Như vậy nghiên cứu của Phật học khác với khoa học nhiều ít? Khoa học chỉ lo cho hiện tại, còn Phật học lo cho vô số đời sau. Phật dạy muốn thoát ly sanh tử, phải có đủ hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất, biết rõ bản chất con người là hư hay thực, khổ hay vui? Khi nhận thức đúng rồi, mầm tham muốn được sanh tự nhiên dừng lại. Như bây giờ nếu chúng ta không tham lam, không nóng giận, không si mê thì làm việc gì sẽ không có hối hận. Sở dĩ mình hối hận liên miên vì tham lam, nóng giận, si mê nên làm bậy. Vậy muốn không tạo nghiệp phải sáng suốt, thấy đúng như thật về con người.
Khi nghe ai nói “Anh này hôi quá”, chỉ một chút thôi, đó là sự thật mà người ta không chịu. Cuộc đời này toàn là tô điểm, giả càng thêm giả. Con người mãi chạy theo cái giả, làm sao tỉnh được. Tất cả chúng ta đa số đều sống trong cái mê cho nên khổ hoài. Phải tỉnh, thấy được lẽ thật để không còn tham đắm cuộc sống giả tạm. Không tham đắm cuộc sống giả tạm thì bớt nghiệp dẫn đi trong sáu đường. Đây là vấn đề hết sức quan trọng.
Trong kinh Kim Cang Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”, nghĩa là tất cả những gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng không phải tướng, đó mới là thật thấy Phật. Chúng ta thường sống trong ảo tưởng hư dối làm sao giải thoát được, cho nên cứ kéo dài, cứ đùa vui trên con đường sanh tử. Đức Phật thương nên dạy tất cả chúng ta hãy thức tỉnh, mới thấy cuộc sống này chỉ là một giấc mơ thôi. Mấy mươi năm tưởng như dài, nhìn lại trong chớp mắt chẳng là gì.
Người tu thiền trước phải học Bát-nhã để nhớ con người không thật, các cảnh duyên không thật nên không tham đắm vào đó. Khi ngồi thiền Phật dạy phải định, dừng tâm nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ phải, nghĩ quấy v.v… để nhận ra cái chân thật không sanh không diệt muôn đời của mình. Như vậy trước dùng trí tuệ Bát-nhã ruồng phá tất cả kiến chấp sai lầm mê muội của mình. Sau khi ruồng cái đó rồi, trở lại dẹp tận gốc tạo nghiệp. Cho nên đối với hành giả tu thiền, trí Bát-nhã phải đi đầu. Vấn đề này phải tu để thể nghiệm mới biết được chỗ sâu thẳm bên trong, chớ không thể nói suông được.
Khi ta ngồi Thiền có những phút tạm yên, vậy ai thấy yên? Đâu phải cái nghĩ thiện, nghĩ ác thấy, mà ta vẫn biết lúc này đang yên, như vậy ngầm có một cái bên trong thường thấy thường biết rõ ràng. Cái đó đâu phải từ chỗ nào đến, nó sẵn nơi mình, nhưng vì vọng tưởng lăng xăng nhào lộn hoài thành ra ta không thấy nó. Khi vọng tưởng dừng lại, tâm lặng lẽ tự nhiên ta nhận ra được thôi. Khi yên phăng phắc như vậy còn khen chê phải quấy nữa đâu, thì lấy gì tạo nghiệp. Không còn tạo nghiệp mà hiện tiền ta vẫn thấy biết, đó chính là bản tâm giải thoát sanh tử, không còn bị nghiệp kéo lôi nữa. Thế là nhờ công phu thiền định, trí tuệ phát sanh, chúng ta chặt đứt được cội gốc luân hồi sanh tử.
Chứng Lậu tận minh là không còn rớt trong Tam giới, không còn bị sanh tử nữa. Tại sao không còn? Bởi tâm lặng lẽ hiện tiền thì đâu còn tạo nghiệp để đi trong sanh tử. Nhà Phật dùng mọi cách để chỉ cho chúng ta thấy mình có viên ngọc quí, nhưng từ lâu bỏ quên, bây giờ phải nhớ để nhận lại. Vua Trần Thái Tông khi nói tới sự sanh, Ngài làm hai câu thơ:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật cách gia hương vạn lý trình.
Nghĩa là đã từ lâu ta làm người khách phong trần. Mỗi ngày đi cách quê hương muôn dậm. Mỗi lần sanh ra là mỗi lần xa cách quê hương. Cho nên hình ảnh chàng cùng tử bỏ cha mẹ đi lang thang, khi thức tỉnh trở về thấy cha mẹ không dám nhìn. Đó là để diễn tả khi chúng ta đã quên cái thật rồi, thì càng đi càng xa, càng chìm đắm, đối diện với cái thật cũng không thể nhìn ra.
Người biết tu phải trở về bằng hai cách. Một là biết mình có cái chân thật, đó là gốc. Trong nhà Thiền gọi là đủ lòng tin. Hai là từ biết mình có cái chân thật nên những thứ giả dối không gạt ta được nữa. Loại dần cho đến hết cái giả dối rồi thì cái chân thật hiện ra. Đơn giản làm sao!
Chúng ta thấy cái nhìn của đức Phật và cái nhìn của khoa học cách xa bao nhiêu? Xa thăm thẳm, vậy mà bây giờ con người chỉ biết tán dương khoa học, còn Phật học thì thấy như chuyện đâu đâu. Đức Phật thương chúng sanh cứ mãi mê lầm để chìm trong sanh tử như thế, nên Ngài mới khởi đại bi tâm muốn cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi sanh tử, chớ không phải cho ăn cho mặc sung sướng.
Phật dạy con người khổ là tại tham, sân, si. Bây giờ muốn hết khổ phải chừa bỏ từ từ, đi lần tới chỗ tuyệt đỉnh là sạch hết những niệm lăng xăng, chừng đó mới giải thoát sanh tử, hoàn toàn tự do tự tại. Như vậy con đường chúng ta đi gần hay xa? Đạo Phật nói tu ba vô số kiếp, xa thăm thẳm phải không? Ba vô số kiếp mới thành Phật thật là xa thăm thẳm. Nhưng có chỗ Phật nói chúng sanh giác ngộ thành Phật nhanh như trở bàn tay. “Hồi đầu thị ngạn”, quay đầu lại là bờ giác. Như vậy cái nào đúng? Cái nào cũng đúng hết.
Ví dụ Phật tử đã hiểu đạo giữ năm giới rồi, như vậy đời sau sanh ra sung sướng hơn. Nhưng nếu không có duyên gặp Phật pháp tiếp tục tu nữa, chỉ lo thụ hưởng, hết phước sẽ trôi lăn trở lại. Cứ trồi lên hụp xuống như vậy ba vô số kiếp, nên nói tu đến ba vô số kiếp. Còn ngay nơi thân này biết nó giả dối không tham muốn nữa, tâm lặng dần những niệm lăng xăng phải quấy của thế gian, nhận ra cái chân thật và sống với nó, đây gọi là giác ngộ thành Phật nhanh như trở bàn tay.
Phật chứng được tam minh rồi, Ngài biết được nguyên nhân nào chúng sanh đi trong sanh tử và làm sao để ra khỏi. Tại sao Ngài biết? Là vì Ngài đã có kho báu, dùng được nó thì diệu dụng không thể lường. Nên nhà thiền thường nói chân không diệu hữu. Khi đã thể nhập chỗ chân thật ấy rồi, có năng lực không thể nghĩ bàn, nên nói diệu dụng như hằng sa.
Chúng ta tu từng bước, bỏ từ từ chớ không có can đảm buông một lần. Bởi vậy nên lý đạo thì rất rõ, mà ứng dụng thì chưa tới đâu. Nhiều người tu cả năm mà cuối cùng thấy cũng chưa bước được bước nào, đôi khi còn sụt nữa là khác. Hạng người này tu theo con đường ba vô số kiếp. Hạt giống Phật tuy không mất nhưng cứ trồi lên hụp xuống, tu rồi hưởng, hưởng hết phước lại tuột xuống, cứ thế xoay vần mãi.
Nhà Thiền thường nói những bậc đại trượng phu nhảy một cái vọt tới chót núi. Đây không phải là chuyện nói đùa, mà sự thực nếu người can đảm như Lục Tổ một lần nghe liền ngộ. Ngộ rồi buông hết, cả ngày không có một niệm như vậy làm sao không giải thoát được.
Cho nên nếu nhìn đến chỗ cứu kính thì đạo Phật cách xa khoa học muôn trùng. Đức Phật không có kính hiển vi, mà thấy hết những hành tinh trên bầu trời nhiều như số cát sông Hằng, khoa học bây giờ tìm còn chưa ra hết số hành tinh ấy. Phật thấy vi trùng cũng khỏi cần kính hiển vi, nên chuyện Ngài nói đâu phải mơ màng. Vì thế phải biết khi sống trở về với tâm chân thật rồi, trí tuệ thấu suốt, thấy đúng lẽ thật của các pháp.
Tất cả chúng ta tu Phật thì phải thấy chỗ siêu thoát của đạo Phật. Thấy cho tường tận mới không lầm với những điều hào nhoáng bên ngoài được người ta tán thưởng. Ví dụ ngày xưa đi từ Nam ra Bắc phải ba bốn tháng, bây giờ chỉ mấy tiếng đồng hồ là tới nơi. Thấy thì thích thật, nhưng lỡ máy bay tắt máy giữa chừng, lúc đó không biết kêu cứu với ai. Thế gian luôn luôn là như vậy, cạnh cái sung sướng đã có khổ đau chực sẵn một bên.
Đạo Phật không chấp nhận sự sung sướng như thế. Phật dạy nếu bớt tham sân si thì không còn mầm mống của đau khổ. Đó là một lẽ thật. Chúng ta tu tới tâm hoàn toàn trong sạch, tự sáng ra thấy cuộc sống này như trò chơi, chừng đó chết sống không có gì bận tâm, là đã qua bao nhiêu cái khổ. Dù cuộc sống vật chất không sung túc lắm, nhưng tâm hồn thoải mái tự tại là ta cảm thấy hạnh phúc rồi. Chỉ cần giảm bớt ba thứ độc tham sân si thì gia đình nào cũng hạnh phúc. Đó là hạnh phúc thật sự, chớ không phải hạnh phúc giả dối.
Tóm lại, nếu hiểu đạo Phật một cách đúng chúng ta sẽ thấy có những đặc điểm như sau. Đặc điểm thứ nhất, đạo Phật nói đúng như thật chớ không dối gạt người. Tất cả những gì Phật nói đều là lẽ thật. Đạo Phật cho chúng ta biết thế gian là khổ và chỉ phương pháp diệt khổ. Đặc điểm thứ hai, đạo Phật chỉ cho chúng ta nhận ra cái chân thật có sẵn nơi mình, vĩnh viễn xa rời trầm luân sanh tử, chớ không phải từ đâu lại. Đặc điểm thứ ba, đạo Phật tôn trọng tự do tuyệt đối. Tất cả chúng sanh ai cũng có quyền làm Phật và ai cũng có quyền làm chúng sanh, ai cũng có quyền xuống địa ngục, ai cũng có quyền lên cõi trời, Phật không can dự vào. Ngài chỉ hướng dẫn cho biết đâu là tốt đâu là xấu, còn phần chọn lựa quyết định là của chúng ta. Tất cả khổ vui, giải thoát hay trói buộc gốc từ mình.
Tất cả chúng ta có duyên gặp Phật pháp là điều rất quí hiếm. Ngoài ra còn được thầy, bạn chỉ dẫn lẽ thật cho mình, đây không phải là chuyện dễ. Qua được hai điều khó này rồi, chỉ còn mình ráng tu thôi. Nếu không tu được thì thôi, đừng kêu trời trách đất, cũng đừng than phiền với ai hết, đó là tại mình có quyền mà không tự sử dụng. Vậy mong tất cả chúng ta luôn sáng suốt sử dụng quyền của mình, để làm lợi ích cho mình và cho mọi người.
Tự do thế gian còn có luật pháp này nọ, chứ tự do trong đạo Phật là tuyệt đối. Ta muốn đi trong lục đạo luân hồi thì cứ đi, muốn ra khỏi thì cứ ra, quyền của mình. Cho nên vui khổ tự làm tự chịu, không thể trách ai được cả.
Theo HT.Thích Thanh Từ