Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn loại bệnh này cho người xuất gia. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ kheo, người có dục lớn, bực bội tức tối, không tự bằng lòng với bốn vật dụng. Người ấy vì dục lớn, không bằng lòng với bốn vật dụng khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Vị ấy nỗ lực, cố gắng để được các điều ấy. Sau khi tính toán, vị ấy đi đến các gia đình thuyết pháp. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là bốn chứng bệnh của người xuất gia.

Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần học tập như sau: “Ta sẽ không có dục lớn, bực bội tức tối, tự bằng lòng với bốn vật dụng. Ta sẽ không khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Ta sẽ không nỗ lực, cố gắng để được các điều ấy. Ta sẽ kham nhẫn nóng lạnh, đói khát và những lời nói khó chịu… Như vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Các căn, phần Bệnh [lược],
VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.86)

Bốn loại bệnh của người xuất gia

LỜI BÀN:

Mong muốn nhiều, bị lợi danh trói buộc là căn bệnh trầm kha của chúng sinh. Dẫu rằng phấn đấu để đạt lợi danh chính đáng không phải là điều xấu nhưng đối với sự nghiệp giải thoát thì đó là một chướng ngại. Và nguy hiểm hơn, khi hàng sơ tâm học đạo xem những thành tựu ấy là sự nghiệp, là mục tiêu hướng đến trên bước đường tu học.

Ai cũng biết rằng mong muốn nhiều là khổ nhiều. Tuy vậy, cám dỗ của vật dục, lợi danh luôn thôi thúc, mời gọi và cuối cùng không phải ai cũng vượt qua. Những vướng mắc ấy Thế Tôn gọi là bệnh và dĩ nhiên đã vương bệnh thì phải trị liệu, chạy chữa. Do đó, thiểu dục và tri túc là phương thuốc không thể thiếu cho hành trình trưởng dưỡng tâm linh, thăng hoa tuệ giác của người xuất gia.

Điều đặc biệt nơi pháp thoại này là một số người tuy nỗ lực làm những Phật sự nhưng mục đích vì mình chứ không phải hướng đến lợi ích chúng sinh. Thân cận, thuyết pháp cho hàng cư sĩ áo trắng nhưng không hướng đến mục tiêu giáo hóa, chuyển mê khai ngộ mà chỉ nghĩ đến lợi dưỡng, danh vọng và cung kính. Và chính điều này đã đặt ra không ít thắc mắc, nghi ngờ cho nhiều người trước những việc làm nhân danh từ bi, vô ngã, vị tha.

Tham vốn hằn sâu vào tâm thức của mọi người. Chưa chứng A la hán thì tham vẫn còn. Vì thế, phải cảnh giác với tâm tham, biết chấp nhận, kham nhẫn và bằng lòng với hiện tại để sống thanh thản, nhẹ nhàng. Hay nói cách khác, đối với người xuất gia, tham là bệnh. Căn bệnh này sẽ được giảm thiểu và chữa lành nếu siêng năng dùng các phương thuốc thiểu dục, tri túc, kham nhẫn và nỗ lực thiền quán để quét sạch vô minh, thành tựu tuệ giác.