(PPUD) Chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) là một điểm du lịch tâm linh và đồng thời cũng công trình kiến trúc nghệ thuật lớn bậc nhất của cả nước.
Nơi đây nổi tiếng với tượng Quan Thế Âm bồ tát bằng đá cao nhất Việt Nam. 18 vị La Hán bằng đá là một trong những nét đẹp đặc sắc của ngôi già lam này.
Chùa Linh Ứng: Ngôi chùa được tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), là sự hội tụ tinh hoa trời đất giữa thế núi, thế biển, thế đất, thế sông vững chãi. Lưng tựa vào núi Sơn Trà, mặt hướng ra biển Đông.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát: Với chiều cao 67m, đường kính tòa hoa sen 35m, đây được xem là Tượng Quan Thế Âm bằng đá cao nhất Việt Nam. Tượng có thế đứng lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển xanh, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn ra biển khơi, mang khát vọng lớn.
1. Ba Tiêu La Hán: Ngài sanh hạ ở trong rừng sâu trong khi mẹ Ngài vào rừng viếng cảnh, gặp trời mưa to dữ dội. Từ đó, Ngài chọn chốn rừng núi để tu tập, thường đứng dưới các cây chuối nên còn được gọi là Ba Tiêu La Hán.
2. Bố Đại La Hán: Tương truyền, Ngài là người bắt và thuần phục rắn nổi danh ở Ấn Độ. Hành động ấy của Ngài đã được xem như biểu trưng của từ bi. Hành động của Ngài trùng hợp như Hòa thượng Bố Đại ở Trung Hoa nên được gọi là Bố Đại La Hán.
3. Hàng Long La Hán: Ngài là vị Đại La Hán thần thông quảng đại, đạo hạnh trang nghiêm. Tương truyền có một lần cả đảo Sư Tử bị Long Vương dâng nước nhận chìm, Tôn giả ra tay hàng phục rồng và được tặng hiệu Hàng Long La Hán.
4. Khai Tâm La Hán: Ngài vốn là một tín đồ Bà-la-môn, nghe nói thân Phật cao một trượng sáu nên không tin đành chặt một cây trúc dài đúng một trượng sáu để đích thân đo Phật. Lạ thay, vẫn không thể nào đo hết thân Phật dù đã thử hết mọi cách… nên Ngài đã khâm phục và xin quy y làm đệ tử.
5. Kháng Môn La Hán: Ngài là vị Phật tiêu biểu cho một tấm gương cần cù, nhẫn nại. Vì bản chất không thông minh nên khi xuất gia Ngài kiên nhẫn ngồi thiền tu tập. Nhờ sự kiên trì, dốc tâm thực hành lời dạy của Phật, quét sạch mọi cấu uế bên trong lẫn bên ngoài, Ngài đã thành Thánh quả.
6. Khánh Hỷ La Hán: Ngài là vị La Hán có khả năng phân biệt thị phi rạch ròi nhất. Ngài vốn là người có tính khuôn mẫu, xuất thân gia đình gia giáo. Sau khi xuất gia, Ngài càng nỗ lực tinh tấn tu tập, nhờ thiện căn sâu dày Ngài chứng quả rất nhanh.
7. Khoái Nhĩ La Hán: Ngài vốn dĩ là đội quân của rồng và tượng trưng sức mạnh siêu nhiên. Ngài sinh trưởng trong gia đình vốn nổi tiếng về tài biện luận. Nhờ tài biện luận giỏi, gia đình Ngài đã có nhiều đóng góp cho nhà nước.
8. Kỵ Tượng La Hán: Ngài xuất gia trong gia đình làm nghề huấn luyện voi. Khi đi đâu, Ngài cũng đều dùng voi để cưỡi. Về sau, người ta gọi Ngài là Kỵ Tượng La Hán.
9. Phục Hổ La Hán: Ngài từ nhỏ đã có duyên với Phật pháp. Thuở nhỏ, Ngài hay đến chùa, rất thích chiêm ngưỡng hình tượng 16 vị La Hán thờ trong điện. Ngài mơ ước được như 16 vị này nên mới siêng năng tọa thiền, tu tập kinh pháp, làm các việc thiện, chẳng bao lâu chứng quả.
10. Quá Giang La Hán: Ngài hạ sanh dưới gốc cây Bạt-đà, tức là cây Hiền. Theo truyền thuyết, Ngài rất thích tắm rửa và tắm rất tốn thời gian nên thường xuyên trễ nải công việc. Sau này tu thành Chánh quả Ngài lấy việc tắm rửa là một pháp tu hữu dụng thiết thực để khuyên dạy mọi người.
11. Thác Tháp La Hán: Ngài là người tu tập rất tinh nghiêm, giúp người nhiệt tình, không thích nói chuyện, suốt ngày chỉ chú tâm ở tịnh cốc tu tập, đọc sách hoặc quét sân, và đặc biệt không lãng phí thời gian vào việc tán gẫu, chỉ dành trọn thời gian tọa thiền nên chứng quả A-la-hán rất sớm.
12. Thám Thủ La Hán: Ngài tiêu biểu cho sự giải thoát, hình tượng đưa hai tay lên rất sảng khoái của một vị La Hán sau cơn thiền định. Theo tương truyền, Ngài được mẫu thân sanh ra ở bên đường trong khi trở về quê ngoại.
13. Tiếu Sư La Hán: Trước khi thành Chánh quả, Ngài làm nghề thợ săn, thể lực rất tráng kiện, một tay có thể nâng một con voi, hoặc nắm một con sư tử ném xa hơn 10 mét, đến nỗi, muông thú chạm mặt Ngài, chúng đều hoảng sợ lánh xa.
14. Tĩnh Tọa La Hán: Theo truyền thuyết, Ngài thuộc giai cấp Sát-đế-lợi sức mạnh vô song, đời sống chỉ biết có chiến tranh chém giết. Khi theo Phật xuất gia, Ngài đạt quả A-la-hán trong tư thế tĩnh tọa.
15. Tọa Lộc La Hán: Ngài xuất thân thuộc dòng Bà-la-môn, là một đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền. Ngài thích xuất gia nên rời bỏ triều đình vào rừng núi nỗ lực tu tập, sau khi chứng Thánh quả cỡi hươu về triều khuyến hóa vua, nhân đó được tặng danh hiệu La-hán Cỡi Hươu.
16. Trầm Tư La Hán: Ngài vốn có thói xấu trêu ghẹo người nên sau khi xuất gia, Ngài đã nỗ lực tu tập để chứng Thánh quả. Ngài luôn khiêm cung nhẫn nhục, không thích tranh cãi hơn thua.
17. Trường Mi La Hán: Khi Ngài mới sanh ra đã có lông mày dài rủ xuống, điều báo hiệu kiếp trước Ngài là một nhà sư. Sau khi theo Phật xuất gia, Ngài phát triển thiền quán và chứng A-la-hán.
18. La Hán: ngài đứng trong dáng vẻ uy nghiêm, toát lên nét thánh thiện của lòng “từ bi, hỹ xả” đức “khoan dung, độ lượng” của đức Phật.
Nhuận Phẩm
Theo Phật Pháp Ứng Dụng