ngày ta biết buông xả tham lam, sân hận, si mê, và sẵn sàng bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia khi có nhân duyên; thấy người khó khăn, thiếu thốn ta sẻ chia hay nâng đỡ, thấy người bệnh ta chăm sóc, hỏi han, động viên, an ủi… Khổ đau được chia ra làm hai phần: Khổ về thân, khổ về tinh thần.
Thân thì phải sinh-già-bệnh-chết nên khổ. Tâm thì yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được khổ. Chúng ta không thể diễn tả hết được nỗi khổ, niềm đau của kiếp người. Có thân là có khổ, không ít thì nhiều, ai cũng đều phải như vậy. Thế mà chúng ta ít có ai nghĩ đến điều này.
Khi mới sinh ra thì ta khóc, mọi người cười. Cái khổ trước tiên là người mẹ phải mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, đến ngày sinh nở trông cho mẹ tròn con vuông, đó cũng là một nỗi khổ, niềm đau.
Già thì da nhăn, mắt mờ, tai điếc, đi đứng khó khăn, đa số sống phải nhờ vào sự chăm sóc của con cháu; nếu thiếu tu thì phiền não, trách móc con cháu, nên nói già hay sinh tật là vậy đó.
Bệnh thì mình mẩy đau nhức ê ẩm, chân tay rã rời, nếu nhẹ thì còn tự chăm sóc được, nặng thì phải nhờ đến cháu con, tốn tiền, hao của, mất công cho gia đình, người thân.
Chết là một nỗi ám ảnh lớn nhất của kiếp con người, ai cũng ham sống sợ chết; khi sống thì không làm những điều thiện lành, tốt đẹp, đến khi gần chết thì lo lắng, sợ hãi, không biết mình sẽ đi về đâu?
Rồi cho đến yêu thương mà xa lìa khổ. Nhờ sự giáo hoá tài tình của Như Lai Thế Tôn, người con gái ấy đã nhận ra chân lý cuộc đời, cô quyết lòng từ bỏ hết tất cả để trở về, quay trở lại với chính mình. Đây chính là pháp Thiền Hạt Cải mà xưa kia Như Lai Thế Tôn đã trao cho người con gái ấy.
Ngay tại đây và bây giờ, thân vật lý này vẫn còn hiện hữu nơi mọi người chúng ta. Học đạo lý năm xưa để ta tự chiêm nghiệm lại chính mình. Mất mát, đau thương, buồn tủi là một sự thật, hễ có được là có mất, sự ra đi của người thân luôn để lại cho ta nỗi nhớ, niềm thương, và cuộc đời vốn dĩ là như thế.
Cuối cùng, mỗi người chúng ta ai cũng phải đối diện với cái chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Chết là một nỗi ám ảnh lớn lao nhất đối với con người, nên nhiều người không dám nói đến từ này, họ nói thay từ chết bằng từ thọ, thậm chí khi đã tắt thở, mua hòm về nhà rồi vẫn còn gọi là cái hòm thọ (tức cái hòm sống).
Pháp Thiền Hạt Cải
Thế Tôn là bậc đại y vương, là vua của các thầy thuốc, Ngài tuỳ theo bệnh mà cho thuốc, phương thuốc của Ngài rất nhiệm màu, đơn giản và hết sức thực tế. Nỗi khổ, niềm đau về sự yêu thương xa lìa khổ, mất mát, đau thương, buồn tủi, khiến cho thân tâm chúng ta mê muội, bằng mọi giá ta quyết giành lại sự sống, nhưng sự sinh ly, tử biệt là lẽ đương nhiên; hạt cải vốn là như vậy chứ không có tác dụng gì để đổi chết thành sống. Nhờ đi tìm hạt cải đã giúp cho người con gái nhận ra đạo lý vô thường của sự sống, cái chết có thể đến với tất cả mọi người bất cứ lúc nào, và không loại trừ một ai.
Sống trên cõi đời này, ai sáng suốt nhận ra được điều ấy gọi là giác ngộ, là thấy rõ sự thật của kiếp người. Sự mất mát, đau thương là lẽ đương nhiên, không có gì làm cho ta phải quá buồn khổ và đau lòng.
Con đường đi tìm hạt cải của người con gái ấy là một quá trình thiền quán về sự vô thường, bởi vô thường nên từ con người cho đến vạn vật đều biến thiên, thay đổi theo thời gian, không có gì là cố định cả. Chính nhờ nguyên lý vô thường, con người mới thay đổi và tiến bộ được; vì sự sống muôn màu, muôn vẻ, con người cần có ý chí mãnh liệt mới có thể vượt qua được cạm bẫy cuộc đời.
Do bị vô minh, mê muội che lấp, chúng ta chưa nhận chân được vô thường là gì, từ đó tham ái phát sinh, và khổ đau bắt đầu có mặt. Khi ta biết rõ thế gian này là vô thường, mình sẽ có cái nhìn sáng suốt và chín chắn hơn, mình không bi quan yếm thế, không chán nản, không thất vọng, để làm mình và người khổ đau. Chúng ta phải tự tin hơn nữa để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời bằng ý thức làm lành, lánh dữ.
Nhờ thấu suốt được nguyên lý vô thường của vạn vật, chúng ta sẽ an nhiên, bất động trước mọi hoàn cảnh với vô vàn sự đổi thay. Mỗi người phật tử chúng ta bắt chước làm theo sự chỉ dạy của đức Phật cho người con gái ấy, đi tìm hạt cải để trị tâm bệnh cho chính mình.
Chúng ta vẫn biết, hạt cải là vật vô tri không thể cải tử hoàn sinh, nhưng Như Lai Thế Tôn đã chỉ dạy cho người con gái ấy một pháp Thiền Hạt Cải, để rồi cuối cùng nàng nhận ra nguyên lý vô thường của kiếp người. Ngày nay, người phật tử chân chính có cơ hội học tập và hành trì pháp Thiền Hạt Cải ấy. Tuy hạt cải không có giá trị cứu sống đứa bé, nhưng nó đã tác động đến tâm tư của người mẹ, giúp nàng nhận ra phép lạ của sự tỉnh thức về nỗi mất mát đau lòng đang diễn ra trong từng phút giây. Người con gái ấy đã thấy rõ, hạt cải chỉ là hạt cải, đứa bé chỉ là đứa bé, có duyên thì được sinh ra làm con, hết duyên thì trả về nguyên thuỷ của nó. Chết là một sự thật hiển nhiên không ai có thể chối cãi được.
Sự đến đi của một con người là do nghiệp lực thúc đẩy và chi phối, khi ta làm điều tốt lành thì được hưởng quả an vui, hạnh phúc, làm điều xấu ác thì phải chịu sa đoạ, khổ đau. Nó đến và đi là tuỳ theo duyên ngắn hay dài, chậm hay mau mà thôi. Do người con gái ấy lầm chấp mình là ta, rồi dẫn đến bám víu vào sở hữu của ta, là con ta, tài sản của ta, nên nàng mới phải khổ đau đến cùng tột như vậy.
Khổ đau lúc nào cũng có mặt, chỉ vì chúng ta là người phàm mắt thịt, nên không nhìn thấy hết nguyên nhân sâu xa của nó mà thôi. Do tham ái, luyến tiếc, bám víu, cho rằng cái gì cũng là thật có, từ đó chúng ta sinh tâm chấp giữ, bảo thủ, bám víu vào đó, khi được thì càng thêm tham, tham không được thì đau lòng, khốn khổ mà sinh ra hận thù, oán giận.
Mất mát, xa lìa là lẽ đương nhiên trong cuộc đời, vậy mà có người dám nói rằng, thà chịu khổ chớ không chịu lỗ. Sống một mình, vui vẻ, hạnh phúc không chịu, phải đi tìm người bạn đời để tâm sự, sẻ chia, cuối cùng đường ai nấy đi, dù có thương yêu cách mấy cũng không thể giúp được nhau trong giờ lúc sinh ly, tử biệt.
Bởi do chấp trước và bám víu vào thân này, nên chúng ta luôn sống trong đau khổ lầm mê, để rồi oán trời, trách đất sao quá bất công đối với con người. Người đời thì luôn tham muốn vô cùng tận, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn khổ, hận thù, tìm cách trả đũa. Trên thế gian, cái gì có được rồi cũng sẽ mất, không có cái gì bền chắc, lâu dài mãi mãi, thương yêu mà xa lìa là một nỗi khổ, niềm đau của kiếp con người.
(Thích Đạt Ma Phổ Giác)
(còn nữa….)