Có cần phải ĐI mới TU được?

Cũng phải công nhận sức lan tỏa của Đạo Phật, và cũng phải nhìn nhận là người tu Phật thời này đã không còn bị tiếng oan, bởi có một thời mà người ta thấy những người đi tu không vì mục đích cao cả, mà bởi những vướng mắc riêng tư, như trường hợp một số người khi tình yêu tốt đẹp thì không sao, lúc bị tình phụ thì bắt chước Thi Hào Nguyễn Du, cho rằng “Tu là cội phúc, tình là dây oan”, vô Chùa, mượn tiếng chuông, mõ để tìm quên. LAN trong Tiểu Thuyết LAN VÀ ĐIỆP của Nhất Linh cũng góp phần “sướt mướt hóa” cho việc “đi tu” khi bị Điệp phụ tình! Nhiều người do hoàn cảnh bất đắc chí cũng “mượn Cửa Thiền” để nương thân. Thậm có người không lấy được người mình yêu bèn cay đắng: “Củi đậu nấu đậu ra dầu. Cưới em không được cạo đầu đi tu”! Rồi thì người bị vợ bỏ, chồng bỏ, bế tắc trong cuộc sống, trốn nợ, cũng… đi tu. Nói chung, người ta xem cửa Chùa như một nơi để trốn đời. Những người đi tu thường được cho là “Chán đời”. Cũng chính vì vậy mà nhiều người đã méo mó, thấy những người còn trẻ mà Xuất Gia là họ nghĩ tới những kẻ thất tình! Nhưng thời này thì đã khác.

Rất nhiều người, tuổi trẻ, học giỏi, tài cao, tương lai đang rộng mở…, nhưng nghe giảng về Đức Phật, quá mến mộ mà sẵn sàng bỏ hết tất cả, “Xuất Gia đầu Phật” để cống hiến cuộc đời phụng sự Đạo Pháp. Trong đó cũng kèm theo một số thấy cuộc sống khó khăn quá, đi tu thì chỉ cần hy sinh quần áo, đầu tóc, chịu khó học Kinh, kệ mà đỡ mất công vất vả mưu sinh, và một số những em chưa biết gì cũng vô Chùa tu từ bé, vì người lớn cho là những trẻ con chưa biết mùi đời thì dễ tu hành tiến bộ hơn! Để tu hành, mọi người nương theo hình thức từ xưa, đều “LY GIA, CẮT ÁI”, cho giống Đức Thích Ca ngày trước, nhờ bỏ hết tất cả, từ Ngai Vàng cho tới vợ đẹp, con xinh, mà tu hành đắc đạo, Thành Phật. Vì thế, không chỉ bao nhiêu thế hệ qua, mà cho đến tận bây giờ, mọi người đều cho rằng người muốn tu hành thì nhất định phải tìm một Chùa nào đó, vô “tu”mới được.

Mục đích “Thoát kiếp trầm luân” không biết có đạt được hay không. Nhưng từ lúc bước vào Cửa Chùa là kể như đặt dấu chấm hết cho một con người đối với cuộc đời. Thậm chí có người đang vợ, chồng, con cái đề huề cũng bỏ tất cả cho người ở lại, làm sao thì làm, xoay xở thế nào với con cái thì mặc, để đi tu, có khi không cần sự đồng ý của nửa kia! Việc cương quyết rời bỏ cuộc đời để “đi tu” của ai đó, đã để lại ray rứt cho người ở lại được bộc lộ qua Thơ:

“Bao năm gặp gỡ tình cờ.
Kết thành chồng vợ bất ngờ chia tay.
Em theo đệ tử Như Lai.
Mượn lời Phật dạy kinh tài lợi danh”.

Cuộc sống của một người tu luôn gắn liền với Kinh, Kệ. Vì đó là công phu hàng ngày. Có lẽ sau đó, nhiều lần trong đêm, nhà thơ thất tình đã đứng bên ngoài Ngôi Chùa nơi có người yêu đang tụng Kinh mà lòng đau đớn:

“Sương khuya bao phủ Chùa quê.
Nghe em tụng niệm não nề tiếng chuông”
Nhưng đôi lúc nhà thơ cũng tự hỏi:
“Tạ từ hạnh phúc vợ chồng
Em tu mấy kiếp thoát vòng trầm luân?”

(Hiền Nhân)

Sự lựa chọn con đường tu – như mọi người vẫn nghĩ – là phải xa rời cuộc sống, chôn vùi tuổi thanh xuân, như thực tế vẫn diễn ra – nên có người đã tiếc nuối:
Tiếc thay hương sắc trời trao
Sao em lại nỡ chôn vào âm u
Lẽ nào em chọn đường tu
Để mùa Xuân nhớ, mùa Thu… ngậm ngùi!

(Vũ Đình Huy)

Có cần phải “bi thảm hóa” việc Tu Phật. Đi tu là kể như chấm dứt cuộc đời? Có cần nhất định phải xa rời cha, mẹ, vợ, chồng, con, cái, bỏ hết việc đời mới có thể TU HÀNH? Có thật Đạo Phật đào tạo ra lớp người tu hành hoàn toàn xa rời cuộc đời? Chẳng lẽ Đức Thích Ca bày ra việc tu hành cay nghiệt, để người muốn tu thì không được yêu, không được có vợ chồng như mọi người bình thường? Người đang yêu phải bỏ nhau. Vợ, chồng đang cùng chia trách nhiệm với con cái. Người đang học hành giỏi giang, thành đạt trong cuộc sống, có nghề nghiệp chân chính, có thể giúp xã hội, giúp đời… mà muốn tu cũng phải rũ áo ra đi thì mới TU được? Có thể nào vẫn giữ nguyên nếp sống thường nhật, mà vẫn tu hành, thành tựu hay không? Nếu ta cũng mến mộ Đạo Phật, muốn Tu, nhưng còn nhiều ràng buộc thì có cách nào mà không cần những hình thức như thế mà vẫn có thể TU được không?

Nếu nhìn một cách phiến diện, hoặc đọc Kinh một cách hời hợt thì chúng ta sẽ theo văn tự mà kết luận là muốn tu hành là nhất định phải Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y. Hình ảnh người tu với đầu tròn, áo vuông, lúc nào cũng giữ Tứ oai nghi. Từng bước chân cũng phải chậm rãi. Mắt không được liếc ngó ngang dọc. Thậm chí cả ý nghĩ cũng phải kềm giữ nếu không muốn bị “Thất Niệm” làm cho nhiều người rất ngưỡng mộ. Cuộc sống của người tu thật không phải dễ, vì phải giữ hàng mấy trăm Giới. Ăn uống cũng kham khổ, chỉ được ăn tương, chao, rau, đậu gọi là Ăn Chay. Y Phục thì chỉ một màu Nâu, hay Vàng. Tất cả những việc đời không được tham gia. Trước kia họ làm gì hay học gì đều phải bỏ hết. Từ lúc vào TU là sống sau khung cửa chùa, trong một thế giới tách biệt với người đời để thờ Phật một cách chuyên cần. Ngày mấy thời Ngồi Thiền, Tụng Kinh, Niệm Phật, học pháp và giảng Đạo, lôi kéo thêm nhiều người Quy Y để thờ Phật cầu xin “được Độ”. Họ sống kham khổ một đời như thế để mong lúc chết thì Phật sẽ rước về Tây Phương Cực Lạc.

Nhưng Tu thật sự là gì? Tu để được gì? Tu phải làm gì? Làm sao biết mình đang tu đúng Chánh Pháp hay không? Đó là những câu hỏi mà tôi phải để khá nhiều năm, bỏ tất cả mọi việc, dùng gần như toàn bộ thì giờ để tra cứu trong nhiều Bộ Chính Kinh để tìm cho ra câu trả lời cho mình. Tôi đã đọc thật kỹ hầu hết những Bộ Kinh lớn và thêm một số Kinh khác, thuộc hệ thống Đại Thừa. Chưa kể những tài liệu Đạo nào có liên quan mà tôi thấy cần. Cuối cùng cũng khám phá ra được là TU hành theo Đạo Phật thật ra không hề phức tạp, không đòi hỏi hình tướng, không nhất thiết phải kềm từng bước chân, từng ánh mắt, từng suy nghĩ… như những gì mọi người đã chấp lầm văn tự. Xin trình bày ra đây, hy vọng tháo gỡ cho những ai có thắc mắc tương tự. Mong rằng từ đây những hiểu lầm về công việc tu hành sẽ không còn nữa, để ai chấp nhận lý thuyết của Đạo Phật đều có thể Tự Tu, Tự Chứng, vẫn có quyền giữ nguyên nếp sống thường nhật, không cần hình tướng hỗ trợ. Vẫn làm tròn trách nhiệm của một con người đối với xã hội, cuộc đời, mà vẫn không xa rời Đạo Pháp.

Cũng nhờ may mắn gặp được Chân Sư, chỉ cho tôi đường lối tu hành theo Nhất Thừa, và ông không hề áp đặt, mà luôn bảo những người theo học là không nên tin ông, mọi thứ cần mở Kinh để kiểm chứng để “tìm tương kiến tương đồng”. Vì thế, suốt quá trình tu học, tôi luôn mở Kinh ra phối kiểm, cuối cùng cũng rút ra được một kết luận: TU CHỈ CÓ MỘT NGHĨA LÀ SỬA. Sửa cái Tâm Chấp Lầm để được Giải Thoát. Do đó, người muốn tu Phật, không cần phải bỏ cha mẹ, chồng, con. Không cần hình tướng. Không cần phải cất am, cốc hay vô Chùa, cũng chẳng cần phải Tụng Kinh, Niệm Phật. Con đường hành trì thì chỉ cần nương GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO. Hành Lục Độ và Quán sát, Tư Duy, đọc kỹ Kinh để thấy lời Phật, Tổ dạy những gì cần làm rồi quay vào TÂM để từng bước thực hành theo, Tu sửa ở đó, gọi là TU TÂM. Đó là con đường Đốn Giáo và TU VÔ TƯỚNG rất hiếm hoi ở thời buổi này. Có thể cũng không ít người cũng tu như thế nhưng người đời không nhận ra được, vì họ tu cho họ, nên không cần sắc tướng để phân biệt, cũng không phô trương để cầu Danh, cầu Lợi, để được người khác trọng vọng.

Để có được kết luận này, buổi đầu lúc nào tôi cũng khởi nhiều nghi ngờ lý thuyết của Đạo Phật. Điều đó buộc tôi đã dấn thân tìm hiểu từng bước, tìm xem con đường tu hành của Đức Thích Ca ra sao? Bắt đầu từ đâu? Ngài đã làm gì để gọi là chứng Đắc? cái Chứng Đắc đó có giá trị gì đối với người tu hành? Liệu có cần cho tôi hay không? Những câu hỏi này là chìa khóa của riêng tôi để đi vào Đạo bằng con đường ngược với nhiều người. Nhưng minh bạch, rõ ràng. Điều gì hiểu thì mới chấp nhận. Biết kết quả về đâu thì mới hành trì. Không giống như nhiều người khác, cứ “Xưa bày, nay Làm”, không biết phải làm đến chừng nào? Tới đâu? Kết quả sẽ về đâu!

Cũng phải nói rằng buổi đầu không phải dễ dàng gì. Không phải cứ đọc Kinh là hiểu, vì Kinh dùng quá nhiều ẩn dụ, nếu đọc mà TIN ngay thì chắc chắn rơi vào mê tín, thần quyền. Nhưng với lòng kiên trì và quyết tâm, tôi cứ như một người đục đá, cứ từng nhát một mà làm. Ngày này sang ngày khác. Tháng nọ sang tháng kia. Năm này sang năm nọ… Từng câu chữ trong Kinh tôi phải vận dụng đủ thứ lý lẽ để vặn ngược bẻ xuôi, đối chiếu quyển này với quyển nọ, lắp ghép cho được từng mảnh Giáo Pháp mỗi nơi một ít để có được một quy trình tu hành tạm gọi là đầy đủ cho bản thân. Cho đến khi đối chiếu nhiều quyển Kinh lại với nhau, nếu không thấy mâu thuẫn thì mới thôi. Qua việc tìm tòi đó, tôi cũng thấy luôn vì sao thời nay rất nhiều người cũng Phát tâm tu hành, cũng Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, hình tướng rất đầy đủ mà sao không thành công được. Theo những gì tôi đối chiếu trong Kinh thì có một số lý do chính là:

1/- Do người tu thời nay không có cái PHÁT TÂM vì sợ SINH TỬ như Đức Thích Ca. Trái lại, họ nghe giảng về Phật quá cao siêu, quá tốt đẹp, nên Phát Tâm đi tu vì mến mộ Phật, muốn phụng sự cho Ngài. Hoặc nghĩ rằng đi tu là để “độ cho bá tánh”. Đôi khi vì bị nghịch cảnh, mượn cửa Chùa để né tránh. Hoặc theo lời của vị Thầy rất có uy tín trong Đạo: “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn!”

Những kiểu Phát tâm đó, Kinh LĂNG NGHIÊM viết: Do Phát Tâm không chơn, nên QUẢ BỒ ĐỀ không chính.Rõ ràng họ đâu có đi tìm con Đường Giải Thoát thì làm sao gặp? Không biết vì sao cần Giải Thoát thì đâu có thiết tha? Cái mục đích không biết thì làm cách nào để đến? Kinh Lăng Nghiêm viết: “Các ông hãy xem những người mở Gút trong thế gian. Nếu họ chẳng thấy được Mối thì không mong gì mở được”. Không biết cái Mối Đạo Phật nằm ở đâu. Phát Tâm cũng không giống Đức Thích Ca. Hành trì cũng chỉ bắt chước được phần hình thức, không nắm được nội dung thì làm sao đến cùng nơi như Ngài?

2/- Công năng quan trọng thứ nhì là NGỒI THIỀN cũng thế. Đức Thích Ca có mục tiêu phải tìm là thủ phạm đã XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ. Do đó, khi hành trì đủ thứ cách mà vẫn không tìm ra, nên Ngài đã tập trung cả Thân và Tâm để NGỒI tĩnh lặng mà Tư Duy. Sau này gọi là NGỒI THIỀN, hay THIỀN ĐỊNH. Ngài không ngồi suông, mà THIỀN QUÁN, tức là dùng thời gian NGỒI TĨNH LẶNG dể tập trung tư duy tìm cho ra điều Ngài đang mong muốn gặp. Do Ngài đã có Mục Đích. Có quyết tâm đi tìm từ buổi đầu, nên Ngài tự biết mình cần tìm gì, và tập trung để tìm, nên mới gặp. Người ngày nay NGỒI THIỀN không mục đích. Ngồi khơi khơi mà trong Kinh gọi là “Ngồi ỳ ra đó”. Như vậy thì dù có ngồi đến vô lượng kiếp cũng không thể đắc đạo. Bởi không biết Ngồi để làm gì? Không biết mình muốn tìm gì, thì làm sao GẶP?

3/- Tất cả là do không gặp được người Thầy có Chánh Pháp uốn nắn, chỉ dạy cho. Kinh Viên Giác viết: “Này Thiện Nam! Có loại chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa. Còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như lai dạy tu đạo Vô thượng Bồ Đề thì chúng thành Phật Thừa”. Người đời cũng nói: “Thầy sao, trò vậy”.

Đạo Phật dạy VĂN-TƯ rồi mới TU. Như vậy, lẽ ra dù ta có nghe giảng về Phật hay ho, cao siêu đến mức nào thì cũng nên tìm hiểu xem Chính Kinh có viết như thế không? Thí dụ như nói rằng Phật “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”, thì cái Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đó là gì? Ở đâu? Bởi nếu đó là thế giới ta hiện cư ngụ thì Phật đã Thành mấy ngàn năm rồi mà thế giới vẫn chiến tranh, tai ách triền miên. Chư Phật, Chư Bồ Tát thì nhiều như Cát Sông Hằng, nếu cứu độ được thì các Ngài đã làm rồi, đâu đợi ta cầu xin đến mỏi mòn! Hơn nữa, nếu cứu độ được cho người khác thì Đạo Phật được gọi là Đạo ĐỘ THA rồi, đâu thể nói là TỰ ĐỘ nữa. Do đó, những người cố súy cho việc Cầu Xin là những người chưa hiểu gì về nghĩa của từ Phật và mục đích của Đạo Phật. Nếu như ta muốn phụng sự cho PHẬT thì cũng nên tìm hiểu xem PHẬT là gì? Nếu là Đức Thích Ca thì Ngài đã nhập diệt từ mấy ngàn năm rồi, ta sẽ phụng sự như thế nào? Ngài có cần ta ngày ngày nhang khói, thờ cúng, lôi kéo ngày càng nhiều người thờ Ngài, hay cần chúng ta cũng Thành Phật được như Ngài?

Còn nếu muốn tu Phật thì trước hết phải hiểu về Mục Đích của Đạo Phật. Có hiểu được Mục Đích thì mới nắm được Phương Tiện, để khi hành trì mà không thấy kết quả thì xem lại coi mình có áp dụng sai hay không? Nếu không, chúng ta sẽ tu mãi, hành trì mãi mà không biết đâu là bến bờ. Không biết Chứng Đắc là gì? Không biết phải làm gì để Chứng đắc, thì chừng nào tu hành mới thành công?

Mục đích của Đạo Phật được nói rõ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA như sau: “TA THẤY CÁC CHÚNG SANH BỊ NHỮNG SỰ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, LO BUỒN KHỔ NÃO NÓ ĐỐT CHÁY. CŨNG VÌ NĂM MÓN DỤC, TÀI LỢI MÀ BỊ CÁC ĐIỂU THỐNG KHỔ. LẠI VÌ THAM MÊ ĐEO ĐUỔI TÌM CẦU NÊN HIỆN ĐỜI THỌ KHỔ ĐỊA NGỤC, SÚC SANH, NGẠ QUỶ. NẾU SANH LÊN TRỜI VÀ Ở TRONG LOÀI NGƯỜI THỜI NGHÈO CÙNG KHỐN KHỔ. BỊ KHỔ VỀ NGƯỜI YÊU THƯỜNG XA LÌA, KẺ OÁN GHÉT LẠI GẶP GỠ. NHỮNG MÓN KHỔ NHƯ THẾ MÀ CHÚNG SANH CHÌM TRONG ĐÓ VUI VẺ DẠO CHƠI, CHẲNG HAY CHẲNG BIẾT, CHẲNG KINH, CHẲNG SỢ, CŨNG CHẲNG SANH LÒNG NHÀM, KHÔNG CẦU GIẢI THOÁT. Ở TRONG NHÀ LỬA TAM GIỚI NÀY ĐÔNG TÂY RẢO CHẠY, DẦU BỊ KHỔ NHIỀU VẪN CHẲNG LẤY LÀM LO” ”(Phẩm Thí Dụ). Kết quả của công việc tu hành là: “CÁC CHÚNG SANH NÀY NGHE PHÁP RỒI, HIỆN ĐỜI AN ỔN, ĐỜI SAU SANH VỀ CHỖ LÀNH DO ĐẠO ĐƯỢC THỌ HƯỞNG VUI” (Phẩm Dược Thảo Dụ). Như vậy tu hành theo Đạo Phật chỉ là để Thoát khỏi Bốn nỗi Khổ của kiếp sống mà thôi. THÀNH PHẬT chỉ là THÀNH TỰU CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT CHO BẢN THÂN NGƯỜI TU. Không phải là Thành Thánh, Thành Phật, cứu độ cho bá tánh.
“TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI” mà Phật Độ, cũng chỉ là những CHÚNG SINH THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHẾT trong Tâm của chính Ngài, và của chính những người muốn tu theo Ngài. Phải “Độ” hết chúng thì mới Thành Phật. Việc tu hành Thành Phật, được Kinh VIÊN GIÁC viết:

NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT
CÙNG VỚI THAM SÂN SI
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC
CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT

Tu hành theo Đạo Phật là phải điều phục Lục Căn, cho nó đừng nhiễm Lục Trần để đạt được “Lục Căn thanh tịnh”.Nhưng cái TÂM mới là chủ tướng, do vậy mà người tu cần ĐIỀU TÂM chớ không phải SỬA TƯỚNG cho giống hình ảnh của Phật và Tăng Đoàn ngày trước.

Giải Thoát hay ràng buộc cũng ở nơi THÂN này, TÂM này. Kinh viết: “GIẢI THOÁT HAY TRIỀN PHƯỢC ĐỒNG DO SÁU CĂN. ĐƯỢC CHỨNG THÁNH HAY ĐỌA PHÀM CŨNG BỞI SÁU CĂN CHỚ KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG NÀO KHÁC”. Chính vì vậy mà sự thành tựu con đường tu hành được tượng trưng bằng hình ảnh PHẬT DI LẶC, là một ông bụng to, ngồi cười thoải mái, quanh mình là những đứa trẻ leo trèo. Những đứa trẻ này tượng trưng cho LỤC CĂN, Trước khi tu hành thì nó là LỤC TẶC, tức là SÁU TÊN GIẶC, lúc nào cũng quấy nhiễu, phá phách,làm cho mọi người phải khổ sở. Sau khi tu hành, điều phục chúng xong thì thì chúng trở thành vô hại như những đứa trẻ con. Do đó, mỗi người tu đều có thể trở thành một vị Phật Di Lặc, vì tự mang lại sự an lạc, vui vẻ cho chính mình. Chẳng phải chờ vị Phật nào từ trời cao giáng trần ban cho, hay nương theo hình ảnh đó rồi tạc để thờ. Hơn nữa, kẻ thờ hình tượng Phật lại bị rơi vào lời cảnh báo trong Kinh KIM CANG: “Kẻ nào dùng Sắc để thấy Ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thấy được Như Lai”. Đó là cái mốc để ta kiểm chứng xem mình có rơi vào tà đạo hay không.

Nhân đây xin lạc đề bàn qua về CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG được thành viên Hà Mạnh Đoàn viết trong bài HOA ƯU ĐÀM, số 91, vì có liên quan đến con đường Tu Phật. Theo tác giả tra cứu thì Đức Phật Thích Ca có nói: “Đến khi có một loài Hoa gọi là Hoa Ưu Đàm Ba La nở rộ khắp nơi là báo hiệu có Chuyển Luân Thánh Vương ra đời. Và Đức Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua lý tưởng, người sẽ cai trị thế giới không phải bằng vũ lực, mà bằng công lý. Những ai dùng thiện để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội gặp Ngài, bất kể người đó thuộc tôn giáo nào”. Theo báo chí đưa tin thì những năm gần đây, nhiều nước có hiện tượng Hoa Ưu Đàm nở trên nhiều chỗ tưởng như không thể bám, không thể sống: trên sắt, đồng, gỗ, lá, hoa, nhựa, trái cây, mặt đá vv… Người cho rằng đó là Hoa Ưu Đàm. Người thì nói đó là một loại bọ. Nhưng dù có đúng là Hoa Ưu Đàm hay không, thì nhiều năm rồi nó không có. Phải đợi đúng thời điểm mà Phật Thích Ca báo trước thì mới xuất hiện âu cũng là điềm lành cho nhân thế. Có điều nói về vị Chuyển Luân Thánh Vương thì ta nên xét lại. Bởi vì Đức Thích Ca hay dùng rất nhiều ẩn dụ nhằm mục đích khuyến tu đối với những người thời xưa vẫn còn nhiều ác tâm, chưa chịu hướng thiện.

Thật vậy, trong Đạo Phật, CHUYỂN PHÁP LUÂN có nghĩa là QUAY BÁNH XE PHÁP. Điều đó có nghĩa như sau: Trước khi tu hành thì mọi người là nô lệ của Pháp, bị PHÁP điều khiển. Cứ “Mắt thấy, Tâm sinh” mải mê chạy theo các Pháp để Yêu, Ghét, Tham, Sân Si với chúng. Khi bắt đầu tu hành tức là bắt đầu lấy lại quyền làm chủ, điều khiển nó, gọi là CHUYỂN PHÁP LUÂN. Nhưng thời xa xưa, nếu để cho mọi người thấy việc tu hành chỉ để trở thành một con người tốt thì tầm thường quá, mọi người đâu có thèm quan tâm. Chính vì vậy, Đức Phật bày ra TỨ QUẢ THÁNH. Nói rằng tu hành là để Thành Thánh, Thành Phật. Người Chuyển được PHÁP thì Ngài gọi là CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG.

Nhưng việc TU PHẬT chỉ là TU TÂM. Vì thế, Thánh Vương này chỉ cai trị dân chúng trong Tâm của chính vị đó mà thôi. Do chúng sinh cũng là tư tưởng của chính người tu hành, nên không thể cai trị bằng vũ lực, mà bằng công lý, tức là giải thích, phân tích cho chúng sinh của mình hiểu ra lý lẽ đúng theo công tâm để nó tự ý thức lấy mà thôi. Ai CHUYỂN ĐƯỢC PHÁP, từ xấu thành TỐT. Từ MÊ thành NGỘ. Từ VÔ MINH trở thành MINH, thì vị đó là CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG. Bất kể người đó thuộc tôn giáo nào, vì Đạo Phật thật ra không phải là một tôn giáo, mà chỉ là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT. Do đó, bất cứ ai hành trì đều thành tựu như nhau, không vì nằm trong tôn giáo khác mà bị ngăn trở. Cũng như người ăn thì no, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, chính kiến, tôn giáo. Vì vậy nên Đức Thích Ca nói là “ai dùng thiện để đối đãi với người khác đều có cơ hội gặp Chuyển Luân Thánh Vương”, bởi thật ra tu hành theo Đạo Phật chỉ là CẢI ÁC, HÀNH THIỆN. Người CẢI ÁC là người làm công việc chuyển đổi cái Tâm của mình từ Ác sang Thiện tức đã CHUYỂN PHÁP LUÂN rồi vậy.

Nếu có đọc kỹ Kinh thì ta sẽ thấy việc Tu Phật rất là đơn giản: Chỉ cần TÌM TÂM, THẤY TÂM, XẢ TÂM hay TU TÂM. Vậy thì ở đâu, mặc gì? Làm gì? Có gia đình hay không, đâu thành vấn đề. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang, đồng trống, trong đó đều nên dụng tháp cúng dường. Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là Đạo tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn”. Rõ ràng Kinh đâu có phân biệt nơi chốn, hình tướng, đâu có đòi hỏi phải vô Chùa mới tu được.

Nếu có đọc Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, ta thấy Tổ Đạt Ma dạy: Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc, cạo râu. Hàng áo trắng (bạch y) vẫn là Phật. Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc, cạo râu vẫn là ngoại đạo.

Hỏi: Hàng áo trắng có vợ con, dâm dục không dứt, bằng vào đâu mà Thành Phật được?

Đáp: Tôi chỉ nói Thấy Tánh, chẳng nói dâm dục. chỉ cần Thấy Tánh mới vỡ lẽ rằng từ vô thỉ dâm dục vẫn là không tịch, chẳng có gì phải giả dối dứt trừ, mà cũng chẳng mắc vào dục lạc. Tại sao vậy? Vì Tánh mình vốn thanh tịnh vậy.

Cũng như câu hỏi vừa nêu trên. Nhiều người cho rằng những người có gia đình thì bị phạm 1 trong 5 Giới, như vậy làm sao mà Thành Phật. Chúng ta nên biết, TU PHẬT đúng nghĩa chỉ là để Thoát Khổ, để trở thành một con người tốt đẹp hơn. Do vậy, có gia đình hay không thì vẫn tùy phận mình mà TU được. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân cũng có nêu ra câu hỏi này: Ngài Ưu ba Ly hỏi: “Một người trước khi thụ Giới, đối với hết thảy nữ nhân, không phạm Giới dâm. Nhưng sau lấy vợ thì có phạm Giới Dâm không?

Phật đáp: Không phạm. Là vì đối với tất cả nữ nhân không được tà dâm. Nhưng đây là vợ mình thì không phải tà dâm, nên không phạm Giới đó. Lấy nghĩa đó mà suy ra thì tất cả đều thế”. Nói TÀ, tức là đối với CHÁNH. Đạo cũng không khác đời, điều gì xã hội công nhận, không vi phạm đạo đức, thì Đạo cũng không nói khác. Tuy nhiên, người Thọ Giới Xuất Gia thì đã được kính trọng bởi sự thanh tịnh của màu áo đệ tử nhà Phật, nếu có dính tới nữ sắc tức là Tà Dâm, là phạm Giới, không thể sau đó chuyển sang xưng là Thiền Sư là hết phạm Giới, vì cho rằng Thiền Sư thì có quyền có vợ! Người đã phạm Giới mà không can đảm hồi tục, vì ham danh, ham lợi dưỡng của đường tu, chứng tỏ họ đang tự dối, dối đời, dối cả Đạo. Như thế thì không xứng đáng rao giảng lời Phật. Người như vậy, càng giảng nói thì càng mang tội Vọng Ngữ, Vọng Hành mà thôi.

Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chư thiện Tri Thức. Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở Chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở Chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông Phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình là Tây Phương vậy”.

Vi thứ Sử hỏi: Ở nhà tu hành như thế nào? Tổ Đọc Bài Kệ gọi là VÔ TƯỚNG và dặn cứ y theo đó mà tu thì cũng như thường ở cùng Ngài một chỗ không khác. Bằng chẳng tu theo đó mà thế phát, xuất gia đối với Đạo cũng chẳng ích gì. Đại ý Bài kệ là “Nếu lòng bình đẳng thì không cần Giữ GIỚI. Làm việc ngay thì chẳng cần Tu Thiền. Hiếu dưỡng song thân. Đối với huynh đệ tương ái. Khiêm nhường, ôn hòa, đối đãi theo tôn ty. Nhẫn nhục, không làm điều ác. Cứ thế mà tu thì nơi bùn lấm sẽ nở đầy Sen đỏ. Dù nghe lời nghịch tai cũng nên xem như đó để nhắc nhở mình. Sửa lỗi lầm và làm cho Trí Huệ mở mang. Không làm quấy, trái lại nên làm phước, giúp người, nhưng cũng đừng lấy đó làm công đức, vì Đạo không phải do bố thí nhiều mà được. Đạo phải tìm ở nơi cái Tâm Thanh tịnh, không phải tìm ở bên ngoài”. Ngài dặn cứ y theo Bài Kệ này mà tu hành và tự Thấy Tánh mình thì chắc thành Phật Đạo.

Tất nhiên chúng ta không phủ nhận hình ảnh của những vị tu hành trang nghiêm làm cho mọi người nhìn vào làm tăng thêm lòng mến mộ Phật mà hướng tâm. Thời nào cũng cần chùa chiền và tu sĩ để làm giềng mối đạo. Nhưng không phải bất cứ ai Xuất Gia là có quyền giảng pháp, mà phải là người đã Thấy Tánh thì mới có thể hướng dẫn cho người khác, vì đầu tròn, áo vuông, Giới hạnh đầy đủ, mà chưa Thấy Tánh thì Tổ Đạt Ma dạy: “Nếu không Thấy Tánh mà nói pháp là ma nói”. Vì vậy, nếu bản thân ta chưa hiểu rõ về Đạo Phật và đường lối tu hành Giải Thoát mà còn lôi kéo thêm nhiều người khác bỏ hết việc đời để sống hiện đời mà không mang sức, tài đóng góp với xã hội, chỉ mong về Tây Phương Cực Lạc, thì rõ ràng ta đã làm cho kiếp sống của người tu trở thành vô ích, có lỗi với công sinh dưỡng của cha mẹ và cơm áo của cuộc đời.

Bởi Phật là nghĩa của Giải Thoát. Tây Phương Cực Lạc chỉ là phương tiện Phật dùng để dẫn dụ con người cải ác hành thiện. Cảnh đó thật ra ở trong Tâm của mỗi người, không phải của Phật nào bên ngoài. Lục Tổ dạy: “Người phàm mê muội, chẳng rõ Tánh mình, không biết Cõi Tịnh Độ trong thân mình nên mới nguyện Đông, nguyện Tây”. Và: “Nếu làm mười điều thiện thì cần gì phải nguyện vãng sanh. Còn nếu cưu mang 10 điều ác, thì Phật nào rước mình”.

Thật vậy, Tu Phật chân chính là TU TÂM, vì thế người tu đâu thể chỉ tập trung vào phần hình tướng. Ta có thể tạm dùng một thí dụ cho rõ thêm: Như một người đang học cách sản xuất rượu theo kiểu mẫu có sẵn. Nhưng họ quên rằng, ngoài bao bì, mẫu mã bên ngoài, thì quan trọng hơn là chất liệu bên trong. Như vậy, nếu ta chỉ tập trung o bế phần bao bì cho giống, mà không hoàn thành được chất rượu bên trong thì rõ ràng chưa thể nói là ta sản xuất được chai rượu đúng theo ý nhà sản xuất mà ta đang cố gắng thực hiện. Bao bì chỉ cần cho sản phẩm để chào bán. Hình tướng là để cho người ngoài đánh giá. Nếu bao bì chưa hoàn hảo, nhưng chất lượng bên trong không khác thì đã đạt được yêu cầu, vì người dùng cần uống rượu, đâu cần ngắm bao bì? Và ai cũng biết, việc tu hành có thành tựu hay không đâu có nhờ vào bề ngoài. Đức Thích Ca cũng dạy: “Nếu chiếc áo Ca sa có mãnh lực giải trừ Tham Sân Si thì cha mẹ hoặc người thân đứa bé chỉ cần khoác nó lên người khi đứa bé mới chào đời là đã được toại nguyện”. Người đời cũng nói: “Chiếc áo không làm nên thầy Tu”.

Hình ảnh Sư giả cũng mặc Y, mang bát đi khất thực khắp nơi, và Trụ Trì phá giới, chứng tỏ hình tướng không liên quan gì đến việc Tu Tâm. Như vậy, nếu người cư sĩ mà Giới hạnh nghiêm minh liệu ta nhất định không chấp nhận đó là người tu? Mục đích của Đức Thích Ca là muốn con người “Thoát Phàm ngay chính trong Phàm. Thoát Phiền Não ngay trong Phiền Não”. Nếu ta Thoát Phiền Não, thì ta đã đạt được mục đích của đạo, đâu cần có Đắp Y, Cạo Tóc hay không?

Cho đến thời này thì Chùa Chiền nở rộ khắp nơi. Tu lâu hay mau, biết nhiều hay biết ít cũng vẫn có thể mở ra giảng dạy, thu hút tín đồ! Tà sư, Chân sư khó thể phân biệt. Do vậy, mọi người cần nương Kinh điển, đọc cho kỹ, để thấy rằng Kinh dạy mọi người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có thể tu hành trong khi vẫn hoàn thành bổn phận với cha mẹ, vợ chồng, con cái, với xã hội, với cuộc đời. Đạo Phật phải phổ cập, phải thâm nhập vào mọi tầng lớp mới thật sự là điều Đức Thích Ca mong mỏi. Những người tuổi đang trẻ, sức khỏe dồi dào, việc học hành tiến bộ, hoặc đang kinh doanh thuận lợi một cách chân chính, có kiến thức, tay nghề xã hội đang cần, làm cho xã hội được phát triển hơn, giúp cho cộng đồng được tiến bộ hơn, thì đó là ta đang trực tiếp đóng góp cho cuộc đời, đang “Hành Bồ Tát Đạo”, đang trả Ân Đất Nước đã cưu mang ta. Tại sao phải bỏ tất cả để ở bên lề cuộc đời, mà không tiếp tục làm ăn, sinh sống một cách lương thiện, học hỏi kỹ thuật tiên tiến của thế giới để đưa dân tộc, đất nước đi lên. Một mặt nương Kinh sách để TU SỬA CÁI TÂM để thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sinh là Phật sẽ thành”?

Giàu đâu phải là một cái tội, nếu ta làm ăn chân chính, rồi tiền bạc dư thừa mang giúp cho người đang cần? Bill Gates và một số tỷ phú nước ngoài, vận động nhau lập quỹ, hiến một phần tài sản cho các công trình nghiên cứu lợi ích cho con người, so với Cất Chùa thì lợi ích nào thiết thực hơn? Ngài Duy Ma Cật, Thắng Man Phu Nhân, Mạt Lợi Phu Nhân là những người có gia đình mà vẫn tu hành thành tựu đâu cần phải bỏ vợ, bỏ chồng hay sống độc thân? Trong 33 vị Tổ, có nhiều Tổ được Truyền Y Bát khi chưa thế phát, xuất gia, điển hình là Lục Tổ Huệ Năng, cho ta thấy việc tu hành chân chính đâu có câu nệ hình tướng?

Khi Cái Tâm đã điều phục xong thì “Đi, Đứng, Nằm, Ngồi” đều tự tại. Thấy, Nghe, đều không động tâm, như vậy cần gì phải hành Tứ Oai Nghi bằng hình tướng? Tất cả những suy nghĩ đều hướng thiện thì cần gì phải diệt bỏ tư tưởng? Bởi Chư Phật có đến Tứ Vô Lượng Tâm, đâu có Vô Tâm! Chánh Niệm đâu có phải là không được suy nghĩ, mà là bỏ đi những tạp niệm vô ích. Kinh Phật là những lời dặn dò, là cách thức để ta đọc, hiểu cho cho rõ rồi hành trì theo, đâu phải để Tụng? Mỗi Hồng Danh Phật là một thành quả mà ta cần phấn đấu để đạt được: Thích Ca là Năng Tịnh. A Di Đà là Hào Quang soi suốt 10 phương không ngăn ngại. Quán Thế Âm là luôn lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh trong Tâm của mình để kịp thời cứu vớt, không để cho nó gây Nghiệp, đâu phải để chúng ta xướng lên hàng ngày? Phật Quốc hình thành nơi cái Tâm của mỗi người. Chỉ cần Sửa cái Tâm cho thanh tịnh là Phật Quốc hình thành. Cho nên Chùa cũng là đó, Đạo Tràng cũng là đó. Tây Phương, Đông Phương cũng ở đó, đâu đợi chết mới được về? Sám Hối là ngưng làm tội, đâu phải chỉ tụng bài Sám là xong! Tổ Đạt Ma dạy: “Bao giờ học Tâm thôi. Viên thành tướng chân thật. Chợt rõ bỏ ý tu”. Bởi ràng buộc ở Tâm, cho nên Tu Phật chính là SỬA TÂM, không phải SỬA TƯỚNG, nên chẳng cần “Đi” mà vẫn “Tu” được, vì thành tựu của Đạo Phật chỉ là cái Tâm hết chấp lầm, hết phiền não, điên đảo để cuộc sống được an vui. Dù ở Chùa hay ở nhà thì công việc tu hành cũng chỉ có thế. Những gì còn lại chỉ là để hỗ trợ mà thôi.

Con người là tài sản, là vốn quý của đất nước. Người tài là nguyên khí của quốc gia. Tài sao lại mang tài sản, nguyên khí làm thui chột bằng cách bỏ hết mọi việc, không học hỏi những khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để phát triển đất nước, mà chỉ Tụng kinh, Niệm Phật để cầu Phật Độ, trong khi Phật chưa hề hứa độ cho ai, mà Ngài nói rằng mình chỉ đưa ra Giáo Pháp để người thực hành theo sẽ được Giải Thoát? Những người cổ súy cho việc bỏ đời tìm đạo ắt không có đọc Kệ của lục Tổ Huệ Năng: “Phật Pháp tại thế gian. Không rời thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian để tìm Bồ Đề thì cũng như tìm sừng thỏ”. Và: “Bỏ đời mà tìm Đạo. Chung thân Đạo khó vào” Kinh DPLH có Kệ: “Xá Lợi Phất nên biết. Ta muốn tất cả chúng. Bằng như ta không khác”. Ngài đâu có yêu cầu mọi người thờ Ngài, mà muốn tất cả đều Thành Phật như Ngài.

Có lẽ chúng ta nên trả lại cho Đạo Phật hình ảnh giản dị, trong sáng, không dựa vào thần thánh tưởng tượng, mà thực hành theo Chánh Pháp. Phải chăng, nếu xã hội mà mọi người vẫn sinh sống một cách bình thường, người nào, việc ấy, chỉ cần hành Thiện pháp, không tranh chấp, hơn thua, không hại người, không gian tham, trộm cắp, dối trên, lừa dưới… thì trần gian đâu còn hỗn loạn nữa. Một xã hội an vui. Đất nước hòa bình. Mọi người tha thứ, HỈ, XẢ cho nhau, và áp dụng Tâm Từ, Bi của Đạo, cùng yêu thương, giúp đỡ, san sẻ cho nhau thì đó chẳng phải là Niết Bàn tại thế hay sao? Sống an, chết lành. Có tái sinh cũng về nơi tốt đẹp. Trần gian như thế đâu còn là bể khổ để phải xa lánh? Cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản như thế đâu thể gọi là trầm luân?

Đạo Phật đã trải qua mấy ngàn năm rồi. Giáo Lý cũng cần soi rọi để áp dụng cho đúng, loại bỏ những gì thừa thải, không cần thiết, để mọi người đều có thể áp dụng và đạt kết quả. Lời Phật đã lần lượt được các Tổ khai sáng trong các Kinh Đại Thừa. Thế nhưng, đến nay có nhiều vị tiếp tục bài bác Kinh Đại Thừa do các Tổ phổ biến, cho đó là ngụy tạo, để máy móc giữ y theo hình thức như ngày Phật mới thành lập Tăng Đoàn. Họ quên rằng Tổ chính là Phật đương thời thuở đó. Chính Đức Thích Ca đã Truyền Y Bát cho Tổ đầu tiên, và dặn dò người sau kế tục. Người đã chứng đắc thì thời trước, thời sau đều giống nhau, bởi Trí, Hạnh đều như nhau. Các vị đó nghĩ gì về việc Truyền Y Bát? Không lẽ ngay cả lời Đức Thích Ca đối với các vị đó cũng không có giá trị? Và không biết dựa vào đâu mà các vị tự cho mình đúng hơn Phật, Tổ?

Ngũ Tổ dạy: “Nếu không thấy Bổn Tâm thì học pháp vô ích”. Như vậy, nếu ta chỉ chú trọng hình tướng mà không THẤY BỔN TÂM thì tu ở đâu? Kết quả là gì? Do đó, nếu ta đọc kinh với tinh thần: Không Y Kinh mà cũng không Ly Kinh, mà tìm hiểu cho rõ rồi “Y pháp tu hành” thì chính là ta đang nương theo ánh sáng trí huệ của bậc đi trước để mồi cho chính mình. Kinh viết: “Ba đời Chư Phật đều nương trí huệ mà đắc vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, mà Trí Huệ có là do Quán Sát, Tư Duy, không phải chỉ do Nghe và Tin lời Thầy hay người đi trước truyền lại. GIA mà ta cần XUẤT chính là “NHÀ LỬA TAM GIỚI” chẳng phải là nhà thế tục. CẮT ÁI không phải là cắt tình cảm cha mẹ, vợ chồng, con cái… mà ngưng không ÁI LUYẾN cái Thân và những phương tiện để phục vụ cho nó. Bởi chính vì yêu quý nó mà con người đã tạo đủ thứ tội, gây đủ thứ nghiệp, rồi triền miên trong vòng Luân Hồi Vay, Trả, Trả, Vay. Cho nên, Hiểu cho rõ. Hành cho đúng. Đó là những gì mà ta cần làm để không phí uổng một kiếp tu hành và có lỗi với người khai sáng Đạo Phật vậy.

(Tâm Nguyện – Vườn hoa Phật giáo)