Ông già Nô-en là nhân vật đóng vai trò gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông trong ngày lễ này.
Hình ảnh tiêu biểu của ông là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười “hô hô hô”, tồn tại trong nhiều nền văn hoá khác nhau, đặc biệt ở các nước phương Tây.
Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều lá thư từ trẻ em khắp thế giới. Vào mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi tám con nai to có sừng nhiều nhánh (thường gọi là tuần lộc) để mang quà và đồ chơi cho các trẻ em ngoan ngoãn, hiền lành, nghe lời cha mẹ … (good children). Ông ngừng xe trên nóc nhà và mang quà xuống bằng đường ống lò sưởi. Ông có một danh sách các trẻ em “hư” hay “ngoan” trên khắp thế giới.
Một bài hát trong năm 1934 có tiêu đề là “Santa Claus Is Coming to Town” đã nổi tiếng và được truyền tụng mãi tới nay. Đại ý bài hát nói rằng: “Ông già Nô-en sắp tới đấy. Con phải coi chừng. Đừng khóc lóc. Đừng bĩu môi hờn dỗi. Ông già Nô-en có một danh sách trong đó ghi đứa trẻ nào hư đốn đứa trẻ nào dễ thương. Cho nên con phải ngoan nhé!” Trích đoạn đầu bài hát:
You better watch out
You better not cry
Better not pout
I’m telling you why
Santa Claus is coming to town
He’s making a list
And checking it twice;
Gonna find out Who’s naughty and nice
Santa Claus is coming to town
He sees you when you’re sleeping
He knows when you’re awake
He knows if you’ve been bad or good
So be good for goodness sake!
Năm 1897, trên tờ The Sun của New York, xuất hiện một bài viết với nhan đề: “CÓ ÔNG GIÀ NÔ-EN HAY KHÔNG?” Năm ấy, có một cô gái nhỏ tên là Virginia. Cô bé tin tưởng là có ông già Nô-en. Nhưng một số bạn cô không được may mắn nên nói với cô rằng không có ông già này đâu khiến Cô hoài nghi. Cô hỏi bố rằng “Có ông già Noel hay không?” Ông bố gợi ý là con hãy viết thư hỏi tờ báo The Sun khá nổi tiếng vào thời kỳ đó. “Nếu tờ The Sun nói thế nào thì đúng như vậy đó”.
Bức thư của cô được gửi đi ngay trước Noel 1897 và được trả lời bằng một bài báo viết vội ngay vào lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn cho số Giáng Sinh. Bài báo có tựa đề là: “CÓ CHỨ, VIRGINIA, CÓ ÔNG GIÀ NÔ-EN” (Yes, Virginia, there is a Santa Claus).
Thư của bé Virginia như sau:
“Thưa ông chủ bút: “Con lên 8 tuổi. Một vài người bạn nhỏ của con nói rằng không có Ông già Nô-en. Bố nói là “Nếu thấy được chuyện đó trên tờ báo Sun thì đúng đấy.” Ông làm ơn cho con biết sự thật ra sao; có ông già Nô-en hay không?
“Virginia O’Hanlon, 115 West Ninety-Fifth Street.”
Đây là bài báo trả lời đăng trên báo The Sun:
“Virginia, các bạn nhỏ của con đều sai lầm. Chúng bị ảnh hưởng bởi thái độ hoài nghi của một thời đại hoài nghi. Chúng không chịu tin trừ khi chính mắt thấy. Chúng nghĩ rằng nếu cái trí óc nhỏ bé của chúng mà không hiểu được tức là việc đó không có thật. Virginia, tất cả đầu óc dù là của người lớn hay của trẻ con đều nhỏ hẹp hết. Trong cái vũ trụ rộng lớn của chúng ta, con người chỉ như một con sâu cái kiến; với cái trí tuệ của họ khi so sánh với vũ trụ bao la bên ngoài, làm sao họ có khả năng trí óc để nắm bắt được trọn vẹn tất cả những chân lý và kiến thức.
Đúng vậy đó, Virginia, có ông già Nô-en đấy. Ông ta chắc chắn có thật cũng như là tình thương yêu, lòng rộng lượng và sự tận tâm cũng có thật vậy, và con nên biết rằng những cái đó còn có rất nhiều nữa đấy đồng thời dâng hiến cho cuộc sống của con cái tốt đẹp hạnh phúc nhất. Than ôi! Không biết thế gian này sẽ thê lương ra sao nếu không có ông già Nô-en. Cũng ảm đạm biết bao nếu như không có những cô bé mang tên Virginia.
Khi đó sẽ không có niềm tin thơ ngây của con trẻ, không có thơ văn lãng mạn tô điểm cõi nhân gian này. Chúng ta sẽ không có niềm an vui nào trừ khi có thể nhận thức được và nhìn thấy được. Cái ánh sáng bất diệt mà tuổi thơ ấu toả ra đầy thế gian sẽ bị dập tắt hết luôn.
Nếu không tin có Ông già Nô-en! Vậy con cũng không tin có thần tiên! Con có thể xin bố con mướn người canh gác trong tất cả các ống khói lò sưởi vào đêm Giáng Sinh để bắt được ông già Nô-en, nhưng nếu họ không bao giờ thấy ông già Nô-en nào chui xuống, điều này sẽ chứng minh được chuyện gì? Chưa ai từng thấy ông già Nô-en, nhưng như thế đâu có nghĩa là không có ông già Nô-en. Những gì mà có thật nhất trên thế gian là những cái mà cả trẻ con lẫn người lớn không thể nhìn thấy được. Con có bao giờ thấy những nàng tiên nhảy múa trên bãi cỏ không? Tất nhiên là không, nhưng cái đó không phải là bằng chứng tỏ ra rằng các nàng tiên không có mặt ở đó. Không ai có thể nhận thức hay tưởng tượng ra được tất cả mọi điều kỳ diệu vô hình và không nhìn thấy được ở trên thế gian.
Con có thể tháo tung cái đồ chơi lúc lắc của em bé để xem cái gì tạo ra tiếng động ở trong đó, nhưng có một cái màn che phủ cái thế giới vô hình, cho dù người khoẻ nhất hay ngay cả một tập thể sức mạnh của tất cả những người khoẻ nhất trên đời này cũng không thể nào phá vỡ được. Chỉ có niềm tin, óc tưởng tượng, thơ phú, tình yêu, văn chương lãng mạng mới gỡ bỏ được cái tấm màn này để quan sát và hình dung ra cái vẻ đẹp siêu phàm và quang vinh sau đó. Tất cả đều có thật không? Ồ Virginia ơi, mọi thứ trên cõi đời này không có gì khác thật sự và lâu dài cả.
Không có ông già Nô-en! Tạ ơn Trời! Ông già Nô-en có đấy và ông ấy tồn tại mãi mãi. Một ngàn năm sau, Virginia à, ồ không cả mười lần chục ngàn năm về sau này, ông ấy sẽ tiếp tục đem niềm vui tới tâm hồn của tuổi ấu thơ.”
Tác giả của bài báo trả lời bé Virginia chỉ được công bố tên thật sau khi ông mất. Đó là Francis Pharcellus Church, một cây bút bình luận của tờ The Sun, lúc ấy 57 tuổi. Ông là một phóng viên chiến trường thời Nội chiến Mỹ, một thời kỳ chứng kiến rất nhiều người trong xã hội mất đi niềm tin và hy vọng. Francis Pharcellus Church qua đời năm 1906.
Theo Viện Bảo tàng Báo chí ở Arlington (Virginia) bài viết trả lời này đã được in lại nhiều nhất trong lịch sử báo chí Hoa Kỳ. In liên tục mỗi năm vào dịp lễ Giáng Sinh trên tờ The Sun cho đến năm 1949 khi tờ báo bị đóng cửa. Được dịch ra nhiều thứ tiếng và được trích đăng trong nhiều sách báo trên toàn thế giới.
Còn Virginia O’Hanlon sau đó lấy lại niềm tin là có ông già Nô-en. Virginia lớn lên và tốt nghiệp Hunter College với bằng Bachelor of Arts năm 1910. Bà đậu thêm bằng Master tại Columbia năm 1911. Năm 1912, bà khởi sự làm giáo viên trong 47 năm ở New York City và sau này trở nên hiệu trưởng. Bà mất năm 1971 ở tuổi 81. Hành trang cho sự nghiệp giáo dục của bà Virginia là lá thư phúc đáp của ông Church mà Bà cho biết đã mang theo mình suốt cả cuộc đời.
Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi có lá thư thắc mắc của cô bé Virginia, nhưng lý lẽ của ông Church vẫn tiếp tục tồn tại. Bởi nó không chỉ là bài báo trả lời về việc có hay không có ông già Nô-en. Thật ra phải nói nó là thông điệp của lòng tin vào những giá trị cao quý nhất của nhân loại.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(sưu tầm và chuyển ngữ, 12-2013)