Hình ảnh tôn tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang.. cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này.
Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có danh hiệu Bồ Tát Chuẩn Đề. Qua hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa Công Đức và Phước Đức của Bồ Tát Hạnh. Với tư tưởng giải thoát rốt ráo tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân quả.
Cho nên những tôn tượng bồ tát vẫn luôn luôn là đề tài thu hút một cách mãnh liệt các tín đồ Phật giáo. Hiểu theo chánh kiến một cách sáng suốt, thì tín ngưỡng dân gian chỉ nhằm mục đích giác ngộ thật tánh chân như bình dị tự nhiên và cốt tủy đạo Phật dạy: “Tu tâm chuyển ý hành bồ tát đạo”.
Trên mạng lưới Internet, nhiều người phổ biến rộng rãi một đoạn phim ngắn vũ khúc ngàn tay ngàn mắt, do các nghệ nhân câm điếc biểu diễn rất công phu điêu luyện. Hình ảnh đẹp của những nghệ nhân khuyết tật, múa theo mẫu pho tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, một biểu tượng tuyệt vời về tư tưởng Từ Bi và Trí Tuệ của đạo Phật.
Ngoài những đường nét tinh tế điêu luyện, họ thể hiện tuyệt đỉnh của nghệ thuật Đông Nam Á, bằng con tim (tâm) và khối óc (ý), vì họ hoàn toàn không nghe được âm thanh của tiếng nhạc. Tuy họ bất hạnh, nhưng khi biểu diễn, gương mặt các nghệ nhân khuyết tật nầy toát ra sự bình an từ nội tâm trong ánh hào quang của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn.
TRÍ TUỆ (CÔNG ĐỨC) CỦA BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
Trong những khóa lễ thường có phẩm trì chú Đại Bi: “Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni…” là sự truyền đạt cho người tụng đọc cảm nhận đại trí lực, đại từ bi, vô quái ngại của vị Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt. Các Bậc tu hành giác ngộ trong dân gian ngày xưa có lẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm bất khả tư nghì nầy, khó nói hết được, nên các Ngài tạo tôn tượng bồ tát từ những tảng đá trong thiên nhiên. Đó là những phương pháp giáo hóa chúng sanh không bằng lời, mà bằng “Tâm”,thật sự bản chất của tảng đá không có sự linh thiêng nào cả.
Hình ảnh tôn tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang.. cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này.
Ý nghĩa tượng trưng vị bồ tát có đầy đủ năng lực khắc chế sự trói buộc của mọi cảnh trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), không khuất phục mọi quyền lực ngoại đạo tà giáo, tuyệt đối bình đẳng trong khi cứu độ chúng sanh, biểu trưng công đức và phước đức siêu việt. Mọi người sanh ra đều có sáu cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Kinh sách gọi là lục căn.
Khi sống trên đời, con người tiếp xúc hàng ngày với cảnh trần. Mắt thấy sắc (các vật có hình tướng). Tai nghe tiếng (âm thinh, lời nói). Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần. Kinh sách gọi chung sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là lục trần.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay phê phán: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), dễ ngửi hay khó ngửi (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Những sự phê phán trong tâm thức như vậy, kinh sách gọi chung là lục thức.
Người đời thường do lục căn dính mắc với lục trần sanh ra lục thức, và bắt đầu tạo nghiệp, thường là nghiệp chẳng lành. Người tu muốn phát sanh trí tuệ phải nhận rõ nguyên nhân bị cuốn vào sanh tử luân hồi là do sự dính mắc.
– Nếu mắt thấy sắc, tâm không phê phán đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.
– Nếu tai nghe tiếng, tâm không phê phán, khỏi bị não phiền.
– Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phê phán, khỏi bị bực mình.
– Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phê phán, khỏi tạo nghiệp chướng.
– Nếu thân xúc chạm, tâm không phê phán, khỏi bị tham đắm.
– Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phê phán, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.
Tâm không phê phán nghĩa là không dính mắc, không nhiều chuyện, không chạy theo sự suy nghĩ sanh diệt, chứ không phải không nhận thức rõ đẹp xấu, đúng sai, ngon dở.
Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy:
“Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát”.
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời, nếu tâm không dính mắc, không tham đắm, thì không phiền não. Không phiền não tức là giải thoát.
Hành Bồ Tát đạo là con đường nhập thế của người tu, 48 ngàn pháp môn diệt trừ phiền não tự thân và muôn ngàn phương cách đưa giáo lý đạo Phật giúp người cùng tu giải thoát. Con người trải qua trăm ngàn kiếp tái sanh luân hồi trong thập loại chúng sinh, tâm còn nhiều chánh tà lẫn lộn, tốt có, xấu cũng có.
Khi được thân người, thiện duyên kỳ ngộ với Phật Pháp, con người phát tâm tu muốn trở về Thật tánh chân như của mình, trước hết phải tẩy trừ nghiệp chướng sâu dầy nơi thân khẩu ý. Kinh sách dạy 48 ngàn pháp môn trừ sạch phiền não ma, phiền não chướng, chính là ngàn tay cầm pháp khí trừ ma, ngàn mắt trí tuệ sáng suốt xóa trừ vô minh.
Con đường cứu cánh của Bồ Tát là sự kiên định, ý chí bền vững để giác ngộ được khổ, không, vô ngã, vô thường trong Thật tánh của mỗi người. Để đạt được tâm thiền định và ý chí bền vững, cần áp dụng pháp tu quán Tứ Niệm Xứ, gồm có: thân, thọ, tâm, pháp.
Niệm thân: Quán thân bất tịnh. Biết rõ thân là bất tịnh, nhiều phiền lụy, không trau chuốt theo nhu cầu đòi hỏi của thân, tu thân đoan chính trang nghiêm, đơn giản.
Niệm thọ: Quán thọ thị khổ. Thọ nhận nhiều thì khổ nhiều. Không thọ vui buồn sướng khổ, không tham đắm quyền lợi vật chất, biết tri túc sống thanh bần, đạt được an lạc trong đời sống.
Niệm tâm: Quán tâm vô thường. Tâm con người nay thương mai ghét, nay tốt mai xấu. Hoặc ngược lại. Do đó, khi có hạnh phúc không vui quá, khi gặp khổ nạn không than trách. Không tự tôn, chẳng tự ti, thì tâm tự tại.
Niệm pháp: Quán pháp vô ngã. Mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhiều nguyên nhân, nguyên do, xa và gần, không có một nguyên nhân đơn độc gây ra sự việc, nên gọi là vô ngã. Thấy được, hiểu được như vậy, tâm không còn phiền não.
Chúng sanh lăn lộn đầu thai trong lục đạo sanh tử luân hồi do nhiều căn bịnh từ vô minh ngàn kiếp, gồm: tham ái, dục vọng, chấp thủ, đoạn kiến, thường kiến, ngã mạn. Sự chân thật của Thật Tánh là người tu theo con đường Đức Phật dạy, đạt được tâm thanh tịnh, đầy đủ trí tuệ, có thể chuyển phàm phu trở thành thánh nhân hay bồ tát.
Đức Phật Thích Ca chứng đắc tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Mắt trí tuệ của Ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới, thấy nhân quả trong nhiều đời nhiều kiếp, phá vô minh phiền não chấp ngã chấp pháp không còn sanh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo là sáu cảnh giới luân hồi mà con người phải đầu thai chuyển kiếp, nếu chưa sạch hết nghiệp chướng, gồm: Thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.
Cõi Thiên: Sanh về cõi thiên, nơi cực lạc thế gian, hưởng phước báo thiện căn nhiều đời, được giàu sang, đủ ăn đủ mặc, có người hầu hạ, nhà cao cửa rộng, an lạc hạnh phúc.
Cõi Nhơn: Sanh vào cõi người, giàu có nghèo có, ưa thích làm việc phước thiện, cũng có khi tạo nghiệp bất thiện, hưởng phước báo và cũng chịu quả báo đau khổ, sanh, lão, bịnh tử.
Cõi A Tu La: Sanh vào nhà quyền quí, hưởng phước tốt của gia đình, có danh tiếng, có tiền của, tánh tình nóng nảy và kiêu mạn, thích bạo động, có trí thức đời và thông minh, không khéo dễ tạo nghiệp ác.
Cõi Địa Ngục: Sanh vào cõi đau khổ, vì nghiệp ác hại người sâu nặng, bị hành hạ tra tấn ngày đêm, sống không được chết không xong, đau khổ vô cùng.
Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, thường bị hãm hại, không chỗ dung thân, luôn đói khát, không có sức tự kiếm ăn, sống nhờ vào lòng tốt của mọi người.
Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát quá nặng mà đọa vào cõi nầy, lúc nào cũng sợ bị giết, sống nơi ẩm thấp rừng sâu nước độc, mang lông đội sừng suốt kiếp.
Phật dạy: Rời xa kiến chấp, an lạc niết bàn, hàng phục ma chướng, chứng đắc trí tuệ sáng suốt, thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, vượt khỏi giả danh, không còn chỗ thọ của bản ngã, không bị ràng buộc các pháp ác của tà ma ngoại đạo. Đó là chỗ nhận biết của người trí tuệ và là chỗ cư trú các bậc thánh, các bồ tát, các bậc giác ngộ.
(Kinh Duy Ma Cật)
TỪ BI (PHƯỚC ĐỨC) CỦA BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
Xuất gia hay tại gia được các vị Tôn túc hay Sư phụ thường khuyến khích thọ bồ tát giới, vì đó là gieo căn lành cho người tu chuyển hóa phàm phu thành bồ tát. Nghĩa là nhiều đời nhiều kiếp, bằng trí tuệ sáng suốt, hạnh nguyện một vị Bồ Tát trong dân gian có thể cứu khổ cùng một lúc hàng trăm, hàng ngàn người, hoặc nhiều hơn nữa, mà không làm tổn hại bản thân hay một ai khác.
Những Bồ Tát sống trong nhân gian có rất nhiều hình tướng, tùy cơ nghi xiển dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh, diệt ác sanh thiện, cứu khổ ban vui.
Với tâm Bồ Tát con người có thể khuyên nhủ vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng bị áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gắm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nỗi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.
Uy đức thiện lành từ các vị chân tu thật học, phước trí trang nghiêm có biện tài thuyết phục nhân vật quyền thế, kêu gọi hòa bình, hòa giải chiến tranh. Đó là trí lực nhiệm mầu của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian, đã cứu được hàng ngàn, hàng vạn sanh linh trong biển lửa đao binh. Tâm nguyện của người tu hành:
Thượng cầu Phật đạo,
hạ hóa chúng sanh.
Trên cầu giác ngộ,
dưới cứu dân gian.
Có rất nhiều người trên thế gian phát tâm từ thiện, vô úy thí, bố thí ngoại tài, nội tài vô điều kiện cho những mãnh đời bất hạnh, nghèo khổ, thiên tai, bịnh tật, phiền não sầu bi, gia đình tan vỡ.
Khi mới bắt đầu chỉ có một tấm lòng với hai tay đơn độc, cùng đôi mắt từ bi biểu lộ tình thương và cảm thông. Nhưng lòng từ bi của họ lâu dần lan rộng, cảm ứng tâm từ thiện đến những người xung quanh, thêm người, góp thêm một bàn tay, ngàn người tạo thành ngàn cánh tay, với tinh thần vô ngã vị tha tuyệt đối không danh không lợi.
Đó chính là những vị Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian ở khắp mọi nơi.
Tóm lại, sức mạnh thiện căn của Phật Tâm Phật Tánh con người ở thế gian rất thâm sâu khó nói hết được. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng địa dũng xuất, Đức Phật ca ngợi đức độ và tin tưởng tuyệt đối, sự việc người phàm xuất thân cõi ta bà chuyển pháp luân, đầy đủ bi trí dũng, hành Bồ Tát đạo, tự tu, tự độ. Khi một người tu học Phật hiểu và hành trì giới, được định lực, có trí tuệ và từ bi, tinh thần rất mạnh mẽ cao thượng vô cùng, họ làm được những chuyện kỳ diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.
Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong dân gian xả thân cứu độ mọi loài, hành đạo giúp đời có thật không phải là hoang tưởng và Bồ Tát cũng là tâm Phật, là “Thật Tánh” của những con người biết tu tâm dưỡng tánh, rốt ráo đoạn trừ ma chướng tự thân.
Đạo Phật không dựa vào cầu khẩn, mê tín, trông chờ sự cứu độ của Bồ Tát bên ngoài, mà dạy phải tự chuyển đổi nghiệp xấu nơi tâm, tự cứu và phát tâm thành bồ tát muốn cứu độ những người hữu duyên sống xung quanh.
Người có tâm bất thiện nhìn thấy oai lực hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên nhãn cảm giác sợ hãi kinh hoàng, tưởng tượng phép lạ, mơ ước kỳ nhân, chỉ biết cầu khẩn van lạy xin thật nhiều thứ. Một khi con người phước đức thiện tâm có tu, thì có cảm ứng sự dịu mát kính ngưỡng khó nghĩ bàn, tự phát nguyện tu giới hạnh và hành trì theo đức độ Bồ Tát. Tôn tượng các vị Bồ Tát thường được ngầm ý biểu trưng thuộc về tâm thức, muốn tán thán đức hạnh cao thượng của những người tu xuất thế gian có đủ Từ Bi và Trí Tuệ.
Đó là tất cả ý nghĩa thâm sâu của Vi Diệu Pháp cần suy ngẫm thấu đáo. [ ]
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TKN.Thích Nữ Chân Liễu
Nguồn: phathocdoisong.com