Sau khi nhập Niết bàn Đức Phật Thế Tôn thường hóa thân xuống dương trần để dẫn độ những người có từ tâm và tu hành sắp thành chánh quả.
Mỗi khi Ngài đến nơi nào thì hào quang sáng lên tỏa ra, nhưng đặc biệt chỉ người nào quyết tâm tu luyện và giữ đúng giới hạn mới nhìn thấy. Còn những người nào còn nặng lòng tham , sân, si không nhìn thấy gì cả và cũng không biết có Đức Thế Tôn đi qua.
Những người có huệ căn được vinh dự nhìn thấy Ngài đều quỳ lậy Ngài để tỏ lòng tin phục. Những người này đều nhìn thấy ve áo trước ngực Ngài có một con rùa vàng đang ngậm hai bấu áo tạo thành một chiếc khuy áo rất đẹp.
Ngài mặc một chiếc áo vàng tươi tỏa ra muôn ánh hào quang lấp lánh chiếu vào lưng con rùa khiến toàn thân nó cũng vàng rực lên.
Các nhà tu hành đều ao ước được vinh dự như chú rùa vàng để có dịp gần gũi Đức Phật và theo hầu Ngài đi đây đi đó.
Thấy mọi người đều chăm chú nhìn mình với con mắt thèm muốn chú rùa vàng đắc chí lắm. Chú định bụng khi nào rỗi rãi sẽ xuống dương trần dạo chơi vài ngày cho thỏa trí.
Lợi dụng cơ hội này, chú rùa vàng liền xuống dương trần chơi. Chú đi, đi mãi càng đi lại càng thích thú vì mọi khi đi theo đức phật chú không được tự do, và nhất là phải im lặng suốt ngày không được há mồm nói chuyện với ai. Không phải Đức Phật cấm chú không được nói chuyện mà công việc của chú không cho phép chú nói chuyện bởi vì nếu há miệng ra chiếc áo choàng của Đức Phật sẽ bung ra.
Một hôm chú gặp một con sông rất lớn chắn ngang đường đi, mà không có thuyền bè gì cả.
Chú không biết làm thế nào để qua sông. Không phải chú không biết lội,n hưng chú không dám lội vì dòng công quá bẩn thỉu. Chú sợ lội xuống khi về mang chất dơ bẩn của dương trần có thể làm ô uế chiếc áo của Đức Phật.
Chú đang phân vân định quay trở lại. Đột nhiên nước sông tự nhiên nổi cuộn lên tạo thành những làn sóng đập mạnh vào bờ.
Chú đang ngạc nhiên không biết loài thủy quái nào cả gan dám giỡn trước mặt chú, thì ở giữa dòng sông nổi lên một con cá sấu rất lớn đang hướng về phía chú bơi lại.
Con cá sấu này dài gần căn nhà ba gian,toàn thân đen sùi như sắt.
Khi tới bờ con cá sấu nhìn chú rồi gập đầu ba lượt rồi nói:
– Kính chào bác rùa, bác thật là người tốt số nên mới được luôn luôn hầu hạ Đức phật Thế Tôn.
Chú rùa vàng đắc chí đáp lại : Không dám, chào chú sấu, hôm nay chú đi đâu đó?
Cá sấu gật đầu ba cái nói : Tôi muốn nhờ bác một chuyện không biết bác có chịu giúp tôi không?
– Được chú cứ nói. Đức Phật vẫn dạy tôi là giúp được một người công đức vô lượng.
Cá sấu cả mừng nói: Nếu bác gặp được Đức Phật, bác tâu dùm tôi, tôi đã tu luyện nhiều năm gìn giữ giới luật không sát hại loài người, không ăn thịt chỉ ăn rau cỏ mà tại sao tới ngày nay tôi vẫn chưa thành chánh quả.
Chú nhận lời và nhờ cá sấu đưa sang sông. Chú lại tiếp tục đi. Lần này chú gặp phải một ngọn núi cao ngút tận mây xanh chắn mất lối.
Chưa biết phải làm sao. Thì một con chim đại bàng rất lớn ở trên trời sà xuống cúi đầu chào chú.
Chú rùa liền nhờ chim đại bàng đưa chú vượt qua quả núi. Chim đại bàng nằm phục xuống để chú rùa trèo lên lưng bay lên cao vượt qua ngọn núi.
Dọc đường chim đại bàng cũng nhờ chú tâu với Đức Phật là hắn đã tu luyện nhiều năm, ăn chay trường, cứu giúp người và thú bị thương hoặc bị hà hiếp mà sao chưa thành chưa thành chánh quả.
Chú rùa nhận lời. Khi sang tới bên kia núi, chú rùa đi mãi đến một làng nọ gặp một ông sư đang ngồi ủ rũ một mình, hai mắt còn đỏ hoe vì nước mắt.
Vị sư trông thấy chú rùa vội sụp xuống vái lạy.
Chú rùa hỏi : Sao ngài biết tôi?
Vị sư nói : Tôi đã có dịp trông thấy ngài khi Đức Thế Tôn vẫn đi qua đây.nếu ngài gặp Đức Thế Tôn xin ngài tâu dùm tôi tu luyện từ thủa nhỏ, công đức cũng đã nhiều mà tôi vẫn phải gặp nhiều nghiệp chướng. Mới đây mẹ tôi lại bị quân cướp giết chết. Còn tôi cũng chẳng được yên thân vì bị dân làng xua đuổi.
Chú rùa nhận lời. Nhưng khi trở về hầu hạ Đức Phật, chú rùa chưa có dịp nào để tâu trình các điều mà người khác đã sở cậy.
Một hôm chú rùa đi theo Đức Phật xuống trần thế. Chú rùa gặp một con rắn tu luyện đã lâu năm và có nhiều phép thuật.
Con rắn thấy chú rùa ngậm bấu áo của Đức Phật liền hỏi chú rùa : Con rùa xảo quyệt kia, mày là người của Phật mà sao lại nói không giữ lời?
Chú rùa bực lắm, nhưng không dám trả lời.
Con rắn lại mắng : Con rùa hèn mạt kia. Mày không dám tâu trình thì đừng nhận lời. Mày là đồ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú.
Chú rùa tức lắm định tâu trình sự việc cho Đức Phật nghe để con rắn biết tay. Nhưng khi vừa mở mồm ra, chiếc áo của Đức Phật bung ra và chú rùa bị rơi xuống chân núi bị thương rất nặng.
Đức Phật nói: Thiện tai! Thiện tai! Nói xong Ngài chỉ tay làm phép nâng chú rùa lên để chữa vết thương. Khi vết thương đã lành, chú rùa ăn năn hối lỗi cầu Đức Phật tha tội.
Đức Phật nói : Con rùa bé nhỏ kia. Mi đã xao lãng bổn phận của mi, quên lời ta dạy. Ta không thể cho mi theo hầu hạ ta nữa.
Chú rùa khóc lóc năn nỉ cầu xin.
Đức Phật lắc đầu nói : Mi lòng trần còn nặng, kể từ nay ta bắt mi xuống trần sinh sống để suy ngẫm về những việc mi đã làm.
Chú rùa khóc lóc thưa : Kính thưa Đức Thế Tôn, xin Ngài thương con nhỏ bé, làm sao sống được với loài người hung dữ kia.
Đức Phật mỉm cười nói : Mi khỏi lo ta sẽ cho mo môt bạo vật có thể che chở cho mi chống lại với các sự nguy hiểm.
Nói xong, Đức Phật phất tay một cái. Chú rùa vàng biến thành chú rùa đen có một cái mai rất dày. Mỗi lần cần đi kiếm ăn hoặc di chuyển chú mới thò cổ ra ngoài và cũng kể từ đấy chú rùa xuống sinh sống tại hạ giới cho đến ngày nay.
Ngô Văn Doanh – Quế Lai (1990), Truyện cổ Thái Lan, NXB Trẻ, TP.HCM
Đánh máy: Nhuận Đoan
Theo Phật Pháp Ứng Dụng