Nước Tống có người nhặt được viên ngọc quý.  Anh mang đến biếu quan Tư Thành là Tử Hản.  Tử Hản không nhận, người được ngọc cố nài: 
–         Bẩm thượng quan, đây là viên ngọc rất quý và hiếm có, ai cũng công nhận điều ấy, xin ngài nhận cho tôi được vui. 

Tử Hản đáp: 
–         Chú cho ngọc là quý, còn ta, ta cho tánh không tham là của quý. Chú mang ngọc cho ta nếu ta nhận thì cả hai đều mất cái mà mình cho là quý nhất, chi bằng của quý ai thì người ấy giữ. 

Người được ngọc thưa: 
–         Chúng tôi là thường dân mà được ngọc thì dù biết là của quý, nhưng nếu cố giữ thì sẽ thành họa. Vì thế mới mạo muội đến dân lên Ngài.

Tử Hản bèn gọi thợ ngọc đến bán dùm viên ngọc. Xong ông trao tiền cho người được ngọc mang về. 

PC: Tổ Bát Nhã Ba La được nhà vua dâng cúng một hạt bảo châu vô giá. Vua có ba vị hoàng tử. Tổ cầm ngọc hỏi các vị hoàng tử rằng: 
–         Trên thế gian này còn cái gì quý hơn viên ngọc này không? 

Hai vị hoàng tử lớn đều đồng ý nhau rằng viên ngọc là quý nhất. Duy có vị hoàng tử út thưa: 
–        Bạch thầy còn có một thứ quý hơn nữa đó là trí tuệ!
–        Làm sao chứng minh được điều đó?
–       Thưa, viên ngọc này chỉ là một vật vô tri, nó không thể tự xác định là quý hay tiện.  Phải nhờ trí huệ của loài người nhận định, nó mới trở thành một viên bảo châu vô giá, bằng không, nó chẳng hơn một hòn sỏi. 

Tổ khen nhận. Về sau vị hoàng tử thông minh này xuất gia. Ðó chính là Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma. 

Em thân mến! Với thế nhân “của quý” là ngũ dục, tức là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ. Kẻ sĩ biết đạo thì cho “của quý” là những đức tánh như không tham, không sân…Riêng tăng đồ nhà Phật thì quý nhất là trí huệ. Chính nhờ có trí huệ soi thấu bản chất của vạn hữu mà chúng ta mới biết được tánh chất vô thường, huyễn ảo của ngũ dục. Cũng nhờ trí huệ mà chúng ta hiểu ra rằng thiện ác, tốt xấu, thị phi… chỉ là những phân chia giả định của loài người. Và cũng chính trí huệ là cái bền vững còn lại giữa thế gian vô thường sinh diệt này. Có lẽ vì thế mà trong kinh điển nhà Phật thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Duy tuệ thị nghiệp” nghĩa là: “Chỉ có trí tuệ là sự nghiệp” chăng?

Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy