Trời vừa dứt mưa, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cau mặt quát: 
–         Thằng Cu! Mày có lên ngay không. Khiếp! 
Thằng bé phản đối: 
–         Cháu xí cái vũng này từ hồi mới mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì! 

Em thân mến! 
Bồ Tát là những vị sách vở định nghĩa là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh). Riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: “Nếu chúng ta tin rằng mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ thì ta đã có mầm Bồ Tát trong lòng rồi. Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp của mình…Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha…

Nhưng…tâm Bồ Tát thì khó phát nhưng rất dễ thối thất…Em có biết tại sao không? Em đừng tưởng là khi hành Bồ Tát hạnh đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón tiếp mình hết đâu…mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé! Như trường hợp của bà cụ trên đây chẳng hạn. Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình cản trở thì coi chừng họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích ấy, trong trường hợp đó, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo…u đầu, nếu em có giúp đỡ ai điều gì thì…chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng của mình vì có hàng khối kẻ bàng quan đang bĩu môi phẩm bình rằng: 
“Ðồ ngu! Chuyên môn làm mọi thiên hạ.” 
Hoặc là: 
“Cái số cực…” “Cái nghiệp nặng”. 

Chà coi bộ em muốn thối tâm rồi phải không? Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng này thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình, có lẽ vì thế mà trong các kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát, và Ngài cũng đã từng nhắc nhở với chúng ta rằng:
“ Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng “Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”, Pháp sư phải ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai, tòa Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn nhục đó em ơi!

Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy