Ngày nay có rất nhiều phương tiện tiến bộ khoa học, nào là máy sao bản (copy machine) máy vi tính v…v… khi cần một văn bản nào ta có thể có 1 bản sao chép trong vòng một phút. Dần dần, con người cầm bút viết cũng ít đi mà dùng ngón tay đánh vào bàn phím máy tính nhiều hơn. Vậy mà tại Nhật Bổn, hiện nay có phong trào khuyến khích các vị cao niên nên chép kinh Phật giáo bằng tay, để vận động trí não tăng thêm tinh thần làm việc, đồng thời gây cho đức tin thêm vững mạnh, nhất là khi ta viết xuống thì dễ mau nhớ và thâu nhập sâu xa hơn là đọc. Thật là một ý kiến rất hay đáng noi theo.
Hiện nay, việc chép kinh bằng tay (shakyo = tả kinh) là một trong những hình thức thư giãn được ưa chuộng của người Nhật. Nó có thể giúp cho con người làm tăng trưởng trí nhớ hay ít ra cũng giúp những người cao tuổi duy trì được các chức năng thần kinh của họ.
Theo giáo sư Ryuta Kawashima, một chuyên viên não bộ hàng đầu của Nhật Bản, thuộc trường đại học Tohoku thì việc chép kinh bằng tay giúp những người cao tuổi tránh được chứng bệnh hay quên. Để chứng minh được điều này, một công trình nghiên cứu của đại học Tohoku hợp tác với nhà xuất bản Gakkuen trải qua rất nhiều bài thử nghiệm. Trong đó, họ đo các hoạt động của não trên những người lớn tuổi bằng cách đặt bộ “cảm biến” trên đầu để quan sát những thay đổi các mạch máu trong não bộ. Qua 1.000 bài kiểm tra của những người tham dự, nghiên cứu cho thấy khi những người viết kinh bằng tay, não bộ của họ trở nên hoạt động nhanh hơn so với những người làm việc khác.
Đối với Shudo Miura, thầy trụ trì chùa Honjuin ở Tokyo giải thích chép kinh bằng tay là một phương pháp thực hành giáo Pháp hữu hiệu nhất. “Hiện nay nhiều người cảm thấy muốn sự an tĩnh nội tại và xua tan những khoảng trống tẻ nhạt trong tâm trí của họ. Việc chép kinh giúp họ có một cảm giác an bình thảnh thơi, một cơ hội để chú tâm và buông xả những áp lực của cuộc sống. Là cách dễ dàng nhất để áp dụng giáo pháp thậm chí người đó chưa hiểu gì về kinh điển.”
Cũng theo thầy Miura, tục lệ “chép kinh” của Nhật Bản xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII khi thiên hoàng Shomu phát lệnh cho thành lập nhiều ngôi chùa và yêu cầu phát hành phổ biến kinh điển cho tất cả mọi người trong cả nước. Do bởi thời đó chưa có máy in nên người ta huy động các bậc Tăng sĩ đạo hạnh, uyên thâm Phật Pháp và những quan chức trong triều viết tay để truyền thừa kinh điển. Bản kinh thường được dùng nhiều nhất là “Bát Nhã Tâm Kinh” với 276 chữ, một bản kinh hàm chứa cốt tủy Phật giáo Đại thừa.
Mãi đến thế kỷ XI, các đẳng cấp võ sĩ (Samurai clans) của Nhật bắt đầu chép kinh để cầu nguyện cho gia đình được thịnh vượng. Từ đó về sau, việc chép kinh từ từ lan truyền đến tầng lớp bình dân và ngày nay cũng có một số người đam mê vào việc “chép kinh” với nhiều mục đích khác nhau như cầu thi đậu, cầu nguyện cho linh hồn ông bà tổ tiên được siêu thoát.
Do tính chất tôn giáo, nên thầy Miura nhấn mạnh việc chép kinh không nên đối xử như một hình thức vì nghệ thuật chữ viết. Thầy nói, “việc chép kinh phải được coi trọng, đối xử trang nghiêm. Người viết nên quan sát từng nét chữ bằng đôi mắt của mình và viết càng gọn gàng, ngăn nắp càng tốt, luôn tôn trọng kinh như tôn trọng Phật vậy. Bằng cách đó, bạn sẽ nhận ra được Phật tánh trong bạn đồng với chư Phật”.
Một bà cụ 70 tuổi sống gần chùa nói sau giờ viết kinh : “Trong những lần viếng chùa, tôi thấy một nhóm người đang ngồi trong chánh điện lặng lẽ viết kinh. Họ viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái theo truyền thống viết chữ của người Nhật. Tôi cảm thấy rất yên tĩnh. Khi tôi viết kinh, tâm tôi rất tự do thoải mái”. Một cụ khác khoảng 60 tuổi nói rằng “Người trẻ cũng vậy, có thể gặt hái được lợi ích từ việc chép kinh như giữ được tâm hồn luôn thảnh thơi an lạc…”
Thầy Miura nói tiếp : “Bạn nên cố gắng tập trung tâm được định tĩnh đừng để điện thoại hay một điều gì khác làm gián đoạn hay làm xao lãng tinh thần cho đến khi bạn chấm dứt ít nhất 1 dòng. Tôi thường đề nghị trước khi viết kinh, người viết nên quét dọn phòng sạch, thắp nhang, rồi viết với thái độ cung kính. Thay vì viết vội vàng trên giường, người viết phải ngồi ngay ngắn trên bàn thật trang nghiêm. Cố gắng giữ tâm không cho loạn động. Đó là thời gian cho việc rèn luyện tinh thần tốt nhất”.
Hiện nay, ngoài chùa Honjuin, còn có rất nhiều chùa với nhiều tông phái khác nhau ở Nhật tạo điều kiện cho mọi người đến viết kinh bằng tay như thế./.
N.Q. lược dịch