Từ trước đến giờ, đạo Phật được một số nhà khoa học công nhận là đạo khoa học. Tại sao? Vì đạo Phật phân tích sự vật, con người rất chi ly và hợp lý với khoa học.
Thí dụ Duy thức học có Bách pháp tức một trăm pháp, chia chẻ từ con người cho tới ngoại cảnh rất rõ ràng. Khoa học cũng phân tích chia chẻ, nên gần với Phật học.
Tuy nhiên có một số người nói đạo Phật duy tâm, không dính gì với khoa học hết. Đó là hai lối nhìn tương phản về đạo Phật, tồn tại từ trước tới nay. Cho nên chúng tôi nghĩ cũng cần nói qua những nét căn bản đồng và khác giữa hai bên cho quí vị hiểu tường tận.
Trước hết tôi nói về chỗ đồng. Khoa học muốn đem lại ấm no hạnh phúc về vật chất cho đời sống của con người, cho nên trọng tâm khoa học nghiên cứu tìm kiếm là làm sao cho con người được ấm no, hạnh phúc, sung sướng nhất là về mặt tiện nghi. Điều này quả thật đã đem lại nhiều lợi ích lớn lao cho cuộc sống con người. Như ngày xưa muốn được ấm no, phải nỗ lực cần cù làm việc cặm cụi cả ngày mới có cơm ăn, áo mặc. Ngày nay khoa học đã giúp con người tìm được sự ấm no dễ dàng hơn, như một thửa ruộng ngày xưa thu hoạch chừng một hai tấn, bây giờ có thể thu hoạch gấp đôi gấp ba mà không cần dùng nhiều sức người, tất cả đều được công nghiệp hóa. Các mặt khác cũng thế, phương tiện giao thông, y tế, thực phẩm v.v… đều tối tân hiện đại. Do đó chúng ta thấy khoa học đã thỏa mãn phần nào những nhu cầu vật chất của con người.
Đạo Phật cũng nhắm thẳng vào con người nghiên cứu, cho nên giữa Phật học và khoa học có điểm tương đồng là đều lấy con người làm trọng tâm để nghiên cứu.
Đến điểm khác, đó là Phật học và khoa học có mục đích khác nhau. Khoa học phát minh sáng tạo theo chiều hướng tìm tòi bên ngoài cốt phục vụ cho nhu cầu vật chất của con người. Còn Phật học nghiên tầm ngược lại ngay nơi bản thân con người, để phát minh ra được cái chân thật có năng lực vô tận nằm bên trong con người. Chúng ta đọc sử Phật, thấy rõ ràng đức Phật Thích-ca Mâu-ni khi còn là Thái tử, Ngài dạo bốn cửa thành thấy cảnh người già, người bệnh, người chết đau đớn thống khổ, Phật liền đặt vấn đề: “Chúng ta sanh ra ai rồi cũng già, cũng bệnh, cũng chết. Lớp người trước như vậy, lớp người kế như vậy, lớp người sau cũng mãi mãi như vậy. Thế thì con người từ đâu đến đây? Sau khi chết sẽ đi về đâu? Muốn thoát ra sự sanh tử này phải làm sao?”. Ba mục tiêu đức Phật nhắm có khác khoa học không?
Khoa học nghiên cứu con người chỉ nghiên cứu ngay trong cuộc sống, nếu xa hơn là phăng tìm nguồn tổ tiên con người có mặt bao lâu, tiến hóa như thế nào. Ở đây đức Phật nhìn con người trước khi có thân này ở đâu, tại sao đến đây? Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai, khi chết rồi, còn hay mất? Nếu còn thì đi về đâu? Thứ ba, nếu muốn dừng sự sanh tử phải làm sao? Đó là ba vấn đề mà tất cả những người học Phật, nghiên cứu về đạo Phật phải nắm cho được. Như vậy cùng căn cứ trên con người mà hai bên có hai cái nhìn khác nhau.
Khoa học chỉ muốn đem lại cho con người sự vui sướng thỏa mãn trong cuộc sống hiện đời, nhưng đạo Phật đi sâu hơn, nghĩ tới vòng sanh tử tiếp nối không ngừng của tất cả chúng sanh. Như vậy cái nhìn của đạo Phật sâu xa hơn về cuộc sống hiện tại cũng như quá khứ vị lai, trong thế giới này và các thế giới khác. Theo đó mà phương pháp và chỗ nghiên cứu sâu cạn của hai bên khác nhau.
Khoa học tìm đủ mọi cách để cung phụng, thỏa mãn nhu cầu vật chất cho con người, đó là nói theo chiều thuận. Song tai hại ghê gớm từ những phát minh khoa học, con người cũng không thể lường nổi. Cho nên khoa học là một con dao hai lưỡi, một mặt làm cho con người sung sướng, một mặt tiêu diệt con người. Vì vậy không thể nói khoa học hoàn toàn đem đến an vui hạnh phúc cho nhân loại.
Còn Phật học thì sao? Người ta thấy khoa học ít năm hay ít tháng phát minh cái này, cái nọ một cách cụ thể rõ ràng. Còn nhìn các thầy tu cứ ngồi lim dim ngó xuống hoài, không thấy phát minh gì hết. Một bên có kết quả cụ thể, một bên không thấy chút tăm hơi, cứ thầm lặng bên trong không ai biết thế nào. Đó là chỗ sai biệt.
Nếu chỉ lo cho con người khỏe mạnh sống lâu, nhưng sống đến một lúc nào cũng phải chết thôi. Thành ra việc nghiên cứu ấy rất giới hạn. Còn cái nhìn của đức Phật không dừng ngang đó, Ngài muốn biết nguồn gốc nào con người có mặt ở đây, khi chết sẽ đi về đâu. Như vậy sự hiện hữu của chúng ta là một phần thuộc về quá khứ, và những gì ta làm trong hiện đời sẽ ảnh hưởng đến vị lai. Cho nên đức Phật phăng tìm lẽ thật đó. Phương tiện duy nhất Ngài phăng tìm là lặng lẽ chiếu soi vào nội tâm mình, cho tới lúc hoàn toàn tịch tĩnh, tự nó bừng sáng.
Bởi bừng sáng nên đức Phật chứng được minh đầu tiên là Túc mạng minh, Ngài nhớ vô số kiếp về trước của mình, con ai, làm gì, ở đâu… Nhớ như thế, Ngài mới thấy rõ con người không phải chỉ có mặt lần thứ nhất ở cõi này, mà đã có vô số lần rồi. Chúng ta thử kiểm lại xem điểm này có hợp với lẽ thật không? Như trong một gia đình cha mẹ đồng sanh ra ba bốn người con, tất cả những ý nghĩ, tư tưởng, tâm tư của họ có giống hệt nhau không? Nhiều lắm là giống hình tướng, nhưng cũng không giống trọn vẹn. Nếu nói về vật chất, gien của cha mẹ tốt thì con cũng tốt, gien của cha mẹ xấu thì con cũng xấu, nhưng tại sao lại có kẻ vầy người khác, người hiền kẻ dữ ?
Đức Phật thấy chúng sanh đã có mặt nhiều đời, nên người đời trước hiền hành, đời sau sanh ra cũng hiền lành, nhờ chủng tử có từ trước. Cũng thế người hung dữ sanh ra liền hung dữ, không ai dạy mà tự phát. Vì vậy Phật nói mỗi người mang sẵn những chủng tử nghiệp từ quá khứ liên hệ đến hiện tại và sẽ ảnh hưởng đến vị lai.
Ai cũng muốn sanh ra trong gia đình giàu sang sung sướng, nhưng vẫn có người phải chui vào những gia đình nghèo khổ tàn tật. Cái gì khiến họ phải lựa chọn như vậy? Đó là nghiệp. Phật thấy rất rõ về điều này, con người từ trước do tích lũy nghiệp lành, nghiệp dữ nên ngày nay sanh ra gặp những cảnh tốt xấu, chớ không ai đặt để cho cả. Ví dụ như tôi, cha mẹ sanh ra lo cho học hành, mong muốn lớn khôn gầy dựng gia đình sự nghiệp như bao nhiêu người, nhưng tôi lại đi tu. Điều này cha mẹ không dạy, sao lại có? Rõ ràng tôi đã tích lũy từ đời trước, nên đời này gặp Tam bảo tự nhiên muốn tu. Chúng ta thấy rõ ở thế gian có nhiều cảnh ngang trái mà người ta vẫn phải chịu, không buông bỏ được. Đây chính là chỗ đức Phật muốn phăng tìm.
Nói vô số kiếp, có người thắc mắc ban đầu chưa có ai thì làm sao có chúng sanh thủy tổ. Phật nói ban đầu là vô minh. Vô minh là mê lầm. Từ một niệm mê lầm mà có bao nhiêu sanh tử. Như khi chúng ta ngủ, mộng thấy nào là đi đám tiệc, nào là gây gổ với thiên hạ chẳng hạn, đủ thứ chuyện. Tại sao thấy như vậy? Tại mê chớ không có lý do nào khác. Sở dĩ ta mê ngủ mới phóng túng đi tùm lum. Cũng vậy, từ mê lầm chúng ta không sống được với thể tánh thanh tịnh của mình, nên lăn lộn trong tam giới. Đó là Phật nói về nguồn gốc của sự sanh.
Bây giờ nói đến vấn đề sau khi chết đi về đâu? Khi chứng được Thiên nhãn minh, Ngài thấy rõ chúng sanh đều do nghiệp dẫn đi trong các đường. Nghiệp lành đi đường tốt, nghiệp dữ đi đường xấu, rõ ràng như chuyện trước mắt, không nghi ngờ gì hết. Như vậy con người chết không phải là hết, mà bị nghiệp dẫn đi trong sanh tử. Nghiệp đó mắt phàm không thấy nổi, chỉ khi tâm thanh tịnh rồi mới thấy được.
Ngày xưa đọc sách Trung Quốc, thấy mấy ông tiên nhìn ai thì biết người đó có hắc khí sắp bị tai nạn, hoặc có ánh sáng sẽ gặp việc lành, tương lai tốt đẹp. Đừng nói chi tiên, mấy con chó ở nhà quê khi thấy người làm heo, giết chó, chúng sủa rân. Bởi họ có cái gì thầm kín, mắt ta không thấy được. Bây giờ khoa học tiến nhiều, thấy trong bầu trời nhiều tinh thể mà mắt thường không thể thấy. Điều này chứng tỏ con mắt phàm tình rất giới hạn. Mắt Phật vượt qua các giới hạn đó nên Ngài thấy được nghiệp của chúng sanh. Tượng Phật Bồ-tát thường được trang trí vòng hào quang phía sau đỉnh đầu, để nói lên ánh sáng trí tuệ của các Ngài siêu xuất thế gian, soi tỏ khắp hết.
Thứ ba, khi chứng được Lậu tận minh rồi, đức Phật biết rõ chúng sanh đau khổ trôi lăn trong sanh tử từ vô số kiếp đến nay là do vô minh điên đảo tạo nghiệp mà ra. Với con mắt phàm phu thấy cuộc đời là hạnh phúc, là quan trọng, nhưng với con mắt của Phật thì thấy một lần sanh tử là một lần đau khổ. Cứ tiếp tục như vậy mãi thì đau khổ vô cùng, nên trong kinh A-hàm Phật nói: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả”. Nói vậy thế gian cho là bi quan, nhưng đó là lẽ thật. Con người sợ thấy sự thật, họ muốn tạm quên vô thường, cứ hăng hái xông xáo làm tất cả việc, chừng nào ngã đùng chết hãy hay. Như vậy vô tình loài người cứ thúc nhau đi trên con đường sanh tử tiếp nối, đời này sanh ra khổ, đời sau tiếp nối khổ, cứ khổ mãi cho tới vô cùng.
Do thấy được lẽ thật này, Phật dạy phải tìm cách thoát khổ, không phải thoát khổ một đời, mà thoát khổ vĩnh viễn. Muốn thế phải làm sao? Khoa học tạo ra vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống con người, đó là giảm bớt cái khổ hiện tại. Nhưng khi nhắm mắt không ai giúp ta được hết. Đức Phật thấy vòng sanh tử vô cùng vô tận, dù đời này có thỏa mãn sung sướng, chắc gì đời sau được yên vui. Nhưng thỏa mãn thế nào đi nữa, con người có trốn khỏi cái già, cái bệnh, cái chết không? Già bệnh chết là đau khổ, thiên hạ ai không sợ. Vậy cái khổ luôn ở bên mình, nói vui sao được? Một đời này ta đã thấy chán, huống là trăm ngàn đời, làm sao chịu nổi. Cho nên Phật tìm cách giải quyết, đừng cho nó tiếp tục nữa. Muốn thế, cách duy nhất là phải tu. Trước tiên là tạo nghiệp lành, tránh nghiệp dữ, cho vòng luân hồi tốt một chút. Nhưng cuối cùng còn sanh tử là còn đau khổ, phải tu làm sao để giải thoát sanh tử. Đến khi chứng được Lậu tận minh, Phật mới thấu rõ phương pháp nào để chấm dứt dòng sanh tử.
Theo HT. Thích Thanh Từ